Đại dịch COVID bắt đầu từ chợ Vũ Hán, nghiên cứu mới đề xuất
Phát hiện mới được rút ra từ một tái phân tích dữ liệu hệ gene.
Cuộc truy tìm nguồn gốc đại dịch COVID-19 đã có những tín hiệu dẫn dắt mới. Các nhà nghiên cứu đã nhận diện được nửa tá loài vật có thể đã lan truyền SARS-CoV-2, loài virus là nguyên nhân gây bệnh COVID-19, cho con người, thông qua tái phân tích các hệ gene thu thập được từ chợ buôn bán động vật ở Vũ Hán, Trung Quốc1. Các loài động vật và virus tại chợ đã được tái hiện trong bài báo này, dẫu cho các nhà nghiên cứu chưa đi đến xác nhận chính thức là loài vật nào đã bị nhiễm virus.
Nhiều nghiên cứu trước đây về COVID-19 liên quan đến chợ bán buôn hải sản Hoa Nam , và vì vậy tập trung vào tìm kiếm nguồn gốc đại dịch. Nghiên cứu này được xuất bản trên tạp chí Cell, là nghiên cứu mới nhất trong loạt phân tích các mẫu lấy từ chợ. Các nhà nghiên cứu lập luận, việc tái phân tích đã làm tăng thêm vai trò của chợ với việc trở thành địa điểm của các sự kiện nhảy loài đầu tiên, trong đó động vật với virus nhảy sang người, qua đó làm bùng phát đại dịch. Điều này được nhóm nghiên cứu mở rộng từ một phân tích sơ bộ trên một bộ dữ liệu phụ của dữ liệu CDC Trung Quốc do chính họ xuất bản vào tháng 3/2023.
Tuy nhiên, kết luận của nhóm nghiên cứu khác xa so với phân tích đầu tiên của dữ liệu, xuất bản trên Nature2 vào tháng 4/2023, trong đó một nhóm nghiên cứu khác đã nhận diện toàn bộ các loài vật và virus nhưng đi đến kết luận là vai trò của chợ Hoa Nam như nguồn gốc khởi sinh đại dịch vẫn chưa rõ ràng 3.
Nghiên cứu tìm hiểu đại dịch bắt đầu như thế nào đã làm bùng nổ tranh cãi. Phần lớn các nhà nghiên cứu nói virus bắt nguồn từ dơi làm lây nhiễm cho người, và phần lớn đều cho rằng thông qua một động vật trung gian, như điều đã xảy ra với những mầm bệnh khác đã xuất hiện trên người 4. Nhưng sự thiếu hụt bằng chứng thuyết phục về vật chủ trung gian đã khiến một số nhà nghiên cứu lập luận rằng virus này có thể đã thoát ra – vô tình hay chủ ý – từ Viện nghiên cứu virus Vũ Hán 5.
Những quầy hàng đầy vật liệu di truyền
Dữ liệu hệ gene được sử dụng trong bài báo trên Cell, Nature và một số phân tích khác đều được các nhà nghiên cứu của CDC Trung Quốc thu thập một thời gian ngắn sau khi khu chợ này đóng cửa vào ngày 1/1/2020. Trong nhiều tuần, các thành viên CDC Trung Quốc đã tới nơi này nhiều lần để lấy mẫu các từ quầy hàng, thùng rác, nhà vệ sinh, nước thải, các con vật còn sót lại và cả các sản phẩm đông lạnh. Các mẫu này chứa rất nhiều DNA và RNA từ vô số nguồn mà các nhà nghiên cứu đã giải trình tự gene và sàng lọc 6.
“Đó là một trong những bộ dữ liệu quan trọng nhất về đầu đại dịch và về nguồn gốc của SARS-CoV-2”, theo nhận xét của Florence Débarre, nhà sinh học tiến hóa tại CNRS, và đồng tác giả của phân tích trên Cell.
Khi các nhà nghiên cứu tại CDC Trung Quốc xuất bản phân tích trên Nature vào tháng 4/2023, họ nêu các mẫu chứa SARS-CoV-2 được lấy từ động vật hoang dã có bán ở chợ, phần lớn là lửng chó (Nyctereutes procyonoides), vốn là loài dễ mắc SARS-CoV-2 và có thể lan truyền virus này sang các loài khác. Nhưng nhóm nghiên cứu lưu ý rằng không có cách nào tái lập được những loài vật nào bị nhiễm SARS-CoV-2. Ngay cả khi chúng bị nhiễm thì chúng có thể bị nhiễm từ ai đó có virus tới chợ, qua đó mở ra khả năng có thể là khu chợ này không phải là địa điểm đột sinh đại dịch.
Các kỹ thuật mới
Nghiên cứu trên Cell đã sử dụng các kỹ thuật hệ gene phức tạp hơn trước nhiều để nhận diện các loài từ mẫu phân lập. Họ phát hiện ra nửa tá động vật có thể là vật chủ trung gian của SARS-Cov-2, trong đó những loài có thể là lửng chó, cầy vòi mốc (Paguma larvata). Một số vật chủ khác có thể là dúi mốc lớn (Rhizomys pruinosus), nhím Amur (Erinaceus amurensis) và nhím đuôi ngắn (Hystrix brachyura) song vẫn con chưa rõ là liệu loài nào có thể nhiễm SARS-CoV-2 và lây lan bệnh. Nhóm nghiên cứu nói mang Trung Quốc (Muntiacus reevesi) và marmot Himalaya (Marmota himalayana) có thể là vật mang nhưng dường như ít khả năng hơn các loài khác.
Sự đồng vị trí vật liệu di truyền của virus và các loài vật là ‘đề xuất mạnh’ về việc các loài bị nhiễm, theo nhận xét của Gigi Gronvall, chuyên gia an toàn sinh học ở trường đại học Johns Hopkins Baltimore, Maryland. “Tôi vô cùng phấn khích về việc có bao nhiêu loài vật như thế tụ tập tại đây”.
Dơi, con vật chứa tổ tiên của SARS-CoV-2 cũng có thể là điểm khởi nguồn, lại không dò thấy trong dữ liệu di truyền. Việc thiếu DNA của dơi không hề gây ngạc nhiên, Alice Hughes, một nhà sinh học bảo tồn tại ĐH Hong Kong chuyên nghiên cứu về dơi và buôn bán động vật hoang dã, nói. Dẫu dơi thường được người Nam Trung quốc ăn nhưng trên thực tế, chúng lại không được bán ở chợ.
Các tác giả bài báo trên Cell lập luận, sự đa dạng của virus ở chợ cho thấy đây là địa điểm đột sinh của đại dịch. Cụ thể, họ nói sự hiện diện của hai dòng SARS-CoV-2 lưu hành ở chợ cho thấy virus đã nhảy hai lần từ động vật sang người. Họ đã kết luận rằng, dẫu có thể là người bị nhiễm virus đã tới chợ vào hai dịp riêng rẽ nhưng đây là kịch bản ít xảy ra hơn so với kịch bản virus nhảy hai lần từ động vật, đặc biệt kết quả phân tích cho thấy rất ít người bị nhiễm tại thời điểm đó và khó có thể một người lại mang cả hai mầm bệnh của cả hai dòng. “Thực sự, câu chuyện này chỉ phù hợp với sự lây nhiễm trên quần thể động vật và dẫn đến tình trạng nhảy loài nhiều lần sang người”, Gronvall nói.
Các phóng viên của Nature đã liên hệ với nhóm tác giả nhưng không nhận được câu trả lời trước thời hạn.
Miền Nam Trung Quốc
Nghiên cứu mới đề xuất là lửng chó ở chợ Hoa Nam có thể có mối liên quan gần gũi hơn với lửng chó dại xuất hiện ở các chợ khác trong cùng vùng, và không có mối liên quan chặt chẽ với các loài được nuôi trong các trang trại ở các tỉnh miền Bắc, qua đó đề xuất là chúng có thể có nguồn gốc từ miền trung hoặc nam Trung Quốc. Họ hàng gần nhất của SARS-CoV-2 đã được phân lập từ dơi ở Nam Trung Quốc, Lào và nhiều quốc gia Đông Nam Á.
Bước tiếp theo có thể là bám theo một số manh mối bằng các nghiên cứu về động vật trong mạng lưới buôn bán động vật hoang dã, theo đồng tác giả Joshua Levy, một nhà toán học ứng dụng tại Viện nghiên cứu Scripps ở La Jolla, California. Bài báo đã cung cấp những thông tin hữu ích về việc ngăn ngừa các sự kiện nhảy loài trong tương lai, ông nói, như việc dò theo các chủ quầy và xét nghiệm động vật chứa virus có mối liên hệ gần gũi với SARS-CoV-2 cũng như nghiên cứu về tính nhạy của động vật có vú hoang dã tại chợ Hoa Nam với SARS-CoV-2, và liệu động vật nào có thể sẵn sàng lan truyền virus này.
Với Hughes, phát hiện này chứng tỏ là cần có việc kiểm soát tốt hơn chuyện buôn bán động vật hoang dã để tối thiểu hóa nguy cơ lan truyền mầm bệnh.
Đức Độ dịch từ Nature
Nguồn: doi: https://doi.org/10.1038/d41586-024-03026-9
————————————————
2. https://www.nature.com/articles/s41586-023-06043-2
3. https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/tranh-cai-nguon-goc-dai-dich-vai-tro-cua-cho-hoa-nam/