Điều gì đang diễn ra ven biển huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh?

Xuất phát từ tính không ổn định của địa mạo của vùng, nhiều nhà khoa học đã lưu ý Chính phủ, các Bộ và lãnh đạo tỉnh Trà Vinh ngay từ đầu về tính khả thi của hai dự án bên bờ biển huyện Duyên Hải, đoạn giữa Xóm Mù U và Cồn Nhàn, là  Kênh Tắt và Nhà máy nhiệt điện Trà Vinh, nhưng hai dự án vẫn được duyệt và triển khai.

1. Ngộ nhận về sự ổn định của đường bờ?

Trong hơn một thế kỷ qua, ở đồng bằng sông Cửu Long nếu có những nơi bờ biển được bồi liên tục (như Mũi Cà Mau) hoặc bị xói mòn liên tục (như cửa Bồ Đề, sông Cửa Lớn), thì có những nơi bờ biển luân phiên lúc bồi lúc lở. Đường ven biển của huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh thuộc trường hợp sau cùng(1).

Có lẽ vì bảng kết toán giữa bồi và lở, có những chỗ gần như bằng không, đã dẫn đến sự ngộ nhận rằng đường bờ biển ở những nơi đó là “ổn định”, nên trong thập niên 2000 đã có hai dự án quan trọng chọn bờ biển huyện Duyên Hải tỉnh Trà Vinh, đoạn giữa xóm Mù U và Cồn Nhàn làm nơi đặt chân: một là nơi Kênh Tắt, đào mới cắt ngang huyện Duyên Hải, trổ ra Biển Đông, hai là nơi đặt nhà máy nhiệt điện chạy than Trà Vinh(2).

Nhiều nhà khoa học đã lưu ý Chính phủ, các Bộ và lãnh đạo tỉnh Trà Vinh ngay từ đầu về tính khả thi của hai dự án, tính bền vững của các công trình, xuất phát từ nhiều yếu tố, mà trước tiên là tính không ổn định của địa mạo của vùng. Mặc dù vậy, các dự án vẫn cứ được duyệt và triển khai. Dự án Luồng qua kênh Quan Chánh Bố có tổng dự toán ban đầu hơn 6.000 tỷ đồng khi được Phó thủ tướng thường trực, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho phép khởi công.

2. Tóm tắt diễn tiến của việc triển khai hai dự án

Từ năm 2007, cũng như những ai quan tâm đến hai dự án, tôi đã theo dõi diễn biến của đường bờ qua khảo sát hiện trường và qua ảnh vệ tinh tại các thời điểm 17.02.2009, 24.02.2011 và gần đây nhất, 14.02.2012.

+ Dự án Luồng qua kênh Quan Chánh Bố đã khởi công gói thầu 6A, bắt đầu đào Kênh Tắt từ kênh Quan Chánh Bố và hiện nay đang “án binh bất động” vì thiếu kinh phí. Trong “cái rủi có cái may”, vì nếu có kinh phí, có lẽ quốc lộ QL 53 đã bị đào cắt ngang, biến huyện Duyên Hải thành hai cù lao cho tới khi xây dựng xong cây cầu bắt ngang Kênh Tắt mà độ tĩnh không phải đủ cao để tàu có trọng tải đến 20.000 DWT có thể qua lại.

Trong khi đó, hai dấu hỏi lớn liên quan đến việc đào tiếp Kênh Tắt cắt ngang tỉnh lộ TL 913 trổ ra biển Đông vẫn chưa được chủ đầu tư làm rõ. Đó là sự ổn định của đầu ra của Kênh Tắt đối với quá trình bồi lắng và xói lở, và tác động của dự án lên môi trường.

Cần nhấn mạnh rằng báo cáo tác động môi trường, theo Luật bảo vệ môi trường, đáng lý phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đánh giá và phê duyệt, đã được giao về cho tỉnh Trà Vinh phê duyệt với lý do dự án “nằm gọn” trong địa bàn của tỉnh, bất chấp tác động của luồng lên cửa Định An, lên sông Hậu nói chung!

Để đảm bảo hiệu quả của vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, xin kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ (1) trong lúc chờ vốn, chủ đầu tư và công ty tư vấn làm rõ hai câu hỏi trên đây; (2) báo cáo tác động môi trường phải được xét duyệt đúng theo luật định; (3) chỉ triển khai tiếp khi đã hoàn tất hai yêu cầu này.

+ Đầu năm 2010, nhà thầu EPC Trung quốc đã triển khai việc làm nền nhà máy nhiệt điện Trà Vinh tại Xóm Mù U, xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, bằng cách thổi cát từ bãi triều ngay trước mặt. Một phần đất nữa được lấy từ khu vực nơi đầu Kênh Tắt sẽ trổ ra biển.

