Đọc “Nội dung xã hội Truyện Kiều”, ngẫm lại thân phận một triết gia
Vậy là 20 năm tròn đã trôi qua, tính từ ngày GS Trần Đức Thảo trút hơi thở nhẹ cuối cùng ở đâu đó phía chân trời Tây xa lắc. Nhân dịp này, tôi muốn chia sẻ đôi điều về sự chuyển biến tư tưởng triết học của Trần Đức Thảo, và trở lại bài viết “Nội dung xã hội Truyện Kiều” để ngẫm về thân phận của một triết gia Việt Nam đích thực.
Năm 2005, khi đang soạn công văn xin phép xuất bản (xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Việt) hai cuốn sách nổi tiếng quốc tế: Sự hình thành con người, Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng) và tổ chức soạn thảo cuốn sách Triết gia lữ hành Trần Đức Thảo, tôi nhận được một ý kiến nghiêm túc và có phần nghiêm trọng từ nhà tâm lí học Nguyễn Thị Nhất – nguyên phu nhân của nhà triết học. Bà muốn sửa nội dung một bài báo vì không tán thành nhận định của GS Phan Ngọc. GS Phan Ngọc cho rằng, Trần Đức Thảo “chuyển sang chủ nghĩa Mác do tình cảm yêu nước”.
Vấn đề đặt ra là: nếu đến với chủ nghĩa Mác, chuyển sang chủ nghĩa Mác từ lập trường yêu nước thì có gì sai, có gì bất ổn? Sự chuyển đổi này phải chăng là phi lí tính, là bị dẫn dắt từ tình cảm, cảm xúc chứ không phải bằng trí tuệ?
Tôi nghĩ, có nhiều con đường đến với chủ nghĩa Mác, trong đó có cả con đường tình cảm. Có người hiểu rồi mới yêu, có người yêu trước rồi mới hiểu, càng yêu, càng hiểu. Cũng như Hồ Chủ tịch đến với chủ nghĩa Mác – Lênin vì động cơ dân tộc, vì tình cảm yêu nước, vì tìm thấy ở đó con đường ngắn nhất đi tới thắng lợi của công cuộc giải phóng dân tộc. Còn hiểu được chủ nghĩa Mác một cách hệ thống, sâu sắc là câu chuyện đường dài, sôi kinh nấu sử, mang tính quá trình. Là một triết gia, Trần Đức Thảo tất nhiên tìm thấy những khả năng của Chủ nghĩa duy vật biện chứng của Mác trong việc giải quyết nhiều vấn đề của thực tiễn lịch sử mà Hiện tượng học dừng chân, bất lực. Ông bị hấp dẫn trước hết bởi nội dung khoa học và tính hệ thống của nó; thứ nữa, mới là hấp dẫn bởi tính chiến đấu, khả năng cải tạo thế giới của nó. Nhìn vào hồ sơ lí lịch và thư mục khoa học của ông, chúng ta có thể biết rằng cuốn Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng của ông được nung nấu, thai nghén ngay trong ba tháng nằm tù do lời tuyên bố “phải nổ súng” vào quân xâm lược Pháp. Phải chăng đây chính là thời kỳ mà tình cảm yêu nước trở thành động lực thúc đẩy cho trí tuệ đi đến nhanh hơn với chủ nghĩa Mác.
Cũng phải nói thêm rằng, Trần Đức Thảo đến với chủ nghĩa Mác bằng tài liệu tiếng Pháp và tiếng Đức, tức là đến với một hệ thống triết học trong trạng thái tinh khôi, nguyên chất của nó. Tôi đồ rằng, nếu như ông đọc những tài liệu về chủ nghĩa Mác được xuất bản bằng tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, tức là tiếp xúc với những dạng chủ nghĩa Mác dân tộc, đã được Hán hóa, Nga hóa, dân tộc hóa, khu vực hóa, chắc chắn con đường đi tới sẽ rất gian nan, thậm chí ông sẽ chối từ. Có ý kiến cho rằng, Chủ nghĩa Mác mà Trần Đức Thảo giác ngộ thuộc hệ thống chủ nghĩa Mác phương Tây, với hàm ý đối lập với phương Đông xã hội chủ nghĩa, một chủ nghĩa Mác “kiểu Hegel”, chưa bị xuyên tạc, tha hóa. Tôi nghĩ đó cũng là một ý kiến cần cân nhắc, nhưng rất nên tham khảo. Bởi vì rõ ràng là những nhà trước tác kiêm lãnh tụ cao nhất của hai đất nước “anh cả” trong phe XHCN anh em xưa là Stalin và Mao Trạch Đông đều trở thành đối tượng phê phán, canh chừng của GS Trần Đức Thảo.
