Chưa có cơ sở để lo lắng về xuất khẩu gạo biến đổi gene

Tôi hoàn toàn chia sẻ những băn khoăn của TS Nguyễn Quốc Vọng, một nhà khoa học rất nhiệt huyết giúp đất nước, giúp nông nghiệp và nông dân Việt nam  mà chúng tôi đang cộng tác, từng cùng làm việc và cùng mưu cầu lợi ích cho nông nghiệp Việt Nam một thời gian dài. Những khó khăn này, tập thể những cán bộ tham gia vào tư vấn giúp Bộ trưởng NN & PTNT và Chính phủ, gồm các nhà khoa học, các nhà quản lý từ Trung ương đến địa phương đều đã lường trước và hiểu rất rõ những thách thức trước mắt này.

Trước hết chúng ta cần có cái nhìn toàn cục. Việt Nam hiện nay là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới, sau Thái Lan. Những năm gần đây xuất khẩu gạo của chúng ta tăng liên tục, năm 2010 chúng ta xuất gần 7 triệu tấn gạo, mạng về khoảng 3 tỷ USD. Đó là thành tích rất lớn của lĩnh vực nông nghiệp. 

Tuy nhiên, bên cạnh đó chúng ta nhập về khoảng hơn 2 triệu tấn đậu tương, và hơn một triệu tấn ngô làm thức ăn chăn nuôi. Theo ước tính, các thành phố lớn, các vùng gần biên giới của chúng ta cũng nhập khẩu theo con đường chính thức và không chính thức khoảng 1 triệu tấn gạo chất lượng cao để sử dụng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm chúng ta nhập siêu liên tục trong nhứng năm vừa qua trong buôn bán quốc tế. Nhu cầu nhập đậu tương và ngô làm thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng trong những năm tới. Như vậy vào thời điểm hiện tại, cân đối giữa nhập và xuất lương thực, về cơ bản chúng ta mới chỉ đảm bảo được nhu cầu lương thực của chính mình. Trong tương lai, với khoảng một triệu miệng ăn sinh ra mỗi năm, đất trồng bị mất dần do đô thị hoá, phát triển công nghiệp, do nước biển dâng và do ô nhiễm môi trường chúng ta phải có giải pháp quyết liệt ngay từ bây giờ để đảm bảo an ninh lương thực bền vững. Trước hết là phải giảm nhập khẩu thức ăn chăn nuôi. Cây trồng biến đổi gene có thể là một trong những công cụ giúp chúng ta trong việc đảm bảo an ninh lương thực.
 
Tuy nhiên xét tình hình quốc tế nói chung trong việc chấp nhận sản phẩm biến đổi gene,  tương quan của các mối quan hệ nhập và xuất hiện nay của chúng ta,  trong các văn bản của Chính phủ và của Bộ NN & PTNT chúng ta mới chỉ cho phép khảo nghiệm 3 loại cây trồng biến đổi gene mà chúng ta nhập nhiểu đó là: Ngô,  Bông và Đậu tương. (riêng bông, hàng năm chúng ta phải dựa vào nhập khẩu là chủ yếu, sản xuất trong nước chỉ đáp ứng một tỷ lệ nhỏ nhu cầu về bông vải). Vì vậy chưa có cơ sở để lo lắng đến xuất khẩu gạo. Chúng ta sẽ chưa sử dụng lúa biến đổi gene khi trên thế giới loại thực phẩm này chưa chấp nhận rộng rãi! Đó là điều chắc chắn! Còn việc ảnh hưởng của thức ăn chăn nuôi biến đổi gene đến xuất nhập khẩu thịt cá…thì cũng không đáng ngại. Bởi vì trên thế giới hiện nay chưa có nước nào tỏ ra quan ngại về thịt cá được nuôi bằng sản phẩm biến đổi gene.  Cũng cần phải nói thêm rằng hiện nay, chúng ta nhập khẩu rất nhiều thức ăn chăn nuôi là đậu tương và ngô, tỷ lệ  đậu tương và ngô  biến đổi gene trong đó là rất cao, nếu tính đến hiện trạng khoảng 70% đậu tương, 30% ngô trên thế giới nói chung là sản phẩm biến đổi gene.

Có lẽ chúng ta không đặt vấn đề cạnh tranh với các cường quốc trên thế giới hay với các công ty siêu quốc gia hùng mạnh về cây trồng biến đổi gene. Chúng ta chỉ đặt vấn đề công nghệ nào giúp người nông dân tăng thu nhập, giúp đảm bảo an ninh lương thực bền vững cho đất nước thì chúng ta mở đường cho người dân ứng dụng rộng rãi. Nguời nông dân sẽ là người lựa chọn cuối cùng về giống nào họ sẽ trồng trên đất của họ. Tất nhiên họ sẽ trồng giống nào mạng lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho họ. Ta còn nhớ  đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi ngô lai bắt đầu tràn vào Việt Nam, khi chúng ta hoàn toàn chưa có giống ngô lai của mình, cũng đã có lo ngại tương tự, rằng chúng ta sẽ phụ thuộc vào công ty nước ngoài, rằng việc mở cửa cho ngô lai chỉ có lợi cho công ty sản xuất hạt giống…. Sau hơn 20 năm mở cửa  phát triển ngô lai, nhìn lại ta thấy, hiện nay hầu hết các cánh đông ngô được thay thế bằng ngô lai, khó có thể bắt người nông dân quay trở lại với ngô thuần truyền thống. Việc mở cửa không chỉ thúc đẩy lĩnh vực sản xuất ngô, góp phần xoá đói giảm nghèo cho nông dân mà còn góp phần thúc đẩy nghiên cứu ngô lai của Việt Nam. Chúng ta không giao khoán cho 3 công ty nước ngoài được phép khảo nghiệm và kinh doanh hạt giống ngô biến đổi gene mà chúng ta mở cửa cho tất cả các công ty có các sản phẩm biên đổi gene thuộc 3 loại cây là ngô, bông, và đậu tương, kể cả công ty trong và ngoài nước, có thể cạnh tranh phát triển ở Việt Nam. Ai mang lại nhiều lợi ích cho nông dân hơn, người nông dân sẽ chọn họ, người đó sẽ thắng trong cuộc cạnh tranh này. Vì vậy để thắng được trong cuộc cạnh tranh đó các công ty phải quan tâm đến người nông dân, như một đối tượng trung tâm nhất.
——–
*Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)