Để tránh đại dịch tiếp theo?

Trong vòng hơn 20 năm với ba đại dịch cúm (SARS, cúm A H1N1 và COVID-19) và một dịch cúm khác ở giữa (cúm gà H5N1), dường như nguy cơ rủi ro cho sức khỏe lúc nào cũng lơ lửng xung quanh chúng ta. Sau tất cả những điều đó, nhìn về tương lai, chúng ta phải làm gì để giảm thiểu nguy cơ bùng phát đại dịch cúm tiếp theo?

Rất nhiều nguy cơ lây bệnh từ trang trại nuôi gia súc, vật nuôi. Nguồn: Tranh cổ động của WHO.

Trong kí ức những người làm y tế công cộng, đại dịch SARS và dịch cúm gà dù diễn ra đã khá lâu nhưng những gì nó để lại thì vẫn hết sức sống động bởi đó là những bài học xương máu. PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), trong một cuộc trao đổi vào năm 2021, kể lại ngay từ thời điểm bắt đầu xuất hiện, những hiểu biết ít ỏi ban đầu khiến chị và đồng nghiệp “cứ nghĩ là bệnh lây qua đường hô hấp thì đeo một cái khẩu trang y tế chắc là đảm bảo”. Nhưng suy nghĩ này chỉ thực sự thay đổi khi chỉ trong vòng một tuần khi tình trạng chuyển biến lâm sàng của những người mắc bệnh hết sức trầm trọng, thậm chí chuyên gia quốc tế cũng tử vong.

Từ SARS đến COVID-19, ba đại dịch để lại nhiều mất mát, đau thương, thậm chí là những vấn đề hậu đại dịch khó có thể giải quyết trong ngày một, ngày hai. Điểm lại các cụm từ xuất hiện theo đường thẳng tuyến tính thời gian SARS, cúm A H1N1, cúm gà H5N1, COVID-19, chúng ta thấy đều có một điểm chung: mầm bệnh từ virus cúm trên động vật rồi lây truyền sang người.

Đó là điểm xuất phát để hình thành One Health (Một sức khỏe), khái niệm mà theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là một cách tiếp cận để thiết kế và hoàn thiện các chương trình, chính sách, nghiên cứu, trong đó có sự liên kết và hợp tác của nhiều lĩnh vực với nhau, cùng tham gia từ quy mô địa phương, vùng, quốc gia đến toàn cầu nhằm tìm hiểu cơ chế phát sinh và tiến triển của các bệnh truyền nhiễm thông qua mối tương tác giữa con người, động vật, môi trường. “Chúng ta sống trong một thế giới không chỉ phức tạp và thay đổi quá nhanh mà còn ngày một kết nối nhiều hơn. Sự quy tụ của con người, động vật và môi trường đã tạo ra một động lực mới – một trong số đó là sức khỏe của mỗi nhóm có sự liên kết vô cùng chặt chẽ và kết nối một cách tỉ mỉ, không thể tách rời”, Lonnie J. King, một chuyên gia về thú y ở ĐH Ohio (Mỹ), từng cho biết như vậy.

Theo CDC Mỹ, các mầm bệnh kháng kháng sinh có thể nhanh chóng lan truyền vào cộng đồng, chuỗi cung cấp thực phẩm, các cơ sở y tế và môi trường, khiến ngành y khó điều trị các lây nhiễm trên con người và vật nuôi hơn.

Do đó, theo WHO, cách tiếp cận Một sức khỏe liên quan đến an ninh lương thực, kiểm soát bệnh lây truyền từ động vật và chống lại kháng kháng sinh.

Những điều đó đã được thực hiện ở Việt Nam?

Những bước đi ban đầu của Một sức khỏe

Mới đây, trong công bố “Decades of emerging infectious disease, food safety, and antimicrobial resistance response in Vietnam: The role of One Health” (Hàng thập kỷ đối phó bệnh truyền nhiễm mới nổi, an ninh lương thực và kháng kháng sinh ở Việt Nam: Vai trò của Một sức khỏe) trên tạp chí One Health, TS. Nguyễn Việt Hùng, đồng giám đốc chương trình con người và vật nuôi tại Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế (ILRI) và cộng sự đã điểm lại quá trình áp dụng Một sức khỏe ở Việt Nam. Trong công bố, các tác giả viết, “Việt Nam đã ứng dụng một cách tiếp cận đa ngành để giải quyết các bệnh dịch mới nổi từ động vật. Cách tiếp cận này đã chính thức trở thành Một sức khỏe vào năm 2010 thông qua Tuyên bố Hà Nội về các định hướng trong tương lai để ứng phó với dịch cúm gia cầm, các đại dịch bệnh lây truyền có thể xảy ra”1.

Dơi là một trong những loài bị nghi ngờ là vật chủ của virus SARS-CoV-2. Nguồn: Sakchai Lalit/AP Photo

Từ điểm xuất phát này, Việt Nam đã xây dựng và ban hành rất nhiều chính sách kiểm soát, ứng phó, hồi phục và ngăn ngừa dịch bệnh theo cách tiếp cận Một sức khỏe. Các nhà nghiên cứu nhận xét, chiến lược của Việt Nam thường là “nỗ lực gấp đôi, gấp ba”, nghĩa là đặt rất nhiều sức lực, thời gian và sự quan tâm vào đó. Ngay cả khi khái niệm Một sức khỏe chưa được áp dụng một cách chính thức tại Việt Nam thì trong những năm 2000, các ủy ban chỉ đạo quốc gia như Ban chỉ đạo SARS (2003), Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch cúm gia cầm (2004) và Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống đại dịch cúm ở người (2008) được thành lập để ứng phó với SARS, H5N1 và H1N1 đã quy tụ nhiều bộ và tổ chức quan trọng để triển khai các giải pháp đa ngành. Và dưới sự chỉ đạo như vậy, các bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT đã hợp tác để thực thi nhiều chính sách quan trọng.

Nếu không có Một sức khỏe, ắt hẳn người ta không thấy vai trò rõ rệt của môi trường sinh thái trong kiểm soát bệnh dịch. Môi trường bị đe dọa bởi nạn phá rừng, mở rộng quy mô trồng trọt, chăn nuôi dẫn đến việc thiếu vùng đệm tự nhiên để tránh các mầm bệnh từ động vật hoang dã hay mất đi sự đa dạng sinh học…, đều có thể là khởi điểm của một bệnh dịch mới. Do đó, Bộ TN&MT như một mảnh ghép quan trọng cho những kế hoạch của Một sức khỏe của Việt Nam, ví dụ như phối hợp với Bộ NN&PTNT hướng dẫn ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường và khắc phục sự cố môi trường, đặc biệt hướng dẫn các giải pháp tối ưu trong việc xử lý, tiêu hủy động vật nhiễm dịch, chất thải chăn nuôi… Bộ TN&MT cũng hợp tác với Bộ Y tế trong việc sửa đổi các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường mới (ví dụ như quản lý chất thải y tế).

One Health (Một sức khỏe), theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), là một cách tiếp cận để thiết kế và hoàn thiện các chương trình, chính sách, nghiên cứu, trong đó có sự liên kết và hợp tác của nhiều lĩnh vực với nhau, cùng tham gia từ quy mô địa phương, vùng, quốc gia đến toàn cầu nhằm tìm hiểu cơ chế phát sinh và tiến triển của các bệnh truyền nhiễm thông qua mối tương tác giữa con người, động vật, môi trường.

Bệnh dịch lan truyền không biên giới, vì vậy sau những đợt bùng phát dịch cúm vào đầu những năm 2000, Việt Nam đã thành lập Khung đối tác Việt Nam về cúm gia cầm và cúm mùa (PAHI) vào năm 2006 cùng với nhiều tổ chức quốc tế và quốc gia nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ứng phó đối với dịch cúm gia cầm. Nhận thấy giá trị của cách tiếp cận mới nên sau đó 10 năm, PAHI được chuyển đổi thành Khung đối tác Một sức khỏe phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người (OHP) nhằm tăng cường hợp tác Một sức khỏe ở Việt Nam và hỗ trợ sự phát triển của Kế hoạch Một sức khỏe Việt Nam về dịch bệnh từ động vật sang người (2016–2020)2.

