Chính phủ Ấn Độ phát triển điện hạt nhân dù bị phản đối

Jaitapur được chọn làm địa phương thí điểm trong công cuộc phục hưng năng lượng nguyên tử của Ấn Độ vốn được đề ra sau một hiệp ước nhằm chấm dứt sự lạc hậu về công nghệ của đất nước khát năng lượng này. Chính quyền của tổng thống Mỹ George W. Bush đã tập trung nỗ lực ngoại giao để mở đường cho Ấn Độ mua công nghệ hạt nhân dân sự và uranium từ các nước phương Tây dù quốc gia này đã từ chối ký Hiệp ước Không phổ biến Hạt nhân. Nhưng tiến trình triển khai dự án hợp tác hạt nhân dân sự của Ấn Độ đang gặp phải một rào cản lớn là sự thiếu lòng tin và chống đối từ công chúng.


Theo A. Gopalakhrishnan, cựu chủ tịch Ủy ban Điện Nguyên tử Ấn Độ, “Mỹ muốn phổ biến điện hạt nhân ở Ấn Độ chỉ đơn giản là vì họ muốn thiết lập một thị trường cực lớn cho các công ty năng lượng của mình chứ không phải để làm từ thiện cho nhiều triệu người Ấn đang thiếu điện”, nhận định đó không phải chỉ những cựu quan chức chính phủ như Gopalakhrishnan mà cả ngư dân, nông dân và nhiều ngàn thường dân khác cũng đang quyết tâm cản trở chương trình phát triển điện hạt nhân ở Ấn Độ – điều này được thể hiện qua những cuộc biểu tình đã bắt đầu mang tính bạo lực ở Jaitapur mùa xuân vừa qua.

Chống đối chuyển thành bạo lực

Dự án điện hạt nhân trị giá 9,3 tỷ USD ở Jaitapur, cách thủ đô tài chính Mumbai khoảng 400km về phía Nam, có thể trở thành cột mốc không chỉ của Ấn Độ mà còn của cả thế giới. Với sáu lò phản ứng, mỗi lò có công suất 1.650 megawatt, nó sẽ sản xuất lượng điện nhiều hơn 25% so với nhà máy điện nguyên tử lớn nhất đang hoạt động hiện nay – đó là nhà máy Kashiwazaki-Kariwa nằm trên bờ biển phía Tây Nhật Bản. Điện sẽ được cung cấp không chỉ cho cộng đồng nông nghiệp lân cận mà cho toàn bang Maharashtra, bang phát triển công nghiệp mạnh nhất Ấn Độ.

Điều mỉa mai là, mặc dù Hoa Kỳ mở đường cho những nỗ lực hợp tác quốc tế cần thiết để xây nhà máy nhưng dự án lại dùng công nghệ của Pháp.

Đây là một trong những dự án đầu tiên mà công ty AREVA (đóng trụ sở tại Paris) có kế hoạch giới thiệu thế hệ lò phản ứng điều áp mới của họ, mang tên Evolutionary Power Reactors (EPR). Buồng chứa và hệ thống làm mát độc lập dự phòng được xem là bước tiến quan trọng về an toàn, theo một báo cáo từ vài năm trước của Liên minh Những nhà khoa học quan tâm (Union of Concerned Scientists – tổ chức khoa học phi lợi nhuận hàng đầu về an toàn môi trường, đóng tại Mỹ), nhưng các nhà quan sát Ấn Độ vẫn tỏ ra quan ngại. Họ lấy trường hợp một dự án EPR khác tại Phần Lan nơi phát sinh vấn đề chi phí vượt quá kế hoạch cùng những tồn tại khác, để chất vấn việc đưa thiết kế chưa được kiểm chứng này vào sử dụng.

Nhà máy sẽ rộng khoảng 162 hécta, nằm trên một cao nguyên giữa hai con lạch mà ven bờ là rừng đước. Phía Đông là rặng núi Sahyadri, vốn được coi là một trong những điểm nóng về đa dạng sinh vật của thế giới. Với người dân địa phương thì vấn đề là nhà máy – với diện tích rộng và làm thay đổi hệ sinh thái, nhất là việc thải nước nóng – sẽ gây ảnh hưởng ra sao đến hệ thủy sinh và đến cuộc sống của chính họ. Đã có những báo cáo về việc nông dân vẫn tiếp tục hái xoài và trồng lúa gạo trên khu vực đã thu hồi cho dự án.

Sự chống đối lan rộng sau sự kiện Fukushima, các nhà hoạt động môi trường từ khắp nơi trên đất nước Ấn Độ chỉ ra rằng vùng duyên hải nước này nằm ở mức thứ ba trên thang đo năm độ về nguy cơ địa chấn. Một ngư dân thiệt mạng trong cuộc xô xát giữa người biểu tình với cảnh sát hồi tháng Tư, nhiều người khác bị thương.