Từ “Nội dung xã hội Truyện Kiều”…
Do điều kiện sống thiếu thông tin trầm trọng, phải đợi đến khi xuất bản sách Trần Đức Thảo và về Trần Đức Thảo (2005) tôi mới có trong tay trọn vẹn văn bản “Nội dung xã hội truyện Kiều”mà ông viết cho Tập san Đại học Sư phạm, số 5, quý I, năm 1956. Bài viết phê bình văn học sử này làm tôi đi từ ngạc nhiên này tới các ngạc nhiên khác:
Thứ nhất, “Nội dung xã hội Truyện Kiều” khiến tôi có cảm giác như đã được đọc ở đâu rồi, những ý kiến này có vẻ trùng lặp với một số quan niệm, luận điểm trong các chuyên luận hay giáo trình đại học nào đó. Đọc lại nhiều lần, đưa ra so sánh, tôi mới biết các tác giả chuyên luận và một số nhà phê bình đàn em đã thực sự kế thừa các luận điểm của Trần Đức Thảo mà không hề mở ngoặc, chú thích nguồn xuất xứ. Tôi nghĩ, chắc các tác giả đó cũng không có điều kiện hoặc không có đủ dũng khí đến gặp mà “có nhời” với cụ. Sau sự kiện Nhân văn – Giai phẩm, Tập san Đại học Sư phạm, số 5 chắc chắn thuộc số những tư liệu kín, độc giả phổ thông rất khó có điều kiện tiếp xúc. Hơn nữa, việc chú thích y kiến của một nhân vật hàng đầu của phong trào Nhân văn – Giai phẩm ắt hẳn sẽ dẫn tới những tai ương, hệ lụy khó lường. Như vậy, có thể nói, “Nội dung xã hội truyện Kiều” là bài phê bình đã đi vào lịch sử nghiên cứu và phê bình Truyện Kiều cũng như lịch sử văn học Việt Nam trung đại nói chung như một hiện tượng gắn liền với vấn đề bản quyền tác giả.
Thứ hai, “Nội dung xã hội Truyện Kiều” là bài báo tiêu biểu cho phong cách phê bình xã hội học, trong đó giai cấp luận đã trở thành lăng kính chủ yếu soi chiếu nội dung hiện thực của Truyện Kiều. Đây không hẳn là hạn chế của phê bình văn học. Không phải phê bình văn học theo kiểu xã hội học chỉ đem tác phẩm “trở về mor”, trở lại con số không tròn trĩnh. Trong chừng mực nhất định, cách đánh giá tác phẩm từ góc nhìn xã hội học đều ít nhiều đem lại cho ta những nhận thức nhất định về nội dung hiện thực khách quan mà tác phẩm văn học tự có. Bởi vì tác phẩm văn học nào cũng có khía cạnh xã hội học của nó, đặc biệt là đối với những tác phẩm hiện thực chủ nghĩa, được sáng tác trong thời kỳ có đấu tranh giai cấp và những biến động xã hội khốc liệt. Có điều, khía cạnh không thể chuyển hóa thành tổng thể. Văn học dẫu phản ánh hiện thực nhưng bản chất ưu tiên hàng đầu của nó vẫn là một hoạt động sáng tạo, đặc biệt là sáng tạo theo quy luật thẩm mỹ.
Đọc “Nội dung xã hội truyện Kiều”, ta vừa tâm đắc trước những phát hiện thú vị, vừa thất vọng vì quan điểm giai cấp luận cứng nhắc của nhà triết học. Tác giả một mặt soi chiếu những khía cạnh tâm lí giai cấp khá tinh tế ẩn tàng trong tính cách các nhân vật, đồng thời dẫn dắt luôn người đọc vào ma trận của cuộc chiến giai cấp âm thầm mà khốc liệt xuyên suốt 15 năm lưu lạc của Thúy Kiều. Phương pháp nghiên cứu xã hội học này đã đạt tới đỉnh điểm của sự cực đoan khi nhà triết học phê phán Nguyễn Du là đã quên “không biểu dương những thành phần nhân dân trong quân đội khởi nghĩa” của Từ Hải.
Tuy nhiên, điều ngạc nhiên thứ hai này đã dẫn tới sự ngạc nhiên thứ ba, kéo theo, đó là sự mâu thuẫn trong bài báo. Tác giả tự mâu thuẫn với chính mình trong bài báo. Dẫn chứng ở đây là:
1- Mặc dù xem Truyện Kiều như một bức tranh xã hội của những quan hệ giai cấp, quan hệ nhân vật đồng nghĩa với quan hệ giai cấp, nhưng có chỗ tác giả lại xem Truyện Kiều như một thế giới nghệ thuật độc đáo. Tác giả viết: “Với việc gieo mình xuống sông Tiền Đường, đời nàng Kiều đã kết thúc. Đoạn tái hồi Kim Trọng, theo thực chất của nó là một đoạn thần thoại”. Như vậy là tác giả bài báo đã chấp nhận sự cộng sinh của phần hiện thực và phần thần thoại trong một văn bản nghệ thuật, phần logic khách quan của thực tại lịch sử với cái logic chủ quan trong ước mơ, lí tưởng của nhà thơ.
