Địa lý học lịch sử Việt Nam: Trăm năm một thoáng nhìn

Năm 1964, GS Đào Duy Anh xuất bản cuốn sách kinh điển về địa lý học lịch sử “Đất nước Việt Nam qua các đời”. Đào Duy Anh trở thành người được biết/ nhắc đến nhiều nhất bởi ông đã đặt một viên gạch quan trọng cho chuyên ngành khoa học cơ bản, vừa cao sang vừa hẻo lánh và “kén người” ấy. Kể từ sau cuốn chuyên luận, ngành địa lý học lịch sử ở Việt Nam cũng đã đi qua nhiều chặng đường khác nhau, với nhiều ngả rẽ khác nhau. Bài giới thiệu này, thay vì ngợi ca các giá trị của cuốn sách “Đất nước Việt Nam qua các đời” của cố GS Đào Duy Anh, sẽ trình bày những sở kiến sở độc của người viết về chuyên ngành rộng lớn mà thâm sâu này.

Địa lý học lịch sử (historical geography) là một thực thể lai ghép (hybrid) của hai ngành khoa học: địa lý học và sử học. Các nhà địa lý học trước nay vẫn cho rằng, địa lý học lịch sử là ngành khoa học nghiên cứu về mọi hiện tượng địa lý đã từng diễn ra trong quá khứ, và những thay đổi địa lý trong suốt chiều dài lịch sử 1, là một trong năm phân môn của địa lý học nhân văn (human geography). Nhiệm vụ của nó là để kết nối địa lý hiện tại với quá khứ và khảo sát các ảnh hưởng của quá khứ trong việc định dạng các tình trạng địa lý ở các thời điểm khác nhau trong lịch sử 2. Trong khi đó, các nhà sử học cho rằng, “địa lý học lịch sử là một môn học bổ trợ của sử học… Mong do đó mà hiểu thêm được về phương diện địa lý những sự kiện lịch sử quan trọng …”3 Có thể nói như sử gia H. B. Geogre, “lịch sử chẳng thể hiểu được nếu không có địa lý” (history is not intelligible without geography)4. Và một cách lịch lãm, nhà địa lý học Alan R. H. Baker hồi đáp lại H. B. Geogre rằng: “địa lý cũng chẳng thể hiểu được nếu không có lịch sử” (geography is not intelligible without history) 5.

Nếu như sử học là một khoa học nghiên cứu về mọi thực thể mọi sự kiện đã từng xảy ra trong quá khứ trên cả hai bình diện không gian và thời gian (cả đồng đại và lịch đại); thì địa lý học lịch sử lấy không gian địa lý làm đối tượng chính yếu để phóng chiếu về hoạt động của con người trong dòng thời gian. Địa lý học lịch sử đối lập với địa lý học ở chiều kích thời gian, một cái nghiên cứu về các hiện tượng địa lý có thể đã từng diễn ra thông qua các vết dấu vật chất tự nhiên và các nguồn sử liệu nhân vi (gồm cả sử liệu văn vật và sử liệu văn hiến) 6; còn địa lý học quan tâm đến các đối tượng địa lý ở thời điểm đương đại như những chứng cứ còn lại từ quá khứ. Địa lý học lịch sử chiếm một vai trò quan yếu trong nhận thức lịch sử vì nó cho phép con người phân biệt các sự kiện lịch sử, các dạng thức văn hóa, các hệ hình văn minh khác nhau trong những không gian địa lý khác nhau. Ngược lại, sử học là một phương thức đặc thù để con người từ các không gian địa lý khác nhau soi sáng về quá khứ của mình trong mối quan hệ với quá khứ của những người khác, cộng đồng khác ở những vùng địa lý khác. Sử học và địa lý học lịch sử là hai kiểu nhận thức khác nhau về thế giới và về con người, giống như hai con mắt với hai điểm nhìn khác nhau, nhằm cùng tạo nên một hình ảnh thế giới trong não bộ. Nhà sử học quan tâm đến con người trong dòng lịch sử, còn nhà địa lý học lịch sử chú ý đến các không gian trong dòng lịch sử – nơi con người sinh trú và tương tác với tự nhiên và xã hội. Thế nhưng, cả nhà sử học lẫn nhà địa lý học lịch sử lại luôn không ngừng mở rộng các chủ đề nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu cụ thể. Từ mối quan tâm chính yếu như biên giới chính trị, địa danh hành chính, địa lý quốc  gia, họ còn mở rộng mối quan tâm đến các dạng thức hoạt động của con người, các hiện tượng của thế giới tự nhiên, như bệnh dịch, tội phạm, khai khoáng, âm nhạc,  môi trường, hệ sinh thái, biến đổi khí hậu… Có thể nói, “Bất kỳ hiện tượng địa lý nào trong lịch sử đều là địa lý học lịch sử, dù là các hiện tượng có tính vùng miền, tính cục bộ, tính văn hóa, tính tự nhiên”.7