Vào đầu năm 2021, Việt Nam đã mở rộng pha tiếp theo của OHP (2021–2025), với việc ký kết tham gia của Bộ TN&MT, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT cùng 28 quốc gia và tổ chức quốc tế, hướng tới việc tổ chức Diễn đàn Một sức khỏe, thành lập các nhóm kỹ thuật khác nhau, hỗ trợ việc thi hành Kế hoạch chiến lược Một sức khỏe, chia sẻ thông tin, hỗ trợ chính sách và đối thoại chiến lược, phân hối các nguồn lực và xây dựng năng lực Một sức khỏe.

Vậy Việt Nam có thể tự tin vào năng lực của mình, nếu nhìn từ sự sẵn sàng của chính sách?

Đảm bảo an toàn sinh học các trang trại là giải pháp quan trọng để tránh các bệnh dịch từ động vật truyền sang người. Nguồn: TTXVN

Khung đỡ chính sách là cơ sở quan trọng để Một sức khỏe phát huy sức mạnh ở Việt Nam, về lý thuyết là vậy. Trên thực tế, có rất nhiều thách thức không dễ giải quyết, dù chính sách đã góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu và hiểu biết của Việt Nam, ví dụ Viện nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế (ILRI), Viện nghiên cứu Thú y quốc gia, ĐH Y tế công cộng đã hợp tác với nhau kể từ năm 2007 như mô hình phòng thí nghiệm Một sức khỏe về những vấn đề liên ngành như an toàn thực phẩm, bệnh lây truyền từ động vật, kháng kháng sinh; PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu 2019 với công trình nghiên cứu về mối tương tác của virus cúm A/H5N1 với người, sự tương quan về không gian – thời gian giữa sự xuất hiện của virus trên gia cầm và người…

Một vài thành công đáng khích lệ đó không đủ khỏa lấp đi những vấn đề của thực tại: mối lo về an toàn thực phẩm và các bệnh liên quan đến thực phẩm ở hầu hết các tỉnh thành; hiện tượng phá rừng ở thượng nguồn làm mất đi nhiều cánh rừng phòng hộ, làm giảm sự đa dạng sinh học; việc chăn nuôi gia cầm, gia súc, thủy sản… chưa được quản lý và quy hoạch tốt, dẫn đến sự tràn lan trong sử dụng thuốc kháng sinh; tình trạng buôn bán, giết mổ động vật hoang dã vẫn còn phổ biến. Có quá nhiều nguy cơ rủi ro để những mầm bệnh do virus trên động vật lây cho người, trong đó có virus họ corona – nguyên nhân gây đại dịch SARS, COVID-19 – và dễ bùng phát thành dịch.

Theo các nhà nghiên cứu Hà Lan, ước tính 60% các vi sinh vật lây truyền từ động vật có xương sống – bao gồm gia súc và gia cầm – lên người chứa mầm bệnh có thể gây ra dịch bệnh cho người. Việc lan truyền có thể qua đường hô hấp, miệng, mắt hay tiếp xúc vật lý. Càng tiếp xúc gần với động vật thì càng có nhiều nguy cơ lan truyền, tuy nhiên cho đến nay, chúng ta chưa có hiểu biết đầy đủ về vai trò của dạng tiếp xúc và cường độ tiếp xúc giữa gia súc vật nuôi – con người với sự lan truyền bệnh dịch3.

Vậy có cách nào để chúng ta thoát khỏi nguy cơ này? Câu trả lời là lĩnh vực chăn nuôi phải được đặt dưới một khung quản lý và kiểm soát tốt. Trong cuộc trao đổi vào tháng 7/2021, TS. Trương Đình Hoài. Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, lưu ý, các vùng chăn nuôi thâm canh của Việt Nam chưa có tính an toàn sinh học cao. Chỉ đến khi COVID-19 khởi phát, người ta mới quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này trong khi “các nước đầu tư công nghệ cao trong chăn nuôi thâm canh nhưng nuôi ở vùng cô lập, không có hộ dân xung quanh và có khu xử lý chất thải chăn nuôi riêng. Do đó, họ dễ dập tắt được dịch bệnh theo vùng nuôi”. Vì lẽ đó, anh cho rằng, “cần phải làm lại vấn đề hệ thống chăn nuôi và quy hoạch vùng nuôi ở Việt Nam”.

