Đã có thuốc điều trị COVID đáng trông đợi – Ai sẽ nhận được đầu tiên?

Cuối cùng thì đã có loại thuốc chữa COVID-19 mà người ta trông đợi bấy lâu này, chỉ có điều thuốc thì ít mà bệnh nhân thì nhiều. Vậy ai sẽ là người được ưu tiên chữa chạy, một vấn đề rất khó để ra quyết định.


Thuốc chống COVID-19 Paxlovid

Trong cuộc chiến chống đại dịch người ta luôn phải đương đầu với nhiều cái thiếu, từ máy thở, oxy cho đến quần áo bảo hộ, thậm chí cả đến khẩu trang cũng có lúc bị thiếu. Hiện nay ở nhiều nước, nhất là ở Mỹ khan hiếm nhất là thuốc trị COVID-19.

Ai cũng muốn mình là người được hưởng lợi đầu tiên từ loại thuốc điều trị COVID-19 vừa phát triển và mới đưa ra thị trường. Tuy nhiên mong muốn này hầu như không được đáp ứng, đơn giản vì sản xuất không kịp so với nhu cầu.

Theo các chuyên gia, châu Âu nay mai cũng rơi vào tình trạng xếp hàng chờ thuốc. Từ đầu tháng 12, cơ quan quản lý dược phẩm của EU đã cho phép các quốc gia mua thuốc Paxlovid. Một tháng trước đó, cơ quan này đã cấp giấy phép  cho molnupiravir. Cả hai loại thuốc đều có thể làm chậm sự sinh sôi của mầm bệnh và có thể được dùng dưới dạng viên nén. Các loại thuốc điều trị này sẽ giúp giảm thời gian nằm viện và giảm các ca điều trị đặc biệt.

Ngoài ra, gần đây các bác sỹ còn nhận được loại kháng thể nhân tạo Sotrovimab, tên thương phẩm là Xevudy. Ngược lại với thuốc viên, loại thuốc này phải truyền và giá đắt hơn nhiều so với thuốc viên. Theo nhà sản xuất, cả ba chế phẩm này đều công hiệu với Omicron.

Các lô thuốc đầu tiên đã được giao nhưng người ta biết chắc chắn sẽ có tình trạng cung không đáp ứng được cầu. Giới chuyên môn lo ngại sẽ đến lúc các thầy thuốc buộc phải ra một quyết định không dễ dàng gì với họ là bệnh nhân nào thì được ưu tiên.

Theo Martin Scherer, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Tổng quát Đức, thì chủ yếu nên dựa vào cơ hội của người bệnh để dành thứ tự ưu tiên cấp phát thuốc. Theo Cơ quan Dược phẩm Châu Âu, những điều sau đây cần áp dụng cho tất cả các chế phẩm kháng virus: Điều trị càng sớm khi mới bị lây nhiễm càng tốt, virus sẽ phản ứng với thuốc sớm nhất. “Do đó, trước tiên sẽ dùng thuốc cho những người mà khi uống thì có cơ hội lớn nhất để có tác động tích cực đến quá trình trị bệnh đối với họ”.

Bernd Salzberger, Trưởng khoa Truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Regensburg, biết một tiêu chí lựa chọn thậm chí còn khắt khe hơn để hạn chế tình trạng thiếu thuốc, đó là yếu tố không được bảo vệ. Đối với ông, việc kê đơn đầu tiên chú ý đến những người chưa được tiêm chủng và những người không có phản ứng như mong muốn với việc tiêm chủng, chẳng hạn như vì hệ thống miễn dịch của họ đã bị suy yếu nghiêm trọng bởi liệu pháp điều trị ung thư. Điều đó đại để có nghĩa là chỉ những người không có khả năng tự vệ trước mầm bệnh mới có thể hy vọng vào  thuốc. Theo ông thì “đại khái, chỉ 20% người trên 50 tuổi đủ điều kiện để áp dụng các liệu pháp mới.

Với các nhà đạo đức y khoa thì không có gì phải bàn cãi, khi thiếu thuốc nghiêm trọng thì tại các cơ sở điều trị nên có một tổ gồm một số bác sỹ, và tổ này quyết định về việc nên dùng thuốc cho đối tượng bệnh nhân nào là thích hợp nhất. Cần nhớ để Paxlovid và các loại thuốc khác phát huy tác dụng tốt nhất là phải sử dụng sớm nhất ngay sau khi có kết quả dương tính. Thậm chí còn có ý kiến cần luật hóa vấn đề cấp phát thuốc trong điều kiện thuốc quá khan hiếm. Theo Bộ Y tế Đức thì “quyết định dùng thuốc kháng virus tùy thuộc vào tình trạng của từng người bệnh  và do bác sỹ điều trị tự quyết định”.

Xuân Hoài lược dịch

Nguồn bài và ảnh: Paxlovid: Triage für das heiß ersehnte Medikament gegen Corona – WELT

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)