Địa lý học lịch sử, như vậy, vừa là một khoa học độc lập, vừa có tính liên ngành rất cao, nó vừa quan tâm đến lịch sử địa lý tự nhiên, lịch sử khu vực, lịch sử quốc gia, lịch sử vùng miền vừa quan tâm đến lịch sử con người. Nó kết hợp cả hai phạm trù thời gian- không gian với đời sống xã hội 8. Địa lý học lịch sử tìm kiếm những phương thức mà con người chung sống với tự nhiên, khai phá tự nhiên, cải tạo tự nhiên, và đặt định tự nhiên trong nhận thức, hệ thống kĩ thuật, và nền tảng văn minh. Như thế, ngành này nghiên cứu không gian địa lý trong nhận thức của các cộng đồng người, và nghiên cứu con người trong mối tương quan với tự nhiên. Nó nghiên cứu các lát cắt địa lý trong dòng dịch sử, sự biến thiên và sự bất biến của những lát cắt ấy qua thời gian. Nó tái lập những tình trạng địa lý tự nhiên, các ranh giới vùng miền, phục dựng các biên giới lãnh thổ, tái thiết các vùng địa lý- văn hóa, các lãnh thổ của các tộc người. Những kết quả của nghiên cứu địa lý học lịch sử là ánh xạ của mối tương tác đa chiều giữa con người với xã hội và với tự nhiên. Nó là kết quả của những nỗ lực nhận thức để “lội ngược dòng quá khứ” của con người ở các phương diện lịch sử quốc gia, lịch sử dân tộc, lịch sử văn minh, lịch sử văn hóa,… Nó cho phép các quốc gia đương đại, các dân tộc hiện tồn đặt định mình trong không – thời gian để khẳng định sự tồn tại chính đáng của mình ở thời điểm hiện tại. Địa lý học lịch sử không phải là sự kết hợp máy móc giữa địa lý học và sử chí học (historiography), mà là một khoa học địa lý về quá khứ9. Cuối cùng, địa lý học lịch sử quan tâm đến các hiện tượng địa lý trong quá khứ và những ảnh hưởng của quá khứ đối với việc định dạng địa lý hiện tại và tương lai10.

Như trên đã giới thuyết, địa lý học lịch sử là một phân ngành của địa lý học nhân văn (human geography)11 cùng với các phân môn khác là địa lý học kinh tế (economic geography), địa lý học xã hội (social geography), địa lý học văn hóa (cultural geography), và địa lý học chính trị (political geography) [xem biểu đồ dưới]. Trong khi bốn chuyên ngành sau quan tâm chủ yếu đến các bình diện địa lý- nhân văn của thời điểm hiện tại (chủ yếu từ hiện đại đến đương đại)12, thì địa lý học lịch sử quan tâm đến việc phóng chiếu các bình diện trên về quá khứ.

Địa lý học lịch sử, tuy là một tập con của địa lý học nhân văn theo cách phân loại của giới học giả từ 1945 đến nay 13, song thực ra lại chính là các nghiên cứu về địa lý học nhân văn trong lịch sử. Địa lý học lịch sử quan tâm đến mọi chiều kích của địa lý và con người – những yếu tố, các xu hướng có thể đã từng diễn ra trong lịch sử, góp phần tạo nên diện mạo của địa lý – và con người hiện tại. Địa lý học lịch sử, như thế, có thể nói chính là “anh em song sinh” với địa lý học nhân văn. Địa lý học lịch sử chính là địa lý học nhân văn được “chia ở thời quá khứ”; còn địa lý học nhân văn lại là địa lý học lịch sử được “chia ở thời hiện tại hoàn thành tiếp diễn”.

