Cảm nhận về những chuyện buồn năm cũ
Ngày Tết không ai nói chuyện buồn. Báo Xuân cũng vậy, toàn chuyện vui... như Tết! Có lẽ vì vậy mà tôi không còn có “ngách” nào để chen vào góp vui nữa, đành phải tự “gây ấn tượng” bằng cách nói chuyên buồn trên báo Xuân của Tia Sáng vậy!
Công bằng mà nói, năm 2007 đi qua, Việt Nam chúng ta chuyện vui cũng nhiều mà chuyện buồn cũng lắm. Những niềm vui từ thành quả hội nhập và phát triển kinh tế…, ai ai cũng cảm nhận được và đều thấy vui mừng, phấn chấn! Còn chuyện buồn từ những thảm họa do thiên tai hoặc do chính bản thân con người gây ra, từ “quốc nạn” tham nhũng, từ lạm phát và giá cả phi mã…, cả xã hội đều đã thấm, đã đau. Nhưng tất cả những niềm vui, nỗi buồn lớn lao đó đã được báo chí trong năm nói đến quá nhiều rồi. Trong khuôn khổ bài viết nhỏ này tôi chỉ muốn chia sẻ những cảm nhận cá nhân từ một vài chuyện không vui gần gũi với công việc của mình.
Chuyện buồn thứ nhất: Phản biện hay “ném đá ao bèo”?
Lần giở những số Tia Sáng trong năm 2007, tôi tần ngần lướt qua hàng loạt các bài viết về những vấn đề “nóng” nhất của xã hội với sự góp mặt của nhiều thế hệ trí thức Việt, cả trong và ngoài nước. Bao nhiêu là tâm huyết, bao nhiêu là “chất xám” đã thấm đẫm trong những trang viết có tính phản biện sâu sắc đó! Và một câu hỏi nảy sinh rất tự nhiên: đã có bao nhiêu phần trăm những ý kiến phản biện đó đã được những người có trách nhiệm (cả lập pháp lẫn hành pháp) ở các cấp xem xét, thừa nhận và áp dụng vào các chủ trương, chính sách, quy định hiện hành? Có lẽ không ai đo đếm được tỷ lệ chính xác để trả lời cho câu hỏi đó, nhưng cảm nhận của riêng tôi là ít, rất ít! Lẽ dĩ nhiên, không phải tất cả các ý kiến phản biện đều đúng và đều khả thi. Nhưng ngay cả những ý kiến mà những người trong cuộc đều thấy vừa đúng đắn, vừa khả thi (và hơn nữa còn nhận được sự đồng thuận của dư luận xã hội) hình như cũng chẳng có tác dụng gì? Rất nhiều minh chứng, chỉ xin kể ra đây một vài ví dụ gần gũi liên quan đến GD&ĐT và KH&CN:
Diễn đàn nghiên cứu khoa học: Thực trạng và Giải pháp của Tia Sáng |
Ví dụ đầu tiên là chuyện đánh giá nghiệm thu các đề tài nghiên cứu cơ bản. Diễn đàn do Tia Sáng tổ chức đã thu hút rất nhiều ý kiến của các nhà khoa học. Dĩ nhiên không phải tất cả các ý kiến đều đúng, thậm chí có một số ý kiến còn khá cực đoan và xa rời thực tiễn Việt Nam. Giáo sư Hoàng Tụy là người rất tâm huyết và có bề dày kinh nghiệm quản lý và trực tiếp nghiên cứu cơ bản nên đã góp rất nhiều ý kiến xác đáng. Cá nhân tôi, và chắc chắn tất cả những ai đã và đang tham gia một cách nghiêm túc các đề tài nghiên cứu cơ bản với sự tài trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đều bức xúc với các quy định về tài chính và đánh giá nghiệm thu hiện hành. Tất nhiên, ai cũng có cách “đối phó” với cơ chế, nhưng hậu quả là các bài báo khoa học được sản xuất và công bố theo kiểu “bán lúa non” của nhà nông. Đã có quá nhiều người nói về những chuyện “dở khóc, dở cười” này rồi. Cứ nghĩ rằng việc thay đổi cơ chế tuyển chọn và đánh giá các đề tài nghiên cứu cơ bản là không còn gì phải bàn nữa, và ý kiến của Giáo sư Hoàng Tụy về chuyện này là rất hợp lý và khả thi. Vậy mà trong bài viết “Có nên nghiệm thu các đề tài nghiên cứu cơ bản” (Tia Sáng điện tử, 04/10/2007), Giáo sư Hoàng Tụy đã phải kêu lên: “Ngày 18/9 vừa qua, Bộ KH&CN đã ban hành Quy định đánh giá nghiệm thu đề tài nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên. Theo tôi không ở đâu trên thế giới có chuyện nghiệm thu các đề tài khoa học theo như các điều trong quy định đó”. Và ông nhận xét thêm: “Tóm lại, nghiệm thu chỉ là sáng tác của riêng Việt Nam ta!”.