Nhưng câu chuyện giữ an toàn sinh học ở các trang trại nuôi các loài chủ lực, phục vụ nhu cầu đời sống như gà, lợn, tôm, cá… không phải là vấn đề đơn nhất của ngành chăn nuôi. Trong nhiều năm qua, việc áp dụng các mô hình nuôi nhiều loại động vật hoang dã như chim trĩ, công, lợn rừng thả vườn, chồn hương, rắn, vịt biển, dúi… như một cách hiệu quả để những người nông dân thoát nghèo lại tiềm ẩn nhiều rủi ro dài hạn. Chúng ta chưa biết nhiều về các mầm bệnh trên những con vật hoang dã này, trong khi “chủng coronavirus mới gây ra đại dịch COVID-19 đánh dấu sự kiện lây truyền bệnh từ động vật sang người lần thứ ba của coronavirus trong vòng hai thập kỷ qua. Hai coronavirus gây bệnh khác có độc lực cao, đều thuộc giống Betacoronavirus, cũng vượt qua hàng rào loài trong giai đoạn này để gây SARS (từ virus lưu hành trên chồn sương) và MERS (từ virus lưu hành trên lạc đà)”, PGS. TS Lê Văn Bé, Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC), cho biết.

“Trong bối cảnh hạn hẹp về nguồn lực, để Một sức khỏe bền vững, Việt Nam cần mở cửa cho lĩnh vực tư nhân tham gia và khuyến khích sự đầu tư của họ”.

TS. Nguyễn Việt Hùng

Điều đáng lo ngại hơn cả là ở các trang trại, khu vực chăn nuôi của Việt Nam còn hay xảy ra tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh. Về tổng thể, việc sử dụng phổ biến kháng sinh trong chăn nuôi ở Việt Nam ngày càng gia tăng. Theo số liệu của Đơn vị nghiên cứu lâm sàng OUCRU năm 2020, Việt Nam sử dụng 3.842 tấn kháng sinh, trong đó 2751 tấn (72%) dùng cho vật nuôi. Hai nghiên cứu xuất bản năm 2021 của TS. Lưu Quỳnh Hương (Viện Chăn nuôi) và cộng sự cho thấy tình trạng này xảy ra ở cả Bắc, Trung, Nam4. Kết quả cho thấy, 98,1% nông dân nuôi lợn sử dụng kháng sinh, 87,9% đối với người nuôi gà, 64% với trang trại cá, 24% với tôm. Nguyên nhân chính của việc dùng kháng sinh là do người nuôi thấy những biểu hiện ban đầu của bệnh như 73,9% của lợn, 74,9% của gà, 83% với tôm và 88% với cá. Vì sao lại xảy ra tình trạng này? “Khi người ta chăn nuôi trong một thời gian dài, mầm bệnh sẽ lưu cữu rất nhiều ở các khu chăn nuôi. Điều này giải thích là tại sao chúng ta nuôi gà, nuôi lợn, một hai lứa đầu thì ai cũng thắng lợi cả, nhưng từ lứa thứ ba thứ tư trở đi, mầm bệnh bắt đầu xuất hiện nhiều”, TS. Trương Hà Thái, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, giải thích còn TS. Trương Đình Hoài cho biết thêm, “Trước đây, mình chủ yếu nuôi theo phương thức quảng canh hay bán thâm canh, mật độ nuôi chưa cao nên tác hại của vi khuẩn chưa lớn còn hiện nay ngành thủy sản Việt Nam phát triển mạnh, chuyển sang thâm canh, mật độ nuôi cao, môi trường dễ ô nhiễm, cộng thêm một số yếu tố khác như biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, việc quản lý môi trường nuôi không đảm bảo, làm cho mật độ vi khuẩn tăng lên rất nhanh và gây bệnh”.

Theo CDC Mỹ, các mầm bệnh kháng kháng sinh có thể nhanh chóng lan truyền vào cộng đồng, chuỗi cung cấp thực phẩm, các cơ sở y tế và môi trường, khiến ngành y khó điều trị các lây nhiễm trên con người và vật nuôi hơn.

Cách gì để loại bỏ nguy cơ?