***

Năm 1964, cuốn “Đất nước Việt Nam qua các đời” của Đào Duy Anh ra đời, đánh dấu mốc quan trọng cho nghiên cứu địa lý học chính trị, địa lý học lịch sử ở Việt Nam. Chuyên luận gồm 15 chương khảo về diên cách địa lý hành chính của các quốc gia cổ của người Việt từ Văn Lang, Âu Lạc, qua các triều đại Hán- Tam Quốc- Lưỡng Tấn- Nam Bắc Triều- Tùy- Đường, đến các triều đại tự chủ Đinh- Tiền Lê- Lý- Trần- Hồ- Lê và Nguyễn. Như tác giả tự giới thuyết, cuốn sách nghiên cứu “phần địa lý hành chính để nhận định cương vực của nhà nước và vị trí các khu vực hành chính trải qua các đời, rồi đến quá trình mở mang lãnh thổ và quá trình ổn định biên giới.”14 Chuyên luận đồng thời cũng nghiên cứu địa lý học chính trị qua các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm như chiến tranh chống Tống thời Lê Hoàn, chiến thắng trước quân Thanh của Quang Trung, hoặc một số địa danh địa lý quan trọng cần thảo luận như sông Bạch Đằng, thành Thăng Long, quần đảo Hoàng Sa, đảo Côn Lôn, và lịch sử đường thủy bộ Việt Nam qua các đời. Về lý thuyết và thao tác luận, hiển nhiên tác giả đã sử dụng và kế thừa các thành tựu của địa lý học nhân văn của Pháp. Một cách tinh tế, ông trích dẫn quan niệm của các học giả của Liên Xô trong “Đại bách khoa toàn thư Xô viết”. “Đất nước Việt Nam qua các đời” có thể nói là công trình kết hợp “ba trong một”, vừa tiếp nối truyền thống sử học- địa lý học bản địa, vừa áp dụng và kế thừa phương pháp luận của giới nghiên cứu thời EFEO, lại vừa thông thuộc lý thuyết của giới khoa học Xô viết. Ấy là chưa kể đến những ảnh hưởng trực tiếp từ giới nghiên cứu Trung Quốc, mà ông không hiển ngôn, nhưng cũng đã từng xuất hiện đây đó trong “Việt Nam văn hóa sử cương”. Những vấn đề về giai cấp, về nhân dân, về dân tộc, về quốc gia đã được tác giả khéo léo dẫn dụng để tạo thành một công trình hệ thống đề cập đến nhiều “khía cạnh địa lý của đại bộ phận những sự kiện của lịch sử dân tộc”.

Sự kiện Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974 đã khiến cho cục diện chính trị tại biển Đông thay đổi đột ngột. Kể từ sau đó, các nghiên cứu địa lý học chính trị và lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa- Trường Sa trở nên bức thiết. Hàng loạt bài viết của các học giả được in trên chuyên đề “Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa” của tạp chí Sử địa (1975). Cho đến sau sự kiện HY981 năm 2014, hàng chục chuyên luận, cả ngàn bài nghiên cứu từ phía các học giả Việt Nam đã xuất bản trên các tạp chí trong và ngoài nước, trong đó phải kể đến Nguyễn Đình Đầu, Phạm Hoàng Quân, Nguyễn Quang Ngọc, Trần Đức Anh Sơn,… và các xuất bản phẩm của Bộ Ngoại giao. Nghiên cứu về địa lý học chính trị ở Hoàng Sa Trường Sa, đã có bài lược thuật riêng, nên chúng tôi không nhắc lại ở đây. Về cơ bản, các học giả sử dụng kết hợp năm nguồn sử liệu để nghiên cứu về địa lý học chính trị của hai quần đảo này, gồm: (1) Nguồn sử liệu và bản đồ Hán Nôm của Việt Nam15; (2) Nguồn sử liệu bản đồ và Hán văn của Trung Quốc16; (3) Nguồn sử liệu bản đồ và các văn bản văn hiến Latin (Pháp, Anh, Bồ, Hà Lan,…)17; (4) Nguồn sử liệu điền dã địa phương (tín ngưỡng, văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán, văn hóa dòng họ, văn học dân gian,..); (5) Nguồn sử liệu văn vật (khảo cổ)18.