“Chính phủ Ấn Độ thậm chí chẳng thèm cân nhắc rằng những rủi ro khi xây dựng một nhà máy điện nguyên tử như ở Jaitapur lớn hơn rất nhiều so với lợi ích nó đem lại,” nhận định từ nhà hoạt động chống điện nguyên tử Priful Bidwai đến từ Delhi. “Fukushima là hồi kết của điện hạt nhân ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng ở Ấn Độ thì mọi chuyện mới chỉ bắt đầu.”

Động lực cho năng lượng sạch

Lý do để Ấn Độ muốn mở rộng điện nguyên tử rất đơn giản. Trong khi nền kinh tế nước này tăng trưởng với tốc độ trung bình 9%/năm thì 56% số gia đình ở nông thôn Ấn Độ – tức khoảng 400 triệu người – hoàn toàn không có điện. Ngay cả những thành phố lớn nhất, phát triển nhất cũng thiếu điện và phải trang bị máy phát chạy xăng cỡ lớn để đề phòng. Với mức tiêu thụ điện bình quân đầu người được dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020, Chính phủ nói rằng điện hạt nhân – có thể cung cấp một lượng điện lớn mà không thải ra khí carbon – là cần thiết.

“Năng lượng hạt nhân là con đường rẻ nhất và sạch nhất để kết nối các thành phố Ấn Độ vào lưới điện,” khẳng định từ Jairaim Ramesh, cựu bộ trưởng Bộ Môi trường vừa chuyển sang lãnh đạo bộ Phát triển Nông thôn sau cuộc tái cơ cấu nội các trong tháng Bảy.

Thực ra, Ấn Độ bắt đầu chương trình điện hạt nhân từ thập niên 1950, nhưng rồi họ bị cấm mua bán công nghệ và nguyên liệu cho điện nguyên tử trong suốt gần 30 năm. Ấn Độ chính thức bị cấm vận vì vụ thử vũ khí hạt nhân năm 1974 và vì họ từ chối ký Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân. Kết quả là các lò phản ứng chỉ đóng góp 3% sản lượng điện ở Ấn Độ. Nhưng Ấn Độ hy vọng đến năm 2050, họ sẽ nâng tỷ lệ này lên 25%.


Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gặp Ngoại trưởng Ấn Độ S.M. Krishna tại New Delhi hôm 19/07.

Chính quyền Bush tìm cách giúp Ấn Độ giành quyền tiếp cận các công nghệ có thể giải quyết phần nào tình trạng thiếu điện thông qua một hiệp ước hợp tác về hạt nhân dân sự. “Một trong những lợi ích của hiệp định hạt nhân là nó có thể giúp Ấn Độ sản xuất điện hạt nhân hiệu quả hơn,” theo lời Anja Manuel, một luận sư làm việc với chính quyền Bush trong quá trình đàm phán việc hợp tác và đạt sự thông qua từ quốc hội.

Nhưng các đạo luật về trách nhiệm do Quốc hội Ấn Độ ban hành trước thềm cuộc thỏa thuận đã ngăn các công ty của Mỹ khai thác thị trường giàu có này. Các công ty [năng lượng] hạt nhân của Pháp và Nga, do thuộc sở hữu của Nhà nước một phần hay toàn bộ nên có một sự bảo lãnh cao hơn về trách nhiệm, vì vậy có lợi thế hơn các công ty Mỹ trong việc hợp tác làm ăn với Ấn Độ.

Trong chuyến thăm cuối tháng 7, bà Clinton khuyên Ấn Độ sửa đổi luật trách nhiệm của họ cho phù hợp với các quy tắc quốc tế bằng cách cam kết với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế một khuôn khổ pháp lý mới. Nhưng vấn đề trách nhiệm của các công ty tư nhân lại là một vấn đề chính trị ở Ấn Độ từ sau vụ tai nạn công nghiệp thảm khốc nhất thế giới ở Bhopal 1984. Hãng sản xuất hóa chất Union Carbide của Mỹ đã không phải chịu trách nhiệm gì nhiều vì luật pháp lỏng lẻo lúc ấy. [1]

Nhìn lại sai lầm, tìm kiếm giải pháp

Những người phản đối điện nguyên tử ở Ấn Độ cũng lo lắng về lịch sử công nghệ hạt nhân của chính nước họ, trong đó có vụ tai nạn nghiêm trọng hồi tháng Ba năm 1993 ở nhà máy Narora trên bờ sông Ganges – khi đó, ngọn lửa bùng lên sau khi một cánh quạt gãy rời khỏi tua-bin hơi nước đang quay với tốc độ cao. Tai nạn đó làm cho nhà máy bị mất điện, và cũng giống như ở Fukushima, khiến lò phản ứng quá nóng (do hệ thống làm mát ngừng hoạt động) và các thanh nhiên liệu suýt bị nóng chảy trước khi có điện trở lại, theo lời ông Gopalakhrishnan, người cho rằng tai nạn trên “hoàn toàn có thể tránh được,”

Ông cũng cho biết rằng vụ tòa nhà bê tông bao bọc lò phản ứng của nhà máy Kaiga ở gần sống Kali đổ sập hồi năm 1994 là do Tập đoàn Năng lượng Hạt nhân Ấn Độ (NPCIL) khảo sát địa hình và giám sát chất lượng quá kém. Việc quản lý xây dựng nhà máy Jaitapur và mọi nhà máy điện nguyên tử khác tại Ấn Độ đều do tập đoàn này tiến hành.

