Cải cách quản lý nước: Trọng tâm của phát triển bền vững

Xếp thứ 8 trên thế giới về độ dồi dào của các nguồn nước tự nhiên nhưng Việt Nam vẫn nằm trong số những quốc gia chịu nhiều sức ép nhất do vấn đề thiếu nước sạch và ngày càng đối diện với những thách thức to lớn, đặc biệt là những tác động từ biến đổi khí hậu.

Trong Hội thảo “Ứng dụng các giải pháp ngành nước tại Việt Nam” do Đại sứ quán Israel và Ngân hàng Thế giới tổ chức trong cuối tháng 8 vừa qua, các chuyên gia cao cấp trong và ngoài nước đã trao đổi, chia sẻ nhiều ý kiến đánh giá, và đưa ra các khuyến nghị đối với các nhà quản lý và làm chính sách về cải cách thể chế quản lý nước hiện hành.

Đến năm 2020, nhu cầu nước của Việt Nam dự kiến lên tới hàng trăm tỷ m3 mỗi năm, nhưng các hồ trữ nước chỉ đảm bảo cung cấp được khoảng 30%. Do điều kiện quỹ đất hạn hẹp, địa hình dốc, chúng ta không thể xây thêm nhiều hồ chứa và phần lớn nhu cầu nước sẽ phải được đáp ứng từ các trạm bơm, cống lấy nước từ sông, giếng nước ngầm, và nước mưa do người dân tự tích trữ. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là các nguồn nước này dễ bị gây ô nhiễm trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, và “Việt Nam chưa thực sự quản lý được chất lượng nước”, như lời cảnh báo của GS.Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam. Ông cho biết hầu hết trong số 1 tỷ m3 nước thải hằng năm ở Việt Nam không được xử lý. Nước thải hóa chất từ các ngành công nghiệp và nước thải sinh hoạt gây suy giảm chất lượng nước, bên cạnh đó là các vấn đề ô nhiễm thạch tín trong nước ngầm và ô nhiễm do phân bón, thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật, v.v.  

Tình trạng này sẽ tác động tiêu cực không nhỏ tới đời sống, sức khỏe người dân, sự phát triển của các ngành kinh tế và xã hội, môi trường, đặc biệt trong bối cảnh dân số vẫn tiếp tục gia tăng. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, nhu cầu tiêu thụ nước của Việt Nam đã liên tục tăng rất mạnh trong những thập kỷ gần đây. Theo ThS. Trần Hùng, Giám đốc Trung tâm Thủy lợi Miền núi phía Bắc, thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, nhu cầu nước tưới trong nông nghiệp ở nước ta tăng từ 41 tỷ m3 năm 1985 lên 46,9 tỷ m3 năm 1990, 60 tỷ m3 năm 2000, và hiện nay ước tính trên 80 tỷ m3.

Thiếu nước sạch phục vụ nông nghiệp đang là xu hướng chung và đã dần trở nên cấp bách trên quy mô toàn cầu. Bà Jenifer Sara, Giám đốc Bộ phận Phát triển Bền vững, Ngân hàng Thế giới, đánh giá với xu hướng phát triển hiện nay, trong vòng 40 năm tới nhu cầu thế giới sẽ cần tăng sản lượng nông nghiệp thêm 70%, đòi hỏi lượng nước cho nông nghiệp tăng thêm 45%. Không chỉ nông nghiệp mà các ngành kinh tế khác trên thế giới cũng đang thiếu nước. Trong giai đoạn 2007 tới 2035, nhu cầu năng lượng của thế giới sẽ tăng khoảng 50%, trong khi 90% sản lượng điện được cung cấp từ thủy điện và các loại nhà máy điện sử dụng nhiều nước. Hiện nay, nhiều quốc gia đang gặp hạn chế về sản xuất điện do thiếu nguồn nước làm nguội. Nhìn chung, tình trạng thiếu nước sạch có thể gây thiệt hại cho các quốc gia tới 6% GDP, bà Sarar đánh giá.

