Cách ta tự nhận ra mình: Ảnh hưởng của khoa học thần kinh

Trong thập kỷ qua, mười bốn giải Nobel được chia đều giữa Hóa học và Y-dược học, tôn vinh những nghiên cứu trong các lĩnh vực sinh học phân tử và tế bào, cho thấy sự phát triển ngoạn mục của các lĩnh vực khoa học sự sống này.


Một lần nữa, hai giải Nobel được trao cho các ngành khoa học sự sống, Svante Pääbo của ngành Y học với thành tựu giải mã gene người Neanderthal, và Carolyn Bertozzi của ngành Hóa học với thành tựu phát triển các phản ứng sinh trực giao để nhận ra các phân tử sinh học glycan trên bề mặt tế bào. Trong thập kỷ qua, mười bốn giải Nobel được chia đều giữa Hóa học và Y-dược học1, tôn vinh những nghiên cứu trong các lĩnh vực sinh học phân tử và tế bào, cho thấy sự phát triển ngoạn mục của các lĩnh vực khoa học sự sống này. Bắt đầu từ nửa sau của thế kỷ trước, khi ngành sinh học phân tử đã phát triển chín muồi để tiếp cận một góc nhìn mới về các cơ chế hoạt động quan trọng trong các sinh thể. Điều đó thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng các ngành sinh học tế bào và di truyền học, thúc đẩy thuyết tiến hóa của Darwin thành công cụ căn bản cho những nghiên cứu này. Đa số nội dung các ngành khoa học sự sống nhằm đánh giá ở cấp độ phân tử và tế bào trên các quan sát được tiến hành từ hàng thế kỷ qua, một cách ngày càng sắc bén và chuẩn xác nhờ những phương pháp và công cụ thí nghiệm mới. Các định luật vật lý cổ điển, đôi khi bao gồm cả những hiệu chỉnh lượng tử cũng có thể được coi là cổ điển, nhìn chung đủ để làm điểm tựa cho các đánh giá này: trái ngược với ngành vật lý, sự phát triển của ngành sinh học phân tử không đòi hỏi phát kiến ra lý thuyết mới, chỉ phải đối diện thách thức là tìm hiểu các cơ chế sinh học vô cùng phức tạp. Vì vậy, có thể đoán trước đà tiến triển của ngành này sẽ còn nối dài vài thập kỷ, thậm chí vài thế kỷ nữa. Những cân nhắc như vậy hẳn là cần thiết đối với các nhà quản lý khoa học, chịu trách nhiệm phân bổ các nguồn lực tương lai cho các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, vốn cần tầm nhìn rất rõ ràng về các xu hướng phát triển khoa học trong tương lai. Đồng thời, sự phát triển nhanh chóng của ngành sinh học phân tử có ảnh hưởng đáng kể tới cách chúng ta tự nhìn nhận bản thân, những thành công của nó ngày càng ủng hộ niềm tin của các nhà duy vật về một kịch bản thế giới trong đó tất cả chúng ta thuần túy được tạo thành bởi các nguyên tử, tuân thủ các định luật vật lý, và không gì khác.

Liên quan trực tiếp tới câu chuyện này là thành công xuất sắc của các ngành khoa học thần kinh, đặc biệt là lĩnh vực nghiên cứu não bộ trong ít thập kỷ gần đây2. Chúng có tham vọng lý giải ở cấp độ phân tử và tế bào đối với các khái niệm phức tạp như tri thức, nhận biết, học hỏi, ghi nhớ, hành vi, nhận thức, ý thức và cảm xúc. Theo đó, đã tập hợp các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khoa học, bao gồm sinh học, hóa học, y học, tâm thần học và dược học. Qua thời gian, họ đã xây dựng một bức tranh vô cùng đa dạng và chi tiết về các neuron và tế bào thần kinh đệm (glia)3, các cấu phần cơ bản của hệ thần kinh trung ương, não bộ và tủy sống. Họ hé mở hiện trạng bên trong các cấu trúc phức tạp của bộ não, sự tương tác giữa chúng, chẳng hạn như sáu lớp vỏ não suy nghĩ (neocortex), hồi hải mã, các hạch nền, pallium, các cầu não, đồi thị và vùng dưới đồi, tiểu não, hạch hạnh nhân, mái thị giác và hành khứu giác, tất cả đều có những chức năng được phân định rõ ràng. Những ai không quen thuộc với các kết quả nghiên cứu gần đây về khoa học thần kinh có thể vẫn nghĩ rằng bộ não chỉ đơn giản là một mớ tế bào thần kinh chứa các mạch điện và hoạt động tương tự như một siêu máy tính; sai lệch đó khiến chúng ta không thể nhìn nhận đúng về các cơ chế hoạt động của não bộ và gây ra những nhầm lẫn. Bộ não là một thứ có sức sống, có khả năng xử lý đồng thời nhiều thông tin, tương tác với các tín hiệu tiếp nhận được, tạo ra những hình ảnh để dùng về sau như những dẫn chiếu, đó là một số trong những phẩm chất đáng kinh ngạc của bộ não.