2- Mặc dù trách cứ Nguyễn Du “không diễn tả được cái hiện thực tiến hóa xã hội trong cuộc biến chuyển cách mạng của nó” nhưng nhà triết học vẫn chỉ rõ sự mâu thuẫn giữa tư tưởng lí luận và cảm hứng thi văn của Nguyễn Du, đồng thời khẳng định: “Truyện Kiều là một trước tác văn nghệ, không phải là một cuốn sách lí luận, phần tiến bộ phải được coi là phần chủ yếu, vì chính đấy là phần giá trị thi văn, phần mà chúng ta thông cảm và thưởng thức”. Kết thúc bài báo khoa học của mình bằng câu trên, phải chăng tác giả hé mở cho độc giả văn nghệ một lời hẹn xa xôi rằng: tôi sẽ trở lại với Truyện Kiều bằng một thước đo khác. Đó là thước đo đích thực cho văn nghệ. Còn thước đo hiện tại (thước đo giai cấp tính) là thước đo người khác bắt phải cầm.
Đọc bài báo của Trần Đức Thảo hôm nay, ta có thể băn khoăn đặt câu hỏi: Phải chăng đây là một bài báo không thuần túy xuất phát từ động cơ văn hóa, động cơ học thuật? Phải chăng ông viết để tự chứng tỏ lập trường tư tưởng của mình? Những điều ông viết ra năm ấy có phải là tâm sự thật, quan niệm thật của ông? Phải chăng những năm tháng ông tham gia công tác Cải cách ruộng đất đã rèn đúc cho ông một nhãn quan giai cấp quá sắc bén, lạnh lùng trước mọi hiện tượng tinh thần, kể cả với nghệ thuật – một dạng hiện tượng tinh thần mong manh, dễ vỡ nhất.
… ngẫm lại thân phận của một triết gia
Đọc một bài báo nhỏ của Trần Đức Thảo hôm nay, tôi không khỏi áy náy vì một việc khó làm nhưng may là chưa hứa với Nhà thơ Việt Phương, khi tôi với tư cách đại diện của Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận bàn giao phần di cảo triết học Trần Đức Thảo, vốn được ông tin cậy trao gửi và chia sẻ với Nhà thơ cùng Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Cho đến nay, vì lý do kinh phí và chút vướng mắc về bản quyền, di cảo đó vẫn chưa được công bố. Tuy vậy, trước những tập thảo đánh máy lẫn viết tay nhạt nhòa vì năm tháng, tôi trộm nghĩ: đây khó có thể trở thành những túi cẩm nang triết học. Bởi vì cũng giống như mọi công trình khoa học xã hội nhân văn thực thụ lâu nay, hàm lượng trí tuệ và hàm lượng thông tin nói chung không bao giờ đạt tỷ lệ tới hạn. B.M. Eikhenbaum (1886-1959) – một nhà khoa học ngữ văn Nga, khẳng định: “Khoa học không phải đi lên từ những phòng trưng bày chân lí mà là bằng con đường khắc phục những sai lầm”. Trần Đức Thảo có công trình mang tên “Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức”. Tên cuốn sách làm nảy sinh trong tôi một ý nghĩ: Quả thực cuộc đời ông là cuộc đời đi tìm chân lí. Ở đó ông gặp không ít những vấp váp đắng cay và cũng phải “khắc phục những sai lầm”. Điều này chính ông đã nhiều lần chân thành thừa nhận. Ông đã làm triết học nhưng là một thứ triết học gắn chặt với đời sống, bám chặt lấy số phận con người dân tộc mình. Như một nhà triết học dấn thân, từ Paris ông lặn lội về nước, dấn thân vào kháng chiến rồi sau đó dấn thân vào cả những khu vực mà cái tố chất triết gia trong sáng đến ngây thơ như ông không cho ông khả năng đề kháng. Trong số những trí thức Tây học yêu nước về với kháng chiến, Trần Đức Thảo thuộc trường hợp “để dành”, vì khó “phân công công tác”. Trần Đại Nghĩa được Hồ Chủ tịch giao chế súng, là đúng sở nguyện sở trường nhất. Thạc sỹ Vật lí hạt nhân Ngụy Như Kontum không có phòng thí nghiệm, tạm đi làm quản lí giáo dục. Riêng với Trần Đức Thảo, Hồ Chủ tịch bình luận vui: “Chú Thảo không có đất cắm dùi”. Trần Đức Thảo vui vẻ đi làm thư kí cho Tổng Bí thư. Kháng chiến không cần triết học.