Nghiên cứu địa lý học chính trị còn phải kể đến các công trình về đường biên giới đất liền. Cuốn “Les frontières du Vietnam: Histoire des frontières de la Péninsule Indochinoise” 19 do Alain Forest chủ biên, đây là cuốn sách tập hợp nhiều nghiên cứu chuyên sâu trên cơ sở khai thác các nguồn sử liệu lưu trữ tại Pháp. Cuốn sách đề cập một cách khoa học và hệ thống các đường biên giới trên đất liền và trên biển của Việt Nam. Trong cuốn này phải kể đến serie bài viết về biên giới Việt- Trung của Nguyễn Thế Anh20. Chuyên luận “Quá trình hình thành đường biên giới đất liền Việt Nam- Campuchia” (2015) của Lê Trung Dũng21 gồm năm chương, nghiên cứu lịch sử chiếm hữu và quá trình hình thành biên giới từ thời các chúa Nguyễn (thế kỷ 16) đến năm 2012. Biên độ rộng của thời gian khảo sát cho thấy cuốn sách là sự kết hợp của nghiên cứu lịch sử, lịch sử ngoại giao, lịch sử chiến tranh với nghiên cứu địa lý học lịch sử. Còn có thể kể ra ở đây hàng loạt nghiên cứu khác về vấn đề này, song ở đây chỉ nêu những điểm nhất quan trọng để giới thuyết bổ sung cho tình hình nghiên cứu của ngành này hiện nay.

