Công cụ hữu ích cho nghiên cứu tộc người và thực hiện chính sách dân tộc

Bộ sách “Các dân tộc ở Việt Nam” do Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) thực hiện, được các nhà dân tộc học đánh giá là công cụ hữu ích cho việc tìm hiểu, nghiên cứu về tộc người và xây dựng cơ sở khoa học để thực hiện chính sách dân tộc ở Việt Nam.


PGS.TS Vương Xuân Tình (thứ ba từ trái sang) và đồng sự điền dã tại cộng đồng người Pu Péo, tỉnh Hà Giang. Nguồn ảnh: NVCC.

Kỳ vọng khỏa lấp một khoảng trống nghiên cứu sau 40 năm

Trong điều kiện của một đất nước đa tộc người, việc nghiên cứu và khái quát thực trạng phát triển kinh tế xã hội của các tộc người trở thành một nhiệm vụ thiết yếu và thường xuyên với ngành dân tộc học, theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (viện Hàn lâm KHXH Việt Nam). Nhưng cho đến nay, sau 40 năm ra đời tập đầu tiên của bộ sách “Các dân tộc ít người ở Việt Nam” – được coi là “bách khoa thư”, phản ánh tương đối đầy đủ và toàn diện về các dân tộc thiểu số của nước ta, và sau hơn 30 năm công bố tập 2 của bộ sách này, đến nay vẫn chưa có một công trình nào thay thế. Đây là một sự bất cập so với yêu cầu của thực tiễn, khi hiện trạng các tộc người biến đổi ngày càng nhanh chóng, đồng thời là một sự tụt hậu về khoa học trong bối cảnh các lý thuyết và phương pháp nghiên cứu về xác minh thành phần tộc người, phân tích hiện trạng các tộc người cũng đã được cập nhật, thay đổi. Mặt khác, thống kê của Viện Dân tộc học vào năm 2012 cũng cho thấy, hầu như các dân tộc có dân số đông, dễ tiếp cận hoặc cần quan tâm đặc biệt đến phát triển kinh tế – xã hội, an ninh- quốc phòng thường được chú trọng nghiên cứu; còn các dân tộc có dân số ít, lại cư trú ở địa bàn xa xôi, hẻo lánh lại ít được quan tâm. Cụ thể, trong hơn 30 năm qua có 12 dân tộc hầu như chưa được nghiên cứu cập nhật gồm Bố Y, Pu Péo, Ngái, Hrê, Xtiêng, Bru – Vân Kiều, Tà-ôi, Co, Chơ-ro, Brâu.

Nhìn chung, “ngành Dân tộc học/Nhân học của Việt Nam vẫn chưa có những tổng kết xứng tầm về việc nghiên cứu tộc người kể từ sau khi bộ sách hai tập “Các dân tộc ít người ở Việt Nam” được xuất bản. Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần có một bộ sách mới, cập nhật và bổ sung vào khoảng trống này”, PGS.TS Vương Xuân Tình, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học, chủ biên bộ sách “Các dân tộc ở Việt Nam” cho biết. Vì thế, ông và tập thể đội ngũ biên soạn bộ sách đặt ra mục tiêu từ năm 2012 sẽ xây dựng một công trình góp phần tổng kết tình hình nghiên cứu; xem xét sự phát triển và biến đổi về kinh tế – xã hội của các tộc người; xác định những vấn đề đã và đang đặt ra về phát triển đối với các tộc người ở Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập. Các tác giả kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao nhận thức vấn đề tộc người ở Việt Nam trong khoảng gần 30 năm; xây dựng cơ sở khoa học cho việc thực hiện chính sách dân tộc trong giai đoạn mới.

Dù kế thừa nền tảng cơ bản là phân loại tộc người và danh mục các tộc người ở Việt Nam, bộ sách lần này thể hiện tính “gối sóng” với bộ bách khoa thư về dân tộc học từ mấy chục năm trước chứ không rập khuôn. Điều khác biệt đầu tiên là người Kinh (Việt) được đưa vào nghiên cứu và tổng thuật, trong khi bộ sách cũ chỉ đặt mục tiêu nghiên cứu các dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Trình bày về các dân tộc được chia theo 7 nhóm ngôn ngữ, thay vì trình bày theo phân vùng địa lý Bắc, Nam của bộ sách cũ. Và một trong những điều quan trọng hơn là các nhà nghiên cứu đã cập nhật được tình hình của 19 dân tộc thiểu số ít người còn ít được nghiên cứu kể từ năm 1986 đến nay như: Thổ, Giáy, Lào, La Chí, Bố Y, Pu Péo, Ơ-đu, Mảng, Mạ, Mnông, Tà-ôi, Xơ-đăng, Bru-Vân Kiều, Ngái, Cống, Si La, La Hủ, Chu-ru, Raglai.

