Bước tiến quan trọng trong chẩn đoán bệnh Alzheimer

Các nhà khoa học Anh Quốc vừa đạt được “một bước tiến quan trọng” trong việc dùng biện pháp thử máu để chẩn đoán sớm khả năng mắc bệnh Alzheimer [1].

Kết quả nghiên cứu tiến hành đối với hơn 1.000 bệnh nhân cho thấy biện pháp sử dụng một nhóm protein trong máu để chẩn đoán khả năng mắc bệnh sa sút trí tuệ ở tuổi già – tức bệnh Dementia, [2] đạt độ chính xác tới 87%.

Phát hiện này được công bố trên tạp chí Bệnh Alzheimer và bệnh Dementia («Alzheimer’s &Dementia», xuất bản ở Anh Quốc), sẽ được giới y học sử dụng để cải tiến các dược phẩm thử dùng cho người mắc bệnh Dementia.

Cho tới nay mọi nghiên cứu về điều trị bệnh Alzheimer đều chưa có tiến bộ. Trong thời gian từ năm 2002 đến năm 2012, tỷ lệ thất bại của các thí nghiệm khoa học nhằm đề phòng và điều trị bệnh Alzheimer lên tới 99,6%.

Giới y học tin rằng trên thực tế các triệu chứng bệnh Alzheimer đã xuất hiện từ khoảng 10 năm trước khi phát bệnh; các thí nghiệm sở dĩ thất bại là do đối tượng nghiên cứu đều là những bệnh nhân đã phát bệnh, khi họ được điều trị thì đã quá muộn. Bởi lẽ đó, sớm chẩn đoán bệnh sẽ là một trong những điều kiện tiên quyết quan trọng để ngăn ngừa bệnh Dementia.

Một nhóm nhà khoa học ở các trường đại học kết hợp với các chuyên gia ngành công nghiệp đã tiến hành nghiên cứu sự khác biệt về chất protein trong máu của hơn 1.000 đối tượng điều tra. Số này gồm 452 người khỏe mạnh không có trở ngại về trí tuệ, 220 người có trở ngại về trí tuệ ở mức độ nhẹ và 476 người mắc chứng Alzheimer.

Căn cứ theo kết quả thử máu, nhóm nghiên cứu đã chẩn đoán chính xác 87% số người gặp trở ngại trí tuệ mức độ nhẹ sang năm thứ hai phát triển thành mắc bệnh Alzheimer.

Người phụ trách nhóm nghiên cứu là Giáo sư Simon Lovestone của Đại học Oxford nói, mục đích của nghiên cứu này nhằm có thể sớm chẩn đoán người mắc bệnh Alzheimer.

Hiện nay toàn thế giới còn chưa có kỹ thuật chẩn đoán sớm bệnh Alzheimer. Một số người thấy mình gặp trở ngại về trí tuệ bèn đến khám bệnh ở bệnh viện, song vì chưa có biện pháp chẩn đoán nên bác sĩ chỉ có thể dặn họ năm sau đến khám lại, nhưng khi đến khám lần thứ hai thì họ đã mắc thứ bệnh bất trị này rồi.

Bác sĩ Ian Pike, chuyên viên trưởng tại cơ quan Proteome Sciences nói: Xác định chỉ tiêu protein trong máu thực sự là bước tiến quan trọng trong chẩn đoán bệnh Alzheimer; công việc đó cần tiếp tục tiến hành trong vài năm nữa và cần thực hiện đối với càng nhiều bệnh nhân thì mới có thể thực sự khẳng định khả năng sử dụng biện pháp này trong lâm sàng; hiện nay chúng ta có thể tiến nhanh tới mục tiêu đó.

Bác sĩ Eric Karran Giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Alzheimer Anh Quốc (Alzheimer’s Research UK) nói, đây là một bước quan trọng tiến theo hướng chứng minh có thể đề phòng và điều trị được bệnh Alzheimer; dĩ nhiên điều đó chưa thể lập tức làm được ngay. Ông cho rằng hiện nay ít nhất đã tìm được một biện pháp chẩn đoán sớm người mắc bệnh và nhờ đó bệnh nhân có thể được tham gia các thí nghiệm điều trị lâm sàng một cách sớm nhất, tạo điều kiện để các thầy thuốc thử nghiệm các loại thuốc điều trị hữu hiệu.

Nhưng bác sĩ Karran nói, xét nghiệm chất protein trong máu chưa có khả năng quá lớn dùng làm biện pháp duy nhất để chẩn đoán bệnh Alzheimer; trong sử dụng lâm sàng còn phải kết hợp với việc xét nghiệm các chỉ tiêu khác, kể cả làm scan não hoặc xét nghiệm tủy sống (spinal fluid).

Trên toàn thế giới hiện nay có 44 triệu người mắc chứng sa sút trí tuệ; đến năm 2050 con số đó sẽ lên tới 135 triệu người – một tỷ lệ cao đáng sợ! Khi ấy 71% số người này là người nghèo hoặc thu nhập trung bình; phí tổn toàn cầu chi cho việc chữa bệnh sa sút trí tuệ sẽ lên tới 600 tỷ USD.

Hải Hoành dịch theo bbc.com

[1] Lấy tên theo Alois Alzheimer, vị bác sĩ đã phát hiện bệnh này năm 1906; còn gọi là bệnh AD (Alzheimer disease), tức bệnh mất trí nhớ ở tuổi già; bệnh này chưa có cách chẩn đoán, đề phòng và điều trị; người bệnh thường chết khoảng bảy năm sau khi phát hiện bệnh.

 [2] Còn gọi là bệnh đần độn; dạng thông thường nhất của Dementia là Alzheimer.
Nguyễn Hải Hoành lược dịch theo
– http://www.bbc.com/news/health-28198510. Alzheimer’s research in ‘major step’ towards blood test

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)