Biến thể Omicron báo hiệu chấm dứt đại dịch?

Omicron đang lây lan cực kỳ nhanh chóng và gây bệnh nhẹ hơn Delta. Phải chăng biến thể này có thể là một món quà trời cho? Diễn biến ở các nước châu Âu cho thấy có thể Omicron sẽ mang tới dấu hiệu chấm dứt đại dịch.


Liệu rồi đây chúng ta lại có thể bỏ khẩu trang?

Một vài tuần trước nhiều nước châu Âu vô cùng lo lắng trước biến chủng mới vì nó lây lan nhanh hơn mọi biến thể trước đó, đến mức nhiều nước thi hành các biện pháp nghiêm ngặt chống biến thể Omicron. Ở Đức, ngay cả những người tiếp xúc với người mắc biến chủng Omicron cũng bị cách ly 14 ngày. Giờ đây thì các biện pháp phòng ngừa, kể cả tiêm đến ba mũi vẫn không giúp giảm lây lan được bao nhiêu. Số ca nhiễm mới vào đêm giao thừa cao hơn 19% so với một tuần trước đó. Theo Viện Robert Koch (RKI), Omicron đã chiếm hơn 17% trong các ca lây nhiễm ở Đức và thúc đẩy mạnh quá trình lây nhiễm. 

Chính sự lây lan mạnh này làm nảy sinh câu hỏi liệu các biện pháp quyết liệt đang triển khai có thực sự còn hợp lý hay không. Nếu Omicron thắng thế, nếu các quy tắc chống dịch không thay đổi, hàng trăm nghìn người sẽ lâm vào tình trạng bị cách ly tại nhà. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hạ tầng cơ sở y tế vốn đã rất căng thẳng.
Chính do tình trạng này nên Hoa Kỳ và Israel đã thay đổi quy chế cách ly. Đức cũng dự định xem xét vấn đề này trong những ngày đầu năm. Xu hướng là nới lỏng quy chế cách ly.  

Các đặc điểm dịch tễ của biến thể Omicron có thể gây ra sự thay đổi trong toàn bộ chính sách chống corona? 

Trước hết phải khẳng định không thể ngăn chặn Omicron. Số liệu ở Pháp cho thấy có ngày ở nước này có tới 208.000 ca lây nhiễm, trong đó tỷ lệ nhiễm Omicron là 62%. Thứ hai, theo phát hiện ở Anh và Nam Phi thì biến thể này ít gây ra tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn hẳn so với các biến thể trước đó.

Tại Israel, các quan chức chính phủ thậm chí đang thảo luận về việc có nên chuyển sang mô hình lây nhiễm hàng loạt, từ đó cho phép lây nhiễm tự nhiên. Tất nhiên, điều kiện để thực hiện được điều này là trước đó dân chúng đã được đảm bảo bằng cách tiêm chủng. Chiến dịch tiêm vaccine mũi thứ tư cho các nhóm nguy cơ cao ở Israel đã bắt đầu được triển khai. 

Các nhà khoa học Đức tỏ ra nghi ngờ. Mặc dù tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở Đức (71%) và Israel (64%) là tương tự, ở Đức có nhiều lo lắng, nếu hủy bỏ các hạn chế thì những người chưa tiêm chủng sẽ nhanh chóng bị bệnh phải đến bệnh viện, gây quá tải cho hệ thống y tế. 

Đó là lý do tại sao Đức vẫn đang thiên về chính sách hãy làm “phẳng đường cong”, các con số lây nhiễm nên được giữ ở mức vừa phải để các cơ sở y tế không bị quá tải. “Quá trình lây nhiễm Omicron diễn ra rất nhanh có khả năng gây ra các vấn đề lớn. Điều quan trọng là ít nhất hãy trì hoãn nó một chút”, nhà dịch tễ học Hajo Zeeb từ Viện Nghiên cứu Phòng ngừa và Dịch tễ học Leibniz ở Bremen, Đức cho biết.

Trước diễn biến mới, giới chuyên môn đang thảo luận liệu rằng Omicron có phải là một điềm may mắn với nhân loại. Ông Florian Klein, lãnh đạo Viện Virus học Đại học Köln, Đức cho rằng “lây nhiễm dẫn mà không gây ra các ca bệnh nặng thì thực sự rất có lợi. Tuy nhiên chúng ta phải tính đến chuyện sẽ có nhiều người bị lây nhiễm nhiều hơn đáng kể do đó sẽ có nhiều ca bị bệnh nặng”.

Chuyên gia dịch tễ học Gérard Krause thuộc Trung Tâm  Helmholtz về nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Đức lại thận trọng hơn nhiều, vì Omicron chưa chắc là biến thể cuối cùng của đại dịch này. Có thể còn có các biến thể tiếp theo và các làn sóng dịch sẽ chồng đè lên nhau, nhưng nhìn chung do tiêm chủng tăng cường và lây nhiễm lặp đi lặp lại đã tạo được khả năng miễn dịch cơ bản nhất định, do đó, tình trạng quá tải các bệnh viện sẽ giảm đi.

Nhìn chung, các nhà chuyên môn đều đặt kỳ vọng Omicron sẽ khiến COVID trở thành bệnh đặc hữu, và không còn là mối đe dọa đến hệ thống y tế khi có quá nhiều người mắc bệnh. □

Xuân Hoài lược dịch 
Nguồn bài và ảnh: https://www.welt.de/politik/deutschland/plus235976346/Omikron-Bedeutet-dass-das-Virus-keine-relevante-Bedrohung-mehr-fuer-das-Gesundheitssystem-darstellt.html

Tác giả