Nếu lấy diện tích mặt bằng cần tôn lên nhân cho bề cao cần đạt, có tính đến hệ số nén dẽ, sẽ thấy ngay được lượng cát đã móc lên từ bãi triều là rất to lớn.

Mùa khô năm 2012, dân ở xã Dân Thành đã khốn khổ với nạn cát bay và ăn “cơm trộn cát”. Từ ba năm nay, dân cũng lao đao và xơ xác với nạn biển xâm thực.

Cuối tháng 10, đầu tháng 11.2011, sóng biển đã đánh vỡ đê bao bảo vệ nền nhà máy, đánh sụp một mảng nền ở sát biển. Điều này đã được báo chí và truyền hình nói đến. Ảnh vệ tinh ngày 14.02.2012 cho thấy toàn cảnh nền nhà máy, đê bao bị đánh vỡ và những vùng xói lở xung quanh. (Hình và ảnh vệ tinh).

Điều này có thể hiểu được bởi lẽ nhà thầu đã móc một lượng cát khổng lồ từ bãi triều tạo nên một vùng trũng sâu tại bãi. Dòng chảy ven bờ sẽ xoáy khi gặp hố sâu, có nhiều khả năng là một tác nhân gây xói lở trong khu vực. Trên ảnh vệ tinh, ngoài biển, đối diện với nền nhà máy điện, màu nước biển càng sậm chỉ độ sâu càng lớn. Màu nước biển đục chỉ rằng dòng chảy ven bờ không chảy xuôi chiều mà quặn xoáy khá phức tạp.

Trong điều kiện đó, bờ bao bảo vệ bị sóng đánh sập là tất yếu. Nhất là vào mùa gió chướng!

3. Phải đặt vào bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng

Kênh Tắt cũng như nhà máy nhiệt điện không phải là loại hàng rẽ tiền mau hỏng, xài một hai chục năm rồi phế bỏ. Chúng phải hoạt động có hiệu quả hàng trăm năm. Cần bảo đảm yếu tố bền vững của cả hai công trình chính là vì vậy.

Các quy hoạch ngành cũng như lãnh thổ hiện nay đều có trong tựa đề cụm từ “tầm nhìn đến năm 2030” hoặc xa hơn nữa.

Theo dự báo của Bộ TN và MT tháng 3.2012, vào năm 2050 nước biển sẽ dâng từ 23cm đến 27 cm trong phương án phát thải trung bình. “Không lo, chúng tôi sẽ có biện pháp nâng cao cần thiết”, chủ đầu tư và công ty tư vấn “trấn an” như thế. Đâu đơn giản như vậy, vì còn động lực học biển tác động lên đường bờ, lên công trình. Móc cát tôn nền đã làm sâu sắc thêm sức công phá là một ví dụ sống!

Trong Quyết định 158/2008/QĐ-TTg thành lập Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu có quy định: “Các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu phải được thể hiện trong các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành, các địa phương, được thể chế hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật và được quán triệt trong tổ chức thực hiện”.

4. Một số câu hỏi cần được giải đáp

Từ những gì đang diễn ra tại huyện Duyên Hải với hai dự án, ngoài kiến nghị đã nêu trong điểm 2. các câu hỏi sau đây cần được giải đáp:

Ai đã duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật của hai dự án, đặc biệt dự án nhà máy nhiệt điện Trà vinh?

¨ Ai đã duyệt phương án lấy cát bãi triều để làm nền nhà máy?

¨ Ai đã duyệt hai báo cáo tác động môi trường?

Ai chịu trách nhiệm về những tổn thất gây ra, cho dân, cho môi trường, và về việc sử dụng không hiệu quả ngân sách nhà nước khi “bật đèn xanh” cho việc triển khai hai dự án?

Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu có biết rằng trong hai dự án, nơi đặt NMNĐ, và Kênh Tắt trổ ra biển, là những thách thức hết sức khó hiểu trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng?

Hoặc sự thiếu am tường quy luật tự nhiên và thực tế tại địa bàn, hoặc lợi ích nhóm đã len lỏi vào một số nơi có thẩm quyền quyết định, hoặc cả hai mới có thể lý giải được các câu hỏi này.

1. “Đồng bằng sông Cửu Long, Tài nguyên – Môi trường – Phát triển”, Báo cáo tổng hợp của Chương trình điều tra cơ bản tổng hợp vùng đồng bằng sông Cửu Long (1983 – 1990), Ủy Ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước, Hà Nội, 1991. Từ đó đến nay ảnh vệ tinh xác nhận tình hình bồi và xói nói trên dọc đường bờ của đồng bằng sông Cửu Long.

2. Đó là dự án Luồng tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố và dự án Nhà máy nhiệt điện chạy than Trà Vinh.

Tác giả