Một trong những cách hiểu sai nghiêm trọng về chủ nghĩa duy vật là mô tả ý chí tự do như một bản ngã tự quyết định theo ý mình làm gì và nghĩ gì.

Bước tiến ngoạn mục của khoa học thần kinh và sự ủng hộ nó dành cho chủ nghĩa duy vật, bị nhiều người coi là mối nguy đe dọa hình ảnh truyền thống về con người, dường như biến chúng ta thành những robot. Mười hai năm trước, từ một số suy nghĩ về những nghiên cứu khoa học mà bản thân mình được tham gia4, tôi viết một bài luận về tác động của chúng đối với triết học siêu hình5. Tôi đã mời gọi các độc giả cùng nghĩ về ý nghĩa của chủ nghĩa duy vật nơi tất cả mọi thứ bị chi phối bởi các định luật vật lý. Đến nay, sẽ hữu ích nếu chúng ta cùng nhìn nhận lại một cách cập nhật. Từ tiến trình phát triển kỳ diệu của các ngành khoa học sự sống, đặc biệt là khoa học thần kinh, chúng ta thử đối chiếu với những khó khăn dai dẳng đang phải đối diện, để đưa ra những ý tưởng mới.

Cụ thể, tôi suy nghĩ về tự do ý chí và bình luận về những suy luận từ góc nhìn duy vật về cách chúng ta tự nhìn nhận bản thân mình. Trong mười năm qua, ý chí tự do là điều ngày càng được các nhà thần kinh học quan tâm, mặc dù cách nhìn duy vật tiếp tục gây ra nhiều tranh cãi, khuôn khổ mà nó đưa ra để chúng ta suy nghiệm ngày càng sáng tỏ hơn. Đồng thời, công chúng ngày càng quan tâm tới thông điệp đưa ra từ các nhà thần kinh học. Rất nhiều bài báo xuất bản trên các tạp chí dành cho độc giả đại chúng, vốn luôn tìm những góc nhìn mới để tự nhìn nhận về bản thân và thế giới họ đang sống. Trong số nhiều bài báo đó, có những sự hiểu sai nghiêm trọng về cách nhìn duy vật.

Nói một cách ngắn gọn, họ mô tả ý chí tự do như một bản ngã tự quyết định theo ý thích mình làm gì và nghĩ gì. Họ coi chủ nghĩa duy vật là tước đoạt đi quyền tự do của bản ngã, rằng bản ngã bị thay thế bởi các định luật vật lý trong việc xác định bản thân làm gì và suy nghĩ gì. Nhưng chủ nghĩa duy vật không hề nói vậy. Nó chỉ yêu cầu chúng ta điều chỉnh lại nhận thức về bản ngã mà chúng ta vẫn tự dành cho mình. Về hoạt động của não bộ, cách nhìn duy vật nói rằng bản ngã không chỉ bao gồm những gì ta trực tiếp nhận biết thấy, mà cả những thứ của quá khứ: thừa hưởng di truyền, tri thức thu được, kinh nghiệm, những suy nghĩ, các tương tác với môi trường. Các lựa chọn và quyết định của ta phải tuân theo thế giới của các định luật vật lý, nhưng mỗi người vẫn có quyền nói rằng ta tự lựa chọn và quyết định, tuy các khái niệm “ta”, “lựa chọn”, “quyết định” không còn tính chất tự phụ như trước đây. Chủ nghĩa duy vật tôn trọng bản ngã, rằng chẳng có ai khác ngoài chính chúng ta khi đưa ra các lựa chọn và quyết định. Nó chỉ đơn giản lý giải “theo cách nào”. Tất cả chúng ta thấy hoàn toàn hợp lý, chẳng có gì đáng phàn nàn khi chủ nghĩa duy vật lý giải các cơ bắp và ruột hoạt động tuân thủ các định luật vật lý ra sao; nhưng khi nó lý giải cách hoạt động của não bộ tuân thủ các định luật vật lý theo cách nào, bỗng dưng trong chúng ta có người thấy bị xúc phạm. Nó đòi hỏi mọi người vứt bỏ ý niệm về một bản ngã siêu nhiên, phần nào mang tính linh thánh, có khả năng can thiệp vào tiến trình sự sống từ bên ngoài (bên ngoài nào?): ý niệm đó chỉ là huyễn hoặc.

