Con người: hạt bụi của vũ trụ…

Nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận, giáo sư tại trường Đại học Virginia, Mỹ, đồng thời là giáo sư thỉnh giảng của Đại học Paris 7, Đài thiên văn Paris (khoa Vật lý thiên văn Saclay), và Viện Vật lý thiên văn Paris thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp đã trả lời phỏng vấn Asia Magazine về mối quan hệ giữa con người và vũ trụ trong quan niệm của phương Đông và phương Tây. Tạp chí Tia Sáng xin lược dẫn lại một phần của cuộc phỏng vấn này.

Các khoản đầu tư cho nghiên cứu vũ trụ rất lớn. Vậy, đâu là những ích lợi?
Đúng là để xây dựng kính viễn vọng và đưa đài quan sát lên quỹ đạo phải đầu tư rất nhiều tiền của. Để xây dựng một kính viễn vọng có trang bị một gương thu ánh sáng đường kính10m, cần phải chi tới hơn một trăm ngàn USD. Để đưa Hubble lên không gian, NASA đã tiêu tốn bảy tỷ USD! Nghiên cứu thiên văn không đem lại lợi ích kinh tế trực tiếp. Đó là sự kiếm tìm nguồn gốc của chúng ta, nguồn gốc của vũ trụ, các thiên hà, ngôi sao, hành tinh, cuộc sống và ý thức. Từ lâu nay, con người luôn tự đặt cho bản thân những câu hỏi mang tính triết lý căn bản về sự tồn tại và nguồn gốc của mình. Vật lý thiên văn ngày nay giúp chúng ta trả lời một vài câu hỏi đó: đâu là nguồn gốc những yếu tố cấu thành con người, tại sao chúng ta là hạt bụi của những vì sao? Cơ chế của Big Bang như thế nào? Tại sao sự mở rộng của vũ trụ đang được đẩy nhanh? Cuộc kiếm tìm siêu hình và khoa học này đưa chúng ta vượt ra khỏi cấp độ loài vật đơn thuần. Điều đó có nghĩa, nghiên cứu cơ bản tất yếu kéo theo những phát minh công nghệ. Nhờ Newton phát hiện ra lực vạn vật hấp dẫn, con người có thể bay được trên những chiếc máy bay và tàu không gian. Nhờ Maxwell phát hiện ra các định luật điện từ, chúng ta được hưởng thụ nhiều tiện nghi hiện đại như đèn điện, điện thoại, ti vi, dàn nhạc. Tuy nhiên, tôi xin nhắc lại, nhà vật lý thiên văn không nghĩ đến các ứng dụng công nghệ để nghiên cứu. Họ làm điều đó để thỏa mãn trí tò mò và vì danh dự trí tuệ của con người.