Biến đổi khí hậu: nước biển ven ĐBSCL có thể sẽ dâng tới 30 cm

Theo các nhà khoa học và chuyên gia quốc tế, trong giai đoạn trước mắt Việt Nam cần ưu tiên cho việc xây dựng và củng cố thể chế quản lý nước mang tính liên ngành, đảm bảo sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng; tập trung cải thiện hệ thống đo lường, các tiêu chuẩn và dữ liệu về chất lượng nước; tích cực thực thi và hoàn thiện chương trình hành động quốc gia về quản lý tài nguyên nước, trong đó đặc biệt chú trọng vấn đề quản lý tài nguyên nước tại đồng bằng sông Cửu Long để kịp thời ứng phó với những tác động từ biến đổi khí hậu.

Cùng với tình trạng dân số gia tăng, tác động từ biến đổi khí hậu khiến tình trạng thiếu nước càng trở nên trầm trọng. Theo chuyên gia Anjali Acharya, chuyên gia cao cấp về môi trường của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam nằm trong số những nước dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, với những tác động tiêu cực như khô hạn kéo dài hơn, nhiều thiên tai, và tình trạng ngập mặn sẽ thêm trầm trọng bởi mực nước biển dâng. Thành phố Hồ Chí Minh cùng Jakarta, Yangon, Manila, và Bangkok dự kiến sẽ là những thành phố ở Đông Nam Á bị thiệt hại nhiều nhất bởi nước biển dâng, với khoảng 60% diện tích xây dựng bị ảnh hưởng. Đến năm 2040, mực nước biển ven đồng bằng sông Cửu Long dự kiến có thể dâng tới 30 cm, sản lượng nông nghiệp có thể giảm tới 12% do lụt lội và ngập mặn. Ngành nuôi trồng thủy hải sản cũng sẽ bị ảnh hưởng, với chi phí để thích nghi hằng năm từ 130-190 triệu USD. Đến 2050, tổng thiệt hại hằng năm từ biến đổi khí hậu đối với Việt Nam vào khoảng 1-3% GDP, Acharya đánh giá.

Tuy nhiên, ngay trong hiện tại biến đổi khí hậu đã khiến Việt Nam phải đối diện với tình trạng thiếu nước sạch, và cùng với Trung Quốc, Indonesia, các nước ở Trung và Nam Mỹ, châu Phi là những vùng lãnh thổ bị sức ép lớn nhất do thiếu nước. Tổng nguồn nước ngọt của Việt Nam đang có xu hướng suy giảm. Theo GS. Vũ Trọng Hồng, nguồn nước của Việt Nam năm 2010 có 843 tỷ m3, dự kiến đến năm 2025 sẽ giảm còn 807 tỷ m. Dòng chảy kiệt ở sông Hồng đã giảm từ 10-15%, sông Cửu Long mùa kiệt giảm 16-24%, chưa kể tình trạng ngập mặn ăn sâu vào nội đồng châu thổ sông Cửu Long.

Con người vẫn là tác nhân chính gây suy giảm nguồn nước

Bên cạnh tác động do biến đổi khí hậu, con người chính là tác nhân chủ yếu gây suy giảm tài nguyên nước ở Việt Nam, một đất nước vốn có nguồn nước tự nhiên khá dồi dào (xếp thứ 8 trên thế giới). Theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tác động của phát triển ở thượng nguồn đang gây nguy cơ suy thoái cho hệ thống sông ngòi của Việt Nam, làm suy giảm lượng bùn cát về hạ lưu, trong khi tình trạng khai thác cát diễn ra quá mức cùng những hoạt động kinh tế khác của con người làm trầm trọng thêm tình trạng xói mòn bờ, lún đất, và ngập mặn. Một số vấn đề đã trở nên bức xúc như quản lý thượng và hạ lưu ở các lưu vực sông, chống ngập cho các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau và đặc biệt tác động của việc phát triển lún đất hạ và sông ngập mặn của đồng bằng Sông Cửu Long, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhận định.

