“Chật vật” do giá điện gió quá thấp

Tháng 11 năm 2016, dự án Nhà máy điện gió Phú Lạc giai đoạn một (do Công ty Cổ phần Phong điện Thuận Bình đầu tư) với tổng công suất 24MW tại xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận được khánh thành đã đi vào hoạt động sau hơn tám năm chuẩn bị và thi công.


Các tuốc bin gió của nhà máy Phú Lạc. Nguồn ảnh: EVN.

Nhà máy có tổng vốn đầu tư gần 1.100 tỷ đồng, với quy mô 12 trụ turbine gió, sử dụng công nghệ tiên tiến nhất của hãng Vestas Đan Mạch. Đây là dự án điện gió đầu tiên của cả nước sử dụng vốn vay của Cộng hòa Liên bang Đức (85% vốn vay từ Chính phủ Đức thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức) và là nhà máy điện gió thứ ba tại tỉnh Bình Thuận được đưa vào vận hành cho đến thời điểm hiện nay trong tổng số 19 dự án điện gió được chấp thuận đầu tư tại tỉnh này.

Trên thực tế, dù dự án được tối ưu hóa thông qua đấu thầu cạnh tranh quốc tế và tiết kiệm nhiều chi phí, nhưng nhà máy điện gió Phú Lạc khi đi vào hoạt động cũng chưa thể sinh lãi, toàn bộ chi phí hoạt động vẫn do các cổ đông góp vốn để “nuôi”. Bởi giá điện gió trên đất liền ở Việt Nam hiện nay là 7,8 US cent/ kWh, chưa đủ bù chi phí đầu tư. Do vậy công ty phải đặt mục tiêu “tiết kiệm” lên hàng đầu và triển khai một loạt các loại hình dịch vụ kinh doanh khác để “trang trải” chi phí hoạt động. Ông Bùi Văn Thịnh, giám đốc Công ty Phong điện Thuận Bình, cho biết công ty cũng lập dự án phát triển mô hình trồng rau sạch, trang trại chăn nuôi gia súc trong khuôn viên dự án để phát triển du lịch sinh thái kết hợp tham quan điện gió, điện mặt trời.

Đến đây, hẳn nhiều người sẽ đặt câu hỏi tại sao công ty Thuận Bình vẫn quyết định đầu tư “mạo hiểm” vào một lĩnh vực cần nhiều vốn (chủ yếu là vốn vay ODA), thời gian thu hồi vốn lâu như vậy. Quay trở lại thời điểm năm 2009, khi công ty Thuận Bình chuẩn bị hồ sơ xây dựng dự án điện gió Phú Lạc, ông Thịnh nói: “khi đó chúng tôi đã quá lạc quan và tin tưởng rằng điện gió sẽ được ưu đãi phát triển, chi phí đầu tư ngày một rẻ hơn, giá mua điện gió sẽ ngang tầm các nước trong khu vực, vv… Nhưng thực tế là giá điện hiện nay gần như ‘dậm chân tại chỗ’”. “Sau chúng tôi, đến nay chưa có ngân hàng nào ‘dám’ cho vay làm điện gió, tất cả là do giá mua điện gió ở ta quá thấp”, ông Thịnh nói thêm.

Tới đây Công ty Phong điện Thuận Bình đang phải “tập trung toàn lực” để trả nợ và lãi đã đến hạn với hai kỳ/năm vào tháng sáu và tháng 12 hằng năm, và việc cân đối tài chính để trả nợ thực tế là “rất khó khăn”. Mặc dù đang phải “gỡ rối” về tài chính như vậy, nhưng công ty Phong điện Thuận Bình vẫn tiếp tục chuẩn bị đầu tư vào nhà máy điện gió thứ hai là Lợi Hải (Ninh Thuận) vì công ty này “đã đăng ký, khảo sát và phát triển dự án với chi phí đã bỏ ra khá lớn, nếu không triển khai thì khả năng sẽ bị thu hồi dự án và mất trắng”, theo ông Thịnh. Mặt khác, công ty cũng rất trông đợi vào các cam kết của chính phủ và các bộ ngành về việc sẽ tăng giá mua điện gió. Ông Thịnh tiếp tục kiến nghị: “Chính phủ nên đưa ra mức giá hấp dẫn ngay lúc này và sau đó giảm dần mới thực sự khuyến khích nhà đầu tư. Bởi vì các nước khác cũng áp dụng mô hình này. Nếu Việt Nam vẫn tiếp tục đưa ra giá điện thấp sau đó mới tăng dần thì các nhà đầu tư vẫn tiếp tục có xu hướng ‘ngồi chờ’ giá tăng mới triển khai các dự án điện tái tạo”.

Tác giả