Côn trùng sẽ to khổng lồ nếu trái đất có nhiều oxy

Gần 300 triệu năm trước, những con côn trùng khổng lồ cũng đã nghênh ngang đi lại và vỗ cánh trên hành tinh, với những chú chuồn chuồn có sải cánh to bằng diều hâu - khoảng 76 cm. Thời đó, ôxy chiếm 35% không khí. Còn ngày nay, chúng ta chỉ được hít thở lượng ôxy chiếm 21% bầu khí quyển.

Không phải loài côn trùng nào cũng khổng lồ vào thời đó, nhưng khoảng 10% đủ lớn để coi là khổng lồ, nhà sinh vật học côn trùng Alexander Kaiser tại Đại học Midwestern ở Arizona, Mỹ, cho biết.
Để tìm hiểu liệu không khí nhiều ôxy hơn có tạo nên những con côn trùng to hơn hay không, Kaiser và cộng sự đã tính toán xem lượng không khí hiện thời có hạn chế kích thước của côn trùng. Họ so sánh 4 loài bọ cánh cứng to từ 0,25 cm đến 3,8 cm.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu tìm hiểu kích cỡ khí quản trong côn trùng, nơi luồng không khí ra vào cơ thể. Nếu con người có một khí quản thì côn trùng có cả một hệ thống liên kết với nhau và thông ra bầu khí quyển.
Khi con bọ to hơn, ảnh chụp X-quang cho thấy khí quản của chúng cũng to lên và vượt trội khả năng kích cỡ cơ thể cho phép là 20%. Đó là bởi khi con bọ tăng về kích cỡ, khí quản của chúng cũng phải to hơn nữa để đáp ứng thêm lượng ôxy cần cho cơ thể.
Đến một cỡ nào đó, khí quản không thể phát triển quá một kích thước nhất định. Dựa trên các tính toán, nhóm nghiên cứu tìm thấy các con bọ hiện đại không thể lớn quá 15 cm. Đó là kích cỡ của những con bọ to nhất được biết tới hiện nay, như bọ sừng dài Titanic ở Nam Mỹ.
Nếu bầu khí quyển trong quá khứ có nhiều ôxy hơn, khí quản có thể hẹp hơn mà vẫn luân chuyển đủ không khí cho những con côn trùng to hơn. Điều này dẫn đến kích cỡ con vật lớn hơn rất nhiều, các nhà nghiên cứu kết luận.

(theo Livescience)

Tác giả