Ông là người tán đồng nguyên lý nhân sinh. Nguyên lý đó là gì?
Nhân sinh tức là những gì liên quan đến con người. Thiên văn học hiện đại nhận thấy vũ trụ được sắp xếp theo những quy tắc cực kỳ nghiêm ngặt để chúng ta hiện diện ở đó. Để hiểu được điều này, cần biết rằng tất cả vũ trụ, tất cả những gì hiện hữu được xác định bằng mười lăm con số không thay đổi trong không gian và thời gian gọi là “hằng số vật lý”. Một ví dụ về hằng số vật lý là vận tốc ánh sáng, 300 000 km/s. Chỉ một tích tắc ánh sáng đã đi được bảy vòng quanh Trái đất! Chẳng có lý thuyết nào lý giải được tại sao ánh sáng lại di chuyển với vận tốc ấy chứ không phải một vận tốc nào khác, 3m/s chẳng hạn. Các ví dụ khác về hằng số vật lý là khối lượng proton, neutron và electron, những “viên gạch nền móng” của vật chất, hoặc hằng số Planck giúp xác định kích thước nguyên tử…Tất cả các hằng số vật lý này đã được định sẵn: chúng ta đo đạc giá trị của chúng một cách cẩn thận trong phòng thí nghiệm mà không cần một lý thuyết giải thích nào cả.
Ngoài các hằng số nói trên, còn có những điều kiện ban đầu: tỷ lệ mở rộng vũ trụ ban đầu, lượng khối đen (98% vật chất trong vũ trụ không phát ra bất cứ loại ánh sáng nào), hoặc năng lượng đen (cấu thành 74% thành phần vũ trụ và là nguyên nhân đẩy nhanh sự mở rộng của vũ trụ).
Các nhà vật lý thiên văn đã nhận ra sự điều chỉnh kì diệu giữa các hằng số vật lý và điều kiện ban đầu bằng cách nào? Tất nhiên, họ không tạo ra một vụ Big Bang thứ hai ở trong phòng thí nghiệm. Thế nhưng, máy tính điện tử cho phép họ tính toán được các mô hình vũ trụ: các nhà khoa học thay đổi một trong những hằng số vật lý và điều kiện ban đầu rồi sau đó xem thử các mô hình vũ trụ có chứa sự sống hay không. Trong đa phần các mô hình đó, các ngôi sao không hình thành. Không có các ngôi sao thì không có vật chất nặng (vì các chất này được tổng hợp thông qua các phản ứng hóa học hạt nhân diễn ra trong lòng các ngôi sao), không có cac-bon cấu thành cơ thể chúng ta, không có khí ni-tơ mà chúng ta hít thở, không có tất cả những yếu tố nền tảng cấu thành sự sống. Những điều ghi nhận được thật là kì diệu: đa phần các vũ trụ đều cằn cỗi, không có sự sống và ý thức trừ vũ trụ của chúng ta, nơi các hằng số vật lý và điều kiện ban đầu kết hợp thành công và chúng ta giống như những người trúng “xổ số độc đắc”.
Nguyên lý nhân sinh có hai phiên bản: mạnh và yếu. Phiên bản yếu cho rằng các tính chất của vũ trụ phải trùng khớp với sự hiện hữu của chúng ta, gần như một hằng đề. Phiên bản mạnh hấp dẫn hơn: nó quy định rằng mọi thứ đã được ấn định sẵn ngay từ đầu, ngay từ những giây đầu tiên của vụ nổ Big Bang để vũ trụ tồn tại sự sống và ý thức. Cách suy luận này áp dụng cho tất cả các dạng sống trong vũ trụ, cả trên Trái đất và ngoài Trái đất, vì tôi không nghĩ con người là dạng sống có trí tuệ duy nhất trong vũ trụ. Chúng ta chỉ là hạt cát trong đại dương vũ trụ mênh mông.
 
Các lý thuyết và khám phá mới đây gần với tư tưởng phương Đông: thuyết Big Bang và Big Crunch (vụ co lớn) gợi lại quan niệm truyền thống của người Trung Hoa về vũ trụ trên phương diện hoạt động theo chu kỳ và phụ thuộc lẫn nhau của hai yếu tố âm và dương. Khi dương đạt tới cực đỉnh thì nó biến đổi âm hoàn toàn. Đó có phải là sự biến dịch lớn được nêu trong cuốn Kinh dịch không? 

Nguyên lý nhân sinh có hai phiên bản: mạnh và yếu. Phiên bản yếu cho rằng các tính chất của vũ trụ phải trùng khớp với sự hiện hữu của chúng ta, gần như một hằng đề. Phiên bản mạnh hấp dẫn hơn: nó quy định rằng mọi thứ đã được ấn định sẵn ngay từ đầu, ngay từ những giây đầu tiên của vụ nổ Big Bang để vũ trụ tồn tại sự sống và ý thức. Cách suy luận này áp dụng cho tất cả các dạng sống trong vũ trụ, cả trên Trái đất và ngoài Trái đất, vì tôi không nghĩ con người là dạng sống có trí tuệ duy nhất trong vũ trụ. Chúng ta chỉ là hạt cát trong đại dương vũ trụ mênh mông.

Quả thật, khái niệm thời gian theo chu kỳ thịnh hành trong tư tưởng phương Đông đối lập với khái niệm thời gian theo đường thẳng ở phương Tây. Ngoài khái niệm âm và dương theo chu kỳ của người Trung Hoa, cách nhìn nhận vũ trụ của người Hindu cũng tương đồng với một số khái niệm của vũ trụ luận hiện đại. Theo người Ấn Độ, mỗi chu kỳ của vũ trụ ứng với một nhịp thở của thần Brahma, vũ trụ giãn nở khi thần thở ra và co lại khi thần hít vào. Thuyết tương đối của Einstein nói rằng vũ trụ có nhiều mô hình, chẳng hạn mô hình mở rộng liên tục, thiếu hụt của Big Crunch. Số phận vũ trụ phụ thuộc vào cuộc chiến giữa hai nguồn lực: lực nổ ban đầu – vụ Big Bang – và lực hút trọng lực kìm hãm hoặc làm chậm sự mở rộng. Thế mà năm 1998, các nhà khoa học phát hiện rằng quá trình mở rộng của vũ trụ đang đẩy nhanh. Dường như một phản trọng lực, mà ta gọi là “năng lượng đen” do thiếu thông tin, đang đẩy nhanh quá trình đó. Tại thời điểm này, các quan sát thiên văn cho thấy vũ trụ sẽ không ngừng mở rộng và chỉ dừng lại sau một thời gian vô định: vũ trụ của chúng ta có lẽ là “một vũ trụ phẳng” với không gian thiếu vắng các đường cong. Nếu điều này đúng, vũ trụ có lẽ sẽ chẳng bao giờ sụp đổ để bước vào một chu kỳ mới. Như thế, điều này có lẽ trái với quan niệm chu kỳ vũ trụ của Phật giáo hay quan niệm âm-dương của người Trung Hoa. Tuy nhiên, các quan sát thiên văn thường khó khăn và câu trả lời vẫn chưa có gì chắc chắn.
  
Ý niệm chu kỳ luân hồi trong Phật giáo quy định tính liên tục của thời gian. Tuy nhiên, khi nói về sự hình thành của vũ trụ cách đây mười ba tỷ năm, có phải ông đã đặt ra nguyên lý sự khởi đầu vốn không tồn tại trong Phật giáo không?
Quả thật, ý niệm vũ trụ hình thành từ hư vô cách đây khoảng mười bốn tỷ năm cùng với sự khởi đầu của thời gian và không gian không phù hợp với quan niệm nền tảng của Phật giáo là “các hiện tượng phụ thuộc lẫn nhau” mà theo đó, “không cái gì” không thể trở thành “cái gì” bởi cái “không cái gì” không thể biến đổi mà không từ bỏ trạng thái hư không của nó. Có những lý thuyết vật lý nói rằng vụ nổ Big Bang chỉ là sự bắt đầu của một chu kỳ đặc biệt trong một chuỗi chu kỳ không có sự khởi đầu cũng chẳng có kết thúc của vô số vũ trụ. Tuy nhiên, tại thời điểm này, các quan sát thiên văn chưa cho phép kiểm nghiệm loại lý thuyết đó.

Một quan niệm Phật giáo khác đang là tâm điểm của khoa học hiện đại: sự vô thường…
Quả vậy, khái niệm vô thường thấm đẫm toàn bộ nền khoa học của thế kỷ 20. Từ trước đến giờ, mọi thứ không diễn ra như vậy. Sau thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, tư tưởng phương Tây mang đậm dấu ấn khái niệm bất biến của Aristote: bầu trời là lãnh địa của Chúa trời và sự hoàn hảo, do vậy, không gì có thể thay đổi. Ví dụ minh họa: vào năm 1054, một ngôi sao khổng lồ trên dải Ngân hà đã nổ tung tạo nên cảnh tượng sao băng. Vụ nổ lớn đến nỗi ta có thể quan sát bằng mắt thường lúc ban ngày và suốt nhiều ngày liền. Người Trung Quốc đã quan sát và ghi lại hiện tượng này trong khi đó ở phương Tây, không ai nhắc đến nó bởi họ tin tưởng tuyệt đối thuyết bất biến của Aristote. Người phương Tây sống vào thời Trung cổ tin Aristote hơn tin vào mắt mình! Các định kiến siêu hình thường tác động lên những gì con người nhìn thấy. Phải đợi cho đến khi thuyết Big Bang được chấp nhận năm 1965 thì ý niệm biến chuyển mới định hình trong vũ trụ luận. Ý niệm vũ trụ cũng có khởi đầu, hiện tại và tương lai giờ đã được chấp nhận.
Mọi thứ đều thay đổi, mọi sự đều vô thường. Không chỉ vũ trụ biến chuyển mà mọi thứ trong nó cũng biến chuyển. Các ngôi sao sinh ra, sống cuộc đời của mình rồi chết đi sau hàng nghìn, thậm chí hàng tỷ năm. Thế giới vi mô, thế giới của các hạt cũng vô thường: ta nghĩ chiếc bàn này bất động nhưng nếu như mắt chúng ta có thể nhìn thấy các nguyên tử, chúng ta sẽ thấy chúng chuyển động không ngừng. Xung quanh chúng ta, các hạt ảo liên tục xuất hiện và biến mất. Mọi thứ đều chuyển động. Chúng ta có cảm giác mình đang đứng yên, tuy nhiên, ngay chính tại thời điểm tôi đang nói chuyện này, Trái đất quay xung quanh Mặt trời với vận tốc 30 km/s, Mặt trời dẫn chúng ta đi với vận tốc 230 km/s trong dải Ngân hà. Dải Ngân hà quay quanh thiên hà Andromeda (thiên hà Tiên Nữ) với vận tốc khoảng 100 km/s. Thiên hà này lại quay quanh chòm sao Virgo (Thất Nữ), và cứ tiếp tục như thế. Vô thường hiện diện khắp nơi. Khái niệm này cũng xâm chiếm cả ngành sinh học: cùng với Darwin và thuyết nguồn gốc con người, sự sống trên Trái đất không ngừng tiến hóa kể từ khi tế bào nguyên sinh xuất hiện cách đây 3,8 tỷ năm…
   
Trong lần trò chuyện với Patrice van Eersel, có phải ông nói thành công hiện nay của nền khoa học phương Tây là nhờ chủ nghĩa độc thần, nhờ thần luận không?
Trung Quốc đã đi trước phương Tây trên phương diện phát minh kỹ thuật với thuốc nổ, la bàn. Tuy nhiên, khoa học đã không sinh ra ở đất nước này. Chính tại các quốc gia phương Tây, thuyết vạn vật hấp dẫn, thuyết tương đối đã ra đời. Tôi cho rằng cái này là do cách nhìn nhận vô thần của người Trung Hoa. Đã quan niệm chu kỳ biến đổi âm-dương là nguyên nhân sinh ra vạn vật thì cần gì phải đi tìm các định luật vật lý? Trái lại, ở phương Tây, quan niệm Thượng đế, đấng tạo hóa áp đặt mọi quy luật ngay từ đầu đã thắng thế. Nhằm ca ngợi đấng Thượng đế tạo hóa đó, các nhà khoa học như Kepler và Newton, những con người huyền thoại, đã lao vào tìm kiếm các định luật.
Phương pháp tìm tòi nghiên cứu cũng khác nhau. Phương Đông thiên về toàn thể trong khi phương Tây lại nhắm đến từng bộ phận. Chẳng hạn, y học phương Đông không điều trị chỉ một phần của cơ thể như y học phương Tây mà chữa trị cho cả cơ thể trong mối quan hệ tổng hòa của nó. Thuật châm cứu là một ví dụ. Tuy vậy, chính nhờ phương pháp bộ phận mà nền khoa học phương Tây phát triển: phương pháp này cho phép tách thực tế thành nhiều mảng và giải thích từng mảng một vì không thể nào giải thích toàn bộ một lần. Các cha đẻ của khoa học hiện đại như Newton và Einstein đã biết cách tách thực tế thành những hiện tượng đặc trưng để tiến lên. Đương nhiên, phương pháp bộ phận đơn thuần cũng có những mặt hạn chế. Chẳng hạn, chúng ta không thể hiểu được sự sống và ý thức chỉ từ những nghiên cứu về bụi của các ngôi sao và các hạt vô tri cơ bản. Tuy nhiên, phương pháp toàn thể cũng không thể loại trừ phương pháp bộ phận: chúng bổ sung lẫn nhau và cả hai đều giúp ta khám phá những bí ẩn của tự nhiên.

Như vậy, ở đây, ông nhìn thấy tính bổ sung. Một hiện tượng xuất hiện trên phương diện toàn cầu hóa kinh tế buộc chúng ta nhìn lại vấn đề một cách toàn thể đồng thời vẫn lưu ý những gì diễn ra ở từng bộ phận. Dù kinh tế hay triết học, nguyên lý này luôn hiện hữu…
Nguyên lý bổ sung còn hiện hữu trong cơ học lượng tử, một ngành vật lý vi mô. Ta biết rằng ánh sáng vừa là sóng, vừa là hạt. Lúc không quan sát, nó là sóng, nhưng khi kích hoạt thiết bị đo, nó trở thành hạt. Vậy, phải mô tả nó như thế nào? Nhà vật lý người Đan Mạch Niels Bohr đã lấy cảm hứng từ triết học phương Đông để phát biểu nguyên lý bổ sung của mình: vẻ ngoài của ánh sáng phụ thuộc hoàn cảnh và người quan sát. Ở đây, ta nhận thấy khái niệm phụ thuộc lẫn nhau của Phật giáo: ánh sáng không được định nghĩa một cách tuyệt đối mà chỉ được định nghĩa một cách tương đối so với người quan sát.
Thế có còn nguyên lý Phật giáo nào khác?
Đó là sự trống rỗng. Nó không phải hư không mà là thiếu vắng sự hiện hữu riêng biệt của sự vật. Do mọi thứ phụ thuộc lẫn nhau nên không có cái gì có thể tự định hình và tự tồn tại. Thêm một lần nữa, vật lý lượng tử lại mang đến cho chúng ta một ngôn ngữ tương đồng đến mức ngạc nhiên. Chúng ta không còn có thể coi nguyên tử hay electron là những thực thể có tính chất xác định như vận tốc hoặc vị trí. Chúng ta phải xem chúng như những yếu tố cấu thành một thế giới không phải là những sự vật, sự việc mà là những tiềm năng. Bản chất của vật chất và ánh sáng không còn tự nó sinh ra mà có thể biến đổi do tương tác giữa người quan sát và vật được quan sát.

