Cảnh báo về tồn dư 19 loại hóa chất trong cơ thể người

Đầu tháng năm, một nghiên cứu đột phá từ Đại học California, San Francisco trên 171 thai phụ phát hiện trong cơ thể của hơn 90% người tham gia nghiên cứu tồn dư 19 loại hóa chất và thuốc trừ sâu khác nhau. Các nhà nghiên cứu cho biết nhiều chất đi qua nhau thai và nhiễm vào bào thai đang phát triển. Nghiên cứu này bổ sung thêm bằng chứng cho báo cáo của Viện Y tế quốc gia, cảnh báo trẻ sơ sinh “bị ô nhiễm từ trước” do hóa chất.

Vẫn chưa biết được toàn bộ mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe khi tiếp xúc với hóa chất từ sớm như vậy, nhưng các nhà khoa học lo ngại chúng sẽ góp phần gia tăng tỷ lệ nhiễm bệnh tự miễn, các rối loạn phát triển như tự kỷ, cùng những tác hại đến sinh sản ở người dân Mỹ.

Nghiên cứu đăng trên tạp chí Lancet gia tăng mối lo ngại về ô nhiễm trên toàn cầu, nó tiết lộ cứ 6 người lại có 1 người tử vong có liên quan đến ô nhiễm không khí và nước. Hằng năm có hơn 9 triệu người chết do hai loại ô nhiễm này, nhiều hơn số người chết do suy dinh dưỡng, tai nạn giao thông, sử dụng chất kích thích và đồ uống có cồn cộng lại.

Không khí ô nhiễm gây ra cái chết cho khoảng 6,5 triệu người hằng năm. Khí thải này thường từ nhà máy ở các nước đang phát triển xuất khẩu hàng hóa cho đối tác thương mại giàu có. Các quốc gia đang phát triển ở Đông và Đông Nam Á là nơi chịu nhiều tổn hại nhất do có mức độ bảo vệ môi trường thấp. Thế nhưng, không quốc gia nào có thể thoát khỏi tác hại do mình gây ra, bởi khí thải từ hoạt động sản xuất và giao thông trên khắp thế giới góp phần gây nên tình trạng ấm lên toàn cầu.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo tình trạng ô nhiễm này sẽ gây ra các thảm họa sinh thái và con người, mức độ trầm trọng tương tự như biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh thái.

Vào năm 2017, nhà nghiên cứu sinh thái học công nghiệp Roland Geyer tại Đại học California, Santa Barbara, phát hiện ra kể từ khi việc sản xuất nhựa hàng loạt bắt đầu vào những năm 1950, thì số lượng sản phẩm là hơn 8,3 tỷ tấn, 79% trong số đó bị thải ra môi trường hay các bãi chôn lấp. Một nửa số đó được tạo ra chỉ trong 13 năm trước và dự kiến sẽ gấp đôi số lượng vào năm 2050. Nhiều nghiên cứu phát hiện hạt vi nhựa xuất hiện trong thực phẩm và cơ thể người, gây rối loạn nội tiết tố, tổn hại hệ miễn dịch và tăng rủi ro mắc bệnh mãn tính.

Trong hơn năm mươi năm qua, nhiều chất độc trong môi trường đã giảm nhờ luật môi trường như Đạo luật không khí sạch và Đạo luật nước sạch. Thế nhưng, chuyên gia cho rằng các nhà quản lý còn xa mới bắt kịp những mối đe dọa trong thời hiện đại, cụ thể là các loại hóa chất mới.

Trong hơn 40.000 hóa chất được sử dụng trong thương mại, chỉ có một phần nhỏ được nghiên cứu hiệu quả để biết được những ảnh hưởng tiềm tàng tới sức khỏe con người. Trong những hóa chất gây lo ngại nhất có PFAS, hay “hóa chất vĩnh cửu”, thường được dùng trong sản phẩm chống nước hay chảo chống dính. Các nghiên cứu cho thấy hơn 96% người Mỹ có ít nhất một chất PFAS trong máu, một số chất có liên quan đến ung thư, cholesterol cao và những ảnh hưởng khác tới sức khỏe.

Nỗ lực cắt giảm ô nhiễm thường tập trung vào “số phận cuối cùng” của vật liệu, như tái chế nhựa hay tái sử dụng vật liệu với mục đích khác, và đa phần đều không hiệu quả. Nghiên cứu của Geyer cho thấy chỉ 9% tổng số nhựa được tái chế thành công. Ở Mỹ con số này chỉ có 6%, ngay cả những nước châu Âu đầu tư nhiều vào tái chế cũng chỉ đạt mức cao nhất là 40%. Trên toàn cầu, số phận của nhựa đa phần là trôi nổi trong môi trường hay ở các bãi chôn lấp.

Bà Stephanie Wein, từ tổ chức phi lợi nhuận PennEnvironment, cho biết những giải pháp đó đặt trách nhiệm sai chỗ. Theo bà, “Chính quyền địa phương hay người tiêu dùng không có trọng trách giải quyết chất thải này. Mà các công ty tạo ra nó phải lãnh trách nhiệm”.

Mức độ nghiêm trọng của vấn đề này đòi hỏi các chính phủ phải quyết định xem số lượng sản phẩm nhựa và hóa chất đủ cho mỗi năm là bao nhiêu, sau đó giảm thiểu công nghiệp tới những mức đó. □

Phương Anh lược dịch

Nguồn: https://phys.org/news/2022-05-polluted-babies-millions-dead-scientists.html

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)