Ví dụ thứ hai là chuyện chương trình và sách giáo khoa cho các trường phổ thông ở nước ta. Có thể nói các diễn đàn về vấn đề này sôi động và “xã hội hóa” hơn nhiều so với vấn đề trên. Đã có không ít trận “bút chiến” nẩy lửa, thậm chí đến mức mất bình tĩnh giữa các nhà giáo dục đủ loại (có các nhà giáo dục thực sự đã hoặc đang đứng lớp và các nhà giáo dục salon rất uyên bác nhưng chưa bao giờ trực tiếp dạy học trò). Ý kiến trái chiều không ít, nhưng có lẽ chuyện mà ai cũng thấy đúng và khả thi là phải xóa bỏ độc quyền sách giáo khoa. Vì lâu nay không theo dõi chuyện này nữa nên tôi cứ yên chí là Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) đã có một cuộc “cách mạng” về chuyện này. Vậy mà mới đây đọc bài của tác giả Hiền Lê (VTC News) phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (xem Dân Trí điện tử ngày 03/01/2008) tôi mới “té ngửa” khi thấy GS Dũng tự đánh giá kết quả đóng góp của mình với tư cách đại biểu của 3 khóa Quốc hội liên tiếp: “Còn nhiều vấn đề tôi không đấu tranh được. Cái thứ hai (cái thứ nhất, theo người viết thì GS Dũng muốn nói đến các góp ý về giải pháp “2 không” của ngành giáo dục) tôi thất bại là chương trình và sách giáo khoa. Quốc hội nghĩ đơn giản là: một cuốn còn chẳng ra gì nữa là nhiều cuốn!” và ông dự định trong năm 2008 “vẫn tiếp tục nói để Quốc hội hiểu rằng chương trình và sách giáo khoa của nước mình chẳng giống ai ”! (GS Nguyễn Lân Dũng được mọi người đánh giá là một trong những đại biểu “nói nhiều” của Quốc hội mấy khóa gần đây. Ông đăng đàn tham luận, chất vấn các Bộ trưởng, viết báo, trả lời phỏng vấn…, về rất nhiều vấn đề, đặc biệt là về GD&ĐT. Và tôi cứ đinh ninh rằng nhiều ý kiến xác đáng của ông đã được ghi nhận và sử dụng. Nhưng đọc bài viết nói trên tôi mới biết là mình đã nhầm! Ông đã không che giấu nỗi buồn vì sự bất lực của mình ở chốn Nghị trường).
Thật trùng hợp, hai giáo sư nói về hai chuyện khác nhau nhưng đều có nhận xét chung là Việt Nam đều “làm chẳng giống ai”! Điều đáng nói là cái cần giống người ta để hội nhập (như GD&ĐT, KH&CN) thì chúng ta lại làm khác người, còn cái cần khác người để giữ gìn bản sắc dân tộc (như Văn hóa) thì lại cứ muốn bắt chước người ta! Nghe nói Bộ KH&CN đang tiến hành lựa chọn các sản phẩm để tôn vinh là “sản phẩm KHCN quốc gia”! Không biết đây có phải lại là một chuyện “làm chẳng giống ai” nữa không?
Một ví dụ nữa là chuyện mâu thuẫn của các nhà quản lý giáo dục đại học VN khi vừa muốn nâng cao chất lượng, muốn đào tạo đạt “chuẩn”, muốn có nhiều trường đại học “đẳng cấp quốc tế”, lọt vào các top bình chọn các trường đại học trên thế giới, vừa cho mở trường đại học tràn lan với lý do “xã hội hóa”! Xung quanh chuyện này và nhiều vấn đề cốt lõi khác của GD&ĐT cũng đã có quá nhiều ý kiến mà bài viết “Nguồn nhân lực cho cơ hội phát triển mới” (Tia Sáng điện tử, 01/11/2007) của nhà nghiên cứu Nguyễn Trung đã tổng hợp và bình luận một cách hệ thống. Tuy nhiên, đọc xong bài viết, tôi có cảm nhận (nếu không đúng thì thành thật xin lỗi, còn nếu đúng thì tôi hoàn toàn chia sẻ) là tác giả Nguyễn Trung không mấy tự tin với tác động tích cực của các ý kiến mang tính phản biện của mình nên gần cuối bài viết ông đã phải “kéo” Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào cuộc với hy vọng chúng có thêm trọng lượng?