Chủ nghĩa duy vật của khoa học thần kinh dường như xóa sạch các câu hỏi mà bản thể học đặt ra.

Theo cách nhìn duy vật, việc bản ngã tuân theo các định luật vật lý không biến chúng ta thành vô can trong trách nhiệm với xã hội. Xã hội được cấu thành bởi những cá nhân có suy nghĩ và hành động tuân theo các định luật vật lý, nhưng cứ nghĩ rằng mình thoát khỏi sự ràng buộc của chúng khi đưa ra các lựa chọn và quyết định. Bởi tất cả chúng ta đều có cùng ảo giác đó, ta cần một đạo đức phù hợp. Chủ nghĩa duy vật không dẫn tới thứ đạo đức vô trách nhiệm. Nó khiến chúng ta hoàn toàn chịu trách nhiệm về các hành động và quyết định của mình. Nó chỉ khiến mỗi người có chừng mực và khiêm nhường hơn khi nghĩ về thứ bản ngã mà ta từng tự cho là mình.

Tất nhiên, có nhiều lý do để cảm thấy khó nhất trí với cách nhìn duy vật. Nó cho rằng các định luật vật lý chi phối các suy nghĩ, hành động, các giấc mơ, ước vọng, niềm tin, lý tưởng, cảm nhận và cảm xúc. Điều đó thật khó chấp nhận. Các định luật vật lý về cơ bản là bất định, nên chủ nghĩa duy vật hàm ý rằng mọi thứ xảy ra với ta và sẽ xảy đến đều được xác định từ trước và không thể thoát khỏi6. Chẳng ngạc nhiên nếu ta thấy khó chịu, thậm chí bực bội với những ý tưởng như vậy. Chúng ta dễ cao ngạo nhìn xuống những người dám nghĩ theo cách nhìn duy vật: sao anh chị có thể bỏ qua những điều quan trọng đến thế với tất cả mọi người, vẻ đẹp của sáng tạo nghệ thuật, những cảm xúc mà tình yêu hay nỗi đau truyền trong chúng ta, sự phong phú và chiều sâu của những ý nghĩ; làm sao các định luật vật lý có thể chi phối tất cả những điều ấy? Nhưng sự cao ngạo ấy đặt ở sai chỗ. Thay vào đó, chúng ta hãy nhận thức rằng ai cũng đều biết rõ vì sao chủ nghĩa duy vật gây ức chế như vậy, chẳng cần phải nói thêm, nhưng hãy khám phá một cách khách quan nhất có thể tất cả những hàm ý nó đưa đến.

