Các loài dã thú đã trở về vùng Chernobyl

Hiện nay số lượng thú rừng sống tại Chernobyl đã "vượt xa thời gian trước khi xảy ra vụ rò rỉ phóng xạ ở đây", nơi từng xảy ra thảm họa hạt nhân vào năm 1986 với lượng phóng xạ gây ra lớn gấp 400 lần lượng phóng xạ từ quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima năm 1945.

Căn cứ theo kết quả điều tra lâu dài đối với các loài động vật có vú sống trong vùng cách ly ở Chernobyl, các nhà nghiên cứu cho biết hiện nay số lượng thú rừng sống tại vùng này đã “vượt xa thời gian trước khi xảy ra vụ rò rỉ phóng xạ ở đây”. Vùng cách ly này bao quanh nhà máy điện hạt nhân Chernobyt 30 km. Tại đây ngày 26/4/1986 từng xảy ra thảm họa hạt nhân lớn nhất thế giới khi lượng phóng xạ gây ra lớn gấp 400 lần lượng phóng xạ từ quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima năm 1945.

Kết quả tổng kiểm kê động vật nói trên được đăng trên tạp chí Sinh vật hiện đại (Current Biology).

Giáo sư Jim Smith của Đại học Portsmouth (Anh quốc) phụ trách công tác nghiên cứu nhấn mạnh, kết quả này “hoàn toàn không nói lên rằng bức xạ hạt nhân là có ích cho động vật hoang dã”.

“Điều đó chỉ cho thấy việc săn bắt thú rừng, chăn thả gia súc và chặt cây rừng sau khi con người định cư đem lại sự phá hoại càng lớn”.

Sự xuất hiện của các loài động vật có vú lớn tại Chernobyl

Dưới sự giúp đỡ của các nhà khoa học ở Khu bảo vệ sinh thái phóng xạ nhà nước Polesky (Polesky State Radioecological Reserve) của Belarus, các nhà nghiên cứu đã xem xét kỹ số liệu điều tra bằng máy bay về các loài động vật có vú thân lớn như hươu, nai, lợn rừng, chó sói v.v… Họ còn tổ chức theo dõi về mùa đông, lợi dụng vết chân thú rừng trên tuyết để tính ra số lượng các loài thú khác nhau, ngoài ra còn ước tính mức độ ô nhiễm phóng xạ tại các địa điểm có thú rừng hoạt động.

GS Smith nói: “Số lượng động vật chúng tôi thấy có ở Chernobyl thì tương đương với số lượng động vật ở các khu bảo vệ thiên nhiên chưa bị ô nhiễm”.

Trong đó số lượng chó sói nhiều đến ngạc nhiên, gấp bảy lần số lượng sói trong các khu bảo vệ thiên nhiên chưa bị ô nhiễm có cùng diện tích.

GS Smith cho rằng đó là do trong vùng cách ly này về cơ bản không có hoạt động săn bắt của con người. Điều đó chứng tỏ sự săn bắt thú rừng do con người tiến hành đem lại tai hại như thế nào đối với đời sống của thú rừng.

Nguyên Hải dịch

Nguồn: http://www.bbc.com/news/science-environment-34414914           

 

 

 

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)