Vậy là, các nhà trí thức ơi! Các vị cứ việc nói thoải mái để cho nhau nghe là chính, còn những người cần nghe có nghe không hoặc nghe rồi để đấy thì không phải là việc của các vị! Đá cứ ném, ném nhiều và liên tục đi nữa thì cũng đến lúc người ném mỏi tay và ao bèo lại vẫn cứ là ao bèo muôn thuở chẳng đổi thay!
Chuyện buồn thứ hai: Thân phận những người thực thi quốc sách!
GD&ĐT cũng như KH&CN đều được coi là “quốc sách” thì dĩ nhiên các nhà giáo, nhà khoa học sẽ là những người “thực thi quốc sách”! Nghe thật là oai, nhưng có là người trong cuộc mới thực sự “biết thân, biết phận”!
Đã qua rồi thời bao cấp, đến hẹn lại lên lương, được phân nhà, cấp đất. Đã qua rồi cái thời, cứ chịu khó “thập diện mai phục” để kiếm một suất thực tập hay nghiên cứu sinh ở nước ngoài, chịu khó tằn tiện ở xứ người để về làm thượng lưu xứ ta. Giờ đây, các nhà giáo và nhà khoa học hoàn toàn đối mặt với sự khắc nghiệt của cơ chế thị trường. Trừ một số người thế hệ trước có tài năng và vị trí vẫn còn “của để dành” từ thời bao cấp, đối với các nhà giáo, nhà khoa học ngày ngay, đặc biệt là lớp trẻ, đây thực sự là một cuộc chiến đấu để tồn tại. Thực tế là họ vẫn tồn tại và có không ít người sống sung túc. Nhưng số người tồn tại chỉ bằng đồng lương công chức là rất ít. Và số lượng những người sống sung túc hoàn toàn bằng nghề (giảng dạy, nghiên cứu) cũng rất ít. Đa phần trong số đó là có “tay trái dài hơn tay phải”, thậm chí có “nhiều tay trái”. Hậu quả đương nhiên là chất lượng làm việc của tay phải sút kém! Tôi đã đọc một bài viết nhan đề “Bi kịch giảng viên trẻ” đăng trên báo Sinh viên của Hội Sinh viên Việt Nam cách đây vài tháng, trong đó tác giả (tôi không nhớ tên) vì muốn nhấn mạnh tính “bi kịch” nên có làm một sự so sánh, đại ý: trong khi các giảng viên trẻ mới ở lại trường nhận lương còm hơn 1 triệu đồng/tháng, thì các Phó Giáo sư trở lên dạy 300 tiết/học kỳ và được trường thanh toán 100.000 đồng/tiết, vị chi mỗi học kỳ mỗi vị đút túi ngon ơ 30 triệu đồng!?. (Tôi đã định đến Tòa soạn Sinh viên để xin gặp tác giả hỏi xem trường nào mà ưu ái với PGS, GS như vậy để tìm cách xin về!) Đáng tiếc là một bài báo đưa tin “thất thiệt” như vậy lại đăng trang trọng trên báo của sinh viên làm cho các bạn trẻ nghĩ rằng tồn tại một sự bất công ghê gớm trong các trường đại học của ta. Nếu giáo viên mà sống “ngon lành” như vậy thì Giáo sư Hoàng Tụy đã chẳng mất công “khản cổ” nhiều lần đề nghị tăng lương cho ngành giáo dục. Và thực sự nếu có giáo viên nào sống sung túc được chỉ bằng nghề “bán cháo phổi” thì bi kịch của sự trả giá bằng sức khoẻ và mạng sống của mình trong tương lai gần đã được báo trước! Các nhà nghiên cứu cũng vậy thôi, cứ “thâm nhập” vào Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam là thấy ngay nội tình. Nghề tay trái khá phổ biến là “chạy sô” dạy cho các trường đại học dân lập hoặc công lập mới mở. Kiếm sống vất vả như vậy nhưng các nhà giáo, nhà khoa học (cũng như phần đông các công chức khác) lại là đối tượng được cơ quan thuế “nắm tóc” dễ nhất để đóng góp thuế thu nhập cá nhân. Mức lương bình quân của các Giáo sư cũng chỉ mới vượt “đỉnh” 4 triệu đồng/tháng nên cứ thêm được đồng nào là bị đưa vào diện “cắt ngọn” ngay! Có chạy ra ngoài dạy thêm thì cũng không “thoát” vì trường nào cũng trừ luôn 10% khi thanh toán cho chắc ăn. Cho dù sự so sánh là khập khiễng nhưng cứ đọc báo thấy ca sĩ này, người mẫu nọ đóng thuế thu nhập đến hàng trăm triệu/năm mà thấy cám cảnh cho các giáo sư trong nước.