Theo nguyên lý nhân sinh mạnh, vũ trụ được định ra cực kỳ chính xác để con người xuất hiện. Tuy nhiên, liệu hiện nay con người có nhìn nhận lại sự tồn tại của mình trước hiểm họa Trái đất nóng lên và ô nhiễm môi trường không? Có phải việc loài người bị hủy diệt sẽ là điều tất yếu không?
 Tôi không nghĩ vậy. Tất cả tùy thuộc sự khôn ngoan, ý thức của con người rằng mình đang phá hủy hành tinh này, hành tinh duy nhất trong hệ Mặt trời có cá thể có trí tuệ sinh sống. Tại thời điểm này, chúng ta là dạng sống có trí tuệ được biết đến duy nhất trong vũ trụ. Nỗ lực dò tìm tín hiệu các nền văn minh ngoài Trái đất của các nhà thiên văn vô tuyến đến nay vẫn chưa thu được kết quả. Tuy nhiên, với con số một trăm tỷ thiên hà quan sát được trong vũ trụ, mỗi thiên hà gồm một trăm tỷ mặt trời, nếu mỗi mặt trời có khoảng mười hành tinh quay xung quanh nó thì xác suất con người là dạng sống có trí tuệ duy nhất cực kỳ thấp. Chắc hẳn, có tồn tại sự sống có trí tuệ ngoài Trái đất. Một nguyên lý ít mang “tính người” hơn “nguyên lý nhân sinh” có lẽ là “nguyên lý bổ sung” bởi vũ trụ không hướng về con người mà hướng về mọi dạng sống có trí tuệ, có khả năng cảm nhận vẻ đẹp và sự hài hòa của nó, có khả năng tạo ra ý nghĩa cho nó. Tuy nhiên, tại thời điểm này, chúng ta là dạng sống duy nhất có thể cho vũ trụ một ý nghĩa. Do vậy, trách nhiệm của chúng ta rất lớn: chúng ta sẽ tạo nên điều vô nghĩa nếu hủy diệt hành tinh đẹp đẽ của chúng ta và cả bản thân chúng ta nữa. Nhưng sự tự hủy diệt của chúng ta không nằm trong các định luật vật lý. Tình hình rất nguy hiểm nhưng mọi chuyện có thể cứu vãn được nếu chúng ta triệt để thay đổi ý thức và cách sống của mình…
  
Ông đã nói: “Khoa học không có chút đạo đức hay lương tri, khoa học không sinh ra đạo lý. Nhưng, trường hợp của thực phẩm biến đổi gene thì sao?
Tự bản thân khoa học không tốt cũng chẳng xấu. Các ứng dụng của nó, tùy theo trường hợp, có thể cải thiện hoặc tàn phá cuộc sống an lành của chúng ta. Mục đích của khoa học là hiểu các hiện tượng chứ không phải định ra các quy tắc đạo đức hay lương tri, vốn thuộc phạm trù của triết học và tâm linh. Đối với vấn đề thực phẩm biến đổi gene, chưa người nào biết được liệu nó có nguy hiểm hay không (chẳng hạn gây dị ứng hoặc ung thư) vì chúng ta vẫn chưa hiểu được vấn đề này. Đứng trước sự không chắc chắn ấy, châu Âu đã áp dụng nguyên tắc cẩn trọng. Họ phản đối thực phẩm biến đổi gene trong khi Hoa Kỳ không làm thế.
 
Ở những nơi trồng thực phẩm biến đổi gene, môi trường bị biến đổi…
Đúng là mối nguy hiểm khi các thực thể biến đổi gene lạc vào các cánh đồng tự nhiên hiện hữu. Khi đó, sự đa dạng sinh học có thể bị đe dọa vì một số loại sẽ biến mất. Chẳng hạn, ta đã biết vi khuẩn mang độc tố toxin giúp ngô không bị sâu bọ phá hại, nhưng nếu chúng bay theo gió cùng phấn hoa ra khỏi cánh đồng trồng cây biến đổi gene thì có thể sẽ giết hại sâu non, ấu trùng nở ra bướm chúa.

Như thế chẳng phải nguy hiểm hay sao?
Sự cân bằng mong manh của hệ sinh quyển được thiên nhiên tạo lập và bồi đắp trong hàng triệu năm có nguy cơ phá vỡ. Ngoài việc sức khỏe con người và sự đa dạng sinh học bị đặt vào tình trạng nguy hiểm, trái cây và rau xanh còn mất đi mùi vị tự nhiên của chúng. Tôi rất thích hương vị trái cây nhiệt đới mà tôi thưởng thức mỗi khi về Việt Nam. Trái cây biến đổi gene ở Mỹ chẳng còn giữ được những hương vị ấy.

