Các sao Maia xuất hiện trở lại

Các nhà thiên văn học Thụy Sĩ cho rằng họ đã quan sát thấy những đại diện của “sao Maia”, vốn chỉ được biết đến trên giả thuyết từ trước đến nay.

Trong quần tinh mở (hay còn gọi cụm sao mở) NGC 3766 thuộc chòm sao Bán Nhân Mã (tiếng La tinh: Centaurus), một nhóm các nhà thiên văn học Thụy Sĩ đã phát hiện ra các sao có độ sáng giao động với mức độ vài phần nghìn, theo chu kỳ từ 2 đến 20 giờ. Những đối tượng mới quan sát được này không thuộc lớp những sao có độ sáng biến đổi nào đã biết từ trước đến nay. Có thể phỏng đoán rằng, chúng thuộc các sao Maia, đến nay mới chỉ được biết đến trên lý thuyết.

Ngay từ những năm 1950, nhà thiên văn học Otto Struve đã phỏng đoán về một lớp các sao biến đổi độ sáng mà giao động độ sáng của chúng rất nhỏ, với chu kỳ vài giờ đồng hồ. Những quan sát về sao Maia trong quần tinh mở của chòm sao Tua rua cho thấy cơ sở của giả thuyết này. Những phép đo phổ trên Maia và một ứng viên khác trong quần tinh mở của chòm Tiểu hung tinh chứng tỏ có một sự nhấp nháy với chu kỳ vài tiếng đồng hồ. Nhưng chỉ hai năm sau, năm 1957, Struve đã tự bác bỏ học thuyết của chính mình – nhưng câu hỏi liệu có tồn tại ngôi sao Maia hay không vẫn còn bỏ ngỏ. Các nghiên cứu trong những thập kỷ sau đó vẫn không đưa ra được câu trả lời dứt khoát.

Nami Mowlavi cùng nhóm nghiên cứu của mình ở trường Đại học Geneva (Thụy Sĩ) đã đo đạc một cách hệ thống tính chất của sự biến đổi độ sáng trên chùm NGC3776 này. Họ đã sử dụng kính viễn vọng Euler của Thụy Sĩ tại đài quan sát La Silla của đài thiên văn Châu Âu ở bán cầu Nam đặt tại Chile. Các nhà nghiên cứu đã đo độ sáng của hơn 3.000 ngôi sao trong thời gian bảy năm. Nhờ độ nhạy cao của các phép đo và với sự trợ giúp của các phép phân tích dữ liệu phức tạp, các nhà khoa học đã lọc ra được 36 sao có sự giao động độ sáng rất nhỏ.

“Liệu những sao này có đúng là các sao Maia không?”, nhóm nghiên cứu tỏ ra thận trọng: “Chúng tôi nghĩ rằng, một lớp mới các sao có độ sáng biến đổi đã được phát hiện và ít nhất một vài sao trong số đó đã được bàn thảo trong các tài liệu trước đây.”

Các nhà khoa học giờ còn cần phải trả lời những câu hỏi mới về cơ chế nào tạo nên sự nhấp nháy yếu của những ngôi sao này. Một ý kiến cho rằng, có một vài nhôi sao quay nhanh hơn tốc độ quay trung bình: Tốc độ quay của chúng đạt gần đến mức giới cho phép, mà ở đó chúng vẫn còn có thể ổn định, tức là vật chất của chúng không bị mất đi. Mowlavi phỏng đoán rằng, sự quay nhanh của các các hành tinh này ảnh hưởng đến trạng thái bên trong nó. Nhưng mối liên hệ giữa sự quay nhanh và biến đổi độ sáng của các hành tinh này vẫn chưa được giải quyết.

Diệu Hoa dịch

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)