Đi tìm tôn giáo tính

Nếu tôn giáo tính là một năng lực của con người, cũng giống như cảm tính, lý tính hay bất cứ một thuộc tính tinh thần nào khác, thì việc tìm kiếm nó phải là sự kết hợp cả phương pháp sinh lý học và tâm lý học. Sinh lý học sẽ khám phá ra cơ năng nào đảm bảo sự tồn tại và hoạt động của tôn giáo tính, theo phần xác.

Tâm lý học sẽ khám phá nội dung và cách thức hoạt động của tôn giáo tính, theo phần hồn. Cả hai hợp lại có thể cho ta thấy các kinh nghiệm tôn giáo, nhất là các xúc cảm và thăng hoa do niềm tin tôn giáo đã xảy ra như thế nào và ảnh hưởng đến các hoạt động khác của con người ra sao. Rồi từ đó, ta có thể đo được độ đậm nhạt của tôn giáo tính ở những trường hợp cụ thể.
Ngày nay, chẳng còn ai tin ở một phương pháp luận duy vật máy móc rằng “óc tiết ra tư tưởng như gan tiết ra mật”. Hơn thế nữa, ngay cả những nỗ lực khám phá hoạt động của ý thức bằng “những phản xạ có điều kiện” theo sinh lý học Pavlop, cũng không cho thấy một khả năng nào đi xa hơn là những tập tính sinh học rất đơn giản của cơ thể loài vật, chứ chưa nói gì đến loài người.
Dù sao thì con người vẫn không thoát khỏi sự tò mò trước cái bí mật của phần hồn ở đâu đó trong phần xác. Từ khi có những tiến bộ về sinh lý học não bộ, sự tò mò ấy lại gia tăng. Người ta cũng biết được một số chức năng về cảm giác, tri giác, ký ức, vận động… nằm ở một số vùng trên vỏ não. Kỹ thuật điện não đã giúp phát hiện, thậm chí kích thích được sự phản ứng của tế bào não ở các vùng đó. Vậy có một hứa hẹn nào để tìm ra cái nơi phát sinh Tôn giáo tính của con người? Có thể có một “sinh học về Chúa” theo cách đó không? Thậm chí có thể tìm ra những tế bào não làm chức năng Tôn giáo tính không? Đã xuất hiện một từ ngữ “Neuro-Apotres” (Những vị tông đồ-Tế bào não) để chỉ những người trong nhiều ngành khoa học như sinh học, y học, sinh lý thần kinh học, tâm thần học, cả nhân học nữa… đang đi theo hướng tìm ra những dấu hiệu về các kinh nghiệm có tính tôn giáo hoặc gần hoặc xa, do các tế bào não gây ra và dẫn chúng ta đến chỗ tin rằng có Chúa theo một nghĩa dù mơ hồ nào đó.

Đã xuất hiện một từ ngữ “Neuro-Apotres” (Những vị tông đồ-Tế bào não) để chỉ những người trong nhiều ngành khoa học như sinh học, y học, sinh lý thần kinh học, tâm thần học, cả nhân học nữa… đang đi theo hướng tìm ra những dấu hiệu về các kinh nghiệm có tính tôn giáo hoặc gần hoặc xa, do các tế bào não gây ra và dẫn chúng ta đến chỗ tin rằng có Chúa theo một nghĩa dù mơ hồ nào đó.

Nhưng tiếc thay, kết quả lại không có gì là khả quan lắm. Trong khi một số người quả quyết rằng có những vùng gây các xúc cảm liên quan đến các lễ nghi tôn giáo, thì những người khác lại cho rằng, đây là những ảo ảnh do hoạt động bất thường của não mà ra. Chẳng hạn, tiếng nói mà các nhà tiên tri nghe thấy chỉ là những ảo giác của thính giác, do sự hoạt động bất thường của thùy thái dương bên trái. Cảm giác về Niết bàn chỉ là hệ quả của sự ngắt mạch ở một số vùng bán cầu vách phải, thường có thể tạo ra những hình ảnh giả tạo trong suy nghĩ của người ta, tức là những lệch lạc tâm lý có nguồn gốc thần kinh học.
Nhưng, như vậy là chẳng có gì cả sao? Ngay cả khi cho rằng đấy chỉ là những lệch lạc tâm lý thì trạng thái tâm lý này chẳng đã tạo ra một ý thức ít nhiều về cái Thiêng, là một cầu nối cần thiết cho sự tồn tại của con người? Từ xa xưa, nhờ cái cầu nối ấy mà đời sống phàm tục không hoàn toàn bị cắt lìa với những tín ngưỡng về cái Thiêng, về một cái gì “bên kia” cuộc sống. Điều ấy chẳng phải là cũng có ích lợi cho cuộc sống hay sao?
Một số nhà tâm thần học như Jeffrey Save hay Jonh Rabin thì cho rằng khôn ngoan nhất là có một cách nhìn dung hòa, bằng lòng với việc xác định được đường viền trên vùng não ở vùng thái dương nơi đã tạo ra những ảo ảnh như vậy mà gác lại giả thuyết về sự tồn tại của thần thánh. Tóm lại, số đông các nhà nghiên cứu về thần kinh học và tâm thần học đều tránh trả lời thẳng vào các câu hỏi về sự tồn tại của Chúa. Họ chỉ nhấn mạnh rằng những nghiên cứu và hiểu biết của họ đang nhắm vào cơ năng của bộ não có liên quan đến niềm tin của con người.

