Con người tiến hóa nhờ các công cụ thái nhỏ thịt

Daniel Lieberman và Katherine Zink, hai nhà nhân loại học thuộc trường Đại học Harvard, vừa công bố trên tạp chí Science phát hiện mới về quá trình tiến hóa của loài người.


Theo nghiên cứu, sự ra đời của những công cụ đơn giản bằng đá giúp cắt thịt và nghiền các loại củ quả đã giúp làm giảm đáng kể thời gian cũng như sức lực cần thiết để nhai, từ đó tổ tiên của chúng ta mới có khả năng tiến hóa các đặc điểm vật lý cần thiết để phát triển các cơ quan nói.


Sở dĩ loài người hiện đại có thể mất ít thời gian để nhai như vậy là vì chế độ ăn của chúng ta có chất lượng cao hơn nhiều so với tổ tiên,” Lieberman, cho hay: Trong khi loài vượn hầu như chỉ tồn tại nhờ hoa quả thì loài người có thể ăn được những loại đồ ăn chứa nhiều dưỡng chất và năng lượng trong những khẩu phần nhỏ hơn – tức là thịt. (Vượn cũng ăn thịt, chủ yếu là thịt của những con khỉ mà chúng săn được, song số thịt đó không đóng vai trò thiết yếu như đối với loài vừa săn bắn vừa hái lượm như con người.) Ngày nay, việc nấu nướng giúp thịt trở nên dễ ăn và dễ tiêu hóa hơn, nhưng Lieberman cho rằng tổ tiên của chúng ta bắt đầu ăn thịt từ lâu trước khi học cách nướng thịt. Đã có bằng chứng cho thấy tổ tiên của chúng ta – loài khỉ đứng thẳng có tên là hominin – đã ăn thịt thường xuyên từ cách đây 2,5 triệu năm, nhưng dường như việc nấu nướng chỉ trở nên phổ biến từ khoảng 500.000 năm trước. Vậy loài người làm gì trước khi biết nấu nướng?


Câu trả lời có lẽ xuất phát từ một hình thức sáng tạo khác ra đời cùng khoảng thời gian loài hominin bắt đầu ăn thịt: các dụng cụ bằng đá. Lieberman và Zink đã tìm hiểu xem những công cụ này đã thay đổi loại thức ăn mà loài hominin có thể ăn được như thế nào và họ nhận thấy, đối với những loại rau thân củ quả như khoai và củ cải, tổ tiên chúng ta lựa chọn hình thức nghiền thành hỗn hợp nhão, còn đối với thịt thì thái miếng nhỏ.


Nhóm nghiên cứu gắn điện cực lên mặt một số người tình nguyện để so sánh thời lượng cũng như năng lượng cần thiết để nhai các loại thịt /rau sống và chưa qua xử lý, các loại thịt/rau đã qua xử lý bằng cách thái nhỏ hoặc nghiền nát, hoặc các loại thịt/rau đã được nấu chín. Phát hiện đầu tiên họ nhận thấy là với hàm răng giống người hoặc vượn, việc ăn thịt sống gần như là điều không tưởng. Zink và Lieberman đã cho những người tình nguyện ăn thịt dê, loài động vật có thịt dai tương đương với thịt của các loài động vật mà loài hominin đã ăn. Lieberman cũng đích thân ăn thử và ông chia sẻ: “Ăn thịt dê sống quả là chẳng có gì thú vị. Ta cứ nhai mãi mà miếng thịt không suy chuyển gì.” Răng người không thể nhai nhỏ tảng thịt thành những miếng nhỏ để có thể nuốt được. Đối với tổ tiên của loài người, với hàm răng và khuôn miệng tương tự vượn – loài dành tới sáu tiếng mỗi ngày để nhai thức ăn – việc nhai thịt có lẽ cũng mất nhiều thời gian và năng lượng như vậy.


Việc thái thịt – bằng dao hoặc bằng mảnh đá nhọn – đã làm thay đổi mọi chuyện. Với những công cụ đó, loài hominin có thể cắt nhỏ những miếng thịt dai của một động vật chết thành những miếng nhỏ hơn hoặc nghiền nát các loại củ quả để đưa vào miệng, nhai và tiêu hóa. “Chúng tôi phát hiện ra rằng chỉ bằng cách thái nhỏ thịt và nghiền rau củ, loài hominin đã có thể giảm tới 17% số lần nhai, tương đương với việc giảm 2,5 triệu lần nhai mỗi năm,” Zink nói.


Zink và Lieberman cho rằng, sự giảm thiểu đó là đủ để cho phép loài người tiến hóa sang thành các bộ răng và hàm nhỏ hơn. Khi thủy tổ loài người không cần phải dành quá nhiều thời gian để nhai nữa, các lợi thế của bộ răng và hàm lớn không còn nữa – và khi đó sự lựa chọn tự nhiên bắt đầu chuyển sang ưu ái các đặc tính khác thay vào đó. Chẳng hạn, chiếc mũi nhỏ hơn đã chừa thêm không gian để đôi môi linh hoạt hơn – đây là một yếu tố then chốt để hình thành nên lời nói, đồng thời khiến cho chiếc đầu dễ cân bằng hơn khi chạy, một kỹ năng quan trọng khi săn bắn.


Nghiên cứu này đặt ra những thách thức đối với một giả thiết đối chọi là việc nấu chín thức ăn là nguyên nhân tạo ra những thay đổi về kích thước răng và hàm. Zink và Lieberman đã đưa ra những bằng chứng khảo cổ cho thấy nấu nướng xuất hiện từ cách đây một triệu năm và trở nên phổ biến từ cách đây 500.000 năm. Tuy nhiên, Richard Wranghman, nhà nhân loại học sinh học tại trường Harvard, cho rằng không thể vì các nhà khảo cổ chưa tìm ra bằng chứng sớm hơn về việc nấu nướng mà đi đến kết luận rằng loài hominin không sử dụng chúng. “Tôi không cho rằng chế độ ăn mà Zink và Lieberman đưa ra có thể lý giải cho hiện tượng các bộ phận nhai và tiêu hóa nhỏ hơn ở các họ loài người bắt đầu từ khoảng 1,9 triệu năm trước. Đối với tôi, vấn đề quan trọng ở đây là cần phải có ruột lớn để có thể làm lên men các loại rau củ sống mà loài này tiêu thụ.”


Lieberman và Zink cho hay họ không coi nhẹ vai trò của việc nấu chín thức ăn, mà họ muốn đưa ra một quá trình gồm hai bước: nghiền và thái nhỏ thức ăn giúp mang lại “cú hích” tiến hóa ban đầu để có bộ răng, hàm và ruột nhỏ hơn; và sau đó là việc nấu chín thức ăn. Nhưng có một điều chắc chắn: loài người hiện đại không thể chỉ tồn tại nhờ vào thịt sống, dù có thái miếng thịt nhỏ đi thế nào chăng nữa.

Thu Trang dịch
http://www.sciencemag.org/news/2016/03/how-sliced-meat-drove-human-evolution

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)