Nhưng rồi ngay cả khi kháng chiến thành công, đất nước trở lại hòa bình, triết học vẫn chỉ được xem như một món ăn tinh thần xa xỉ. GS Trần Văn Giàu đã có lần từ chối danh hiệu nhà triết học mà học trò mình tôn vinh. Ông cho rằng mình chỉ là giáo sư triết học hay nhà nghiên cứu triết học, “nếu có thể nói có một nhà triết học… người đó chính là Trần Đức Thảo”. Điều đó phản ánh đúng một thực tế: Lận đận trong chiến tranh và trong cả hòa bình, đất nước người Việt chúng ta suốt nhiều thập kỷ đã trở nên xa lạ và ghẻ lạnh với kiểu tư duy trừu tượng của triết học. Với triết học, chúng ta chỉ cần phổ biến, tuyên truyền, minh họa cho những định đề có sẵn, nhập khẩu, chứ không cần sự tìm tòi, phát hiện. GS Trần Đức Thảo, cho dù thiên tư anh minh, lại không ý thức được hoàn toàn điều đó. Ông vẫn mải mê trong những suy tư triết học. Nhưng trong số hàng ngàn trang viết (được in và cả chưa in) của ông, chắc chắn có nhiều trang rơi vào tư biện, vì ông đã viết trong hoàn cảnh thiếu thông tin khoa học: Ông không được đi xa, nhiều lúc không được nhận sách báo, tạp chí từ các đồng nghiệp nước ngoài. Ông làm triết học trong bầu sinh quyển phi triết học. Bi kịch của ông bắt đầu từ đó.
Chính vì vậy, nghiên cứu và xuất bản di sản triết học của Trần Đức Thảo hôm nay, theo tôi, có thể đem lại cho ta hai bài học. Bài học thứ nhất là bài học về phương pháp tư duy. Những đồng nghiệp và môn sinh của ông sẽ tìm được biện chứng pháp trong những tìm kiếm trí tuệ của ông, đặng tự xác định cho mình con đường đi riêng, phương pháp riêng. Trong số những đồng nghiệp hậu sinh đó, hy vọng sẽ có người kế thừa và tiếp tục những phát hiện của ông trên con đường đến với chủ nghĩa Mác và cả với Hiện tượng học. Bài học thứ hai, không kém phần quan trọng, đồng thời là bài học dễ có nhất, là bài học về nhân cách người trí thức Việt Nam, mà tựu chung cũng là bài học làm người.
*
Để kết thúc bài viết nhỏ của mình, tôi muốn dẫn ra ý kiến của nhà thơ Việt Phương, người không ít những tâm giao với triết gia Trần Đức Thảo. Ông cho rằng khi nghiên cứu về Trần Đức Thảo, có những điều thuộc về thời thế có thể bỏ qua thì bỏ qua đi, nhưng cái gì có thể làm rõ thì cố làm cho rõ. Lời khuyên này cho tôi đi đến một nghĩ: Điều có thể làm rõ, không cần phải cố gắng nhiều, đó là tính lịch sử của hiện tượng triết học Trần Đức Thảo.
Rõ ràng Trần Đức Thảo là hiện tượng tiêu biểu của người trí thức Việt Nam thế kỷ XX, người vừa là sản phẩm vừa là nạn nhân của thời đại, đồng thời cũng là người góp phần tạo ra thời đại. Đó là thời đại mà, nói như nhà thơ Trần Dần, “nạn hữu”một thời với ông, khi thì “có chân trời nhưng không có người bay”, khi thì “có người bay nhưng không có chân trời”. Ông không thể thành một thiên tài mà chỉ là một “thần đồng triết học”(như cách gọi của một số người), vì ông đã chấp nhận thân phận một trí thức hiến tế của cách mạng. Như trong bài “Nội dung xã hội Truyện Kiều”nhà triết học của Việt Nam đã ít nhiều tỏ tâm đắc với lời khuyên của Nguyễn Du: “Đã mang lấy nghiệp vào thân, Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”. Tôi tin là nhiều lúc ông chấp nhận thân phận làm một triết gia, cái thân phận của “những con tàu phải lòng muôn hải lí,… bỏ sau lưng nghìn hải cảng mưa buồn” (Trần Dần). Ông là con tàu trên biển xa. Con tàu mà cái lí tồn tại và niềm vui của nó là biển cả xa xôi.
—
* PGS.TS. Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội