Chiến tranh tài năng

Năm 1943, nói chuyện tại Đại học Harvard, cựu thủ tướng Anh Winston Churchill nhận định: “Các đế quốc tương lai sẽ là đế quốc trí tuệ”. Hàm ý của ông có thể là, các cuộc chiến tranh tương lai sẽ là chiến tranh giành giật tài năng. Và điều đó nay đã trở thành hiện thực sinh động. Hiểu thấu đáo xu thế mới mẻ này của thế giới và có chính sách ứng xử phù hợp là nhiệm vụ hàng đầu của các nhà nước hiện nay.

Ngày nay, bên cạnh các cuộc chiến tranh giành tài nguyên thiên nhiên, còn có những cuộc chiến tranh giành nhân tài, không chỉ giữa các công ty mà giữa các quốc gia; bên cạnh “sự cân bằng quyền lực” đã hình thành “sự cân bằng trí tuệ” giống như bên cạnh nền kinh tế hàng hóa truyền thống đã hình thành nền kinh tế tri thức.

 
Khu công nghệ cao Quan Trung Thôn, nơi thu hút nhân tài của Trung Quốc

Nhân tài như lá mùa thu
Mới đây CEB – một tổ chức cung cấp dịch vụ đào tạo và nghiên cứu về quản trị doanh nghiệp có trụ sở tại Washington DC, tiến hành một cuộc thăm dò quốc tế các giám đốc nhân sự và ghi nhận rằng có ¾ những người được hỏi ý kiến cho rằng “thu hút và giữ chân” nhân tài là ưu tiên số một của họ; 62% thường xuyên lo lắng về tình trạng thiếu người tài. Hỏi ý kiến 4.000 nhà tuyển dụng ở 30 tập đoàn công ty, CEB ghi nhận rằng chất lượng bình quân của các ứng viên vào các vị trí được tuyển dụng đã giảm 10% so với năm 2004; thời gian cần thiết để tuyển người tăng từ 37 ngày lên 51 ngày và 1/3 số nhà tuyển dụng thú nhận phải tuyển người chưa đạt yêu cầu để lấp chỗ trống.
Từ sản xuất hàng hóa sang kinh tế tri thức, thế giới đang trải qua nhiều sự thay đổi về cơ cấu khiến cho vấn đề tài năng ngày càng trở nên quan trọng. Thay đổi quan trọng nhất là sự gia tăng tài sản vô hình – loại tài sản được tạo ra từ tài năng và trí tuệ. Bên cạnh các hoạt động sản xuất thâm dụng vốn (capital-intensive), thâm dụng lao động (labour-intensive) đã xuất hiện những hoạt động thâm dụng tài năng (talent-intensive) mà công nghệ thông tin là lĩnh vực tiêu biểu. Theo một số nhà kinh tế, tài sản vô hình của doanh nghiệp – từ lực lượng lao động lành nghề đến bằng sáng chế, bí quyết công nghệ và giá trị thương hiệu –  hiện chiếm hơn 50% tổng vốn thị trường của các công ty Mỹ có niêm yết trên thị trường chứng khoán; còn theo công ty tư vấn Accenture, tỷ lệ tài sản vô hình trong danh sách 500 công ty hàng đầu thế giới Standard&Poor đã tăng từ 20% năm 1980 đến 70% hiện nay.
Sự già đi của dân số ở nhiều nước làm giảm sút nhanh chóng đội ngũ quản lý cấp cao ở các doanh nghiệp, nhất là ở Châu Âu và Nhật Bản: đến năm 2025, số người trong độ tuổi lao động sẽ giảm 7% ở Đức, 9% ở Ý và 14% ở Nhật. Trung Quốc đang nhìn thấy hậu quả nặng nề của chính sách mỗi gia đình một con và Mỹ chứng kiến cuộc về hưu hàng loạt của những “baby-boomers” khiến cho một nửa số cán bộ quản lý cấp cao của 500 công ty Mỹ hàng đầu sẽ nghỉ việc trong vòng 5 năm tới mà chưa có nguồn thay thế. Nhu cầu nhân tài vì vậy đang là nỗi ám ảnh các nhà quản trị doanh nghiệp khắp thế giới. Khi không còn cơ hội tìm kiếm tài năng trong nước, các công ty phải vươn ra hải ngoại, cuộc “săn đầu người” hiện đang diễn ra trên quy mô toàn cầu.

Khắp nơi trải thảm đỏ
Ngay cả các chính phủ cũng bức xúc không kém và mỗi nước đều lặng lẽ tiến hành các chiến lược riêng để thu hút nhân tài từ các nguồn khác nhau vào công cuộc phát triển đất nước.
Nghiên cứu phong trào di dân trong thế giới hiện nay, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, những người thường di chuyển từ nước này sang nước khác không phải là người nghèo, người ưa lãng du mà là những người có trình độ cao, thường được các chính phủ, các công ty mồi chài hoặc săn đón. Có lẽ quốc gia có chiến lược rõ ràng (và hiệu quả) nhất trong việc thu hút nhân tài chính là Singapore. Nhà chính trị lão thành Lý Quang Diệu từng nói “nhân tài được đào luyện chính là chất men làm xã hội chuyển hóa và thăng hoa”. Lúc đầu, Singapore tập trung thu hút kiều dân Singapore từ nước ngoài trở về; bây giờ thì họ phải “nhập khẩu” tài năng nước ngoài khi nguồn tài năng trong kiều dân đã cạn. Chỉ có 3% số công ty Singapore gặp khó khăn với thủ tục nhập cư khi tuyển dụng nhân viên là người nước ngoài, trong khi con số này ở Trung Quốc là 24%, còn ở Mỹ là 46%. Đặc biệt Singapore rất quan tâm tới tài năng khoa học, nhất là y-sinh học. Viện nghiên cứu Gen của Singapore có 170 cán bộ khoa học, trong đó 120 người nước ngoài.
Đại học là con đường chiêu mộ nhân tài có hiệu quả nhất. Singapore đầu tư rất mạnh vào 4 đại học hàng đầu của quốc gia, 2 trong số đó (NUS và NTU) xếp hạng rất cao trong danh sách các đại học hàng đầu Châu Á. Những khoản tài trợ lớn của chính phủ Singapore đã giúp các đại học này khuyến dụ những học sinh giỏi nhất khu vực Châu Á đến học tập và làm việc “trả nợ”, trong đó Việt Nam góp phần không nhỏ. Pháp, Đức và Nhật đang xây dựng các chương trình giảng dạy đại học và sau đại học bằng tiếng Anh để thu hút sinh viên nước ngoài; Pháp quyết nâng tỷ lệ sinh viên nước ngoài từ 7% hiện nay lên 20% vào cuối thập niên này. Australia thì vạch ra một lộ trình cho sinh viên nước ngoài, từ học tập đến làm việc rồi nhập tịch thành công dân xứ sở kangooroo.
Hai nền kinh tế đang nổi lên của Châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ có con đường riêng để giải bài toán thiếu hụt nhân tài: thu hút kiều bào. Trung Quốc và Ấn Độ đều có lượng kiều dân đông đảo và thành đạt ở hầu khắp các nước trên thế giới. Trước khi Trung Quốc đổi mới năm 1978, chỉ có rất ít Hoa kiều hồi hương nhưng sau đó phong trào Hoa kiều quay về đầu tư làm ăn tại quê hương đã bùng nổ cùng với đà mở cửa và hội nhập kinh tế của Trung Quốc. Các nhà đầu tư gốc Hoa từ Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc và các nước Châu Á khác chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc. Hiện nay số sinh viên Trung Quốc du học tại các nước phát triển đang được nhà nước khuyến khích quay về, mang theo kiến thức công nghệ tiên tiến tích lũy được ở Mỹ, Nhật, Đức. Chính họ, chứ không phải là các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài, là người chuyển giao công nghệ hiện đại vào nền kinh tế Trung Quốc. Công viên khoa học Trung Quan Thôn ở ngoại ô Bắc Kinh, các khu công nghiệp ở Thượng Hải và Thâm Quyến trải thảm đó đón các nhân tài này. Họ đang làm điều mà cựu tổng bí thư Triệu Tử Dương nói năm 1987: “tích lũy sức mạnh trí tuệ ở nước ngoài”.
Chính phủ Trung Quốc có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với nhân tài hồi hương, từ việc tạo điều kiện sống và làm việc tốt nhất cho đến đứng ra bảo lãnh cho họ vay vốn đầu tư kinh doanh hoặc bố trí cho họ những chức trách rất cao trong bộ máy nhà nước. Bắc Kinh lập văn phòng đại diện ở thung lũng Silicon để làm cầu nối với giới công nghệ Hoa kiều ở Mỹ; Thượng Hải thì có hẳn “sàn giao dịch nhân tài” bên cạnh sàn giao dịch chứng khoán. Cao trào công ty dotcom ở Mỹ sụp đổ năm 2000 đúng lúc nền kinh tế Trung Quốc cất cánh, hàng loạt tài năng tin học gốc Hoa kéo nhau về nước, trở thành lực lượng thúc đẩy công nghệ cao của Trung Quốc. Từ năm 2000 đến nay mỗi năm có khoảng 20.000 người Hoa, phần lớn là giới trẻ có trình độ cao, hồi hương theo lời mời gọi của chính quyền. Cũng nên lưu ý rằng trước đó vài thập niên Hàn Quốc và Đài Loan cũng có những chính sách tương tự; một phần ba số doanh nghiệp của Đài Loan là do những người Hoa trở về từ Mỹ và Nhật Bản sáng lập và điều hành.
Cũng vào thời điểm 2000, có khoảng 25.000 chuyên gia tin học Ấn Độ rời thung lũng Silicon ở California trở về xây dựng Thành phố Điện tử ở Bangalore. Chính phủ Ấn áp dụng một loại thị thực (visa) đặc biệt cho giới này. Các nhà kinh tế tính ra rằng hiện thời 20 triệu Ấn kiều khắp thế giới tạo ra một sản lượng tương đương 35% GDP của Ấn Độ và nhà nước Ấn Độ có tham vọng huy động tối đa trí tuệ và tài sản của cộng đồng Ấn kiều này vào công cuộc xây dựng đất nước.

