Điểm khác biệt chính là thầy

Nằm trong Top 5 thi đỗ đại học Xây dựng năm 2001, trở thành lớp trưởng lớp Chất Lượng Cao khoá 46, kết thúc năm thứ nhất với kết quả đứng đầu, Đỗ Trần Hồ Thắng bất ngờ rẽ ngang cuộc đời của mình bằng một quyết định «khó hiểu»: đi Pháp du học tự túc. Khó hiểu bởi nếu cứ tiếp tục thành tích học tập tốt như vậy, thì khi kết thúc khóa học, một xuất học bổng toàn phần học tiếp Master tại những trường lớn bên Pháp chắc chắn nằm trong tầm tay.

Chào Hồ Thắng, trở lại thời điểm cách đây 5 năm, khi đang học rất tốt tại lớp học có trình độ cao nhất của trường Xây Dựng, nguyên nhân nào khiến anh quyết định bỏ hết để sang Pháp học lại từ đầu ? Khi đó bạn bè và thầy giáo ở trường Xây dựng có bất ngờ không ?
Bất ngờ chứ. Có người cho là tôi dại vì đã không chịu chờ đến lúc tốt nghiệp, có học bổng rồi mới đi. Tôi lúc ấy nghĩ theo cách khác: trước nhất, chuyện tự túc tài chính không đặt ra vấn đề quá lớn lúc ấy. Hai là tôi thấy thích phong cách giáo dục của Pháp (lớp Chất lượng cao của trường Xây dựng, học một số môn theo giáo trình của Pháp), các thầy dạy tôi hầu như mới tu nghiệp ở Pháp vài tháng nên chưa chuyển tải hết nội dung. Tôi quyết định đi trước một bước, giờ nhìn lại vẫn thấy mình quyết định đúng.
Năm năm đã trôi qua, nhiều bạn bè cùng khóa trước kia giờ cũng đã lần lượt sang Paris, có người đã làm nghiên cứu sinh Tiến Sỹ. Còn tôi mới bước vào năm học cuối cùng trường Công trình Công cộng (Ecole Supérieur des Travaux Publics – ESTP.) Bị thiệt mất mấy năm học, nhưng tôi đã học được đủ nghề: chạy bàn, đầu bếp, thợ mộc, thợ nề- ở nhiều công trình khắp Paris, và tự lo được cuộc sống.

Được biết sau khi sang Pháp, anh lại không đăng ký vào thẳng Đại học mà lại theo học một trường về Trung Cấp Xây Dựng ?
(cười): Ý anh là tại sao lại quyết định làm thợ trước khi làm thầy hả? Tại vì ở nhà, mọi người vẫn nói là giáo dục mình đào tạo thừa thầy thiếu thợ, nhiều khi thầy không quý bằng thợ. Sang Pháp, tôi bèn đăng ký học chuyên viên kỹ thuật trước rồi mới học kỹ sư. Họ cho phép học thế, chứ ở lại VN thì tôi cũng chả có cơ hội. (lại cười)
Có một thực tế là kỹ sư nước ngoài sau khi ra trường làm được việc ngay còn ở nước ta thì không? Theo anh, nguyên nhân là ở đâu?
Vẫn là câu chuyện thầy thợ thôi. Anh sinh viên ra trường ở Việt Nam không biết thợ như thế nào,  kỹ thuật thì toàn học trên giấy. Đến lúc đi làm, công ty nào dám giao việc, giao công nhân cho anh quản lý ngay. Họ phải đào tạo lại nhiều. Ở Pháp khác, kỹ sư ra trường lúc cần có thể xắn tay vào làm việc như công nhân. Tôi không nói là kỹ sư sẽ làm việc như công nhân, nhưng khi anh đã có kinh nghiệm trực tiếp, đã đánh giá được, thì chuyện anh quản lý công trình sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Như vậy, trong quá trình học, hẳn là các anh có nhiều cơ hội cọ xát nhiều với thực tế?
Ở Việt Nam, trong 5 năm học, một sinh viên xây dựng được thực tập 2 lần. Một lần khoảng một tuần chỉ để xây một bức tường- mà việc này thì nhiều khi không cần học cũng làm được. Lần hai là khoảng 1 tháng thực tập ở công trường, nhưng lại để trả lời khoảng 10 câu hỏi cho trước- mà hoàn toàn có thể tìm thấy câu trả lời trong sách hoặc trên mạng. Trong khi đó, khi thực tập, một sinh viên xây dựng ở Pháp phải làm tất cả mọi việc : từ phụ hồ, thợ chính, đốc công cho đến kỹ sư hay chuyên viên thẩm định chất lượng….Suốt 4 năm học vừa qua tôi được đi thực tập trên dưới 10 tháng, chưa kể các lần đi sửa nhà, làm sân cho người ta để kiếm thêm tiền.