 
Erich Fromm, người đã sử dụng chữ “linh hồn” để chỉ một trạng thái tâm lý ngoài lý trí

Nói đúng ra, đó là thái độ kiên trì quan điểm nhị nguyên về bản chất con người, quan điểm mà Decarte đã đề xướng rằng, có một linh hồn phi vật chất cùng tồn tại với cơ thể. Nhà y học giải Nobel là John Ecelos bảo vệ quan điểm này. Dù vậy, vẫn có một số đồng nghiệp trong y khoa của ông khó chia sẻ được một quan điểm về linh hồn như vậy, nhất là qua thực tế trị liệu. Vì rằng, nó gây ra những mơ hồ, đáng lẽ phải xác định chỉ có bộ não là cơ quan suy nghĩ nằm trong sọ chúng ta, thì lại nói đến một thứ tinh thần /não bộ. Tuy nhiên, sự mơ hồ này cũng không dễ gì khắc phục được trước một sự thật rằng ngay cả những quan điểm duy vật nhất nguyên, cho đến nay cũng bị đặt thành vấn đề, một khi người ta nhận ra rằng, thế giới không chỉ là vật chất mà còn là năng lượng và là thông tin nữa. Cần phải thận trọng về một chủ nghĩa duy vật thô thiển có thể dẫn thẳng đến chủ nghĩa thần bí. Chẳng hạn một chủ nghĩa duy vật sẽ nói gì về cấu tạo AND của từng con người? Đây là một lĩnh vực rất phức tạp mà ta không đủ điều kiện bàn đến ở mục này. Hãy trở lại với lĩnh vực tâm lý học.
Ngoài việc tìm kiếm các cơ sở sinh lý học của tâm lý, tâm lý học tôn giáo còn phải đi xa hơn nữa vào cái phần đặc trưng của nó như một đối tượng bắt buộc nó phải đề cập đó là linh hồn. Ở đây, ta đứng trước một cách đặt vấn đề khác hẳn với tâm lý học truyền thống, một tiếp cận mới của Erich Fromm. Ông viết: “Khoa tâm lý học hàn lâm, cố bắt chước các khoa học tự nhiên và các phương pháp của phòng thí nghiệm như cân và đếm, đề cập đến mọi vấn đề, chỉ trừ linh hồn. Nó cố tìm hiểu những phương diện của con người có thể khám nghiệm trong phòng thí nghiệm và tuyên bố rằng lương tâm, những phê phán về giá trị, sự hiểu biết về Thiện­Ác là những khái niệm siêu hình, ở ngoài những vấn đề không đáng lưu ý, thích hợp cho một phương pháp mới để nghiên cứu những vấn đề có ý nghĩa về con người. Tâm lý học, như vậy đã trở thành một khoa học thiếu hẳn cái đề tài chính yếu của nó là linh hồn. Nó chú trọng đến cơ năng, sự tạo thành phản ứng, bản năng, nhưng không chú trọng đến những hiện tượng nhân văn đặc biệt nhất như: tình yêu, lý trí, lương tâm, giá trị… Bởi vì danh từ “linh hồn” bao hàm những năng lực cao cấp hơn của con người, nên tôi dùng nó ở đây hơn là dùng những danh từ tâm lý hay tâm thức”.

Phép Thiền (Zen hay Meditation) tuy xuất phát từ Phật giáo Châu Á nhưng lại được người Phương Tây “mượn” để giải tỏa căng thẳng đời thường và tập trung tinh thần.

