Chương trình mục tiêu quốc gia về năng lượng: Nước đến chân… mới nhảy

Dầu mỏ ở Việt Nam được khai thác từ những năm 80 của thế kỷ trước, bước sang đầu những năm 2000, sản lượng hằng năm đạt khoảng 17-20 triệu tấn, tức khoảng 350.000-400.000 thùng/ngày chủ yếu từ mỏ Bạch Hổ. Trữ lượng dầu có thể khai thác nước ta, theo tính toán lạc quan nhất khoảng 2,7 tỷ thùng, nhưng với mức khai thác 400.000 thùng/ngày, nước ta sẽ không còn dầu để khai thác trong vòng không đầy 30 năm nữa.

Từ năm 2005, sản lượng khai thác đã bắt đầu giảm dần do dầu ở mỏ Bạch Hổ đã qua đỉnh sản xuất, sản lượng dầu khai thác bình quân năm 2005 là 370.000 thùng/ngày, trong khi năm 2004 sản lượng khai thác là 403.000 thùng/ngày, đến năm 2007 còn dưới 350.000 thùng /ngày, tức không đến 17 triệu tấn/năm. Năm 2008 hy vọng tăng sản lượng dầu dựa vào mỏ Sư Tử Trắng với trữ lượng theo báo cáo là rất lớn, nhưng khi đi vào khai thác sản lượng lại rất ít do cấu trúc địa chất phức tạp, vì vậy sản lượng dầu có thể đạt chỉ còn 16 triệu tấn/năm.
Toàn bộ lượng dầu khai thác này hiện nay được xuất khẩu, đổi lại, toàn bộ sản phẩm năng lượng (xăng dầu) và hóa dầu đều phải nhập vào để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước. Bộ Công Nghiệp dự báo chính sách năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đã tính toán nhu cầu dầu năm 2010 sẽ lên tới khoảng 16,7 – 17,2 triệu tấn/năm (cho mục đích sản xuất năng lượng là 14,1 – 14,8 triệu tấn/năm, nguyên liệu cho hóa dầu khoảng 1,25 triệu tấn/năm), năm 2020 khoảng 29 – 31,2 triệu tấn/năm (trong đó cho mục đích năng lượng khoảng 26,3 – 28,6 triệu tấn/năm), đến năm 2050 con số này sẽ lên đến 90 – 98 triệu tấn/năm, trong khi mức sản xuất như hiện nay chỉ khoảng 17 triệu tấn/năm. Như vậy, từ những năm 2015 trở đi, dầu khai thác ở Việt Nam không còn để xuất khẩu, trái lại, không những phải nhập khẩu thêm dầu thô để phục vụ cho công nghiệp chế biến dầu ở nước ta sau khi nhà máy lọc dầu Dung Quất và các nhà máy tiếp sau đi vào hoạt động với dự kiến tổng công suất chế biến 25-30 triệu tấn/năm, mà còn phải nhập thêm các sản phẩm xăng dầu và hóa dầu mới đáp ứng được mức nhu cầu tiêu thụ như đã dự báo trên.Việt Nam sẽ phụ thuộc vào nguồn năng lượng của nước ngoài sau khoảng 10-15 năm tới.
 