Những gì diễn ra ở Việt Nam cho thấy sự sẵn có của các khuôn khổ quy định vẫn chỉ là một phần của Một sức khỏe. Khi còn quá nhiều điều chưa biết về vật nuôi và các vi sinh vật có thể làm lây truyền bệnh từ đó thì thật khó tối ưu các giải pháp can thiệp, tối thiểu hóa các tác động của một bùng phát dịch bệnh trong tương lai, cho dù có nhiều khuôn khổ cùng tồn tại (chính sách trực tiếp, khung đối tác, cam kết quốc tế). Dường như, sau nhiều năm triển khai, việc triển khai các chính sách ấy chưa hiệu quả như mong muốn.

Ở góc độ của người giàu kinh nghiệm, TS. Nguyễn Việt Hùng cho rằng, còn có nhiều thách thức với việc thi hành Một sức khỏe ở Việt Nam, ví dụ mối liên hệ giữa lĩnh vực môi trường với tất cả các lĩnh vực còn lại của nó còn mờ nhạt, thậm chí còn có xu hướng bị bỏ qua trong mối quan hệ tay ba con người – động vật – môi trường. Điều đó dẫn đến hạn chế về số các nghiên cứu về sức khỏe môi trường và bảo vệ rừng ở Viêt Nam. Do vậy anh cho rằng, “để giải quyết thách thức này, Bộ TN&MT cần đóng vai trò lớn hơn trong pha hai của chương trình Một sức khỏe”.

Mặt khác, anh cho rằng, các nguồn lực đầu tư là yếu tố quan trọng cho việc tạo nên một môi trường thuận lợi cho hợp tác. Trong khi các đóng góp quốc tế đóng vai trò quan trọng để phát triển các cơ chế điều phối quốc gia thì sự thiếu ổn định của tài chính khiến các cơ chế hoạt động thiếu bền vững. Dù TS. Nguyễn Việt Hùng nhận thấy chính phủ đang cố gắng cải thiện tình trạng này bằng việc sử dụng các vốn đối ứng, sử dụng linh động các nguồn lực khác nhau từ những đối tác quốc tế song nhìn chung, nguồn tài chính vẫn ở mức thấp hơn so với đối tác quốc tế. Hơn nữa, nguồn tài chính mà chính phủ dành cho các cán bộ trong các hoạt động Một sức khỏe thấp nên khi chuyển từ nguồn tài chính quốc tế sang nguồn tài chính này, thường xảy ra tình trạng các cán bộ chuyển nơi làm việc, qua đó dẫn đến ảnh hưởng vào việc thực hiện các chiến lược của Một sức khỏe cũng như kết quả của nó. Theo quan điểm của anh, trong bối cảnh hạn hẹp về nguồn lực, để Một sức khỏe bền vững, Việt Nam cần mở cửa cho lĩnh vực tư nhân tham gia và khuyến khích sự đầu tư của họ.

Việc thiếu năng lực và nhân lực lại càng khiến việc triển khai Một sức khỏe thêm nhiều thách thức, trong khi ở Việt Nam, phần lớn các trang trại nuôi trồng, kể cả vật nuôi hay động vật hoang dã, đều ở quy mô nhỏ và nguồn vốn của họ không đủ quay vòng qua nhiều mùa vụ. Vì vậy các nhà khoa học cho rằng, cần có những giải pháp chặt chẽ như áp dụng rốt ráo các quy định về an toàn sinh trong các trang trại; áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm ở chợ và lò mổ; các hướng dẫn về kháng kháng sinh trong các trang trại đi kèm với việc tăng cường năng lực giám soát, đưa ra các khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ việc thực hiện các giải pháp này.

Hơn thế, theo TS. Nguyễn Việt Hùng và các nhà nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực khác nhau, yếu tố quan trọng để Một sức khỏe được triển khai hiệu quả hơn là việc đầu tư cho nghiên cứu để các nhà khoa học có thể đưa ra những khuyến nghị về chính sách dựa trên cơ sở khoa học về tất cả những lĩnh vực liên quan đến cách tiếp cận này. Có thể đây sẽ là giải pháp tốt nhất để Việt Nam giảm thiểu những nguy rủi ro về dịch bệnh trong tương lai.□

—————————–

1.https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2352771421001518#bb0025

2. https://dangcongsan.vn/thoi-su/tuyen-bo-ha-noi-keu-goi-cac-quoc-gia-hop-tac-phong-chong-dai-dich-cum-17445.html

3. https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2352771415300136#!

4.https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0167587721000362#!

https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2352513421001277#!

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)