Đó là chuyện thực tập, còn trong chương trình học, anh có thấy sự khác biệt gì không?
Về cơ bản thì nội dung không khác nhau nhiều. Điểm khác biệt chính là thầy giáo. Các thầy giáo dạy tôi phần lớn đều là kỹ sư đang làm việc tại các công ty, thậm chí có một số môn còn được nhà báo (trong khi ở Việt Nam chủ yếu là các nhà nghiên cứu). Vì thế các thầy giáo Pháp truyền đạt cho sinh viên cả phong cách làm việc. Tôi cho đây là một hệ thống hiệu quả. Các thầy, thay mặt các công ty đào tạo sinh viên, kiểu gì các công ty chả hài lòng về chất lượng sinh viên lúc ra trường.
Làm sao nhà trường có thể mời được họ về giảng dạy?
Bởi có một sự giao thoa vô cùng chặt chẽ giữa nhà trường-công ty. Ở Việt Nam, trường học và công ty tương đối rạch ròi. Ở Pháp, ranh giới này bị xóa tương đối mờ.  Trước khi tốt nghiệp, sinh viên đã có cơ hội thử làm thực tập tại công ty. Và sau khi tốt nghiệp 1,2 năm. công ty lại đóng vai trò một trường học đối với kỹ sư ra trường. Và kỹ sư sau khi ra trường có thể liên lạc lại tương đối dễ dàng với các thầy giáo cũ để tìm giải pháp. Chuyện này được các thầy giáo ủng hộ. Rồi họ sử dụng lại những khó khăn này cải tiến bài giảng và công việc của mình. Người Mỹ gọi là feedback thì phải.Thầy liên lạc với “sản phẩm” của mình để cải tiến những “sản phẩm” tiếp theo. Nói tóm lại là cả sinh viên và thầy giáo đều có lợi. Sự giao thoa này còn có đóng góp vô cùng quan trọng của hội cựu Sinh viên.

Hội cựu Sinh viên có vai trò như thế nào?

Rất quan trọng. Khi tôi vừa vào trường được mấy hôm thì đã được một cựu sinh viên nhận đỡ đầu. Từ đó, gặp vấn đề gì liên quan đến ngành nghề tôi đều có thể hỏi ông ấy. Hội sinh viên trường tôi đã trao khá nhiều học bổng, giúp đỡ sinh viên trong chuyện tìm thực tập, việc làm. Khi cần kinh phí cho các cuộc đi xa phục vụ học hành, chúng tôi cũng có thể đề nghị sự giúp đỡ của hội. Ban giám hiệu trường cũng giữ quan hệ rất khăng khít với hội cựu sinh viên. Qua hội, các lãnh đạo trường hiểu các công ty và các lãnh đạo công ty hiểu trường. Thực tế thì 2/3 số giám đốc các công ty xây dựng Pháp là cựu sinh viên của trường tôi. Như vậy có thể nói, về mặt thượng tầng, nhà trường và công ty liên hệ với nhau rất chặt chẽ nên cả hai có thể giúp đỡ lẫn nhau rất dễ dàng.

P. V thực hiện

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)