Đến năm 2050, người máy sẽ nhiều hơn người thật

Cuộc sống ngày càng tự động hoá nhiều hơn. Nhưng mọi tiến bộ đều có giá của nó.

Robot là gì? Trả lời câu hỏi này không phải dễ, theo ông Carl Bass, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn phần mềm Mỹ Autodesk. Bởi vì cái hôm nay được gọi là robot thì có thể sau vài năm chỉ là một cỗ máy hoàn toàn thông thường.

Tại hội nghị thường niên South by Southwest mới đây ở Austin, Texas, ông Bas cho rằng “người ta gọi những thứ trước khi chúng thực sự hoạt động được là Robot”. Nói như vậy có nghĩa là người ta có thể định nghĩa máy hút bụi là Robot trước khi nó trở thành một vật dụng hằng ngày.

Trong bài diễn thuyết của Bass, thính giả hứng thú theo dõi phiên bản Robot “R2-D2” trong phim “Chiến tranh giữa các vì sao” diễu hành trong phòng hội nghị. Sự quan tâm của công chúng đối với Robot gần đây đã một lần nữa đặc biệt được khuấy khi tập đoàn Google cho ra đời một bộ phận về công nghệ robot. Để làm việc này, Google đã mua đến nửa tá doanh nghiệp Robot về với mình, và phụ trách bộ phận mới này là Andy Rubin, người trước đây đã thành công với hệ điều hành điện thoại thông minh Android.

Robot phẫu thuật và vẽ tranh

“Điều gì cản trở Robot, và chúng ta có cần cản trở chúng hay không?”, Bass đặt vấn đề ở Austin. Ông chủ của Autodesk tin chắc rằng Robot sẽ phát triển nhanh chóng và thâm nhập ngày càng nhiều vào các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống. “Đến năm 2050, Robot và máy thông minh sẽ nhiều hơn con người trên thế giới.”

Bên cạnh các lĩnh vực như lắp ráp ô tô, Robot sẽ mở rộng mạnh mẽ lĩnh vực hoạt động của mình. Hiện nay, Robot có thể tiến hành phẫu thuật cho người bệnh hay vẽ lại các bức tranh. Ông Bass cho rằng, với nhiều loại công việc, Robot còn thích hợp là con người. Ngay cả ở những loại công việc vốn được coi là truyền thống do con người đảm nhiệm, thí dụ chăm sóc người già, thì Robot cũng có những lợi thế. “Robot có khả năng lắng nghe và dễ dàng chấp nhận những biểu hiện khó chịu thường thấy ở người già.”

Bass cũng cho rằng, Robot lái ô tô tốt hơn – nói như vậy không có nghĩa là có thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ bị tai nạn. Ông mô tả điều này bằng ví dụ trang bìa một báo lá cải in dòng chữ đậm nét “Ô tô của Google cán chết một gia đình gồm bốn người”, ám chỉ loại xe ô tô tự hành của tập đoàn Google. Ông Bass tiên đoán, “Tin giật gân này một ngày nào đó sẽ thành sự thật,” nhưng mối tiềm ẩn này không là gì so với số người bị chết vì tai nạn giao thông mà lỗi thường là do con người gây ra như hiện nay. Trên thế giới mỗi năm có khoảng trên một triệu người chết vì tai nạn giao thông.

Mặc dù ông Bass đứng về phía “những người lạc quan về công nghệ”, nhưng ông cũng thừa nhận tiến bộ trong công nghệ Robot có cái giá của nó. Thí dụ, tự động hoá trong sản xuất làm mất biết bao việc làm, thể hiện rõ nhất qua số lao động giảm đi rõ rệt trong những lĩnh vực chế biến công nghiệp từng diễn ra giữa thế kỷ trước.

Tuy nhiên ông Bass không tiếc nuối những chỗ làm bị mất. “Đó là những công việc rất nhàm chán, đơn điệu, có khi bẩn thỉu và nguy hiểm – những loại công việc mà không phụ huynh nào muốn con em họ phải đảm nhiệm.” Thay vào đó, theo ông, có thể hình thành những loại công việc đầy sức sáng tạo, tuy nhiên, ngay cả ông Bass cũng thừa nhận, những loại công việc đó cần ít lao động hơn rõ rệt. Tiến bộ kỹ thuật không đi song song với phát triển việc làm. Để làm rõ điều này, Bass so sánh ngành công nghiệp chế tạo ô tô và Silicon Valley. Ba doanh nghiệp Google, Apple và Facebook, đều đóng đô ở trung tâm công nghệ này của California, tạo ra doanh thu gần bằng doanh thu của ba tập đoàn ô tô khổng lồ của Mỹ là General Motors, Ford và Chrysler những năm 1990. Nhưng các tập đoàn công nghệ có số lượng lao động chỉ bằng một phần mười so với số nhân công làm trong ngành sản xuất ô tô.

Xuân Hoài dịch

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)