Để đảm bảo chất lượng của công trình này, PGS.TS Vương Xuân Tình cho biết, các tác giả đều phải tuân thủ một quy trình, gồm: trước khi thực hiện từng tập sách (trong tổng số 4 tập), ông cùng đồng sự lấy ý kiến các nhà dân tộc học trong hội nghị Thông báo Dân tộc học – hội nghị thường niên lớn nhất của ngành, tập hợp rất nhiều các nhà nghiên cứu trong cả nước (các năm 2012 – 2015 tương ứng với 4 tập); sau đó, khi có kết quả biên soạn, các nhóm nghiên cứu thực hiện từng tập sách phải tổ chức tọa đàm lấy ý kiến phản biện và góp ý; cuối cùng, chủ biên và một số nhà nghiên cứu đọc, góp ý chỉnh sửa rồi mới gửi nhà xuất bản.

Nhờ vậy, bộ sách được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá như là một bách khoa thư mới về dân tộc học, có vai trò tích cực trong công tác nghiên cứu và đào tạo dân tộc học/ nhân học ở Việt Nam, đồng thời đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về các tộc người ở Việt Nam của nhiều bạn đọc khác. PGS.TS Nguyễn Văn Huy đã đánh giá đây là một “tập đại thành” sẽ đem lại ý nghĩa xã hội lớn, đem lại căn cứ khoa học nhằm phục vụ cho các chính sách phát triển.

Kết hợp giữa tính hàn lâm và đại chúng

Các tập sách này cần thiết đối với việc xây dựng chính sách dân tộc, thực hiện các dự án phát triển ở vùng dân tộc thiểu số. Bởi vì, mặc dù hiện thực các tộc người đang nhiều đổi thay như sự giao lưu tiếp biến văn hóa ngày càng mạnh hơn nhờ quá trình di cư, đô thị hóa; điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội ở nhiều vùng đang biến động liên tục; tình trạng phân tầng xã hội ngày càng gia tăng… nhưng hầu như các tổ chức phi chính phủ, chính phủ và các dự án ở các vùng có nhiều tộc người sinh sống vẫn phải dựa vào các thông tin từ bộ sách cũ. Hoặc họ thực hiện dự án mà vẫn thiếu những thông tin nền tảng căn bản về đời sống kinh tế, văn hóa tộc người, theo PGS.TS Nguyễn Văn Chính, chủ nhiệm Bộ môn Nhân học phát triển, Khoa Nhân học, ĐH KHXH&NV Hà Nội, người có nhiều năm làm tư vấn cho Ủy ban dân tộc cũng như các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam về chính sách phát triển ở các dân tộc thiểu số.


Bộ sách “Các dân tộc ở Việt Nam”.

Tuy nhiên bộ sách này vừa cần đảm bảo tính học thuật trong lý thuyết, phương pháp luận, lại vừa phải mang tính đại chúng, nên có hai kiểu văn phong. Các chương có tính tổng luận về lý thuyết, phương pháp – mà sau này sẽ trở thành các công cụ có tính mẫu mực cho các nhà nghiên cứu trẻ, nghiên cứu sinh và sinh viên ngành dân tộc học, “được trình bày bằng văn phong rất hàn lâm, lý luận, có trình độ cao. Trong khi đó, các chương cụ thể về tình hình từng tộc người khác nhau, cung cấp thông tin nền tảng nên sử dụng văn phong ít tính hàn lâm, dễ đọc, ai cũng có thể sử dụng được”, theo PGS.TS Nguyễn Văn Chính. Ông cũng đánh giá, việc kết hợp giữa tính hàn lâm và đại chúng này cũng là một vấn đề ngày càng quan trọng và đáng chú ý trong giới nghiên cứu quốc tế. Đây đang là một xu hướng mới trong nghiên cứu dân tộc học nói riêng và khoa học xã hội nói chung. Ở châu Âu, “đang có những thảo luận về dân tộc học đại chúng (public ethnography). Tức là người ta không thảo luận những vấn đề lý thuyết chỉ cho riêng các nhà nghiên cứu hiểu, mà đưa những lý thuyết đó bằng một ngôn ngữ bình dân hơn cho đại chúng cùng nắm bắt. Còn ở nhiều tạp chí chuyên ngành về KHXH, những bài viết đi sâu vào phân tích các hiện trạng xã hội ngày càng xuất hiện nhiều hơn”, ông cho biết.

Nguồn lực ít ỏi

Mặc dù bộ sách được đánh giá là một công trình đồ sộ, có quy trình thực hiện nghiêm túc, nhưng kinh phí để thực hiện lại khá ít ỏi. Lực lượng trực tiếp tham gia nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lên tới 104 lượt cán bộ nghiên cứu, 61 lượt tác giả ảnh, 2 tác giả xây dựng bản đồ phân bố dân tộc của các nhóm ngôn ngữ, trên thực tế, toàn bộ lực lượng này sử dụng nguồn tài chính từ kinh phí đề tài cấp cơ sở của các năm 2013-2015, kinh phí hoạt động khoa học và kinh phí tổ chức Hội nghị Thông báo dân tộc học, chủ yếu từ năm 2012-2015 của Viện Dân tộc học. “Tổng kinh phí cho công việc này không nhiều, chỉ khoảng gần 3 tỉ đồng, tức là chỉ ngang với kinh phí của một đề tài cấp nhà nước, song được chúng tôi quản lý chặt chẽ, tiết kiệm và đảm bảo công bằng trong phân bổ”, PGS.TS Vương Xuân Tình cho biết. Mặt khác, do kinh phí có hạn nên Viện Dân tộc học cũng khuyến khích các tác giả tham gia bộ sách này kết hợp đi điền dã với đề tài nghiên cứu khác để tiết kiệm kinh phí mà vẫn phát huy được tối đa hiệu quả thu thập thông tin.
Vì vậy, bộ sách có những khoảng trống nhất định và cũng đã được một số nhà dân tộc học chỉ ra và góp ý nên bổ sung trong lần tái bản tới đây. Thứ nhất, các tác giả chỉ có thể đi thực địa ở một số địa phương nhất định của từng tộc người, mà chưa thể đi khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng ở nhiều nhóm, nhiều vùng khác nhau mặc dù, bối cảnh kinh tế xã hội ở các nhóm địa phương khác nhau, đặc biệt là các cuộc di dân, ngày càng khiến cho các tộc người trở nên đa dạng, có sự khác biệt lớn giữa các nhóm địa phương, theo PGS.TS Nguyễn Văn Chính. Đồng thời, trong khi các tộc người ngày càng sinh sống “vắt qua biên giới”, “xuyên biên giới” thì các tác giả chưa cập nhật được để người đọc có thể hình dung về tộc người trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Thứ hai, trong bối cảnh nhiều tiêu chí của khung định nghĩa, phân loại tộc người có thể không còn xác đáng nhưng vẫn được áp dụng ở Việt Nam trong vài chục năm, PGS.TS Nguyễn Văn Chính gợi ý, các nhà nghiên cứu nên cập nhật sự thay đổi về lý thuyết xác định thành phần tộc người trên thế giới – đang ngày càng chỉ đánh giá cao tiêu chí “tính tự giác tộc người”. Thứ ba, những vấn đề nóng bỏng, mang hơi thở cuộc sống của từng tộc người cũng cần phải được cập nhật hơn nữa. Chẳng hạn, nghiên cứu về người Hoa vẫn chủ yếu chỉ hạn hẹp trong khu vực Sài Gòn Chợ Lớn, trong khi người Hoa có một mạng lưới rộng lớn hơn, thậm chí gắn với mạng lưới thân tộc, kinh tế, xã hội mang tính quốc tế.

PGS.TS Vương Xuân Tình cũng cho biết, ông và các đồng sự hiểu và phần nào buộc phải chấp nhận những khoảng trống ấy trong điều kiện hạn hẹp về kinh phí như vậy và xác định cần phải bù đắp trong các lần tái bản và nghiên cứu về sau. Ông cho biết, tới đây, bộ sách sẽ được tái bản, chỉnh sửa và bổ sung. Ngoài ra, riêng phần Tổng luận nghiên cứu tộc người và một số vấn đề về dân tộc ở Việt Nam và phần tổng kết Về vấn đề tộc người với cộng đồng quốc gia – dân tộc ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay sẽ được tập hợp và xuất bản thành cuốn sách riêng nhằm thảo luận sâu hơn về các vấn đề có tính học thuật trong giới dân tộc học.

Bộ sách “Các dân tộc ở Việt Nam” của Viện Dân tộc học, gồm 4 tập do NXB Chính trị Quốc gia ấn hành: Tập 1 “Nhóm ngôn ngữ Việt – Mường”; Tập 2 “Nhóm ngôn ngữ Tày – Thái Ka đai”; Tập 3 “Nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ-me”; và Tập 4, Quyển 1 “Nhóm ngôn ngữ Hmông – Dao và Tạng – Miến”; Quyển 2 “Nhóm ngôn ngữ Hán và Mã Lai – Đa Đảo”.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)