Dù sao, khi phải đưa ra quyết định trong cuộc sống, điều quan trọng là cảm nhận của ta chứ không phải những lý thuyết vật lý. Chủ nghĩa duy vật yêu cầu bỏ đi ý niệm rằng những gì có vẻ rất quan trọng và đầy bí ẩn là những thứ siêu nhiên, thậm chí linh thánh với những ai tin vào Thượng đế. Thật khó để đặt ra yêu cầu như vậy với những ai dành cả đời phụng sự cho đức tin ấy. Khi họ cho rằng cuộc sống không còn đức tin thì chẳng có gì hợp lý, không mục đích, không ý nghĩa, thậm chí họ có thể tự vẫn. May thay, đa số mọi người không như vậy, và cũng như Camus, chúng ta ưa nghĩ rằng “hạnh phúc và sự kỳ quặc là con đẻ của cùng một trái đất” và ta cùng chia sẻ một nền tảng đạo đức hợp lý chung, độc lập với cách ta tự nhìn nhận bản thân mình, là cơ sở cho những giá trị siêu hình mà ta cùng hướng tới: trí tuệ, nghiêm cẩn, bình đẳng, nhân ái, can đảm và liêm chính. Như ta thấy, tự do ý chí chỉ là một trong các giá trị. Hàm ý của chủ nghĩa duy vật về tự do ý chí là hãy bỏ đi ý niệm về một thứ bản ngã siêu nhiên; nó lý giải “theo cách nào” nhưng không hề can thiệp vào ứng xử của chúng ta trong cuộc sống. Điều đó cũng đúng cả với những khái niệm thường được coi là phi vật chất, mà Descartes gọi chung là “chất liệu tinh thần”. Chủ nghĩa duy vật khuyên ta chấp nhận rằng những thứ đó cũng tuân theo các định luật vật lý, nhưng sự lý giải “theo cách nào” mà nó đưa ra vẫn không ảnh hưởng tới cách ta ứng xử trong đời sống.


Cùng với ác cảm về chủ nghĩa duy vật, một ngộ nhận phổ biến khác cho rằng chủ nghĩa duy vật đặt dấu chấm hết cho điều khiến ta cảm thấy nhân bản về con người. Nhưng làm sao sự thấu cảm, lòng can đảm và nhân ái mất đi vẻ đẹp khi được mô tả dưới dạng những tương tác lý hóa giữa các neuron? Liệu thành tích của một vận động viên chạy một trăm mét trong thời gian dưới mười giây bị suy giảm khi ta biết rằng acetylcholine là tác nhân làm co lại chuỗi sarcomere trong cơ anh ta? Làm sao kiến giải về cách các neuron tương tác trong não bộ của Beethoven có thể làm suy giảm sự vĩ đại và mê hoặc của các bản giao hưởng ông từng viết? Tuy nhiên, trên thực tế, đòi hỏi mọi người chấp nhận chủ nghĩa duy vật thường là điều quá khó. Tôi xin vẽ ra một bức tranh biếm họa về cách họ vẫn thường phản ứng.

Với những người bình dân, thuyết sáng tạo dễ chấp nhận hơn nhiều so với thuyết tiến hóa của Darwin, thứ dễ gây khó chịu với cảm giác trực quan: việc chấp nhận thuyết tiến hóa đòi hỏi sự quen thuộc với các ngành khoa học sự sống, điều ít người ngoại đạo thấy hứng thú. Với người bình dân, việc thiếu các tri thức cơ bản về phân tử và tế bào mà con người mới thu được trong vài thập kỷ gần đây sẽ khiến họ không thể hiểu các kết luận của khoa học thần kinh. Đối với họ, chủ nghĩa duy vật đơn giản là không thể chấp nhận được.

Với các triết gia, những người có tri thức sâu sắc về lịch sử tư tưởng nhân loại, rất khó để tách tâm trí họ khỏi các hệ thống siêu hình quen thuộc để chuyển nhận thức sang một cách nhìn duy vật về thế giới. Các triết gia phương Tây đã học được từ Plato, Aristotle, Descartes, Spinoza và Kant những tri thức quá hàm súc, hấp dẫn và sâu sắc, họ thấy khó có thể nghĩ theo khái niệm và khuôn khổ khác. Điều đó cũng đúng với các tri thức triết học phương Đông từ Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử và Mạnh Tử. Họ cảm thấy báng bổ khi ai đó nói rằng các nhà tư tưởng này do thiếu am hiểu về khoa học thần kinh hiện đại nên đều thiếu cái nhìn sáng tỏ về bản thể và triết học siêu hình. Họ hiểu rõ rằng đề cao chủ nghĩa duy vật nghĩa là hạ thấp các tư tưởng tiền bối xuống thành các mảnh thông tin rời rạc, và họ không thể nào chấp nhận một sự phủ định như vậy với những gì họ luôn tôn thờ.