Vào thế kỷ 19, chủ nghĩa duy vật và duy tâm đối chọi nhau. Hiện nay, ông đặt ra vấn đề cộng hưởng giữa quan niệm về thực tại của Phật giáo và của khoa học. Vậy có cần hướng đến đạo lý tâm linh châu Á không? Đối với nhân loại, đó có phải là trạng thái xen kẽ nhau không?
Trước những vấn đề đạo đức và lương tri đặt ra ngày càng cấp thiết trong một số lĩnh vực như biến đổi gene hay nhân bản con người, khoa học cần tâm linh làm bạn đồng hành để chúng ta không quên đi nhân loại của mình. Nhà khoa học cần viên thuốc bổ tâm hồn này, dù cho đó là truyền thống tâm linh Thiên chúa giáo, Hồi giáo hay một tôn giáo nào khác. Tâm linh là cánh cửa khác giúp chúng ta tiếp cận với thực tại cũng giống như văn học, thơ ca và nghệ thuật. Khoa học không độc quyền thực tại. Khoa học có thể hùng mạnh hơn vì nó mang tính định lượng và giúp chúng ta thuần hóa tự nhiên, bắt tự nhiên đem lại lợi ích cho chúng ta, miễn đừng khai thác nó quá mức…Công nghệ mới giúp cuộc sống chúng ta dễ thở hơn nhưng con người cũng cần lương tri và đạo đức để sống trong xã hội. Khoa học mang đến thông tin cho chúng ta nhưng nó chẳng liên quan gì đến những bước tiến tâm linh và những biến đổi diễn ra bên trong cơ thể chúng ta. Ngược lại, tâm linh tạo nên một sự biến đổi sâu sắc trong cách chúng ta cảm nhận thế giới và tác động vào thế giới. Nó giúp mỗi con người cảm thấy dễ chịu hơn để có thể đem lại sự dễ chịu cho mọi người.
Tôi là một Phật tử. Như các bạn thấy đấy, giữa quan niệm của Phật giáo và khoa học về thực tại có sự tương đồng và cộng hưởng, từ khái niệm phụ thuộc lẫn nhau cho đến sự vô thường hay sự trống rỗng. Einstein từng nói: “Nếu như có một tôn giáo có thể hòa hợp với những đòi hỏi cấp bách của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo.”

Như vậy, khoa học cần được định hình lại trong một hệ thống suy gẫm về con người rộng lớn hơn…
Khoa học không trực tiếp sản sinh đạo lý. Nhưng nó lại là nguồn cảm hứng giúp chúng ta nhìn nhận thế giới theo cách khác và hành động đúng đắn hơn. Việc biết được tất cả chúng ta đều là hạt bụi của các ngôi sao, chúng ta có chung lịch sử vũ trụ với loài sư tử sống ở vùng đồng cỏ và với những cây hoa dại mọc trên cánh đồng, chúng ta kết nối với nhau qua không gian và thời gian có lẽ sẽ làm cảm giác phụ thuộc lẫn nhau nảy nở trong chúng ta. Cảm giác ấy lại khiến ta sinh lòng trắc ẩn. Viễn cảnh mà vũ trụ luận vẽ ra cho chúng ta nhấn mạnh tính dễ bị thương tổn của hành tinh chúng ta và sự cô độc của chúng ta giữa các vì sao. Nó khiến chúng ta hiểu rằng những vấn đề môi trường đang đe dọa Trái đất vượt ra ngoài mọi ranh giới về chủng tộc, văn hóa và tôn giáo. Khí gây hiệu ứng nhà kính, rác thải phóng xạ, chất độc công nghiệp là những vấn đề xuyên quốc gia.
Hồ Thủy An dịch

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)