Con người có thể đọc và làm toán trong tình trạng vô thức
Liệu ta có thật sự đọc được câu chữ và giải những bài toán gồm nhiều bước giải mà tâm trí không cần ý thức về chúng?
Những kết quả này được coi là thách thức cho các lí thuyết hiện có về các quá trình xử lí não bộ ở vô thức vốn cho rằng việc đọc và giải toán – hai ví dụ căn bản cho những hoạt động phức tạp, dựa trên qui luật – đều cần có ý thức.
Các nhà khoa học của trường Đại học Hebrew đã đưa ra bản báo cáo cùng kết luận cho cuộc nghiên cứu này trên Proceedings of the National Academy of Sciences of the United States of America (PNAS) (Kỉ yếu của Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ) được công bố trên mạng vào ngày 12/11/2012. Nhóm nghiên cứu, với người đứng đầu là tiến sĩ Ran Hassin, bao gồm các sinh viên đã tốt nghiệp là Asael Sklar, Ariel Goldstein, Nir Levy và Roi Mandel, cùng với tiến sĩ Anat Maril.
Để [não người] được tiếp cận các câu chữ và phương trình toán trong vô thức, các nhà nghiên cứu đã dùng một kĩ thuật tối tân nhất là phương pháp CFS (Continuous Flash Suppression). Bằng phương pháp CFS này, một mắt của người tham gia thí nghiệm được tiếp xúc với chuỗi hình ảnh thay đổi liên tục, trong khi mắt còn lại thì được cho tiếp xúc đồng thời với một hình ảnh bất biến. Những thay đổi liên tục ở một bên mắt sẽ chi phối ý thức để cho hình ảnh hiện ra ở mắt bên kia không được người ta nhận ra trong ý thức. Bằng cách dùng kĩ thuật này, các nhà nghiên cứu cho hơn 270 sinh viên trường Đại học Hebrew tiếp xúc với các câu chữ và các bài toán số học.
Trong một chuỗi các thí nghiệm sử dụng kĩ thuật này, những người tham gia thí nghiệm được yêu cầu đọc lên các con số xuất hiện trên màn hình máy tính. Những con số này hiện ra sau khi người ta cho hiện các phương trình số học trong vô thức. Kết quả thí nghiệm chứng tỏ người tham gia thí nghiệm có thể đọc con số hiện ra trong ý thức nhanh hơn nếu con số đó là kết quả của phương trình mà người đó từng thấy trong vô thức. Ví dụ, nếu cho hiện ra 9-5-1 trong tình trạng vô thức, thì người tham gia thí nghiệm sẽ đọc lên con số 3 nhanh hơn là đọc con số 4, mặc dù họ không nhận biết được là mình từng thấy phương trình toán đó.
Trong một chuỗi thí nghiệm khác được báo cáo trong bài viết đăng trên PNAS, người tham gia thí nghiệm được cho tiếp xúc trong tình trạng vô thức với một số câu chữ ngắn gọn và những câu chữ này cứ hiện ra trên màn hình cho đến khi người đó có thể nói là họ đã thấy câu chữ này. (Cùng lúc đó mắt bên kia được cho tiếp xúc với những hình ảnh nhấp nháy liên tục). Kết quả chứng tỏ là những câu chữ mang nghĩa tiêu cực (chẳng hạn như “hành vi buôn bán bất hợp pháp của con người”) hoặc những cụm từ lạ thường (chẳng hạn như “cái băng ghế ăn con ngựa vằn”) sẽ được nhận biết trong ý thức người xem trước những câu chữ mang nghĩa tích cực hơn (chẳng hạn như “cái áo được ủi” hoặc những cụm từ thông thường dễ hiểu như “con sư tử ăn con ngựa vằn”). Điều này cho thấy ngay cả trong vô thức con người ta vẫn dễ “để ý” những điều tiêu cực và bất thường.
Các nhà nghiên cứu cho biết, “các kết quả này chứng tỏ con người có thể thực hiện trong vô thức những hoạt động phức tạp, dựa trên qui luật, đi ngược lại với các mô hình hiện có về ý thức và vô thức”.
“Vì vậy”, TS. Hassin nói, “các lí thuyết hiện hành về quá trình xử lí vô thức và ý thức con người cần phải được xem lại. Những điều chỉnh này sẽ đưa chúng ta đến gần hơn với lời giải cho một trong những bí ẩn khoa học lớn nhất của thế kỉ 21: Chức năng của ý thức con người là gì”.
Đoàn Khương Duy dịch từ Science Daily
http://www.sciencedaily.com/releases/2012/11/121114083930.htm