Theo GS. Vũ Trọng Hồng, sự suy giảm tài nguyên nước ở Việt Nam gắn liền với sự buông lỏng trong quản lý đất đai, mà một nguyên nhân quan trọng là sự chú trọng quá mức cho phát triển kinh tế. Nhiều dự án đô thị mọc lên làm lấp kín các mặt ao, hồ, đầm lầy là những nơi trữ nước và thoát nước tự nhiên. Vẫn đang tồn tại tình trạng khai thác khoảng sản tràn lan làm mất nước của người dân một số tỉnh, hay khai thác đại trà nước ngầm cho nuôi tôm ở Cà Mau. Các hoạt động kinh tế của con người từ lâu nay đã gây tàn phá rừng và các thảm thực vật, khiến nguồn nước trong tự nhiên bị suy giảm. Điển hình là việc mọc lên quá nhiều dự án thủy điện, thậm chí có dự án công suất hằng năm chỉ có 5 MW cũng được phê duyệt, làm suy giảm tới 30 vạn ha rừng – trung bình 10 – 30 ha rừng bị mất cho mỗi MW điện, GS. Vũ Trọng Hồng cho biết. Cũng không kém phần nguy hại là việc tiêu diệt thảm thực vật để trồng cao su – người ta phải đốt toàn bộ thảm thực vật trước khi trồng những cánh rừng cao su – đã khiến cả nước mất đi tới 20 vạn ha thảm thực vật. Bên cạnh đó, ở nhiều nơi rừng bị mất để phục vụ cho các khu định cư, di dân, và vẫn tồn tại tình trạng người dân đốt rừng trồng cây lương thực nhằm xóa đói.

Trách nhiệm cơ quan quản lý?

Lĩnh vực quản lý nước ở Việt Nam đã đạt được một số thành tựu cơ bản, đặc biệt trong lĩnh vực thủy lợi, góp phần quan trọng phục vụ chính sách phát triển nông nghiệp và kinh tế xã hội của quốc gia. Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng Cục trưởng  Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến nay Nhà nước đã đầu tư xây dựng hàng nghìn hồ chứa, cống, hàng vạn trạm bơm, và 255 nghìn km kênh mương, qua đó giúp tưới nước cho 7,3 triệu ha lúa cùng 1,5 triệu ha màu, tiêu nước cho 1,72 triệu ha đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, nhìn nhận về thực trạng quản lý nước ở Việt Nam, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng thẳng thắn cho rằng dù đã đạt được những thành tựu trong xây dựng công trình, Nhà nước vẫn đứng trước nhiều thách thức trong việc nâng cao năng lực thể chế cho việc phát triển bền vững tài nguyên nước, và trong thời gian tới cần đẩy mạnh triệt để nguyên tắc quản lý tổng hợp và quản lý theo đối tượng sử dụng.

Trở ngại lớn nhất trong quản lý tài nguyên nước là thiếu sự phối hợp linh hoạt và đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, và vẫn tồn tại những lối tư duy bất cập theo lối ai đi trước thì được ưu tiên, ngành sử dụng nước nhiều cũng được ưu tiên, GS. Vũ Trọng Hồng đánh giá. Hiện nay, hệ thống thủy lợi thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phụ trách, hệ thống sông ngòi thuộc thẩm quyền Bộ Giao thông Vận tải, các thủy điện thuộc thẩm quyền Bộ Công thương, nước đô thị thuộc thẩm quyền Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, do chức năng quản lý không được phân định không rõ ràng nên giữa các cơ quan thiếu sự phối hợp, dễ lấn sân nhau, và mỗi ngành thường bị chi phối bởi mục tiêu và quyền lợi riêng.

Tình trạng thiếu sự phối hợp giữa các ngành Trung ương càng trở nên phổ biến hơn khi xuống tới các Sở, ngành ở địa phương. Mỗi Sở thường phải chờ nghe ý kiến từ vụ quản lý về nước ở Bộ chủ quản của mình trong quá trình phối hợp với các cơ quan liên quan khi giải quyết những vấn đề nước tại địa phương, và có những vấn đề mà người ta khó xác định được Sở nào có thẩm quyền và chịu trách nhiệm chính.

Theo chuyên gia Jenifer Sara, quản lý nước ở Việt Nam lâu nay vẫn tồn tại phương thức tiếp cận riêng rẽ theo từng ngành, và chủ yếu thông qua hoạt động đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng về nước. Cách tiếp cận này không gặp phải nhiều trở ngại trong quá khứ, nhưng ngày nay Việt Nam đang phải đối diện với những vấn đề nan giải rõ rệt: sự gia tăng mâu thuẫn về nhu cầu nước giữa các ngành, nguy cơ thiên tai và tác động biến đổi khí hậu, sự suy giảm chất lượng nước, đòi hỏi cam kết đối với tăng trưởng xanh, và nhu cầu thỏa thuận, hợp tác giữa các quốc gia trên cùng lưu vực. Những thách thức này đòi hỏi một phương thức tiếp cận các vấn đề quản lý nước một cách liên ngành, và sự linh hoạt để sẵn sàng đối phó với những diễn biến bất ổn định của biến đổi khí hậu. Các quyết định của từng ngành không thể đưa ra một cách cục bộ, mà cần trải qua một quy trình tham vấn có tính ổn định và rõ ràng giữa các ngành, để đưa ra những lựa chọn thông minh phục vụ cho lợi ích lâu dài.

