Đã có dịch vụ nhân bản thú cưng

Nếu con chó của bạn đã già yếu thì đơn giản nhất hãy nhân bản nó để có con thay thế trẻ trung, mạnh khoẻ hơn! Đây là lời quảng cáo của một doanh nghiệp công nghệ sinh học Hàn Quốc có ý định nhân bản chó để bán.

Theo tin tức từ nước Anh, doanh nghiệp Sooam Biotech của Hàn Quốc dự tính nhân bản những con chó già yếu để bán cho khách hàng.

Phiên bản đầu tiên được xuất khẩu sang Anh là con chó có tên “mini Winnie”, được nhân bản từ tế bào da của con chó cái 12 tuổi thuộc giống Dackel mà nữ chủ nhân người Anh đang nuôi. Tế bào được hồi phát, lập trình lại và cấy vào tế bào trứng của một con chó cái.

Chi phí là 60.000 Bảng, tức 73.000 Euro, cho mỗi con vật được nhân bản – theo tờ “Guardian”.

Nhà di truyền học Robin Lovell-Badge thuộc Viện quốc gia nghiên cứu Y khoa (National Institute of Medical Research) ở London hoàn toàn xem thường quảng cáo nhân bản của Sooam Biotech và cho rằng đây là một sự “lãng phí tiền của một cách tuyệt đối”. Ông đưa ra nhiều lý do, không kể lý do về đạo lý và pháp lý, nhằm kết luận rằng nhân bản để tái tạo ở mức độ nào đó con vật già nua mà mình thương yêu là việc làm không có mấy ý nghĩa. 

Robin Lovell-Badge nói, “Bạn có thể có cơ hội để tìm lại được con vật mà bạn yêu thích ở một trại nuôi chó, không nhất thiết phải tái tạo qua nhân bản. Có thể một con chó mà bạn nhận từ trại chó đáp ứng được mong mỏi của bạn nhiều hơn.”

Lý do mà chuyên gia di truyền học nêu ra là: không phải chỉ có các gien mới quyết định tính chất, đặc điểm của con vật. Sự dậy bảo, chế độ ăn uống và nhiều vấn đề khác tác động đến sự phát triển của con vật.

“Guardian” cũng dẫn lời Dusko Ilic, nhà nghiên cứu về tế bào gốc thuộc King’s College London: “Với thời gian thì sự khác nhau giữa hai con chó sẽ ngày càng lớn hơn – đặc biệt là vấn đề tính cách của chúng.” Hơn nữa những con vật nhân bản thường dễ bị bệnh tật và tuổi thọ bình quân thấp. Thí dụ cừu nhân bản Dolly chỉ sống được bẩy năm.

Người phụ trách nghiên cứu ở hãng Sooam Biotech té ra lại là nhà nghiên cứu người Hàn Quốc Hwang Woo Suk. Ông ta là tâm điểm của một vụ bê bối lớn về nghiên cứu khoa học trong những năm qua. Năm 2004, ông khẳng định lần đầu tiên đã phát triển thành công dòng tế bào gốc từ nhân bản phôi người. Năm 2005, ông buộc phải thừa nhận đã dùng tế bào trứng của một nữ nhân viên của mình phục vụ công tác nghiên cứu. Cuối cùng thì năm 2006, toàn bộ công trình nghiên cứu về tế bào gốc bị tuyên bố không có giá trị và năm 2009, nhà nghiên cứu này đã bị toà án buộc tội hà lạm công quỹ dành cho công tác nghiên cứu. Sau này ông Hwang lại nổi đình đám khi tuyên bố sẽ nhân bản voi ma mút.

Năm 2005, Hwang thực sự đã thành công trong việc nhân bản con chó đầu tiên có tên là Snuppy, hồi đó ông còn làm việc tại Đại học Seoul. Kết quả nghiên cứu này được đánh giá là nghiêm túc. Con chó này là một giống chó của Afghanistan, lấy từ tế bào da ở tai con chó bố. Các nhà nghiên cứu đã cấy tổng cộng 1.095 phôi với thông tin di truyền của chó bố vào 123 con chó cái và trong số đó chỉ có ba con thụ thai và duy nhất Snuppy sống sót. Cho đến nay, Sooam Biotech đã nhân bản được ít nhất 19 con chó.

Con vật đầu tiên được nhân bản trên thế giới là cừu Dolly năm 1996, tiếp theo là một loạt động vật khác, trong đó có con chuột đầu tiên năm 2007, rồi đến dê, lợn, thỏ và mèo và ngựa nhà.

Năm 2007, các nhà nghiên cứu về tế bào gốc cho hay đã nhân bản thành công một con khỉ thuộc giống Rhesus.

Nguyễn Xuân Hoài dịch

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)