Cảm nghĩ trước thềm Năm Mới 2006

Năm 2005 Liên Hiệp Quốc tuyên bố là năm Vật lý Quốc tế để tôn vinh nhà bác học Einstein và cũng là năm có nhiều tai họa thiên nhiên gây ra tổn thất nặng nề về người và của. Trước thềm Năm mới, chúng ta hãy điểm lại một số sự kiện có thể coi là nổi bật đã xẩy ra trong năm vừa qua.

Einstein dấu ấn trăm năm
Một trăm năm trước đây, Einstein bắt đầu đề xuất những lý thuyết đã để lại dấu ấn sâu sắc, không những trong ngành vật lý cơ bản, mà còn cả trong lĩnh vực công nghệ hiện đại. Nhiều quốc gia đã cử hành trọng thể lễ kỷ niệm 100 năm ngày Einstein công bố những công trình khoa học độc đáo của ông. Tháng 8 vừa qua, các nhà khoa học Việt Nam cũng đã tổ chức tại Hội An một hội thảo với chủ đề: “Einstein Dấu ấn trăm năm”.
Thuyết tương đối của Einstein đã giúp các nhà thiên văn giải thích được nhiều hiện tượng xẩy ra trên bầu trời, đặc biệt là sự tiến hoá của Vũ trụ. Hiệu ứng quang điện mà Einstein đã phát hiện,  được áp dụng trong công nghiệp để đáp ứng những nhu cầu thường ngày, như sự chế tạo những tế bào quang điện dùng trong máy ảnh số để ghi hình, thay thế cho phim ảnh. Thiết bị điện tử này nhạy hơn phim tới 30 lần. Ngày nay, máy định vị toàn cầu bằng vệ tinh là thiết bị cần thiết để quản lý sự giao thông trên không và trên biển. Máy định vị cũng bắt đầu được lắp đặt trong xe hơi để chỉ đường, người lái xe không cần nhìn bản đồ. Máy định vị có thể xác định vị trí với độ chính xác chỉ bằng vài centimet, nếu kỹ thuật dựa trên lý thuyết tương đối được áp dụng.

Chinh phục Vũ trụ

Năm 2005  cũng  có  nhiều thành tựu trong công cuộc chinh phục Vũ trụ. Sau cuộc hành trình dài 7  năm trời, con tàu vũ trụ Cassini đã bay qua hành tinh Thổ và thả trạm tự động Huygens đổ bộ xuống Titan ngày 14 tháng Giêng năm 2005. Titan là vệ tinh lớn nhất của Thổ với kích thước bằng khoảng nửa Trái đất. Thiên thể này hãy còn bí hiểm đối với các nhà thiên văn, có tầng khí quyển chứa đầy nitơ và khí đốt mêtan. Nghiên cứu thành phần hóa học của Titan giúp các nhà khoa học tìm hiểu sự tiến hoá của môi trường Trái đất.
Lần đầu tiên, máy rađa trên con tàu vũ trụ của Cơ quan Không gian Châu Âu (ESA) đã phát hiện được nước đóng băng ở sâu dưới bề mặt hành tinh Hỏa. Mặt khác, trạm tự động của Cơ quan Hàng không và Không gian Quốc gia Mỹ (NASA) đổ bộ hẳn lên hành tinh Hỏa để nghiên cứu trực tiếp bề mặt hành tinh, nhằm tìm thấy vết tích của sông ngòi và biển. Sự hiện diện của nước dưới dạng chất lỏng là yếu tố cần thiết cho sự sống. Hiện nay, sự tìm kiếm dấu vết của sự sống trên những hành tinh trong Hệ Mặt trời  là một trong những đề tài ưa chuộng của các nhà thiên văn.
Đầu tháng 7 vừa qua, Cơ quan NASA của Mỹ đã phóng một trạm tự động lao thẳng vào sao chổi Temple 1 và bới vật chất từ bên trong lõi sao, nhằm quan sát những loại vật chất nguyên thủy chưa bị biến dạng từ khi hệ Mặt trời, kể cả Trái đất, vừa mới  ra đời. Những kết quả quan sát sẽ giúp các nhà thiên văn tìm hiểu được sự tiến hóa của Trái đất trong vòng 4 tỷ năm nay. Có giả thuyết cho rằng vật chất bốc ra từ sao chổi có thể là những mầm mống gieo rắc sự sống trên hành tinh Trái đất từ thời xa xưa.
Trung Quốc cũng vừa phóng vệ tinh Thần Châu chở hai phi hành gia bay lượn quanh Trái đất trong năm ngày. Trung Quốc đã trở thành cường quốc thứ 3 có khả năng kỹ thuật chở người lên không gian vũ trụ. Công nghệ phóng tên lửa đang là một dịch vụ thương mại, sử dụng những vệ tinh dân sự chở khách du ngoạn trong không gian.
Cuối tháng 12, Cơ quan Không gian Châu Âu (ESA) cũng đã bắt đầu phóng vệ tinh để chuẩn bị triển khai một chùm 30 vệ tinh của hệ thống định vị toàn cầu dân sự Galileo. Hệ Galileo sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2010. Sự kiện này sẽ chấm dứt sự hoạt động độc quyền của hệ định vị GPS của Mỹ. Nhờ có kỹ thuật hiện đại và số vệ tinh tương đối cao, nên hầu như ở bất cứ địa điểm nào trên Trái đất và ở bất cứ thời điểm nào cũng có thể bắt được tín hiệu của Galileo, làm cho công việc định vị chính xác và dễ dàng hơn.

