Chùm tin KH&CN
Chùm tin KH&CN dưới đây bao gồm các nội dung: Dùng tế bào gốc loại trừ khả năng nhiễm HIV; Tảo, rêu và địa y có thể là một nguồn khí nhà kính quan trọng; Áp dụng công nghệ quang-di truyền nghiên cứu não bộ của người; Sắp có máy tính đầu bếp do các cựu kỹ sư của Apple chế tạo.
Dùng tế bào gốc loại trừ khả năng nhiễm HIV
Trang tin của trường đại học UCLA ngày 30/6 vừa qua đã đưa tin về việc các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Y học tái sinh và Tế bào gốc mang tên hai vợ chồng nhà khoa học Eli và Edyth Broad đang tiến một bước gần hơn trong việc sản xuất ra một công cụ mà trong tương lai có thể hỗ trợ đắc lực cho hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại HIV và giành chiến thắng. Kỹ thuật mới này giúp khai thác các khả năng tái tạo của tế bào gốc để tạo ra một phản ứng miễn dịch với virus. Phát hiện này đã được công bố trên tạp chí Molecular Therapy (Liệu pháp phân tử) vào ngày 8/6/2015.
Nguồn:
http://newsroom.ucla.edu/releases/stem-cell-gene-therapy-developed-at-ucla-holds-promise-for-eliminating-hiv-infection
***
Tảo, rêu và địa y có thể là một nguồn khí nhà kính quan trọng
Tảo, rêu và địa y hấp thụ một lượng lớn CO2 và cả N2 từ trong khí quyển
và thải ra N2O và CH4
Trang SciTechDaily ngày 15/7 vừa cho biết, các nhà nghiên cứu từ Viện Hóa học Max Planck (Đức) đã xác định được rằng địa y, rêu và tảo xanh có thể sản xuất một số lượng lớn nitrous oxide (N2O), còn được gọi là khí cười (laughing gas). Điều này đã được khám phá bởi các nhà khoa học thuộc ĐH Gießen, ĐH Heidelberg và Viện Hóa học Max Planck sau các cuộc thử nghiệm rộng rãi trong phòng thí nghiệm. Hiệu ứng nhà kính của khí cười mạnh hơn gấp 300 lần so với carbon dioxide (CO2), một loại khí nhà kính phổ biến khác. Trong bối cảnh Trái đất ngày càng nóng lên, khám phá mới này thực sự đáng quan tâm, khi ở nhiệt độ càng cao thì mức thải khí nitrous oxide vào không khí càng gia tăng.
Nguồn:
http://scitechdaily.com/scientists-discover-a-new-source-of-greenhouse-gases/
***
Áp dụng công nghệ quang-di truyền nghiên cứu não bộ của người
Trong hầu hết các thí nghiệm về quang-di truyền, ánh sáng được đưa đến các tế bào từ lasers
thông qua các cáp quang bằng sợi. Dự án mới tập trung vào việc làm cho tế bào tự làm ra ánh
sáng, để chúng có thể kiểm soát các hoạt động của chúng hoặc hoạt động của tế bào kề cận.
Các nhà thần kinh học tại các ĐH Brown và ĐH Central Michigan đang đẩy mạnh sử dụng công nghệ optogenetics (quang-di truyền) mạnh mẽ hơn trong việc nghiên cứu não, trang SciTechDaily ngày 16/7/2015 cho biết.
Được áp dụng lần đầu tiên vào năm 2005, công nghệ quang-di truyền đã tạo cho các nhà khoa học khả năng sử dụng xung lực của ánh sáng tia laser để kiểm soát hầu như bất kỳ loại tế bào thần kinh nào trong khoảng thời gian chính xác mà các phương tiện kiểm soát tế bào thần kinh trước đó chưa thể thực hiện được.
Trước đó, người ta sử dụng xung điện, mặc dù cũng khá mạnh nhưng nó tác động lên tất cả các tế bào trong một khu vực chứ không chỉ những loại tế bào được lựa chọn. Dược phẩm cũng không thể kiểm soát chỉ riêng khu vực được xác định và càng không có thời gian chính xác. Trong khi đó, công nghệ quang-di truyền có thể làm được tất cả những điều này bằng cách tác động lên đặc điểm di truyền của các tế bào để chúng có thể trở nên phấn khích hoặc bị ức chế bởi các màu sắc khác nhau của ánh sáng.
Nhưng ngành quang-di truyền còn có thể làm nhiều hơn thế, GS Christopher Moore thuộc ĐH Brown, chủ nhiệm đề án nghiên cứu được Quỹ W. M. Keck tài trợ 1 triệu USD nhận định. Mục tiêu lâu dài của ông là tạo ra các tế bào đủ “thông minh” để phát sáng khi cần để có thể kiểm soát chính chúng và những tế bào xung quanh bằng phương pháp quang-di truyền. Nếu trong tương lai, quang di truyền được cho phép sử dụng trên con người, thì cách tự kiểm soát này – không cần đưa ánh sáng từ bên ngoài vào cơ thể – sẽ có thể giúp tạo giải quyết nhiều vấn đề về sức khỏe, từ ngăn chặn các cơn động kinh, chữa chứng Parkinson đến điều trị căn bệnh tiểu đường mãn tính.
Nguồn:
http://scitechdaily.com/scientists-engineer-brain-cells-to-produce-light/
***
Sắp có máy tính đầu bếp do các cựu kỹ sư của Apple chế tạo
June được thiết kế để đặt trên bàn bếp
Tin từ CNN ngày 15/7 cho biết, một nhóm cựu kỹ sư của Apple vừa chế tạo thành công bếp lò được gắn thiết bị vi tính và có khả năng tư duy như một đầu bếp. Bếp lò này được đặt tên là June, dự kiến chính thức ra thị trường vào năm tới với giá thành gần 1.500 USD, sử dụng cảm biến để nhận biết các loại thực phẩm bạn đang nấu và đưa ra những hướng dẫn để bạn có thể nấu món ăn đó một cách phù hợp nhất. Bạn không cần làm nóng lò nướng từ trước, và điều đặc biệt nhất là một ứng dụng smartphone sẽ gửi cho bạn thông báo khi thức ăn đã sẵn sàng. Tuy nhiên, cô đầu bếp vi tính có tên là June này không nhằm thay thế bếp lò hiện nay – cô nàng được thiết kế để đặt trên bàn bếp – và cũng không nhằm nấu những bữa ăn lớn cho nhiều người.
Dự án June do hai cựu kỹ sư của Apple là Matt Van Horn và Nikhil Bhogal khởi xướng cách đây một năm rưỡi, giờ có 23 nhân viên, trong đó người thiết kế lò cũng chính là người chịu trách nhiệm thiết kế PowerBook của Apple – Robert Brunner. Các kỹ sư của dự án làm việc trong một khu bếp rộng, có đầy đủ từ bánh quy sô-cô-la đến các món nướng để liên tục kiểm tra trí thông minh của June.
Nguồn:
http://money.cnn.com/2015/07/15/technology/june-smart-oven/index.html?iid=ob_article_hotListpool&iid=obinsite
VTPA dịch