Dao cắt phân tử mới trong kỹ thuật chỉnh sửa gene CRISPR

Phương pháp chỉnh sửa gene CRISPR vừa có thêm một bước cải tiến khi nhóm nghiên cứu của TS Trương Phượng ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) tìm ra một loại protein vi khuẩn có thể mài sắc “con dao” cắt DNA của CRISPR để từ đó khiến việc chỉnh sửa gene trở nên dễ dàng hơn với chi phí thấp hơn.

CRISPR là phương pháp chỉnh sửa gene phổ biến bằng cách dùng các protein vi khuẩn để cắt DNA, trong đó protein vi khuẩn có tên Cas9 được nhiều nhóm nghiên cứu sử dụng để xóa bỏ, biến đổi, thậm chí là bổ sung DNA vào các tổ chức sinh học, từ nấm men cho tới con người.

Cùng lúc, có nhiều nhóm nghiên cứu khác lại tập trung nghiên cứu để “nâng cấp” các phiên bản tốt hơn dao cắt phân tử của CRISPR.

Trong cuộc đua này, nhóm của TS Trương Phượng, nhà sinh học phân tử tại Viện Broad và Viện Nghiên cứu Não McGovern thuộc MIT đã giành được những thành tựu ban đầu. TS Trương Phượng cùng các đồng nghiệp đã sàng lọc hàng trăm enzyme khác nhau, trong đó có một loại protein gọi là CPF1 được nhiều loại vi khuẩn sử dụng để chống lại virus. Theo thông tin của nhóm nghiên cứu trên, CPF1 có thể chỉnh sửa DNA trong tế bào người.

TS Trương Phượng cho rằng, một trong những ưu điểm của CPF1 so với Cas9 là CPF1 đòi hỏi một lượng RNA nhỏ hơn – đủ nhỏ để khiến cho việc tạo RNA trở nên dễ dàng và ít tốn kém hơn. Ngoài ra, protein này cũng có nhiều ưu điểm khác, có thể giúp việc chỉnh sửa gene được thực hiện chính xác hơn và tại nhiều điểm hơn trong một bộ gene.

TS Trương Phượng vẫn sẽ tiếp tục tìm kiếm các loại dao cắt DNA khác, bởi theo ông, “có rất, rất nhiều loại dao cắt đang tồn tại”.

Trang Bùi dịch theo sciencemag.org

Tác giả