Gopalakhrishnan lập luận rằng chưa từng có cuộc thanh tra đáng tin cậy nào về độ an toàn của 20 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động tại Ấn Độ và ông cũng chế giễu bản đánh giá mà NPCIL đưa sau thảm họa Fukushima.

Ronen Sen, Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ trong thời gian diễn ra đàm phán, không đồng tình với Gopalkhrishnan và ủng hộ các dự án điện nguyên tử của Ấn Độ. Nhưng ông nói rằng điện hạt nhân chỉ là một phần của giải pháp và nước ông phải giảm dần sự lệ thuộc vào năng lượng hóa thạch đồng thời đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, bao gồm cả việc đầu tư cho năng lượng tái sinh.

Nhưng theo Avinash Patkar – giám đốc phát triển bền vững của tập đoàn Tata Group, công ty tư nhân lớn nhất Ấn Độ – năng lượng tái sinh đang phải cạnh tranh với than, vốn có lợi thế là đầu tư ban đầu ít mà lợi nhuận cao.

Ông này cho biết than cung cấp hơn 50% năng lượng cho Tata nhưng họ cũng có kế hoạch nâng tỷ lệ năng lượng tái sinh lên 25% vào cuối thập kỷ này.

Cũng theo ông, để năng lượng tái sinh trở nên hiệu quả thì Chính phủ Ấn Độ phải tập trung vào việc phân tán nguồn cấp điện. Thay vì dựa vào một lưới điện khổng lồ, theo ông, thì mấy chục nghìn làng mạc chưa có điện ở Ấn Độ phải tự xây dựng hệ thống cấp điện cho riêng mình. “Chúng tôi cần các doanh nghiệp mạnh dạn xây dựng hệ thống cấp điện cho các làng, có thể là điện nhiên liệu sinh học, năng lượng mặt trời, điện gió, hoặc thủy điện,” Patkar nói.

Gopalakhrishnan cho rằng Chính phủ cũng cần phải tập trung vào việc thu hồi lượng điện bị mất do truyền tải kém và do nạn ăn cắp điện, tổng cộng ước tính lên tới 30% tổng lượng điện. Nạn ăn cắp điện ở Ấn Độ được cho là tồi tệ hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

Bidwai, một nhà hoạt động chống điện nguyên tử, nói rằng tính cấp thiết của điện hạt nhân sẽ giảm đi nếu Chính phủ nỗ lực giảm áp lực lên lưới điện bằng cách khuyến khích sử dụng năng lượng tái sinh ở quy mô từ nhỏ tới lớn và tăng hiệu quả sử dụng.

Ông Ramesh, vị bộ trưởng trong nội các, đồng tình với Bidwai rằng kiểm soát tiêu thụ là một phần của giải pháp. “Vì dân số sẽ còn tăng nên chúng ta phải tìm được sự cân bằng giữa nhu cầu năng lượng và lượng điện sản xuất được,” ông nói.

“Một mô hình sử dụng điện mới sẽ phát triển từ Ấn Độ.”

Nhưng khó khăn thì rất lớn, nhất là nếu Ấn Độ muốn kiềm chế khí nhà kính. Lượng phát thải carbon của nước này ở trong nhóm thấp nhất thế giới, chỉ 1,2 tấn mỗi người, so với mức trung bình thế giới là 5 tấn và của Mỹ là tới 19 tấn.

Dù vậy, dân số đông đồng nghĩa với việc Ấn Độ là mộ trong những nước đóng góp nhiều khí thải nhất, và vấn đề sẽ còn trầm trọng hơn khi nước này vượt qua Trung Quốc để trở thành nước đông dân nhất vào năm 2025. Chính phủ Ấn Độ đã ước tính rằng khí nhà kính của họ sẽ tăng gấp ba lần trong vòng 20 năm.

Với mục tiêu kép là vừa gia tăng nguồn cung cấp điện và giữ mức phát thải thấp, Chính phủ Ấn Độ khẳng định rằng họ cần các nhà máy điện nguyên tử như ở Jaitapur. “Chúng tôi đang khám phá năng lượng tái sinh,” ông Ramesh nói, “nhưng điện hạt nhân vẫn là phần chính trong giải pháp, trừ khi có một chuyển biến lớn ở [công nghệ] năng lượng mặt trời hoặc năng lượng gió.”

(Hoàng Minh dịch từ bài viết của Rebecca Byerly, online trên trang web của National Geographic ngày 22/07/2011)




[1] Thảm họa Bhopal được ước tính là đã làm chết ít nhất 8000 người, trong đó có khoảng 3000 người chết ngay trong tuần đầu tiên sau khi nhà máy của Union Carbide bị rò rỉ nhiều chất khí độc hại 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)