Đậu mùa – một chú giải nhỏ của lịch sử Việt Nam

Những chi tiết nhỏ thường bị lãng quên trong lịch sử. Nhưng thực ra chúng có vai trò tham gia vào vận mệnh quốc gia, dân tộc, xã hội, tác động đến diễn trình của tri thức, triều đại, trật tự ngai vàng, số phận con người hay hưng vong thời đại.

Truyền Hương Hoa Thư: bà chúa đậu mùa của Trung Hoa. Nguồn: Bảo tàng quốc gia lịch sử (Đài Bắc), (Donald R. Hopkins 2012).

Với các sử gia, bệnh đậu mùa đôi khi chỉ là một chú giải nhỏ trong bài viết. Nhưng trong nhiều khung cảnh, nó lại nằm ở trung tâm của các diễn biến lịch sử. Dĩ nhiên, lịch sử là phức tạp, không một nhân tố nào có thể được tuyệt đối hóa, cũng không thể có sự giả định trong lịch sử. Một vài ví dụ trong lịch sử Việt Nam cho thấy việc tìm hiểu về đậu mùa cung cấp thêm nhiều tri thức không chỉ về cách thức con người với tư cách cá nhân chống chọi dịch bệnh, mà còn là ảnh hưởng của chúng đối với sự phát triển chính trị-xã hội ở nhiều phương diện khác nhau: từ tương tác giao lưu văn hóa, tri thức y học, đến khoa học kỹ thuật và sự ảnh hưởng lẫn nhau của các nền văn hóa, văn minh.

Đậu mùa là một trong những nỗi ám ảnh xa xưa của loài người. Khảo cổ học cho thấy nhiều dấu tích về sự hiện diện của chúng từ cách nay 350,000 năm. Từ khoảng 10,000 năm TCN, chúng ta thấy ảnh hưởng đáng kể của căn bệnh này lên các cư dân nông nghiệp ở châu Á và châu Phi (Aidan Cockbum: 1963, 197-8). Các xác ướp Ai Cập thuộc vương triều XVIII và XX (1570 -1085 TCN) cho thấy ảnh hưởng của đậu mùa trong các xã hội có mật độ tập trung dân số cao (Donald R. Hopkins 1983: 14-16).  

Ghi chép về đậu mùa sớm nhất ở Trung Quốc là khoảng năm 243 TCN (J. H. Cha 1976). Nhiều sử gia tin rằng dịch bệnh này đã đi theo đoàn quân của Mã Viện (14 TCN-49 CN) trong cuộc hành quân của ông ta vào Đông Nam Trung Hoa và châu thổ sông Hồng (40-43) (Chang Chia Feng 1996: 49). Dù ở Việt Nam sau đó hầu như không có các ghi chép rõ ràng về đậu mùa, nhưng tình trạng này ở Trung Hoa được phản ánh khá phổ biến, đặc biệt là từ thời Tùy. Michele Thompson lập luận rằng muộn nhất là đến thế kỷ XII, các sách y học của Việt Nam cho thấy bệnh này đã được biết đến rộng rãi (1998: 18).

Điều thú vị là nếu đặt đồng bằng sông Hồng trong khung cảnh lịch sử cư dân sớm ở Đông Nam Á, Đại Việt là một trong số những nơi hiếm hoi mà đậu mùa có khả năng phát triển thành dịch và tồn tại lâu dài, bởi vì bệnh này không lây qua vật trung gian, nên cần một số lượng dân đủ lớn cũng như sự gia tăng liên tục của cư dân từ nơi khác. Frank Fenner (1987: 34) lập luận rằng để đậu mùa có thể duy trì thường xuyên thì cần có sự tập trung của dân số từ 100,000 đến 200,000 người. Ngoại trừ trung tâm đảo Java và Angkor, ít có khu vực nào của Đông Nam Á có quy mô dân số như thế trước thế kỷ XVI. Ở giai đoạn sau, đậu mùa trở nên phổ biến hơn, chẳng hạn như các trận dịch năm 1563-64, 1621-1623, 1749-50 ở Thailand.