Xếp hàng mua xăng ở Nepal

Tuy nhiên, mức tiêu thụ các sản phẩm dầu theo các tính toán cho tầm nhìn 2050 chưa phải đã là mức có tính đến sự bùng nổ trong phát triển và tiêu dùng dầu ở nước ta trong giai đoạn sau hội nhập WTO đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mức tiêu dùng dầu này chỉ lấy bình quân hằng năm tăng trên dưới 10% để tính toán nhu cầu trong những năm tới. Thực tế, sự bùng nổ nhu cầu tiêu dùng năng lượng đã từng xảy ra ở Trung Quốc trong các thập niên qua: trước hiện đại hóa 1965, nhu cầu tiêu dùng là 200.000 thùng/ngày, sang thập niên 80, mức tiêu dùng tăng lên hơn 10 lần tức 2 triệu thùng/ngày, năm 2000, con số này đã lên đến 6 triệu thùng/ngày, và dự báo đến 2025 là 20 triệu thùng/ngày. Như vậy, nhu cầu tiêu dùng dầu ở nước ta sẽ vượt khá xa con số dự báo cho tầm nhìn 2020 hoặc 2050 trên đây, cân bằng cung cầu về năng lượng trong các thập niên tới sẽ bị phá vỡ, cuộc khủng hoảng năng lượng ở Việt Nam là không tránh khỏi như nhiều nhà nghiên cứu chiến lược năng lượng nước ta đã cảnh báo.
Trong xu thế quốc tế hóa, toàn cầu hóa các nền kinh tế diễn ra ngày càng mạnh mẽ và quyết liệt, Việt Nam không thể đứng ngoài tình hình gay gắt này về năng lượng chung của thế giới. Trong các giải pháp chiến lược nêu ra để cân bằng cung cầu năng lượng quốc gia trong Dự báo chính sách năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, chưa thấy phương sách lấy nguồn năng lượng nào bù đắp vào sự thiếu hụt nguồn dầu cho nền kinh tế cũng như chưa thấy lộ trình thay thế dầu cho các thập niên tới ngoài chủ trương nhập khẩu dầu và xây dựng nhà máy điện phân rã hạt nhân.
Vào thời điểm đó, tức 2020 cho đến 2050, cả thế giới đều lâm vào khủng hoảng trầm trọng về năng lượng như đã phân tích ở trên, dầu khai thác trên thế giới không có đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của các nền kinh tế thế giới, giá dầu sẽ tăng cao một cách khủng khiếp, như vậy để thoả mãn nhu cầu tiêu thụ trong nước, đâu có thể dễ dàng nhập dầu vì ai sẽ bán dầu cho ta và giá cả sẽ cao ở mức nào, có nằm trong dự tính của tầm nhìn chiến lược không? Chương trình điện hạt nhân đang được xúc tiến nghiên cứu và được xem như một lối thoát cho tình hình thiếu điện vào các thập niên tới. Nếu như nhà máy điện phân rã hạt nhân đầu tiên của Việt Nam công suất 2000 MW được trở thành hiện thực thì sự đóng góp của điện hạt nhân cũng chỉ khoảng 3,3% tổng nhu cầu điện đến năm 2020, và 5 năm sau đó, nếu có thêm một nhà máy nữa với tổng công suất 4.000 MW thì cũng chỉ đóng góp 4,7% tổng nhu cầu điện ở năm 2025. Theo ý kiến của một chuyên gia đã tham gia các Dự án  về thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo dưỡng các nhà máy điện hạt nhân tại Hoa Kỳ, TS Đinh Hữu Đức, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Ameriacan Technologies, Inc (ATI), nguyên Giám đốc điều hành nhà máy điện hạt nhân Water Ford III tại Bang Louisiana cho biết, để đủ điện bảo đảm cho sự phát triển kinh tế giai đoạn sau WTO và hội nhập vào nền kinh tế thế giới, trong 20 năm tới Việt Nam chắc chắn phải cần xây dựng ít nhất 20 nhà máy điện hạt nhân. Điều này thật khó khả thi nếu biết rằng, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam công suất khoảng 2.000 MW đang xem xét nói trên có thể xây dựng tại Ninh Thuận cần đầu tư khoảng 4 tỷ USD, thời gian xây dựng khoảng trên 10 năm nếu đúng tiến độ, và cần một đội ngũ quản lý, vận hành an toàn nhà máy điện hạt nhân được đào tạo nghiêm chỉnh, vì kinh nghiệm như sự cố xảy ra ở Nhật tháng 9-1999 tại nhà máy Ikata hoặc thảm họa Chernobyl ở Nga bên cạnh lỗi thiết kế, chính là do nhân viên bất cẩn và trình độ kỹ thuật non kém của những người vận hành, quản lý. Hơn nữa, khi những nhà máy điện hạt nhân này ở Việt Nam ra đời và đi vào khai thác, thời điểm đó thế giới có thể đã chuyển sang thế hệ điện hạt nhân mới trên cơ sở tổng hợp nhiệt hạch, những nhà máy điện phân rã hạt nhân như vậy sẽ lỗi thời.
Điều này cho thấy cần thiết phải xây dựng chính sách năng lượng quốc gia sao cho chủ động, an toàn và bền vững trong một thế giới đầy biến động và nguy cơ khủng hoảng năng lượng sâu sắc, sẵn sàng đối phó với kịch bản xấu nhất vẫn có thể bảo đảm đủ năng lượng để phát triển đất nước, không bị hụt hẫng suy thoái kinh tế, rối ren bất ổn xã hội. Tại hội thảo tháng 7/2006 ở Hà Nội bàn về giải pháp phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam, Stephane Astier, giáo sư trường Đại học Toulouse (Pháp) đã phát biểu, tình hình khẩn trương như vậy nhưng “nước đến chân vẫn… chưa chạy”. Vì vậy, rất cần xây dựng một chương trình mục tiêu quốc gia về năng lượng với các chương trình nghiên cứu trước mắt và lâu dài, dự án thực hiện ngắn hạn và dài hạn, kinh phí đầu tư của nhà nước ở từng giai đoạn cụ thể, thể hiện được tầm nhìn xa chiến lược và có tính khả thi, đồng thời xem xét, tham chiếu với các chiến lược mới của thế giới về năng lượng để Việt Nam có thể thoát ra khỏi khủng hoảng năng lượng trong những thập niên tới một cách chủ động.
———–