Khí hậu toàn cầu bị đảo lộn?

 Từ khi nền văn minh khoa học-kỹ thuật bắt đầu phát triển, nhân loại sử dụng ngày càng nhiều nhiên liệu để đáp ứng nhu cầu công  nghiệp. Những khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính là nguyên nhân của sự gia tăng nhiệt độ trên Trái đất, có khả năng làm đảo lộn khí hậu toàn cầu. Trong những năm gần đây,  chúng ta đã chứng kiến những mùa hè nóng nực không bình thường và những trận bão lớn, như trận bão Katrina ở vùng Vịnh Mexico gây ra  tai họa nặng nề cho dân cư.
Nhờ có những mô hình  khí hậu học chạy trên những máy tính có khả năng tính toán ngày càng lớn  mà các chuyên gia đã tiên đoán được tác động của hiệu ứng nhà kính hâm nóng khí quyển Trái đất. Trong khi chờ đợi sự triển khai trên quy mô lớn các năng lượng không ô nhiễm, chúng ta chỉ có cách hạn chế sự tiêu thụ năng lượng hoá thạch, theo lời kêu gọi của Nghị định thư Kyoto. Đầu tháng 12 vừa qua, một hội thảo về diễn biến khí hậu họp tại Montréal đã triệu tập đại diện của hơn 150 quốc gia trên thế giới. Phần đông đã phê chuẩn Nghị định thư Kyoto và cam kết sẽ cố gắng thi hành chỉ thị của Nghị định.

Đạo lý khoa học

Đạo lý là một yếu tố cần được tôn trọng trong khoa học. Những sự sai lầm vô tình hay hữu ý trong nghiên cứu khoa học có thể xẩy ra, nhưng phải không được che đậy và phải được sửa chữa kịp thời. Những gian lận khoa học trái đạo lý đã từng xẩy ra trong quá khứ. Ngoài chuyện phi đạo lý trong sự chế ra tế bào gốc của nhà khoa học Hàn Quốc Hwang Woo-suk (xem ảnh), có triển vọng chữa những bệnh kinh niên hiểm nghèo vừa được phát hiện mới đây, còn có vụ dùng sơn quét lên những con chuột để chứng minh là công trình ghép tạng giữa những loài khác nhau là thành công. Những nhà khoa học này bị sức ép của tham vọng, muốn nhanh chóng tìm ra những kết quả quan trọng phi thường và đôi khi họ còn muốn chạy đua để đoạt giải Nobel. Tuy nhiên, những kết quả khoa học không lọt qua được sự  kiểm tra khắt khe của những nhà khoa học công tác tại các phòng thí nghiệm khác nhau trên toàn cầu. Đa số các nhà khoa học thường rất thận trọng khi công bố công trình, nhằm tránh những sai lầm làm mất uy tín cá nhân và toàn bộ cơ quan nghiên cứu của họ.

Năm 2006 dài thêm 1 giây đồng hồ

Năm 2006 dài thêm 1 giây đồng hồ. Ngay sau khi năm 2005 vừa mới kết thúc, các đồng hồ trên toàn cầu  phải được điều chỉnh để chạy chậm lại 1 giây. Ngày 1/1/2006, khi đồng hồ chỉ đúng 0 giờ quốc tế GMT, tức là 7 giờ sáng giờ Việt Nam, thì thực ra mới chỉ là 23 giờ 59 phút 59 giây GMT ngày 31 tháng 12 năm 2005. Sự chậm lại 1 giây đồng hồ tuy có vẻ là không đáng kể và không có ảnh hưởng đến công việc thường ngày, nhưng trở nên rất quan trọng trong công việc sử dụng giờ chính xác, chẳng hạn như công việc của các nhà thiên văn quan sát các thiên thể. Động tác  tự quay của Trái đất là đồng hồ xác định thời gian của ngày và đêm trong 24 tiếng đồng hồ. Lý do của sự thay đổi giờ là vì Trái đất tự quay chậm dần do sức hút của Mặt trăng và Mặt trời và do sự ma sát với khí quyển và với những đại dương và cả với vật chất trong lòng Trái đất. Hiện nay, nhờ có hệ 250 đồng hồ nguyên tử đặt rải rác trên toàn cầu mà thời gian mới được đo cực kỳ chính xác và do đó các nhà thiên văn phát hiện là Trái đất quay không đồng đều. Các nhà thiên văn đã chọn giây phút đầu tiên của năm 2006 để điều chỉnh lại giờ toàn cầu. Đài thiên văn Paris đã được trao trách nhiệm quản lý giờ cho cộng đồng các nhà khoa học trên thế giới.

Nguyễn Quang Riệu

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)