Làm sao sự kiến giải về cách các neuron tương tác trong não bộ của Beethoven có thể làm giảm đi sự vĩ đại và mê hoặc của các bản giao hưởng ông từng viết?

Với các nghệ sỹ, sao họ có thể quan tâm đến chủ nghĩa duy vật? Điều họ theo đuổi chính là đưa mọi người thoát khỏi cách nhìn duy vật về thế giới ta đang sống, khám phá những lãnh địa mới nơi trí tưởng tượng vượt thoát khỏi các định luật vật lý, mang lại sự thưởng thức và ngưỡng mộ.

Với các nhà vật lý, từ lâu họ đã để lại phía sau các định luật vật lý cần thiết cho khoa học sự sống. Họ đã khám phá những lãnh địa vượt xa khỏi thứ được gọi là các cơ chế cổ điển. Họ đã nghiên cứu vật lý lượng tử, thuyết tương đối rộng và hẹp. Họ đã nghiên cứu Mô hình Chuẩn về các hạt cơ bản. Họ đã nghiên cứu sự giãn nở của Vũ trụ, khám phá các lỗ đen, và đang đối diện các thử thách từ năng lượng tối, sự giãn nở và tính không tương thích giữa vật lý lượng tử với trọng lực ở thang đo Planck. Họ cảm thấy mình phát hiện, thay vì phát minh, về hiện trạng thế giới. Khi đưa ra một lý thuyết sai, có gì đó bảo họ rằng “không7” và tính nhất của các lý thuyết hiện đang được thống nhất khiến họ cho là các thuyết ấy hẳn đúng với “thực tại” trong chừng mực nào đó. Với Chandrasekhar, họ tự hỏi “làm sao tâm trí con người có thể hình dung ra những khái niệm trừu tượng và cảm thấy vẻ đẹp từ chúng; và vì sao những khái niệm ấy tương thích chính xác đến vậy với tự nhiên 8. Thành công khiến họ tham vọng và họ thường làm rối trí công chúng khi nói về một “Lý thuyết của Mọi thứ” hay khi nhận định rằng Vũ trụ sinh ra từ sự “trống rỗng”, với sự hỗ trợ của một dao động lượng tử, mà chẳng hề nói cho đúng rằng sự trống rỗng ấy rất khác với thứ “trống rỗng” [tuyệt đối] từng khiến Leibniz phiền lòng, rằng thực ra nó bao gồm cả không-thời gian cùng một mớ lý thuyết trường lượng tử. Đó mới là thứ họ bận tâm và thật khó để họ chú ý tới tác động của khoa học thần kinh tới các vấn đề truyền thống của triết học siêu hình và bản thể học.

Bức tranh châm biếm này có thể là sự phóng đại, nhưng nó điểm danh khác công bằng những trở ngại chính mà các nhà khoa học sự sống cần vượt qua khi cố gắng khiến chúng ta đồng cảm về những thành tựu đáng ngưỡng mộ mà ngành khoa học thần kinh đạt được. Gần đây, họ đã thu hút được sự quan tâm của nhiều học giả về các cơ chế thần kinh quan trọng mà họ nghiên cứu. Nhưng còn rất xa trước khi các thông điệp của họ được lan tỏa rộng rãi và được hiểu đúng.

Với các nghệ sĩ, sao họ có thể quan tâm đến chủ nghĩa duy vật?

