Chọn đồ chơi an toàn cho trẻ em như thế nào?

Chì, thuỷ ngân hay thạch tín có thể gây độc hại đối với sức khoẻ con người về lâu dài hoặc trực tiếp. Những kim loại nặng này có thể gây hại như thế nào và khi mua đồ chơi cho trẻ  cần chú ý điều gì?

Có thể nhận biết trong đồ chơi có kim loại nặng hay không?

Theo Wolfgang Döring, chuyên gia khảo sát các chất có hại trong đồ chơi, các kim loại nặng như chì, thạch tín hay thuỷ ngân là những chất không dễ nhận biết. Ông khuyên các phụ huynh khi mua đồ chơi nên chú ý đến xuất xứ của nhà sản xuất. Theo kinh nghiệm, những mặt hàng xuất xứ từ châu Á thường có nhiều chất độc hại hơn so với các sản phẩm từ các thị trường khác. Tuy nhiên trong một thứ đồ chơi có nhiều bộ phận khác nhau và người mua khó có thể biết chúng được sản xuất ở đâu. Hơn nữa, cho đến nay chưa thực sự có một loại tem hay chứng chỉ đảm bảo an toàn thống nhất nào. 

‘Đồ chơi sinh thái’ có an toàn hơn không?

Thường khái niệm “sinh thái” ở đây chỉ nguyên liệu sản xuất có phải là nguyên liệu có khả năng tái sinh hay không, thí dụ như gỗ. Nhưng người ta cũng có thể phủ lên gỗ nước sơn có chứa kim loại nặng nên khái niệm “sinh thái” cũng không giúp ích gì nhiều cho các bậc phụ huynh khi chọn lựa đồ chơi cho con cái.

Vậy cha mẹ cần chú ý đến điều gì?

Döring khuyên tốt nhất vẫn là phương pháp kiểm tra mùi.  Nói chung không nên dùng những thứ bốc mùi hoá chất. Điều cần chú ý là các loại đồ chơi, kể cả thú nhồi bông, đều có thể rửa, giặt được.

Các bậc phụ huynh không chỉ cần cẩn trọng khi mua sắm đồ chơi mà nên nhớ rằng trẻ em còn tiếp cận hàng ngày với các sản phẩm khác như  thảm, quần áo, bàn ghế và các loại đồ gỗ gia dụng khác. Ai muốn tránh không để con cái tiếp xúc với chất độc thì cũng phải chú ý đến những sản phẩm nói trên.

Các nguy cơ ngộ độc

Chì: Chì và các hợp chất của chì thường có trong các loại mầu và nhựa tổng hợp. Chúng còn được sử dụng trong pin, ắc-quy và còn là kim loại để hàn. Chì là kim loại nặng độc hại, thâm nhập qua đường miệng, đường hô hấp hay thấm qua da vào cơ thể.  Người tiếp xúc với chì trong một thời gian dài thường xanh xao, mệt mỏi, uể oải và biếng ăn. Nhiễm độc chì cấp tính thường hiếm xẩy ra, gây đau bụng, nôn mửa và có thể dẫn đến tử vong. Những tác hại lâu dài và tiềm ẩn thường phổ biến hơn, gây tình trạng chậm phát triển về trí tuệ ở trẻ em. Một số hợp chất chì có thể gây ung thư.

Thuỷ ngân: Ngộ độc thuỷ ngân có thể dẫn đến đau bụng và tiêu chảy. Tiếp xúc lâu dài với thuỷ ngân có thể dẫn đến rối loạn thị giác và rối loạn trí nhớ.  Khi kim loại nặng độc hại này bị thải ra môi trường, nó có thể bị các vi sinh vật chuyển hoá thành những hợp chất làm tổn thương hệ thần kinh trung ương và trong trường hợp xấu  nhất có thể gây tử vong.  Thuỷ ngân được dùng để sản xuất đèn nê-ông, đèn tiết kiệm năng lượng và pin. Hợp chất thuỷ ngân clorid có trong chất mầu trang trí đồ sứ và còn được dùng để sản xuất chất khử trùng.

Thạch tín: Thạch tín được dùng để sản xuất một số hợp kim trong công nghiệp hoá chất và để sản xuất thuỷ tinh chuyên dụng và chất bán dẫn.  Ngộ độc cấp tính thạch tín có thể dẫn đến miệng nôn trôn tháo và xuất huyết, truỵ tim mạch và tê liệt đường hô hấp. Khi thạch tín thâm nhập vào có thể trong một thời gian dài với liều lượng thấp có thể dẫn đến rối loạn hệ thần kinh và gây ung thư.

Antimon: Antimon bị coi là có thể gây ung thư. Ngộ độc Antimon biểu hiện qua sự dị ứng trên da, đau quặn bụng, tiêu chảy và gây ra các vấn đề liên quan đến tim mạch tương tự như các triệu chứng về ngộ độc thạch tín. Trẻ em có thể tiếp xúc với Antimon thông qua các chất chống cháy hay đồ chơi sản xuất từ Polyester.

Barium: Barium có thể xuất hiện trên đồ chơi trẻ em trong các chất lỏng như các chất mầu. Ngộ độc Barium có thể dẫn đến áp huyết cao và tác động xấu đến chức năng của  thận. Khi tiêu thụ một lượng lớn Barium có thể dẫn đến nôn mửa, chóng mặt, đau bụng và rối loạn nhịp tim.

Xuân Hoài dịch

Tác giả