Cách thức chữa đậu mùa truyền thống của người Trung Hoa và Ấn Độ đó là sử dụng “hệ miễn dịch” (theo cách gọi hiện đại ngày nay). Joseph Needham (1980) mô tả chi tiết sự phức tạp của quá trình này, tuy nhiên nguyên tắc cốt lõi là việc các thầy thuốc đưa mầm bệnh đậu mùa vào những người bình thường (thổi vảy đậu mùa vào mũi, hay lấy dịch từ bệnh nhân…) với hy vọng bệnh nhân thứ hai sẽ bị nhẹ trong vòng vài tuần và không bao giờ bị lại (vì người ta nhận ra những người đã từng bị đậu mùa không bị mắc lại).

Tri thức về đậu mùa được ghi lại bởi các danh y của Việt Nam. Danh y thời Trần là Tuệ Tĩnh được cống sang triều Minh lúc 55 tuổi (khoảng năm 1385) và sau đó trở thành thái y triều Minh trước khi qua đời ở Nam Kinh (Lê Trần Đức 1975). Tác phẩm Nam Dược thần hiệu được viết trong lúc ông ở triều Minh cũng có đề cập đến đậu mùa. Sau đó, các sách y dược cũng bắt đầu đề cập đến cách thức chủng ngừa của y học từ phương Bắc, như Bảo Anh Lương Phương (1455). Lê Hữu Trác, danh y thế kỷ XVIII (1720-1791) viết trong Hải Thượng Lãn Ông y tâm tâm lĩnh về cách chữa trị đậu mùa:

“Gặp khi có dịch đậu nghiêm trọng thì cứ mỗi tối trước khi đi ngủ, cha mẹ lấy ngón tay giữa nhúng dầu mè mà xoa xát vào đầu, trán, gáy, lưng, eo lưng, hai cổ tay chân của trẻ rồi cho trẻ đi ngủ.” (Lê Hữu Trác 1993, tập 3: 380).

Vào thế kỷ XVIII, người châu Âu lần đầu tiên tìm cách đưa virut đậu bò vào cơ thể người với mục đích tạo ra hệ thống miễn dịch đậu mùa. Đó là bác sĩ thú y người Anh, E. Jenner (1749-1823), ông quan sát thấy những từng bị bệnh đậu bò hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi đậu mùa sau đó. Ông thử nghiệm thành công phương pháp chủng đậu bò để phòng bệnh đậu mùa vào năm 1796, chính thức công bố công trình của mình vào năm 1798 và trở thành thành viên Viện Hàn lâm Hoàng gia. Thuật ngữ vaccine cũng được ra đời từ đây, bắt nguồn từ chữ Latin “vaccinus” (có nghĩa con bò hoặc liên quan đến con bò). Khám phá của Jenner mở đầu kỷ nguyên mới của lịch sử y học. Theo cách hiểu của khoa học hiện đại thì đây là cách gây miễn dịch bằng một vi khuẩn hoặc virus giảm độc lực/ yếu để gây ra một đáp ứng miễn dịch, rồi tạo một trí nhớ miễn dịch cho cơ thể người bệnh, từ đó tạo ra hiệu quả đề kháng cho cơ thể về sau.


Hoàng tử Cảnh, người kế vị của Nguyễn Ánh qua đời vì bệnh đậu mùa vào ngày 20/3/1801. Bệnh đậu mùa đã có ảnh hưởng rất lớn tới Gia Long, chắn chắn ông đã thúc đẩy việc tìm kiếm cách chủng ngừa cho những người con còn lại của mình.

Cũng chính vào lúc đó, đậu mùa tham dự vào những biến cố quan trọng của lịch sử Việt Nam.

Năm 1801 là một dấu mốc có nhiều biến động. Trong lúc quân Nguyễn Ánh đẩy mạnh cuộc tấn công dọc theo duyên hải miền Trung, và quân Tây Sơn tháo chạy từ Huế ra Bắc Hà, người kế vị chính thức của Nguyễn Ánh ở Gia Định, hoàng tử Nguyễn Cảnh qua đời vì đậu mùa ngày 20/3/1801. Hai tháng sau, ngày 21/5/1801, một hoàng tử khác bị giết trên chiến trường. Hoàng tử thứ tư Nguyễn Phúc Đảm vì thế sẽ tham gia trực tiếp vào cuộc chiến kế vị ngai vàng.

Gia Long có mối quan tâm đặc biệt đến y học phương Tây. Bác sĩ riêng của ông là Jean Marie Despiau, một bác sĩ phẫu thuật người Pháp từng ở Macao nhiều năm trước khi qua Việt Nam vào 1795. Sự tin cẩn của Gia Long đối với Despiau đến mức có thể ông đã ở bên cạnh nhà vua cho đến giây phút cuối cùng, cùng với các thái y như Nguyễn Thuốc Phiên (châu bản Gia Long, tập 5). Việc hoàng tử Cảnh qua đời vì đậu mùa có ảnh hưởng lớn đến Gia Long, và chắc chắn đã thúc đẩy ông tìm kiếm cách thức chủng ngừa cho những người con còn lại của mình. Minh Mệnh cũng đã chứng kiến sự nguy hiểm của bệnh tật và không muốn điều tương tự xảy ra đối với các con của mình. Vì thế, khi Gia Long qua đời ngày 25/1/1820, Minh Mệnh yêu cầu Despiau chuẩn bị kế hoạch đi Macao để lấy vaccine (13/7/1820), đồng thời yêu cầu Vannier đi theo phụ tá (theo thư của Phillip Vannier gửi cho Jean Jacques Louis Baroudel, thuộc giáo đoàn ở Macao).

Việc vận chyển vaccine đậu mùa dài ngày hiện nay vẫn còn là một thách thức, chưa nói đến kỹ thuật của hai thế kỷ trước. Vì thế, trong những cuộc hành trình hàng hải, người ta dùng phương pháp gọi là truyền vaccine từ “tay đến tay”: mang theo những đứa trẻ đã có kháng thể đậu mùa như một nguồn lưu trữ vaccine. Nhờ vào đó mà vaccine đậu mùa được đưa từ Baghdad (Iraq) đến Bombay (Ấn Độ) vào 6/1802. Vaccine này sau đó được một thầy thuốc của vua Tây Ban Nha Carlos IV là Don Francisco Xavier Balmis, đưa đến Macao vào ngày 30/11/1803 với 22 đứa trẻ nam chứa kháng thể đậu mùa (Hopkins 1983: 224).

Thông tin về sự hiện diện của vaccine đậu mùa ở Macao có lẽ đã đến triều đình Huế vào năm 1819 khi chiếc tàu Pháp mang tên Henri cập bến Đà Nẵng. Bác sĩ của tàu là Treillard sau đó được mời đến Huế để xem bệnh cho vua Gia Long lúc này đã rất yếu, vì có vẻ như Gia Long không tin các thầy thuốc bản địa (Thompson 1998: 54).

Hai người Pháp đang phụng sự tại Huế sẽ chịu trách nhiệm đưa vaccine đậu mùa về Việt Nam. Họ là bác sĩ của Gia Long, Jean Marie Despiau và Philippe Vannier đi theo phụ tá. Họ mang theo hai đứa trẻ ra khỏi cửa sông Hương trên một con tàu của người Hoa ngày 14/7/1820. Tàu đưa họ vào Đà Nẵng để đi Macao trong cuộc hành trình kéo dài hai tuần. Vì sự khan hiếm những đứa trẻ có sẵn kháng thể đậu mùa ở Macao cũng như việc Despiau phải học các kỹ thuật nhằm chiết xuất kháng thể để truyền từ trẻ này qua trẻ khác, và tính toán thời gian chính xác từ lúc chúng được cho lây nhiễm đậu bò ở Macao cho đến hành trình về Đà Nẵng và Huế để chắc chắn kháng thể mà chúng tạo ra là tốt nhất. Đoàn của Despiau về Huế tháng 2/1821, tại đây, ngay lập tức, ông tiến hành vaccine cho các con của Minh Mệnh. Nhà vua Nguyễn sau đó cho phép thiết lập một “trung tâm vaccine” ngay trong khu hoàng thành, nơi Despiau đào tạo 10 ngự y về kỹ thuật vaccine và công việc này còn kéo dài trong vòng 5 tháng tiếp theo (thư của Despiau gửi Baroudel ở Macao vào ngày 28/7/1821).   

Cuộc hành trình vì vaccine đậu mùa này cũng cho thấy những chuyển biến lớn lao trong cách thức người Việt ở thế kỷ XIX tiếp cận khoa học và tri thức phương Tây. Ở khía cạnh khác là việc nó phản ánh những xung đột và chia rẽ sâu sắc trong cung đình Huế đầu thời Minh Mệnh về quyền lực, thái độ và cách thức tương tác với người phương Tây. Vì phụng sự trung thành với Minh Mệnh, Despiau bị những người châu Âu khác như Jean Baptist Chaigneau và Vannier thù ghét và coi thường. Thực tế là Chaigneau (và sau đó là Vannier) đã đối đầu với Minh Mệnh từ sau năm 1816 khi ông còn ở địa vị hoàng tử Đảm, được chọn nối ngôi, thay vì con của hoàng tử Cảnh, người có những liên hệ tích cực với phương Tây. Trong những năm chuyển giao quyền lực và hoàng tử Đảm kế ngôi, chỉ có 3 người phương Tây có tầm ảnh hưởng lớn ở Huế là Chaigneau, Vannier, và Despiau. Hai người đầu chọn sự chống đối và mất dần niềm tin của Minh Mệnh cho đến khi toàn bộ gia đình của họ phải rời khỏi Huế vào ngày 15/11/1824.


Vua Tự Đức, người thừa kế của Thiệu Trị, đã mắc đậu mùa, dù sống sót sau cơn bạo bệnh, thể trạng yếu ớt và việc khong có con của Tự Đức sẽ là chủ đề bao trùm trong nền chính trị của vương triều nhiều thập kỷ sau đó.

Minh Mệnh sau đó cắt dần quan hệ với phương Tây và tìm cách tái tổ chức lại hệ thống thái y viện với việc giảm vai trò của người phương Tây và tăng cường tri thức y học Trung Hoa. Jean Marie Despiau chết vào năm 1824, chấm dứt sứ mệnh y học của ông tại Huế, và có vẻ như là sau đó vương triều này đã đoạn tuyệt với ý tưởng tiếp nhận vaccine hay thành tựu y học mới từ phương Tây. Dù Despiau và các thái y có thể giữ được vaccine trong vòng năm tháng (1821), tuy nhiên chắc chắn là sau đó các cuộc hành trình như thế không còn nữa. Bằng chứng là năm 1845, con trai của Thiệu Trị, nhà vua Tự Đức tương lai bị đậu mùa. Dù sống sót sau cơn bạo bệnh, thể trạng yếu ớt và việc không có con của Tự Đức sẽ là chủ đề bao trùm trong nền chính trị của vương triều nhiều thập kỷ sau đó, trong những chuyển biến lớn lao của vương triều, vương quốc, thời đại và nhân loại.

Việc phát triển kỹ thuật vaccine đậu mùa ở Việt Nam chỉ được giải quyết khi viện Pasteur Sài Gòn nuôi cấy thành công virus trên trâu nước vào năm 1891. Mặc dù vậy, đậu mùa sẽ còn tiếp tục để lại dấu ấn trên phần lớn dân cư Việt Nam và diện mạo của lịch sử (theo đúng nghĩa đen của từ này). Một khảo sát năm 1898 cho thấy 95% trẻ em vị thành niên ở miền Bắc Việt Nam có mặt rỗ và 9 trong số 10 đứa trẻ bị mù là liên quan đến đậu mùa (Hervieux 1899).

Cuối cùng, lịch sử là một chuỗi những tương tác phức tạp mà mỗi nhân tố đều có vai trò riêng. Mỗi mảnh ghép của quá khứ, dù to hay nhỏ đều ẩn chứa đằng sau sức mạnh làm thay đổi vận mệnh của cá nhân, cộng đồng, hay xã hội. Vua Tự Đức luôn bị ám ảnh bởi thể trạng yếu kém của mình và việc không thể sinh con. Điều này ảnh hưởng lớn đến nền chính trị triều Nguyễn, nhất là trong bối cảnh ông phải đương đầu với những thách thức mang tính thời đại. Sẽ là ngây thơ nếu nói rằng toàn bộ vận mệnh của lịch sử Việt Nam hiện đại được quyết định bởi trận đậu mùa của hoàng tử Cảnh năm 1801 và của Tự Đức năm 1845. Nhưng sẽ là không quá khi nói rằng lịch sử bệnh dịch không chỉ là nỗi ám ảnh và đau đớn của con người trước bệnh tật, mà còn là một bức tranh đa dạng về quá khứ từ góc độ trao đổi tri thức, trình độ phát triển xã hội, quan hệ chính trị, tương tác văn minh, kỹ thuật, xung đột quyền lực, tiếp nhận văn hóa, y thuật. Mỗi khía cạnh trong số chúng là một phần không thể tách rời trong cuộc hành trình của nhân loại.

Ngày nay, việc kiểm soát đậu mùa là một thành tựu quan trọng của ngành y tế, nhưng trong suốt chiều dài của lịch sử loài người, bệnh dịch này đã là một mối nguy hiểm lớn lao, đã “càn quét” khắp các châu lục và tham dự vào, hoặc tạo ra những biến cố lịch sử quan trọng. Cho đến nay, những bằng chứng khoa học sớm nhất cho thấy bệnh đậu mùa lần đầu tiên được phát hiện ở Bắc Phi và lây lan đến các khu vực khác. Khai quật khảo cổ học cho thấy, pharaoh Ramses V ở Ai Cập đã mắc bệnh đậu mùa vào năm 1156 TCN. Những ghi chép từ các cổ thư của Ấn Độ và Trung Quốc cũng cho thấy, khoảng 30% số người mắc bệnh đậu mùa tử vong, thậm chí tỉ lệ trẻ em mắc bệnh và tử vong còn cao hơn nữa. Đậu mùa tiếp tục lây lan khắp châu Á vào thời Trung Cổ và đến châu Âu vào khoảng năm 700 sau Công Nguyên, gây ra những trận đại dịch quy mô lớn, không chỉ những cư dân bình thường, mà hoàng tộc các vương triều cũng không thoát khỏi. Hoàng đế La mã Joseph I, nữ hoàng Mary II của nước Anh, Vua Louis XV của Pháp và Sa hoàng Peter II của Nga đều chết vì căn bệnh này. Nhưng có lẽ những nạn nhân chịu đựng bệnh dịch này một cách thảm khốc nhất là những người Aztec và người Inca. Cư dân của những nền văn minh này gần như đã bị tiêu diệt hoàn toàn bởi dịch bệnh đậu mùa trước khi bị những người Tây Ban Nha chinh phục bằng vũ lực chiến tranh trong thế kỷ 16 và 17.

Tham khảo
Chia-Feng Chang, “Aspects of Smallpox and Its Significance in Chinese History” (Ph.D. diss.. Univ. of London. 1996), 49-51.
David G. Marr, “Vietnamese Attitudes Regarding Illness and Healing” in Death and. Disease in Southeast Asia: Explorations in Social, Medical an d Demographic History, ed. Norman G. Owen. Asian Studies Association of Australia Southeast Asia Publications Series no. 14 (Singapore: Oxford Univ. Press. 1987) 162-186.
Donald R. Hopkins, Princes and Peasants: Smallpox in History (Chicago: Univ. of Chicago Press. 1983).
Frank Fenner. “Smallpox in Southeast Asia,” Crossroads 3: nos. 2 and 3 (1987), 34.
Joseph Needham in China and the Origins of Immunology. Centre of Asian Studies Occasional Papers and Monographs, no. 41 (Hong Kong: University of Hong Kong. 1980): 5-23.
Lê Trần Đức. Tuệ Tĩnh và nền y dược cổ truyền Việt Nam. (Hanoi: Nxb Y Học, 1975).
Thompson, C. M. (2015). Vietnamese traditional medicine: A social history. Singapore: NUS Press.
Nghiên cứu về đậu mùa và tương tác tri thức y học trong lịch sử Việt Nam có thể tìm thấy trong: Thompson, C. M. (1998). A Negotiated Dichotomy: Vietnamese Medicine and the Intersection of Vietnam ese Acceptance of and Resistance to Chinese Cultural Influence. PhD dissertation, University of Washington.

Tác giả

(Visited 35 times, 1 visits today)