Cần góc nhìn toàn diện trong đánh giá ô nhiễm không khí

Để đánh giá chính xác chất lượng không khí Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác, cần một góc nhìn toàn diện về nguyên nhân, sự tương tác giữa các yếu tố liên quan, mối liên hệ giữa phát triển năng lượng và ô nhiễm không khí…

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội chủ yếu là ô nhiễm bụi còn các hợp chất khác như SO2, Nox, CO, O3,… Nguồn: tienphong.vn

Điều đó đã được thảo luận trong hội thảo “Đồng lợi ích của phát triển năng lượng bền vững đối với chất lượng không khí và sức khỏe cộng đồng” được tổ chức vào ngày 13/6/2019 do Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID) phối hợp với Viện độc lập về các vấn đề môi trường (UfU).

Theo báo cáo của ThS. Lê Hoàng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường, Bộ NN&PTNT), dù Hà Nội và một số thành phố khác ở Việt Nam đều trong tình trạng ô nhiễm bụi ở các mức độ khác nhau nhưng “không thể vì vậy mà cho rằng không khí ở Việt Nam ô nhiễm như Bắc Kinh hay các thành phố khác vì ngoài ô nhiễm bụi, các thành phố này còn vướng phải các vấn đề nghiêm trọng về nồng độ khí SO2 và O3”. Nguyên nhân dẫn đến hiểu lầm này là do “thông tin từ cơ quan quản lý đến với công chúng tương đối chậm nên gây ra nhiều vấn đề trong quan niệm về chất lượng không khí của Hà Nội và Việt Nam”, ông nói.

Hiện nay, ô nhiễm không khí ở Hà Nội chủ yếu là ô nhiễm bụi còn các hợp chất khác như SO2, Nox, CO, O3,… đều có giá trị khá thấp và nằm ở trong giới hạn cho phép của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 05:2013/BTNMT. Bên cạnh đó, mức độ ô nhiễm bụi có sự thay đổi theo không gian và thời gian chứ không cố định. ThS. Lê Hoàng Anh cho biết, địa hình Việt Nam kéo dài qua nhiều vĩ tuyến, miền Bắc chịu ảnh hưởng của gió mùa nên có sự biến động lớn hơn về các thành phần trong không khí, có những thời điểm bụi mịn PM2.5  tăng cao đột biến như trước khi mỗi đợt gió mùa về, nền nhiệt trong không khí cao kết hợp với sự di chuyển của các khối khí tầng trên đã nén khí tầng thấp, khiến lượng bụi mịn không thể khuếch tán. 

Sự thay đổi về nồng độ bụi trong không khí cũng phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác nhau. Số liệu thống kê cho thấy hàm lượng bụi ở một số điểm như trạm quan trắc Nguyễn Văn Cừ hoặc Đại sứ quán Mỹ ở Láng Hạ đang có xu hướng giảm, đặc biệt là giai đoạn 2015-2017 giảm hẳn so với 2013-2015. “Việc tăng hoặc giảm lượng bụi phụ thuộc vào những nguồn phát thải tại chỗ như giao thông, xây dựng,… Vì vậy, có những địa điểm hàm lượng bụi tăng lên nhưng có những nơi có xu hướng giảm đi”, ThS. Lê Hoàng Anh lý giải.

Theo số liệu từ các trạm quan trắc của Đại sứ quán/Lãnh sự quán Mỹ đặt tại 15 thành phố ở châu Á (Trung Quốc, Mông Cổ, Ấn Độ, Indonesia,…), tỷ lệ ô nhiễm bụi mịn PM2.5  ở Hà Nội và TP HCM ở mứctrung bình, TP HCM có mức ô nhiễm thấp nhất trong số 15 thành phố được đánh giá.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu lo ngại về vấn đề mạng lưới quan trắc ở Việt Nam còn thưa nên chưa thu thập được đầy đủ số liệu. Như vậy, những số liệu chúng ta đưa ra có độ tin cậy đến đâu? Theo giải đáp của ThS Lê Hoàng Anh, mạng lưới quan trắc của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng còn rất mỏng, do đó, việc tăng cường mạng lưới quan trắc trong thời gian tới là việc làm hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để có được một mạng lưới quan trắc có mật độ lắp đặt đủ dày, có khả năng cung cấp số liệu tương đối chính xác, cần có sự đầu tư trong thời gian dài của các cơ quan quản lý nhà nước. Trước mắt, để bổ trợ cho số liệu của các trạm này, Bộ TN&MT đã triển khai các chương trình quan trắc định kì, “tuy số liệu không thể đầy đủ và chất lượng như các trạm quan trắc tự động nhưng cũng giúp chúng tôi xây dựng được bức tranh toàn thể về chất lượng không khí Việt Nam”, ThS. Lê Hoàng Anh khẳng định.

 

 

 

Tác giả