Vấn đề nguồn lực, giải pháp công nghệ

Quan điểm của Ngân hàng Thế giới (WB) về những vấn đề cần ưu tiên trong hoạt động quản lý nước tại các quốc gia được điều chỉnh theo từng giai đoạn:

Từ năm 1993, WB đã nhận thấy phương thức quản lý nước theo từng ngành độc lập ở các quốc gia là không phù hợp. Nhà nước cần coi trọng sự tham gia của các bên có quyền lợi liên quan trong quản lý nước, vận dụng nhu cầu của họ và những động lực kinh tế nhằm cải thiện hiệu quả phân phối và chất lượng nước.

Đến năm 2003, WB thấy rằng quản lý tài nguyên nước là vấn đề trọng tâm trong tăng trưởng bền vững, trong đó cần đặc biệt chú trọng vào tính hiệu quả trên toàn châu thổ của các hệ thống thủy lợi. Hệ thống cung cấp nước cần tiếp tục được cải tổ, trong đó chú trọng nhiều vào vấn đề định giá nước – giá cả cần phản ánh đầy đủ mức chi phí sản xuất và tái tạo phục hồi nguồn nước nhằm đảm bảo tính bền vững.
Từ năm 2010 đến nay, WB chú trọng khuyến nghị về tăng cường năng lực phối hợp liên ngành trong mỗi quốc gia nhằm thích nghi và giảm nhẹ tác hại biến đổi khí hậu. Nhà nước cần áp dụng cơ chế đầu tư dựa trên kết quả mục tiêu về số lượng và chất lượng nước, chú trọng việc cải thiện tính hiệu quả trong hệ thống cung cấp nước, và chú trọng tài trợ cho những hệ thống vệ sinh tại chỗ với mức chi phí thấp cho các cộng đồng.

(Lược ghi từ bài trình bày của Jenifer Sarar, Giám đốc Phát triển Bền vững của Ngân hàng Thế giới)

Để đáp ứng nhu cầu nước phục vụ nhu cầu dân sinh và phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời đối phó với những tác động khó lường của biến đổi khí hậu, Việt Nam sẽ cần sự nỗ lực toàn diện từ nhiều ngành và sự tham gia tích cực của toàn xã hội, trong đó đặc biệt khuyến khích các dự án đầu tư căn cứ theo kết quả và các mối quan hệ công – tư hợp tác. Phương thức đầu tư này những năm gần đây đã bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam. Năm 2008, TP. Hồ Chí Minh từng giao thầu cho công ty Manila Water trong một dự án giảm thất thoát nước, trong đó kinh phí thanh toán được ràng buộc với kết quả là số lượng đồng hồ tổng (DMA) và lượng nước tiết kiệm được. Kết quả là sau 5 năm thực hiện, dự án đã lắp đặt được 110 DMA (chậm mất 9 DMA so với mục tiêu yêu cầu là 119 DMA) và tiết kiệm tới 91.726 m3 nước mỗi ngày (mục tiêu yêu cầu trong hợp đồng là tiết kiệm tối thiểu 37.500 m3/ngày), đủ để cung cấp thêm cho 500 nghìn hộ tiêu dùng mỗi năm, tương đương với nguồn thu có giá trị 7,7 triệu USD/năm, theo tính toán của Ian Menzies, chuyên gia cao cấp về Nước và Vệ sinh Vùng của Ngân hàng Thế giới. Phương thức đầu tư theo kết quả hiện đang được mở rộng tại Việt Nam, trong năm 2013 đã bắt đầu được triển khai trong khuôn khổ Chương trình Mục tiêu Quốc gia đầu tư cho nước sạch và vệ sinh môi trường tại 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng, theo thông tin từ bà Hạ Thanh Hằng, Chánh Văn phòng của chương trình này.

Việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước và xã hội một cách khôn ngoan đòi hỏi lựa chọn các giải pháp công nghệ đúng đắn, yếu tố vô cùng quan trọng quyết định tính hiệu quả của những khoản đầu tư cải thiện số lượng và chất lượng nước. Do sức ép từ nhu cầu của xã hội và các ngành kinh tế, người ta thường lựa chọn đầu tư cho các giải pháp công nghệ mang tính tức thời, trong khi nguồn lực của Nhà nước và xã hội là có hạn, và những công nghệ sẵn có sẽ không thể đảm bảo tính hiệu quả cao như những công nghệ trong tương lai. Vì vậy nhà đầu tư (công hoặc tư) phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định để tránh sa vào những phương án đầu tư tốn kém, thiếu khả năng điều chỉnh linh hoạt phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ của thế giới, hoặc không phù hợp với đặc thù phát triển và điều kiện tự nhiên của địa phương/đất nước1.

Bên cạnh đó, tầm nhìn về cải tổ công nghệ phục vụ mục tiêu cải thiện nguồn nước cho quốc gia không nên chỉ tập trung vào một vài ngành mà cần được cân nhắc và chú trọng một cách toàn diện trên nhiều ngành. Ví dụ trong lĩnh vực năng lượng, cần hướng tới những công nghệ làm mát tiết kiệm nước cho các nhà máy điện. Hoặc trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ chống hư hoại sau thu hoạch sẽ giúp tăng sản lượng cung cấp cho thị trường, qua đó tiết kiệm lượng nước dùng trong sản xuất. Cứ 25% giảm hư hoại sau thu hoạch sẽ giúp giảm lượng nước tưới tiêu trong sản xuất tới 10%, bà Sara cho biết.  

Cơ chế định giá nước theo thị trường

Việt Nam hầu như chưa có cơ chế định giá nước theo thị trường, mặc dù đây là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp thúc đẩy việc lựa chọn những giải pháp công nghệ đúng đắn và sử dụng nguồn lực của Nhà nước một cách hiệu quả. TS. Sinaia Netanyahu, Nhà khoa học trưởng, Bộ Bảo vệ Môi trường Israel khuyến nghị rằng việc áp dụng mức giá nước theo giá thị trường, trong đó phản ánh đầy đủ những chi phí sản xuất và tái xử lý nước, không chỉ giúp các nhà sản xuất nước có nguồn thu cần thiết để đảm bảo chất lượng sản phẩm nước được sản xuất và tái chế, mà còn giúp người tiêu dùng nước có ý thức cao hơn, sử dụng nước một cách tiết kiệm hơn. Nhờ đó, các đối tượng sử dụng nhiều nước là các ngành công nghiệp và các nông trại mới có đủ động lực để đầu tư cho những giải pháp đổi mới công nghệ giúp dùng nước một cách hiệu quả và bền vững hơn.

Theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, Việt Nam hiện nay vẫn áp dụng cơ chế bao cấp, giao kế hoạch cho các nhà sản xuất nước, và nhiều đối tượng được sử dụng nước miễn phí – như nước thủy lợi phục vụ nông dân – hoặc được sự hỗ trợ quá nhiều từ Nhà nước. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải từng bước tiến tới cơ chế định giá nước theo thị trường để cải thiện tính hiệu quả và thúc đẩy những giải pháp công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong khai thác, sản xuất và sử dụng nước. “Nếu không cải cách thể chế thì không cách gì chúng ta làm được”, ông nhận định. Ông cho biết tiến trình cải cách sẽ được bắt đầu từ cơ chế Nhà nước đặt hàng theo các chỉ tiêu sản phẩm, sau đó tiến tới cơ chế đấu thầu công khai minh bạch. Mặc dù vậy, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho rằng tiến trình cải cách này vẫn cần đảm bảo sự hài hòa trong phát triển kinh tế – xã hội, và những người sử dụng nước ở các địa phương khó khăn vẫn cần được Nhà nước trợ cấp trong sử dụng nước với mức ưu đãi cao hơn.

Đọc thêm:
Tác động môi trường từ hệ thống thủy lợi ĐBSCL
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=62&CategoryID=2&News=6695
            
——

1 Đơn cử như công nghệ tưới tiết kiệm nước của Israel mặc dù rất phù hợp với nhiều nơi trên thế giới nhưng chỉ áp dụng được đối với trồng trọt hoa màu, không thể áp dụng cho lúa nước, và khó dùng cho điều kiện đất bãi vì có thể gây rửa trôi chất màu trong đất, theo đánh giá của GS. Vũ Trọng Hồng

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)