Chỉ số ĐMST tại Việt Nam: Tăng 29 bậc sau 5 năm

Sau gần năm năm tham gia xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) toàn cầu, chỉ số ĐMST của Việt Nam đã tăng 29 bậc so với 2012. Tuy nhiên, việc triển khai bộ chỉ số này vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định do công tác phân công đầu mối còn chưa phù hợp giữa các bộ ngành và chưa thống nhất ở địa phương.


TS. Nguyễn Thanh Mỹ giới thiệu sản phẩm của tập đoàn Mỹ Lan. Mỹ Lan một trong những đơn vị có nhiều nghiên cứu, hoạt động đổi mới sáng tạo.

Đó là những nội dung chính được thảo luận tại Hội nghị tổng kết triển khai thực hiện nghị quyết 19-2017/NQ-CP về chỉ số Đổi mới sáng tạo năm 2017 do Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học Công nghệ (Nistpass) đã tổ chức ngày 20/12 vừa qua.

Lần đầu tiên Việt Nam được xếp hạng là năm 2012, xếp thứ 76 trên tổng số 141 quốc gia. Đến năm 2017, Việt Nam đã vươn lên vị trí 47/127 nước, trong đó chỉ số đầu vào xếp thứ 71 và chỉ số đầu ra xếp thứ 38, tỷ lệ hiệu quả (đầu ra/đầu vào) xếp thứ 10. Tuy có những bước cải thiện đáng kể, nhưng một số chỉ số thành phần của Việt Nam còn thấp, thiếu số liệu và số liệu thiếu tính cập nhật. Vì vậy Chính phủ đã ra nghị quyết 19-2017/NQ-CP, chỉ đạo sát sao các bộ, ban ngành và địa phương thực hiện xây dựng và cải thiện chỉ số ĐMST với mục tiêu đạt mức trung bình của nhóm ASEAN 4. Trong đó, Bộ KH&CN có nhiệm vụ hướng dẫn các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh tìm hiểu phương pháp, cách tính toán và ý nghĩa các chỉ số ĐMST, đồng thời có trách nhiệm đôn đốc, tổng hợp kết quả về tình hình cải thiện các chỉ số để báo cáo Chính phủ. Triển khai Nghị quyết 19 từ tháng 2/2017 đến nay, Bộ KH&CN đã tổ chức 2 hội thảo hướng dẫn cho 18 cơ quan bộ, ngang bộ; 4 hội thảo cho 88 địa phương; bổ sung dữ liệu của 3/10 chỉ số còn thiếu, cập nhật dữ liệu cho 08/09 chỉ số chưa được cập nhật trong báo cáo năm 2016. Việc cập nhật số liệu đã góp phần giúp phản ánh đầy đủ và chính xác hơn thực trạng, nhờ đó nâng hạng Việt Nam (ví dụ trụ cột “Nghiên cứu và phát triển” đã tăng 19 bậc (từ bậc 99 – năm 2016 lên bậc 80 – năm 2017).

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, nhiều ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị cho rằng, quá trình thúc đẩy cải thiện bộ chỉ số ĐMST còn gặp một số khó khăn, chủ yếu do đây là bộ chỉ số mới, đòi hỏi chuyên môn sâu nên các cơ quan và địa phương nhưng chưa thể nắm chắc để thực hiện tính toán và cải thiện chỉ số. Trong khi đó, việc phân công đầu mối quản lý các chỉ số còn một số bất cập chính như: phân phối các chỉ số chưa đúng với chức năng của bộ hoặc phân công quá chung chung; Đầu mối quản lý ở các địa phương chưa thống nhất, đồng bộ…

Hiện nay 82/84 chỉ số đã được phân công tới các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý, chịu trách nhiệm làm đầu mối thu thập dữ liệu cũng như cung cấp thông tin chính thức. Tuy nhiên, theo ý kiến của đại diện Bộ Công Thương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Hội nghị, việc phân bổ các chỉ số còn chưa hợp lý. Mỗi chỉ số đơn lẻ khi tính toán lại bao gồm nhiều chỉ tiêu nhỏ khác, và các chỉ tiêu này ít liên quan tới bộ đầu mối. Ví dụ như, Bộ KH&CN kiến nghị chuyển chỉ số Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo hiện đang do mình phụ trách sang cho Bộ Công Thương. Đại diện Bộ Công Thương lại cho rằng lĩnh vực này nên đưa về cho Tổng cục Hải quan vì ít liên quan tới Bộ Công thương. Ngoài ra, một số chỉ số đòi hỏi sự hợp tác giữa nhiều bộ, ban ngành tuy nhiên do không được giao đích danh cơ quan mình phụ trách nên các đơn vị này còn chưa phối hợp tích cực. Cụ thể, có bốn chỉ số không được phân công cho một đơn vị đầu mối nhất định mà giao chung nên cuối cùng, chưa thống nhất một đơn vị cụ thể nào chịu trách nhiệm về các chỉ số này.

Trong khi đó, ở địa phương, việc phân công cho các đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, tính toán các chỉ số này vẫn chưa thống nhất. Mỗi tỉnh lại giao cho một cơ quan khác nhau, ví dụ như, một số tỉnh giao cho Sở KH&CN chịu trách nhiệm nhưng một số nơi khác lại đưa về cho Sở KH&ĐT. Việc không thống nhất đầu mối này đã dẫn tới sự không đồng đều trong công tác triển khai giữa các địa phương. Bởi vì ngoài ngành ngang thì sự chỉ đạo còn lan tỏa theo ngành dọc – trong khi đó hầu như chưa có hướng dẫn theo ngành dọc. Ngoài ra vì do đây là vấn đề mới nhưng thời gian chuẩn bị lại ngắn, hầu hết các bộ, ban ngành mới chỉ đề xuất kế hoạch chung, chưa có kế hoạch cụ thể.
 

Chỉ số Đổi mới sáng tạo (Global Innovation Index – GII) do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) kết hợp với Trường ĐH Cornell (Hoa Kỳ) và Học viện Kinh doanh INSEAD (Pháp) thực hiện. GII gồm hai nhóm chỉ số, bảy trụ cột và 86 chỉ số lẻ, trong đó, nhóm chỉ số đầu vào có 5 trụ cột: Thể chế; Nghiên cứu và phát triển; Cơ sở hạ tầng; Trình độ phát triển thị trường; Trình độ phát triển kinh doanh và Nhóm chỉ số đầu ra gồm 2 trụ cột: Đầu ra công nghệ và tri thức; Đầu ra sáng tạo.

Tác giả