Cần một chương trình nghiên cứu tiếp theo cho nghiên cứu sinh

Khoa học mang tính tiếp nối, và do đó, việc nuôi dưỡng và nâng đỡ thế hệ khoa học trẻ là một điều đương nhiên và một việc làm mang tính liên tục, chứ không có gì phải bàn cãi. Ở một số nước phương Tây mà người viết có kinh nghiệm qua, các nhà khoa học có tuổi hay đã thành danh thường tìm cách thu hút các nhà khoa học trẻ có triển vọng để mong họ sẽ nối nghiệp sau này. Một trong những chương trình để nuôi dưỡng và nâng đỡ nhân tài là chương trình nghiên cứu, đúng ra là một học bổng (fellowship) dành cho những người bảo vệ thành công tiến sĩ trong vòng 3-4 năm có triển vọng trong nghiên cứu, nghĩa là quá 5 năm có thể không được xét (tạm gọi là chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ).

Chương trình này ở nước ngoài không có gì là mới, nhưng ở nước ta nó còn là một chương trình tương đối xa lạ. Vì phần lớn nghiên cứu sinh nước ta khi xong luận án tiến sĩ ở nước ngoài đều về nước.
Thông thường, ở các nước Âu Mĩ nói chung, khi nghiên cứu sinh sắp hay hoàn tất luận văn (hay thậm chí còn trong quá trình viết luận án tiến sĩ), người giáo sư hướng dẫn phải có trách nhiệm tìm cơ sở và điều kiện để gửi nghiên cứu sinh sang một trung tâm nghiên cứu khác, thường là ở nước ngoài, để họ theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu sau tiến sỹ dưới sự hướng dẫn của một giáo sư khác, và dần dần huấn luyện họ trở thành những nhà nghiên cứu độc lập, tức có thể tổ chức và thực hiện một công trình nghiên cứu từ A đến Z.
 

 

Ở giai đoạn này nghiên cứu trong các bộ môn khoa học thực nghiệm, có không ít người phải tiêu ra cả 5 năm trời để có thể tự khẳng định mình và chuẩn bị cho một sự nghiệp tương lai.
Ở các nước Âu Mĩ, chỉ có khoảng 40% tiến sĩ chọn con đường tiến sĩ à sau tiến sĩ à giáo sư đại học, và trong số này chỉ có một phần ba là tiến tới thang bậc giáo sư đại học.  Phần còn lại thì quyết định tham gia nghiên cứu trong các công ty kĩ nghệ hay chính phủ.  Ở Mĩ một cuộc điều tra vào thập niên 1990 cho thấy khoảng 51% người tốt nghiệp tiến sĩ làm việc ngoài khoa bảng, tức làm các chức vụ quản lí, lãnh đạo, cố vấn, thậm chí truyền thông khoa học! Ở một số ngành, tỉ lệ làm việc ngoài khoa bảng lên đến con số 60% (xem Bảng 2). Ở nước ta tuy chưa có điều tra chính thức, nhưng một số người cho rằng con số tiến sĩ làm ngoài khoa học là 70%; nếu đây là con số thật thì đây là một tần số quá cao so với quốc tế.
Sự chuyển tiếp từ giai đoạn tiến sĩ sang giai đoạn nghiên cứu tiếp theo không xảy ra như là một dây chuyền tự động. Trong thực tế họ phải trải qua một qui trình tuyển chọn có khi khá gắt gao. Hàng năm, có hàng chục ngàn tiến sĩ trong các ngành khoa học thực nghiệm khắp thế giới tìm cơ hội ở nước ngoài để hoàn tất chương trình nghiên cứu sau tiến sỹ. Do đó, các nghiên cứu sinh cần phải chuẩn bị tinh thần để “dấn thân” vào một cuộc cạnh tranh toàn cầu, và muốn nâng cao xác suất thành công trong cuộc cạnh tranh này, nghiên cứu sinh phải có bài báo khoa học được công bố trên các tập san quốc tế trước hay trong khi viết luận án tiến sĩ. Không có công bố quốc tế, xác suất xin được học bổng nghiên cứu tiếp gần như zero. Đó cũng chính là lí do tại sao tôi thường viết rằng cần phải khuyến khích người nghiên cứu công bố bài báo khoa học trên các tập san quốc tế trong khi làm nghiên cứu cấp tiến sĩ.
 

Một hình thức khác để nâng đỡ giới trẻ là tạo điều kiện cho các nghiên cứu sinh tiến sĩ có cơ hội đi dự các hội nghị chuyên môn quốc tế ít nhất là một lần trong thời gian đào tạo tiến sĩ. Các hội nghị chuyên môn là các diễn đàn lí tưởng để sinh viên có cơ hội trình bày nghiên cứu của mình trực tiếp với đồng nghiệp trên thế giới, và qua tiếp xúc trực tiếp, các sinh viên có cơ hội gặp và bàn thảo với những người mà trong tương lai có thể là người hướng dẫn mình trong các nghiên cứu hậu tiến sĩ.  Các diễn đàn này còn là nơi lí tưởng để các sinh viên học hỏi và làm quen với “nghệ thuật” thuyết trình khoa học bằng ngoại ngữ trước đồng nghiệp nước ngoài.
Ngoài ra, nếu có thể, tạo điều kiện cho một giáo sư từ một trung tâm nghiên cứu ngoài Việt Nam tham gia vào ban giáo sư hướng dẫn luận án. Sự có mặt của một nhà khoa học nước ngoài có thể dưới hình thức cộng tác trong nghiên cứu, hay qua trao đổi thường xuyên giữa sinh viên và ban hướng dẫn. Sự có mặt của một giáo sư hay một nhà khoa học uy tín trên thế giới ngoài Việt Nam (nhưng có thể là người gốc Việt Nam) trong ban hướng dẫn luận án không những đảm bảo tính quốc tế của luận án, mà còn là một cách phát biểu gián tiếp giới thiệu các công trình nghiên cứu của Việt Nam cho các đồng nghiệp trên thế giới.