Đặc biệt khó để truyền đạt là khái niệm tính vòng lặp của tri thức mà chủ nghĩa duy vật trong khoa học thần kinh chỉ ra. Họ nói rằng mọi thứ chúng ta biết, cảm thấy, hình dung và mơ thấy, đều là những tương tác thần kinh trong não bộ. Điều này đặc biệt áp dụng với khái niệm não bộ và những ý tưởng của con người về cách nó vận hành. Một bộ não nghĩ ra ý tưởng về một bộ não nghĩ ra ý tưởng về một bộ não nghĩ ra… một vòng lặp tự dẫn chiếu khép kín. Khoa học chẳng qua là một câu chuyện chúng ta kể cho nhau, nằm trong phạm vi tối thiểu các khái niệm, bao hàm tối đa lượng thông tin thu lượm được bởi các bộ não của chúng ta và cả các vị tổ tiên. Trong câu chuyện ấy, sự hiện hữu chỉ có nghĩa là trở thành một phần trong nó, và không có ý nghĩa gì sâu xa hơn. Tất cả những gì chúng ta biết chỉ là những gì não bộ giống loài mình học được, không gì khác. Ta nói rằng họ học được bằng cách sắp xếp trật tự cho những thông tin thu được từ thế giới; nhưng một phát biểu như vậy cũng chỉ có ý nghĩa trong phạm vi câu chuyện được kể; đó là câu chuyện về các bộ não, về một thế giới và những thông tin thu được; những khái niệm hoàn toàn chỉ hiện hữu trong câu chuyện. Ta chỉ đang kể câu chuyện về cách ta kể câu chuyện về cách ta kể câu chuyện… Một vòng lặp tự dẫn chiếu khép kín mà chúng ta bị giam cầm không thể thoát ra, khiến mọi phát biểu rằng ta thoát ra bên ngoài đều vô nghĩa. Câu chuyện mà ta kể quá đơn giản và mạch lạc khiến ta quên đi bản chất tự dẫn chiếu và có ảo giác rằng những bóng hắt trên tường hang động của Plato hẳn chỉ là hình ảnh minh họa cho một thứ thực tại nào khác. Thế giới thực hẳn phải có trước thế giới được kể trong câu chuyện. Nhưng sự hiện hữu và thực tại chẳng có ý nghĩa nào khác ngoài là một phần trong câu chuyện được kể. Sự bất lực bị giam hãm trong một vòng lặp khép kín không chỉ ứng với khoa học. Não bộ chúng ta là nơi chứa nhiều thứ ngoài khoa học, bao gồm các huyền thoại, truyền thuyết, tôn giáo và các sáng tạo khoa học. Ta rất muốn khoác lên chúng lớp hào quang siêu nhiên, siêu việt để khiến mình thoát khỏi nhà tù của vòng lặp. Nhưng chủ nghĩa duy vật ngăn cấm điều ấy: giống như khoa học, chúng không là gì khác hơn những tương tác trong não bộ. Chủ nghĩa duy vật của khoa học thần kinh dường như xóa sạch các câu hỏi mà bản thể học đặt ra.

Nhưng chưa phải tất cả. Gần giống với câu nói của Descartes, người đời có thể nói “tôi biết rõ mình là một thực thể biết tư duy, biết tự nhận thức bản thân”. Khi ta nghĩ về thế giới mình đang sống, ta nghĩ đến nụ cười trẻ thơ, tình yêu của một phụ nữ, cảnh hoàng hôn trên đại dương, khu rừng tuyết thinh lặng, những vần thơ và âm nhạc khiến ta xúc động, bật cười và bật khóc, nỗi đau và niềm vui. Và chúng ta biết rõ rằng tất cả những thứ đó không trống rỗng. Dù khoa học thần kinh có nói gì, dù họ cứ giả vờ độc quyền được khái niệm hiện hữu và thực tại, họ chẳng thể tước bỏ khỏi bản thể học câu hỏi cơ bản nhất: “Vì sao thế giới hiện hữu chứ không phải trống rỗng?” Dù không thể trao cho câu hỏi ấy một ý nghĩa, chưa nói đến trả lời nó, chúng ta không thể giả vờ lờ đi nhận xét gây bối rối của Leibniz9 rằng “có một lý do trong Tự nhiên khiến có gì đó hiện hữu thay vì không có gì hiện hữu”. Một lý do, quả là đòi hỏi quá nhiều; nhưng chúng ta không thể hưởng ứng ý tưởng rằng không có gì hiện hữu. Và chúng ta dễ thấy Wittgenstein có tầm nhìn đi trước khi viết rằng “Điều bí ẩn không phải là thế giới như thế nào, mà đơn giản chỉ là nó hiện hữu. […] Phương pháp phù hợp cho triết học nên là không nói gì về những gì có thể nói, cụ thể là những sự quả quyết của khoa học tự nhiên – thứ, bởi vậy, chẳng liên quan gì tới triết học […] Về những gì ta chẳng thể nói, ta phải giữ im lặng”?