Vũ khí để chiến thắng
Mỗi cuộc chiến tranh đòi hỏi chiến lược chiến thuật riêng, vũ khí riêng phù hợp với nó và cho đến nay Mỹ vẫn là cường quốc số 1 trong cuộc chiến tranh tài năng này. Sẽ là sai lầm nếu cho rằng cuộc hồi hương ồ ạt của những chuyên gia Hoa kiều và Ấn kiều từ năm 2000 đến nay sẽ làm trầm trọng tình trạng thiếu hụt nhân tài của Mỹ. Sau vụ khủng bố 11-9 và nỗi lo an ninh thường trực đã khiến Mỹ siết chặt các thủ tục nhập cư, kể cả đối với sinh viên du học và làm chậm tiến trình nhập cư vào Mỹ của những thành phần tài năng khắp thế giới. Thời tổng thống Bill Clinton, mỗi năm Mỹ cấp gần 200.000 visa loại H1B cho người lao động có trình độ cao vào Mỹ làm việc; song từ 2001 đến nay, số visa này chỉ còn khoảng 70.000 mỗi năm và thường cấp hết ngay trong tuần đầu tiên phát hành. Quả là nước Mỹ đang thiếu trầm trọng chuyên gia trình độ cao như kết quả khảo sát ở trên; một nửa số doanh nghiệp Mỹ gặp khó khăn lớn về thủ tục khi tuyển nhân sự trình độ cao ở nước ngoài đưa vào Mỹ làm việc; ngay cả sinh viên nước ngoài tốt nghiệp ở Mỹ cũng khó xin ở lại làm việc vì chính sách của Mỹ buộc các công ty ưu tiên công việc cho người bản xứ.
Ấy thế nhưng Mỹ vẫn là “nam châm” thu hút nhân tài từ khắp thế giới, nhờ hai yếu tố cốt lõi: một hệ thống giáo dục đại học chất lượng cao, một môi trường kinh doanh hết sức thuận lợi cho các ý tưởng sáng tạo. Bình đẳng về cơ hội và đãi ngộ tài năng ở mọi lĩnh vực là điểm sáng nhất của xã hội Mỹ.
Cho đến nay bất chấp những khó khăn về thủ tục visa và chi phí cao ngất trời, vẫn có khoảng 30% số sinh viên du học nước ngoài chọn đại học Mỹ làm nơi dùi mài kinh sử và số lượng này sẽ ngày càng tăng khi các nước đang phát triển ngày một giàu thêm. Một năm đại học ở Mỹ tốn gấp đôi ở Nhật Bản, gấp ba ở Châu Âu song đại học Mỹ vẫn rất hấp dẫn bởi điều kiện học tập-nghiên cứu, tự do tư tưởng và phát huy sáng tạo không nơi nào sánh kịp. Tất nhiên không phải trường đại học nào của Mỹ cũng tốt nhưng phần lớn các trường tốt nhất đều nằm ở Mỹ.
Doanh nghiệp Mỹ đầu tư cho nghiên cứu phát triển nhiều hơn đồng sự ở Châu Âu 30%, sẵn sàng “tài trợ” cho các ý tưởng mới bằng các quỹ đầu tư mạo hiểm, và cũng sẵn sàng trả thù lao rất cao cho những ai thật sự có tài. Mối liên kết chặt chẽ giữa trường đại học- tập đoàn kinh tế để thúc đẩy nghiên cứu khoa học công nghệ và đào tạo nhân tài xứng đáng là mẫu mực để các hệ thống giáo dục khắp thế giới phải học tập. Nhờ những yếu tố này, Mỹ chưa cần phải áp dụng các biện pháp hành chính như ưu đãi vật chất, cải tiến thủ tục visa song vẫn thu hút mạnh mẽ các nhân tài từ khắp các châu lục đến góp phần vào sức mạnh kinh tế và khoa học của Mỹ. Có chi tiết đáng chú ý là một nửa số nhà khoa học Mỹ nhận giải Nobel Vật lý trong 8 năm qua là người nhập cư, hơn một nửa tiến sĩ khoa học đang làm việc ở Mỹ đã được sinh ra ở nước ngoài.