Địa lý học lịch sử, như đã trình bày, là một khoa học liên ngành và đa ngành, nó không tồn tại một cách độc lập, tách biệt, mà ở trong thế tương liên, tương hỗ với nhiều ngành khoa học khác. Địa lý học lịch sử ở Việt Nam, từ cội nguồn của truyền thống chép sử Đông Á qua các nghiên cứu thời Pháp thuộc cho đến nay, đã trải qua nhiều chặng đường khác nhau, với những thành tựu và nhiều hướng tiếp cận còn hứa hẹn ở phía trước. Mặt khác còn một số lớn các phân ngành của địa lý học lịch sử chưa được lược thuật ở đây, trong đó phải kể đến địa lý học tộc người, địa lý học ngôn ngữ, địa lý học dân số, địa lý học bệnh lý, địa lý học kinh tế,… Bài giới thiệu này chỉ là góc nhìn qua nhãn quan hạn hẹp của người viết về những vấn đề quá rộng lớn và phức tạp. Song vì yêu mến, ngưỡng mộ và biết ơn những nhà địa lý học lịch sử tiền bối như Đào Duy Anh, mà chúng tôi liều mình thử phác thảo vài nét vẽ vụng về, nhiều khi hơi rối rắm, dẫu biết rằng tri thức thì mênh mông còn mình thì hữu hạn. Nếu có vấn đề gì còn cần tiếp tục trao đổi, thậm chí là những nhận thức sai lầm, rất mong được các học giả và bạn đọc chỉ chính.
———–
1. Clark, Andrew H. (chairman), Historical Geography. Washington D.C: National Academy of Science- National Research Council. 1952, p.1.
2.  Leila Jalali, Farshad Sameni Keivani, “An Investigation of Historical Geography”, Journal of Humanities And Social Science. Volume 17, Issue 2 (Nov. – Dec. 2013), p.26.
3.  Đào Duy Anh, “Đất nước Việt Nam qua các đời- Nghiên cứu địa lý học lịch sử Việt Nam”, Hà Nội: NXB Khoa học, 1964, p.3.
4. H. B. Geogre. The Relations of Geography and History. Oxford: Oxford University Press, 1901.
5. Alan R. H. Baker. Geography and History: Bridging the Divide. Cambridge University Press, 2012, p.xi.
6. Về sử liệu văn hiến xin xem Trần Trọng Dương & Trịnh Khắc Mạnh, “Cơ cấu phân ngành Hán Nôm: nhìn từ lý thuyết văn hiến học”. Trong “Cấu trúc vĩ mô (cấu trúc bảng từ) Bách khoa thư chuyên ngành Ngôn Ngữ- Hán Nôm” (Nguyễn Minh Thuyết chủ biên). Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam, VASS, 2017.
7. Clark, Andrew H. (chairman), Historical Geography. Washington D.C: National Academy of Science– National Research Council. 1952, p.1.
8. Alan R. H. Baker – Mark Billinge. Period and Place- Research Methods in Historical Geography. Cambridge- New York- Melbourne- Sydney: Cambridge University Press, 1982.
9.Butlin, R.A. Historical Geography: Through the Gates of Space and Time. New York: A. Arnord.
10. Derek Gregory and others (ed.), The Dictionary of Human Geography. (5th edition). Singapore: Blackwell Publishing, 2009, p.332.
11. Ở Việt Nam thường dịch là “địa lý nhân văn”. Xem Nguyễn Ngọc Tuấn, Từ điển thuật ngữ địa lý nhân văn. Trung tâm Nghiên cứu Địa lý Nhân văn. Hà Nội: Khoa học xã hội, 2003. Theo chúng tôi, “địa lý nhân văn” chỉ là đối tượng nghiên cứu, chứ không phải là tên của chuyên ngành khoa học này. Ở bài này, chúng tôi thống nhất dùng là “địa lý học nhân văn”, tương ứng như cách dịch “sinh thái học nhân văn” (< human ecology). “Địa lý học nhân văn” là từ chỉ chuyên ngành khoa học, còn “địa lý nhân văn” là chỉ đối tượng nghiên cứu của khoa học này, giống như “lịch sử học”/ “sử học” là từ chỉ khoa học nghiên cứu về lịch sử, còn “lịch sử” là chỉ đối tượng nghiên cứu.
12. Ví dụ xem: Nguyễn Song Tùng & Trần Ngọc Ngoạn (cb.), Phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp Việt Nam: một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Hà Nội: NXB.KHXH, 2014.
13. Derek Gregory and others (ed.), The Dictionary of Human Geography. (5th edition). Singapore: Blackwell Publishing, 2009, p.332. Ron Johnson, Human Geography. Encyclopaedia Britannica; link: https://www.britannica.com/science/geography/Human-geography#ref405947
14. Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời- Nghiên cứu địa lý học lịch sử Việt Nam, Hà Nội: NXB Khoa học, 1964, p.3.
15. Nguyễn Đình Đầu. 2014. Chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông & Hoàng Sa- Trường Sa. Trong “Đặc khảo Hoàng Sa- Trường Sa”- TC Xưa & Nay. Số 449 tháng 7/ 2014. Tr.18-24.
16. Phạm Hoàng Quân. 2014, Hoàng Sa- Trường Sa: nghiên cứu từ sử liệu Trung Quốc, NXB. Văn hóa Văn nghệ. Tp.HCM.
17.Trần Đức Anh Sơn (chủ biên). 2014a. Tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Các cộng sự: Võ Văn Hoàng, Nguyễn Nhã, Trần Văn Quyến, Trần Thắng. Nxb. Văn hóa – Văn nghệ. Tp. Hồ Chí Minh.
18. Lâm Thị Mỹ Dung (cb.) Khảo cổ học biển đảo, Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2017.
19. Alain Forest, Les frontières du Vietnam: Histoire des frontières de la Péninsule Indochinoise, Collection Recherches Asiatiques, dirigée par Alain Forest. Paris : L’Harmattan, 1989.
20. Nguyen The Anh, “La frontière sino-vietnamienne du XIe au XVIIe siècle”; “La frontière sino-vietnamienne du dé-but du XIXe siècle à 1874”; “Le Nam tiến dans les textes vietnamiens”; “Etablisse¬ment par le Viêt-Nam de sa frontière dans les confins occiden¬taux”, Les frontières du Vietnam. Histoire des frontiè¬res de la péninsule indochinoise, P.-B. LAFONT éd. Paris: L’Harmattan, 1989, pp. 65-69, 81-84, 121-127, 185-193.
21. Lê Trung Dũng, Quá trình hình thành đường biên giới đất liền Việt Nam- Campuchia, Hà Nội: NXB.KHXH. 615p.

Tác giả

(Visited 48 times, 1 visits today)