BỨC TRANH MÀU XÁM VỀ NĂNG LƯỢNG Ở THẾ KRY 21

Dầu mỏ

Do cung không đủ cầu nên giá dầu thường xuyên biến động theo hướng ngày một tăng cao, vì thế nhiều cơn sốt dầu mỏ dẫn đến các cuộc khủng hoảng năng lượng đã xảy ra trong các năm 1973, 1979, 2004 và chắc chắn sẽ còn xảy ra gay gắt hơn trong thế kỷ này. Ngay trong năm 2007, giá dầu 2 tháng gần đây đã vượt ngưỡng 80 USD/thùng, đến cuối năm nay, giá dầu dự báo sẽ lên đến 85 USD/thùng, thậm chí có thể là 90 USD/thùng. Theo IEA, giá dầu 60 USD/thùng đã là mức quá cao, đủ gây tác động kinh tế toàn cầu nói chung, vậy mà theo dự báo, vào năm 2015, giá dầu có thể tăng lên đến 380 USD/thùng. Điều này ngay cả những chiến lược gia năng lượng thế giới cũng khó suy đoán nổi giá dầu vào những năm 2020 hoặc 2050 sẽ cao đến mức nào. Giá dầu tăng cao đồng nghĩa với suy thoái kinh tế, rối ren xã hội, xung đột leo thang, chiến tranh khu vực và không loại trừ lan ra thế giới nếu không cảnh giác. Cuộc chiến I-rắc hiện nay về sâu xa cũng là vì nguyên nhân dầu mỏ, như chính người từng đứng đầu Cục dự trữ liên bang Mỹ gần đây đã thừa nhận.

Năng lượng nguyên tử
Vào những năm 70 của thế kỷ trước nhiều quốc gia còn cho rằng, năng lượng hạt nhân sẽ phát triển thành nguồn năng lượng chủ lực của nền kinh tế. Ngay như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Thế giới (IAEA) cũng đã dự kiến các nhà máy điện nguyên tử trên toàn thế giới đến năm 2000 sẽ đạt công suất trên 4.000 gigawatts (1 gigawatt=109 watts). Bước vào những năm 80, nghĩa là chỉ khoảng hơn 10 năm sau, thế giới đã chứng kiến sự thất bại của kế hoạch này. Từ năm 1987, nhiều quốc gia Châu Âu đã từ bỏ chương trình điện hạt nhân: Áo (1978), Thụy Điển (1980), Italy (1987). Ba Lan đã dừng xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Bỉ, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha và Thụy Điển quyết định không xây thêm các nhà máy điện hạt nhân mới và quyết định từ bỏ chương trình điện hạt nhân. Pháp từ sau năm 1998 không có thêm tổ máy năng lượng điện hạt nhân mới nào được cấp phép xây dựng. Đức đã quyết định đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân vào năm 2020. Ở Nhật, năm 2003, 17 nhà máy điện hạt nhân của Công ty điện lực Tokyo phải đóng cửa vì phát hiện có sự cố không an toàn. Ở Mỹ, 25 năm qua không có nhà máy điện hạt nhân nào được xây thêm. Thực tế cho đến những năm đầu của thế kỷ 21, công suất các nhà máy điện hạt nhân cũng chỉ đạt 343 gigawatts, nghĩa là dưới 1/10 so với kế hoạch dự định trước đây. Trên thế giới, hiện chỉ có 30 nước sản xuất điện hạt nhân, còn lại 170 nước không xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Điện hạt nhân hiện nay cũng chỉ đáp ứng được 2,3% nhu cầu năng lượng tiêu thụ của thế giới.

Trần Mạnh Trí

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)