Châu Âu gia tăng sử dụng thiên địch

Nhiều năm qua, các tập đoàn sản xuất thuốc bảo vệ thực vật có xu hướng coi nhẹ biện pháp phòng trừ sinh học đối với cây trồng, cho rằng nó kém hiệu quả. Tuy nhiên, gần đây nhu cầu sử dụng các loài côn trùng có ích (thiên địch)… của các chủ trang trại ở châu Âu ngày một tăng.

Năm 2011, doanh thu từ việc cung cấp thiên địch trong khối EU đạt 200 triệu USD, tăng gấp bốn lần so với năm 2000, theo số liệu của International Biocontrol Manufacturers Association.

Bên cạnh đó, doanh thu từ việc kinh doanh các loại vi sinh vật hữu ích, thí dụ như các vi khuẩn có tác dụng diệt côn trùng gây hại, cũng đạt 70 triệu USD. Tuy nhiên bảo vệ thực vật bằng phương pháp sinh học hiện chỉ chiếm một tỷ trọng còn quá khiêm tốn so với thị trường bảo vệ thực vật nói chung là 10,2 tỷ USD trên phạm vi EU.


Ruồi lưng vàng (Phasia aurigera) được một hội đồng gồm những nhà côn trùng học có tên tuổi bình chọn là Côn trùng của năm 2014. Phát ngôn viên của Hội đồng, ông Wohlert Wohlers thuộc Viện Julius-Kühn, cho hay, “Ruồi lưng vàng sống chủ yếu nhờ mật hoa, con cái đẻ trứng vào bọ xít. Thời gian đầu, ấu trùng sống nhờ dịch cơ thể và mỡ tế bào của ký chủ, sau đó tấn công các cơ quan nội tạng làm cho ký chủ không còn đường sống. Đến nay vẫn chưa biết ấu trùng trở thành ruồi như thế nào và ở đâu. Tóm lại vòng đời của loài ruồi này còn là một điều bí ẩn cần nghiên cứu để làm rõ.”

Việc dùng thuốc hoá học để diệt trừ sâu bọ ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn vì sức kháng thuốc của côn trùng ngày càng cao trong khi nhu cầu của người tiêu dùng về những sản phẩm “sạch” ngày một lớn, và quy định về lượng tàn dư chất độc hại trên sản phẩm nông nghiệp ngày càng nghiêm ngặt hơn.

Trước tình hình này, một số hãng chuyên sản xuất thuốc bảo vệ thực vật trên thế giới như BASF, Bayer, và Syngenta chuyển hướng sang nuôi một số loại côn trùng có ích để diệt côn trùng gây hại, thí dụ họ nuôi bọ rùa để diệt rệp muội hại cây cà chua, nuôi loại ruồi hổ để tấn công châu chấu đàn hoặc nuôi một loại nhện dữ thuộc họ Phytoseiidae (Typhlodromus pyri, Amblyseius andersoni) hay Stigmaeidae (Zetzella mali) để tiêu diệt loại rệp sáp hại cây trồng.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như áp lực thị trường về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng, những quy định nghiêm ngặt của các chính phủ về việc sử dụng thuốc trừ sâu an toàn, hay xu hướng kháng thuốc của sâu bệnh, thì bản thân phương pháp sử dụng thiên địch cũng có những lợi ích không thể phủ nhận. Chẳng hạn, phương pháp này giúp làm giảm lao động và tiết kiệm chi phí. Khi thả thiên địch vào nhà kính, chúng sẽ tự động thực hiện công việc của mình, thậm chí còn ăn bằng sạch côn trùng gây hại còn rơi rớt lại từ các vụ mùa trước.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thiên địch chỉ phát huy tối đa hiệu quả trong môi trường nhà kính vì khi bị thả trên đồng ruộng, chúng sẽ nhanh chóng phát tán đi khắp nơi. Theo các phân tích, từ nay đến năm 2016, doanh thu đối với sản phẩm trồng trong nhà kính tăng bình quân mỗi năm 10%. Đối với một số loại cây trồng, việc trồng trọt trên cánh đồng đang có xu hướng giảm. Ví dụ, ở Mỹ cà chua trồng trong nhà kính không lâu nữa sẽ có sản lượng cao hơn so với cà chua trồng rộng rãi trên cánh đồng. Bởi vậy các biện pháp phòng trừ sinh học trong nông nghiệp được đánh giá là có triển vọng phát triển sáng sủa.

Thế nhưng người nông dân vẫn không thể đoạn tuyệt hoàn toàn với các loại hoá chất. Ví dụ, cho đến nay hầu như chỉ có rất ít sản phẩm sinh học có khả năng diệt nấm, và để phòng trừ cỏ dại, không thể không dùng hoá chất diệt cỏ. Vì vậy các chuyên gia và các nhà sản xuất các sản phẩm sinh học cho rằng hai phương pháp sử dụng sinh học và hóa chất mang tính bổ sung cho nhau chứ không loại trừ nhau.

Xuân Hoài dịch

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)