Đồng thời với giải thiêng tri thức, chủ nghĩa duy vật cũng tự làm nổi bật những giới hạn của mình. Vì sao thế giới này thay vì chẳng có gì cả? Chúng ta bị ám ảnh bởi câu hỏi ấy và thậm chí chẳng thể trao cho nó một ý nghĩa. Ta chỉ có thể cho nó một tên gọi: bí ẩn.

Hơn bao giờ hết, chúng ta cần học hỏi từ nhau, giải phóng nhau khỏi tác hại của sự thiếu hiểu biết và quyền năng của những khái niệm được sử dụng từ quá lâu đến mức nay được coi như là “thực tại”. Chúng ta chẳng thể tiếp tục lờ đi những gì người khác có thể dạy mình. Đã đến lúc lên án sự chia tách giữa hai văn hóa, khoa học và nhân văn, và khiến chúng chia sẻ những gì ta có thể học được. Điều đó cần nhiều nỗ lực, nhưng nếu tự bịt mắt, ta sẽ chẳng thể nhìn rõ hơn. Khó khăn tự nhiên khi tiếp nhận những ý tưởng mới không nên khiến ta tự đeo chiếc mặt nạ của chủ nghĩa hoài nghi khai sáng nhằm che đi sự thiếu hiểu biết. Hãy cởi mở trước những gì người khác có thể chỉ dạy thay vì nhìn tất cả xung quanh qua lăng kính của riêng ngành mình. Sự tiến bộ tri thức dạy chúng ta biết cảnh giác trước những ngôn từ che đậy sự dốt nát của bản thân. Họ buộc ta thay đổi triệt để những khái niệm thường dùng để kể câu chuyện của mình: bản ngã, tâm trí và cơ thể, chủ thể và khách thể, hữu hình và vô hình, thực tế và lý tưởng, có ý thức và vô thức, và nhiều nữa. Phải như vậy ta mới có thể hi vọng “khám phá lại tâm trí” như John Searle từng khuyên10 và thấy được thêm những nhận thức đúng đắn bung nở hai bên bờ mương ngăn cách giữa tri thức và sự bí ẩn. □

Thanh Xuân dịch

—–

1 Giải Nobel Hóa học: 2022, 2020, 2018 (2), 2017, 2016, 2015; Giải Nobel cho ngành Y và Dược: 2022, 2021, 2019, 2017, 2016, 2014, 2013.

2 Trong khuôn khổ bài viết này, tôi không đưa danh sách chi tiết các dẫn chiếu, chỉ đưa ra hai ví dụ điển hình nơi có thể tìm thấy các dẫn chiếu khác: Eric R. Kandel, James H. Schwartz and Thomas M. Jessell, 2021, Principles of Neural Science, McGraw-Hill. Michael S. Gazzaniga, 2011, Who is in charge? Free Will and the Science of the Brain, ecco, ấn hiệu của nhà xuất bản Harper Collins.

3 https://en.wikipedia.org/wiki/Neuron. https://en.wikipedia.org/wiki/Glia.

4 Pierre Darriulat, Réflexions sur la Science Contemporaine, EDP Sciences, Les Ulis, 2007.

5 Pierre Darriulat, Knowledge and Mystery: The Impact of Contemporary Science on Metaphysics, Journal of Philosophy, Science and Law, Vol. 10, 2010, University of Miami, Florida, USA, www.miami.edu/ethics/jpsl.

6 Vật lý lượng tử không tất định, nhưng điều đó không thay đổi điều chúng ta đang bàn. Nó có ảnh hưởng tới quá trình tiến hóa Vũ trụ, với ví dụ điển hình là các dao động lượng tử, và cụ thể với loài người là các đột biến gene do tương tác với các hạt muon vũ trụ, những sản phẩm phân rã của các pion, một sự kiện lượng tử xảy ra vào những thời điểm không thể biết trước; nhưng chúng ta có thể an toàn bỏ qua những lập luận như vậy trong cuộc thảo luận này.

7 Bernard d’Espagnat, Le Réel Voilé, Fayard, 1994.

8 S. Chandrasekhar, Truth and Beauty, Aesthetics and Motivations in Science, University of Chicago Press, 1987.

9 G.W. Leibniz, Principes de la Nature et de la Grâce Fondés en Raison, 1718.

10 J. R. Searle, The Rediscovery of the Mind, MIT Press, Cambridge, 1992.

Tác giả