Tất nhiên, cần hiểu chữ linh hồn của Fromom không phải là một cái hồn sẽ thoát ra khỏi cái xác vào lúc nào đó. Với danh từ này, ông chỉ nhấn mạnh đến những trạng thái tâm lý ngoài lý trí. Cũng như Freud, ông muốn ngăn lại khúc khải hoàn của lý trí độc tôn. Một môn tâm lý học đích thực phải đặt lý trí trong sự tương tác với các trạng thái tâm lý khác, ở đây lý trí cũng bị các dục vọng, đam mê làm cho méo mó và chỉ có tìm hiểu những đam mê của con người mới có thể giải thoát lý trí và làm cho nó điều hành một cách thích đáng.
Với phân tâm học, có thể là người ta đã tiến được một bước khá xa để giải phóng lý trí khỏi dục vọng. Nhưng chính cách đặt vấn đề đó lại dẫn tới chỗ, cần phải thoát ra cả lý trí và dục vọng thì mới giải phóng được linh hồn. Và đây chính là một chủ đề mà hầu như mọi tôn giáo, ngay cả một số tôn giáo ở dạng sơ khai, hình như đã quan tâm đến từ lâu. Những kỹ thuật thôi miên của phân tâm học mới chỉ được phát triển gần đây. Còn các phép Thiền thì sao, nó đã có một lịch sử lâu dài trong các tôn giáo lớn. Chữ Thiền được dùng ở đây theo cả nghĩa chữ Zen và cả chữ Méditation (thiền định, định tâm).
Đó là sự tập trung tinh thần, có thể mang tính cách một sự cầu nguyện nhưng không nhất thiết. Điều chủ yếu là tập trung tinh thần, để dễ tập trung thì có thể tựa hoặc mượn một chủ đề triết học hay tôn giáo nào mà định tâm, đi tới một trạng thái tư tưởng sáng tỏ. Đó chính là hiệu quả của sự tiến triển tâm linh.
Đối với nhiều người phương Tây, nó hướng tới chân lý vĩnh hằng của kinh thánh. Với Châu Á, nó là một cái nhìn thâu suốt cuộc sống, hiểu được bản thân mình và giải thoát tinh thần khỏi những ngẫu nhiên và những dục vọng.

 

Cõi Thiêng, cái gì đó “bên kia” cuộc sống phải chăng cũng là điều có lợi với cuộc sống?

Với người Ấn Độ, thiền định (dhyana) là tập trung tâm linh hướng tới sự giác ngộ. Trong Phật giáo, Thiền là một môn tu luyện có mục đích tự thân, đi tới một linh nghiệm siêu lý trí. Với các tín đồ Lạt ma theo Mật tông, thì đó là sự chiêm nghiệm về qui luật của vũ trụ. Trong Ấn giáo, đó là những kỹ thuật yoga về nhận thức. Trong Đạo giáo Trung Hoa, thì đó là những kỹ thuật khí công. Những phép thở để dẫn khí và tập trung tinh thần đã được nhà nhân học người Pháp Henri Masper mô tả rất chi tiết, rất cụ thể trong cuốn “Đạo giáo và các tôn giáo ở Trung Quốc”. Ngay lúc này, trên thế giới cũng đang nảy nở rất nhiều trường phái Thiền ở các nước công nghiệp, như một giải pháp tìm về tâm linh, mà không nhất thiết phải mang danh nghĩa một tôn giáo nào. Ở nước ta, Thiền rất phổ biến trong Phật giáo đã đành, cũng tạo thành những chi phái riêng trong một số hội thánh Cao Đài. Thiền, Yoga, khí công cũng có nhiều phương cách khác nhau ở nước ta hiện nay, tất nhiên, không tránh khỏi có lúc như một phong trào hời hợt thay cho thể dục cơ bắp.

Một môn tâm lý học hướng về linh hồn hay nói khác đi, môn tâm linh học đang hình thành. Nó mời gọi sự hợp tác của nhiều lĩnh vực khoa học, tập hợp những hiểu biết tích lũy được qua hàng ngàn năm của các tôn giáo, giúp con người tiến xa hơn nữa, cao hơn nữa để tự biết về mình. Không phải ngẫu nhiên khi nói đến Thiền định, người ta lại nhớ đến câu nói nổi tiếng của triết gia Socrate: “Hãy hiểu bản thân ngươi, rồi ngươi sẽ hiểu được vũ trụ và thần thánh”.
Hơn thế nữa, Thiền còn có nhiều hình thái rất cụ thể trong đời sống mà không phải chỉ trong tâm linh. Người ta cũng đang tạo ra một không gian Thiêng của Thiền trong và ngòai các cơ sở thờ tự, tạo thành một nếp sống thường nhật qua các việc làm thể hiện sự kiên nhẫn, cần cù, sự quan tâm đến cái thuần khiết, giản dị. Người Nhật Bản đã khéo léo áp dụng Thiền vào nhiều mặt của đời sống, vào mỹ học, vào võ sĩ đạo, vào thuật làm vườn, thuật cắm hoa…
Tóm lại, phép thiền ở mọi tôn giáo thật ra là một cách tìm kiếm tôn giáo tính dựa trên khả năng của mỗi người, vượt qua cái ngưỡng của cả lý trí và dục vọng của mình để đạt tới cái Thiêng.

Phạm Bích Hợp

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)