Văn hóa kế thừa
 

Cũng như bất cứ ngành nghề nào, khoa học mang tính kế thừa. Những người được đào tạo thành tiến sĩ tiếp nối hay mở rộng công trình nghiên cứu từ người thầy, và  trong nhiều trường hợp phát triển thêm ý tưởng mới và công trình mới. Nếu không có kế thừa, khoa học sẽ đi vào bế tắc rất nhanh.  Ở các nước phương Tây, người ta có những kế hoạch cụ thể, kể lập ra những ngân sách đặc biệt, để nuôi dưỡng thế hệ nghiên cứu khoa học trẻ, những người đã có học vị tiến sĩ và đang làm nghiên cứu sau tiến sỹ.  Ngân sách này được phân phối cho các trung tâm nghiên cứu có điều kiện và cơ sở vật chất để sử dụng các nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ và từng bước đào tạo họ thành những nhà nghiên cứu độc lập, những con chim đầu đàn.  Ở Úc, trong tài khóa 2006-2007, Chính phủ cung cấp khoảng 1,25 tỉ AUD cho nghiên cứu khoa học; trong số này, khoảng 15% (tức khoảng 187 triệu AUD) chỉ dành cho việc cấp học bổng cấp tiến sĩ, tiến sỹ nghiêncứu giai đoạn tiếp theo, và chương trình “fellow” (chỉ dành cho các nhà khoa học đã “thành danh”).
Ngoài ra, trong các hội nghị quốc gia, những “cây đa cây đề” thậm chí nhường những chức vụ và vai trò quan trọng cho giới trẻ đảm trách để chuẩn bị cho họ một tương lai kế thừa sự nghiệp của những người đang sắp nghỉ hưu. Do đó, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy ở các nước phương Tây, các nhà khoa học thành công khá nhanh và trẻ tuổi hơn ở các nước châu Á, nơi mà văn hóa kế thừa vẫn chưa được xem trọng.
Nhưng ở nước ta, việc chuẩn bị cho thế hệ kế tiếp vẫn còn là một ý nguyện.  Nhiều nhà khoa học trẻ được đào tạo bài bản từ trong và ngoài nước vẫn chỉ là những cái bóng bên cạnh các “cây đa cây đề”, chưa được giao những trọng trách. Có người chờ đợi mòn mỏi, và không đủ kiên nhẫn (cũng không thể trách họ) nên đành phải tìm cách ra nước ngoài và khả năng quay về nước thật thấp. Hệ quả là ngày nay, chúng ta thường nghe đến tình trạng “lão hóa” trong đội ngũ nghiên cứu khoa học nước nhà: trong khi những nhà khoa học lớn sắp về hưu chúng ta vẫn chưa có một đội ngũ xứng đáng kế thừa.
Nước ta có chính sách đào tạo hai vạn tiến sĩ trong tương lai, nhưng chúng ta chưa nói đến chương trình để tiến sỹ bước sang giai đoạn nghiên cứu tiếp, một chương trình rất quan trọng cho việc nuôi dưỡng và nâng đỡ nhân tài. Do đó, theo tôi thấy, Nhà nước cần thiết lập những chương trình này ở trong nước, kể cả việc cung cấp học bổng để nghiên cứu sinh tiến sĩ nước ta có thể thực tập nghiên cứu ở nước ngoài, và qua đó mà có thể tạo cho nhà khoa học còn trẻ tuổi một sự nghiệp vững vàng.

Trong hoạt động khoa học người ta có câu “khoa học là trò chơi của tuổi trẻ”.   Paul Dirac và James Watson cũng từng nói như thế.  Điều này đúng, bởi vì phần lớn những khám phá quan trọng trong lịch sử khoa học đều một phần lớn do các nhà khoa học trẻ tuổi thực hiện (xem Bảng 1).  Phân tích các khám phá quan trọng người ta ghi nhận rằng năng suất và sự sáng tạo khoa học cao nhất thường ở độ tuổi trung bình 37.  Thật vậy, nhìn qua lí lịch khoa học của các nhà khoa học danh tiếng, chúng ta dễ nhận ra rằng khoảng thời gian mà họ công bố nhiều bài báo khoa học nhất và sáng tạo nhất là ở độ tuổi 30-40.  Năng suất khoa học trong giai đoạn này cũng là tín hiệu quan trọng cho biết tương lai của một nhà khoa học.
BOX: Theo thống kê năm 2000, chỉ có 15% thầy cô đại học có học vị tiến sĩ (một học vị cần thiết cho nghiên cứu khoa học độc lập), và trong số mang hàm giáo sư, phần lớn ở độ tuổi 60 – 65.  Với một lực lượng yếu như thế, không ngạc nhiên chúng ta chưa đủ khả năng để cạnh tranh trên trường quốc tế như là một tập thể.  Sự hụt hẫng này xảy ra vì văn hóa kế thừa trong khoa học ở nước ta chưa được hình thành.

Nguyễn Văn Tuấn

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)