Cảnh báo về các tiểu hành tinh ở gần Trái Đất

Số lượng tiểu hành tinh đường kính 10-50 m có khả năng va chạm Trái đất nhiều gấp 10 lần con số trước đây các nhà khoa học đã dự kiến, một số bài viết trên Science và Nature mới đây cảnh báo.

Hai tạp chí Science (Mỹ) và Nature (Anh) số ra ngày 6 và 7/11 mới đây có đăng mấy bài viết công bố những số liệu chi tiết về vụ thiên thạch rơi xuống và nổ trên bầu trời vùng Chelyabinsk (Nga) ngày 15/2 năm nay. Đây là vụ tiểu hành tinh va chạm Trái đất lớn nhất kể từ vụ Tunguska ở Siberia năm 1908. Các tác giả cảnh báo: số lượng tiểu hành tinh đường kính 10-50 m có khả năng va chạm Trái đất nhiều gấp 10 lần con số trước đây các nhà khoa học đã dự kiến. Cho dù các tiểu hành tinh đó chưa thể mang lại tai họa hủy diệt Trái đất nhưng các quốc gia nên sớm xây dựng cơ chế khẩn cấp đề phòng tiểu hành tinh.

Tạp chí Science cho biết, một nhóm 59 nhà khoa học của chín nước đã đến khảo sát 50 làng ở vùng Chelyabinsk, nghiên cứu kỹ những video và ảnh do dân địa phương chụp dấu vết hành trình của tảng thiên thạch, họ đã phân tích kỹ các thiệt hại gây ra bởi vụ này. Sau khi đi vào khí quyển với vận tốc hơn 40 nghìn dặm/giờ, tiểu hành tinh ấy đã lần lượt nổ bốn lần. Tại độ cao 19 dặm so với mặt đất, nó bị đốt nóng, nổ và phát sáng. Người ở cách xa 62 dặm cảm thấy ánh sáng của vụ nổ ấy sáng hơn Mặt trời. Sóng xung kích (shockwave) do vụ nổ phát ra đủ để quật ngã những người đi dưới mặt đất. Các vụ nổ ấy có năng lượng hơn 500-600 kiloton thuốc nổ TNT, tương đương hơn 60 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima.

Tiểu hành tinh này có đường kính khoảng 19m, nặng 12-13 nghìn tấn. Ba phần tư vật chất của nó đã bốc hơi trong khí quyển, hầu hết phần còn lại tan thành bụi, vì thế các mảnh thiên thạch còn sót lại rơi xuống mặt đất không gây thiệt hại lớn. Thiệt hại lớn nhất là do các vụ nổ không khí (air blast) gây ra, làm cho hơn 1.000 người bị thương. Tảng thiên thạch còn lại cuối cùng rơi xuống đất nặng chừng 4-6 tấn. Mảnh vụn nặng nhất khoảng 650 kg. Tiểu hành tinh đó thuộc loại thiên thạch hình cầu thông thường nhất, hình thành cách đây 4,4 tỷ năm.

Hai bài báo đăng trên Nature phát hiện: Đối với những người quan sát trên mặt đất, quả cầu lửa hình thành khi tiểu hành tinh nổ lúc sáng nhất có độ sáng cao gấp hơn 30 lần ánh sáng Mặt Trời. Tại nơi cách điểm sáng nhất của quả cầu lửa 30 km, phản xạ trên cánh đồng tuyết của luồng tia cực tím do quả cầu lửa phát ra đã làm tăng thiệt hại cho con người như gây bỏng da, làm rách da. Trong vòng 100 km ở hai bên quỹ tích tiểu hành tinh có thể cảm nhận được tác dụng của sóng xung kích do vụ nổ gây ra.

Hiện nay người ta mới ghi chép được chưa đến 1% các thiên thể đại loại như tiểu hành tinh Chelyabinsk, nghĩa là còn hơn 99% thiên thể như vậy vẫn chưa được phát hiện. Vì vậy vụ Chelyabinsk là một tiếng chuông báo động: những vụ tiểu hành tinh va chạm Trái đất có thể sẽ xảy ra thường xuyên hơn, khoa học cần nghiên cứu kỹ loại thiên thể này và tìm cách đề phòng.

Các nhà nghiên cứu ở Viện Khoa học CH Czech viết trên Nature cho biết trong khoảng không vũ trụ gần Trái đất tồn tại vài triệu tiểu hành tinh đường kính cỡ 20m, chúng ta không có cách nào kiểm kê được từng cái. Trong 100 năm tới, sẽ thường xuyên xảy ra sự việc chúng va chạm với Trái đất. Rất may là do kích thước nhỏ nên chúng chỉ có thể gây ra thiệt hại cục bộ.

Các quốc gia trên thế giới nên cố gắng lập các cơ chế khẩn cấp dự báo sớm khả năng tiểu hành tinh đâm vào Trái đất của chúng ta. Peter Brown, giáo sư ĐH Western Ontario, Canada nói: “Trong trường hợp Chelyabinsk, lẽ ra một cảnh bảo sớm vài ngày cho đến 1 tuần sẽ có giá trị.”

Theo một nguồn tin khác, mới đây sau khi các nhà khoa học phát hiện tiểu hành tinh (được đặt tên là 2013 TV135), có 1/63.000 cơ hội va chạm với Trái đất vào ngày 26/8/2032, Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga Roscosmos đã đặt vấn đề tổ chức chiến đấu chống lại các tiểu hành tinh.

Nguyễn Hải Hoành lược thuật

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)