Vật chất là vậy, còn tinh thần thì sao? Lỡ mang nghiệp “sĩ” nên nhiều nhà giáo, nhà khoa học chẳng khác nào “người ngoài hành tinh” trong cơ chế thị trường. Làm thế nào để vẫn giữ được “đạo cao, đức trọng” mà không nghèo, không khổ? Hành động “phá rào” dễ chấp nhận nhất là “dạy thêm” nhưng không phải ai cũng có được sự thanh thản. Cơn lốc thương mại hóa giáo dục đã và đang cuốn nhà giáo vào dòng xoáy trong, đục khôn lường. Ngày 20/11 hằng năm vẫn có meeting đầy hoa và khẩu hiệu, vẫn có nhiều bài báo tôn vinh nhà giáo. Vẫn có hàng loạt nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân. Nhưng có là nhà giáo thực sự mới thấm nỗi đau khi thấy ý nghĩa cao đẹp của cụm từ “tôn sư trọng đạo” đang mất mát dần theo thời gian. Phải chăng, cố gắng níu kéo một truyền thống như vậy cũng là một việc làm “chẳng giống ai ?”. Tôi không thể trả lời được, và có lẽ rất nhiều người cũng không trả lời một cách thuyết phục được. Nếu không thì đã không có chuyện “chất xám” tích lũy bao năm của các trường đại học và viện nghiên cứu công lập đang chảy ra các doanh nghiệp (bao gồm cả các trường đại học của doanh nghiệp), trong khi “chất xám trẻ” rất khó bổ sung.
Chuyện buồn thay cho lời kết: Hậu Đề án 112
Kết thúc buồn của Đề án 112 đã được xếp vào một trong những sự kiện nổi bật về Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICT) trong năm 2007. Những công việc dở dang của 112 được chuyển về cho Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), chịu trách nhiệm trực tiếp là Cục ứng dụng Công nghệ Thông tin. Về mặt quản lý Nhà nước thì sự chuyển giao đó là hợp lý, nhưng nếu xét về nguyên nhân thất bại chủ yếu của 112 (theo sự phân tích của nhiều chuyên gia) xuất phát từ “lỗi hệ thống”, thì bức tranh toàn cảnh của ICT Việt Nam hiện tại chưa cho ta những tín hiệu đáng tin cậy về sự thành công của Hậu 112 trong tương lai. Tôi đã từng muốn viết một bài báo để thử phác thảo một bức tranh toàn cảnh ICT Việt Nam 2007 theo cảm nhận của riêng mình, nhưng rồi đã từ bỏ ý định đó sau khi đọc bài viết nhan đề “Thị trường ICT 2007: Những hệ lụy từ được và mất” của tác giả Hàn Phi (An ninh cuối tháng, 12/2007). Tác giả Hàn Phi đã vẽ được bức tranh như vậy, dù chưa phải là hoàn toàn đầy đủ nhưng rất thực và khách quan, đặc biệt ở nhận xét cuối cùng, đại ý “ICT Việt Nam 2007 đã khép lại xoay quanh 2 thái cực Được và Mất, trong đó cái Được cái Mất gần như song hành với nhau và những hệ lụy của nó chưa dừng lại mà sẽ là những vấn đề cần phải giải quyết vào những năm sắp tới”.
Dự án 112 thất bại do “lỗi hệ thống”. |
Đề án 112 thất bại, chúng ta mất nhiều thứ. Nhưng từ “một góc nhìn của trí thức”, có cái mất vô hình không phải ai cũng cảm nhận được, đó là sự mất mát về lòng tin của xã hội vào những người trí thức, bởi “góp phần” vào sự thất bại và tai tiếng của 112 còn có cả sự thỏa hiệp (nếu không muốn nói là đồng lõa) của cả một số người trong giới trí thức. Thế mới thấy trí thức của chúng ta thời buổi này “giữ mình” không dễ! Thật buồn, nhưng cũng có cái vui trong đó từ sự cảnh báo!
Ngày Xuân nói chuyện buồn cũng là để sòng phẳng trong suy nghĩ của mình khi giã từ năm cũ. Được-Mất, Vui-Buồn (cùng với những hệ lụy của chúng) càng rạch ròi sẽ càng giúp ta luôn “biết mình là ai” và “đang đứng ở đâu ?”, từ đó thêm tự tin để bước vào một Năm Mới dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức.