Đâu phải là thiếu cơ sở khoa học

Dịch tiêu chảy cấp/tiêu chảy cấp nguy hiểm đã và đang có diễn biến phức tạp tuy theo cơ quan Y tế có thẩm quyền hiện vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Là một nhân viên Y tế (tuy không làm về công tác Y tế công cộng/Dịch tễ) theo dõi và lo lắng về tình hình dịch trong những ngày qua trên một số báo điện tử trong và ngoài nước, đọc bài viết trên tạp chí Tia sáng của Bộ Khoa học và Công nghệ của tác giả Nguyễn Đình Nguyên và bài của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn tôi muốn nêu ý kiến cá nhân của mình về vấn đề này ở hai điểm chính.

Bộ Y tế là cơ quan chịu trách nhiệm trước chính phủ về vấn đề Y tế. Trước thực tế dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đã có các chỉ đạo chuyên môn và giám sát dịch tễ cần thiết mà một trong mục tiêu quan trọng của công tác giám sát dịch là xác định nhanh chóng nguyên nhân của vụ dịch. Việc công bố các ca bệnh trong vụ dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm nói trên là các ca bệnh tả hay không là chức trách của lãnh đạo ngành Y tế, của chính phủ phải được tiến hành trên các căn cứ chính xác và thận trọng không chỉ vì lý do nghi ngại những tác động xấu tới thương mại và du lịch của đất nước mà còn có những vấn đề về chuyên môn thuần túy. Chúng ta biết và đương nhiên hơn ai hết lãnh đạo ngành Y tế và Chính phủ biết bệnh tả là một trong các bệnh nằm trong danh mục các bệnh cần công bố khi xuất hiện ca bệnh và tiếp sau đó Tổ chức Y tế thế giới sẽ tiến hành xác định lại chính xác để công bố chính thức (trực tiếp trên bản đồ động). Từ nhiều năm nay, nhất là từ trong các vụ dịch SARS, cúm gia cầm, cơ quan Y tế Việt Nam đã có sự cộng tác chặt chẽ và tham gia trực tiếp của các chuyên gia thuộc Tổ chức Y tế thế giới trong việc xác định nguyên nhân các vụ dịch. Tính tới ngày hôm nay (10/11) cơ quan này cũng chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân của dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm này có phải là phẩy khuẩn tả hay không. Vấn đề nghe có vẻ vô lý khi chúng ta cho rằng việc xác định phẩy khuẩn tả (soi trực tiếp, cấy, PCR) đâu có phức tạp đến như vậy. Việc xác định có vi khuẩn tả trong phân người bệnh quả là không khó tuy nhiên có vi khuẩn tả trong phân bệnh nhân tiêu chảy không phải đồng nghĩa là vi khuẩn tả chính là nguyên nhân gây tiêu chảy cho người bệnh. Điều này gây ngạc nhiên cho phóng viên hãng truyền thông Pháp AFP khi nghe người phát ngôn Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Quang Thuận giải thích còn trên thực tế điều này đúng là như vậy. Hầu hết các bệnh nhân nhiễm vi khuẩn tả không phát bệnh (tiêu chảy) và vi khuẩn tồn tại trong phân của những người này từ 7 đến 14 ngày, và trong số bị tiêu chảy chỉ khoảng 20 % có biểu hiện tiêu chảy cấp nguy hiểm. Trong khi đó nhiều nguyên nhân gây tiêu chảy khác (vi khuẩn, virus, hóa chất…) cần phải loại trừ, xác định. Với một ca bệnh, việc kết luận sai (do vội vàng, thiếu thận trọng) nguyên nhân gây bệnh có thể chỉ để lại ảnh hưởng đối với người bệnh đó, còn với một vụ dịch lớn sai lầm này có thể có hậu quả lớn. Nêu ý kiến về điểm này không có nghĩa phủ nhận vi khuẩn tả không phải là nguyên nhân gây ra vụ dịch này. Trên thực tế các biện pháp Y học dự phòng mà Bộ Y tế triển khai từ những ngày đầu phát dịch đã lường tới khả năng này.
Điểm thứ hai trong ý kiến của mình tôi không đồng ý quan điểm cho rằng quyết định tạm thời đình chỉ việc mua bán, sử dụng mắm tôm hiện được coi là nghi can mang mầm bệnh của vụ dịch là thiếu cơ sở khoa học cho dù tác giả dẫn ra rất nhiều các tính toán và coi nó là chứng cớ khoa học. Giả dụ nguyên nhân của các trường hợp tiêu chảy là tả. Vì là mầm bệnh được xác định từ hơn 100 năm nay và tính từ thế kỷ 19 trở lại, thế giới đã trải qua 7 đại dịch do vậy chúng ta đã có những hiểu biết về đặc tính lý-hóa-sinh, đặc tính gây bệnh, độc lực, các chủng, nhóm, biến thể của vi khuẩn và đặc biệt là phương thức lây truyền, lâm sàng, điều trị, phòng bệnh. Vì lẽ đó cho dù biết rằng Y học thực chứng (evidence-based medicine) là rất hay rất đáng tạo thành một thói quen tư duy mới trong Y học lâm sàng cũng như trong Y học dự phòng thì các biện pháp phòng bệnh trước nguy cơ dịch tả (hay khi dịch đã xảy ra) về cơ bản không khác nhau nhiều giữa các nước, giữa các tác nhân truyền bệnh trung gian (thông thường trong một vụ dịch tả, những tác nhân trung gian này không bao giờ là một cả do vi khuẩn từ phân người bệnh có thể trực tiếp giây nhiễm vào thức ăn, nguồn nước uống và chế biến thực phẩm). Đặc tính vật lý của vi khuẩn là bền vững với nhiệt, chỉ bị phân hủy ở nhiệt độ trên 100oC (117oC), không bất hoạt mà còn được “bảo quản” tốt hơn trong nước muối do đó trong phòng bệnh tả, nước và thực phẩm sống (không qua đun sôi kỹ) là hai yếu tố cần kiểm soát. Nước phải được đun sôi kỹ hay xử lý bằng clo, các thức ăn sống hay không được nấu chín kỹ nên tránh. Khẩu hiệu rút gọn của Trung tâm kiểm soát và dự phòng bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) là: “Hãy đun sôi, hãy nấu chín, hãy gọt vỏ, hoặc là hãy tạm thời quên nó đi” (“Boil it, cook it, peel it, or forget it.”). Do vậy với trường hợp của mắm tôm (chế biến từ hải sản, có thể là nguồn MANG vi khuẩn tả tự nhiên, không “bị” đun nấu trước khi sử dụng-thực phẩm sống, môi trường muối mặn là môi trường “bảo quản” vi khuẩn tả), cho dù không có các chứng cứ, các con số từ các nghiên cứu hồi cứu về các yếu tố nguy cơ trên các ca bệnh của Viện vệ sinh dịch tễ, thì quyết định của Bộ y tế tạm thời không mua bán sử dụng trong thời gian bùng phát dịch là hoàn toàn đúng đắn.
Trên đây là ý kiến cá nhân của tôi, tôi xin được tiếp thu các ý kiến phản hồi, góp ý với sự biết ơn và trân trọng.

—————
*Nghiên cứu sinh chuyên ngành Miễn dịch học
Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia,
Bệnh viện Necker, Paris, Cộng hoà Pháp

Phạm Văn Linh*

Tác giả