Con đường nào cho Việt Nam?
Trên bia đá ở Văn Miếu Hà Nội, tiền nhân đã viết “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” – lời dạy đó càng thấm thía trong thời đại mà tri thức đã trở thành tư liệu sản xuất hàng đầu. Nhưng rất tiếc hình như Việt Nam chưa sẵn sàng cho cuộc chiến tranh tài năng, chưa có chiến lược hợp lý trong việc thu hút, sử dụng và bồi bổ nhân tài.
Qua nhiều năm chiến tranh cách mạng đã hình thành chủ trương tin cậy người “trung thành” hơn người tài; dù rằng tài năng có thể “thi thố” được một cách khách quan còn lòng “trung thành” thì gần như không thể “đo” được. Vả lại, cổ nhân cũng nói “tài sinh tật”; hậu quả là người có tài năng, có phẩm hạnh hoặc bị gạt ra rìa, hoặc tự chọn lối sống “đắp tai ngoảnh mặt” rất thiệt thòi cho đất nước – “chữ tài liền với chữ tai một vần”. Thời bao cấp cơ chế “bình quân” khiến cho đôi lúc các trí thức, giáo sư, bác sĩ được đối đãi không hơn gì cô mậu dịch viên và tình trạng đó đã nêu một tấm gương rất xấu cho sự phấn đấu của lớp trẻ.
Tâm lý học để làm quan, làm cán bộ có từ thời xa xưa có môi trường nảy nở trong xã hội phong kiến mới. Một hệ thống giáo dục đại học cổ lỗ đầy khuyết tật đã không bồi bổ được nhân tài trong nước, làm sao thu hút được tài năng kiệt xuất của nước ngoài? Người Việt ở nước ngoài, tuy không đông đảo bằng người Hoa, không giàu có và thành đạt như người Ấn, tuy nặng lòng với quê cha đất tổ song đóng góp rất hạn chế, ngoài việc gửi tiền cho thân nhân sinh sống thì vẫn chưa có sự đầu tư nào đáng kể. Nguyên nhân có lẽ từ cả hai phía, song tiên trách kỷ, những chính sách đối với kiều bào vẫn chưa đủ liều lượng, chưa tạo được lòng tin cậy để dấy lên cao trào Việt kiều đem vốn liếng, tài năng, tri thức quay về phát triển quê hương như hiện tượng đang diễn ra tại Trung Quốc và Ấn Độ.
Nhà văn Lev Tolstoi nhận xét: “Nhân tài tồn tại trong nhân dân như tia lửa trong hòn đá lửa” – vấn đề là cơ chế như thế nào để hòn đá lửa bắn ra tia lửa, thắp sáng con đường đi lên của dân tộc trong cuộc cạnh tranh toàn cầu khốc liệt hôm nay.

Huỳnh Hoa

Tác giả