Đọc “Sapiens: Lược sử về loài người”: Loài người trở nên thông minh như thế nào?

Nhân dịp cuốn “Sapiens: Lược sử về loài người”1 của nhà nghiên cứu lịch sử người Israel Yuval Noah Harari được xuất bản ở Việt Nam, xin giới thiệu tới bạn đọc bài viết về cuốn sách khoa học khám phá tạo nên nhiều hứng thú cũng như tranh cãi này của doanh nhân, người đồng sáng lập tập đoàn Microsoft Bill Gates trên blog của ông.


Nhà nghiên cứu lịch sử Yuval Noah Harari.

Harari, nhà sử học người Israel, đã đảm nhận một thách thức dễ gây choáng ngợp với nhiều người: kể lại toàn bộ lịch sử của loài người chúng ta trong vẻn vẹn 400 trang giấy. Tôi vốn luôn ngưỡng mộ những tác giả muốn tìm ra sợi dây liên hệ giữa mọi thứ và làm rõ những khúc quanh của lịch sử. Có lẽ cho đến giờ vẫn chưa có ai làm điều đó tốt hơn David Christian qua những bài giảng trong lĩnh vực Đại sử (Big History2). Những bài giảng này “chưng cất” 13,7 tỉ năm lịch sử, từ thời điểm Big Bang trở đi, vào một khuôn khổ khả thi trải rộng trên các lĩnh vực sinh học, vật lý, các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Tuy Harari tập trung vào một giai đoạn ngắn hơn – 70.000 năm vừa qua trong lịch sử loài người – song công việc của anh không vì thế mà bớt khó khăn. Mục tiêu của anh là lý giải vì sao chúng ta, loài Homo sapiens (từ Latin, có nghĩa “người tinh khôn”), lại thống trị Trái đất và tương lai nào đang chờ đợi chúng ta.

Hầu hết chúng ta đều đinh ninh rằng giống loài mình luôn luôn đứng đầu, cai quản toàn bộ các loài động vật khác. Nhưng Harari nhắc chúng ta nhớ rằng từ rất lâu trước khi chúng ta xây dựng nên các kim tự tháp, viết những bản giao hưởng, hay dạo bước trên Mặt trăng, chúng ta không có gì đặc biệt cả. “Điều quan trọng nhất cần biết về người tiền sử,” Harari viết, “là họ là những động vật nhỏ bé, sức tác động tới môi trường xung quanh không vượt quá loài khỉ, đom đóm, hay sứa.”

100.000 năm trước, Homo sapiens chỉ là một trong nhiều loài người khác nhau đang cạnh tranh giành quyền thống trị. Cũng như ngày nay chúng ta thấy nhiều loài gấu hay lợn khác nhau, khi ấy cũng có nhiều loài người khác nhau. Tổ tiên của chúng ta sinh sống chủ yếu ở khu vực Đông Phi, nhưng những người họ hàng Homo neanderthalensis, còn có tên gọi khác phổ biến hơn là người Neanderthal, sinh sống ở châu Âu. Các loài khác là Homo erectus sống ở châu Á, còn hòn đảo Java là nơi ở của Homo soloensis.

Yuval Noah Harari, sinh năm 1976, là nhà nghiên cứu lịch sử người Israel. Ông nhận bằng Tiến sĩ của Đại học Oxford năm 2002, hiện là giảng viên Khoa Lịch sử, Đại học Hebrew ở Jerusalem. Ông chuyên nghiên cứu về lịch sử thế giới, lịch sử thời Trung cổ và lịch sử quân sự. Ông cũng hướng tới nghiên cứu những vấn đề lớn mang tính khái quát về mối quan hệ giữa lịch sử và sinh học. Hai cuốn sách nổi bật nhất của ông là Homo Deus: A Brief History of Tomorrow (2016), và Sapiens: A Brief History of Humankind (2014).

Mỗi loài thích nghi với môi trường sống riêng của mình. Có loài là những thợ săn to lớn, đáng sợ, có loài lại là những người hái lượm thấp bé. Tuy mỗi loài mỗi khác nhau, nhưng có bằng chứng cho thấy hiện tượng lai giống giữa các loài. Chẳng hạn, các nhà khoa học khi lập bản đồ gene của người Neanderthal đã phát hiện ra rằng những người có nguồn gốc châu Âu ngày nay mang một tỉ lệ phần trăm nhỏ gene từ các tổ tiên người Neanderthal của họ. (Điều đó sẽ mang đến một sự bổ sung thú vị cho gia phả của nhiều dòng họ đây!)

Ngày nay, dĩ nhiên chỉ còn lại một giống loài người sinh sống. Làm thế nào mà Homo sapiens lại trở nên thành công như vậy trong khi những loài khác thì không? Harari cho rằng sự khác biệt nằm ở năng lực nhận thức độc đáo của chúng ta. Ông viết, khoảng 70.000 năm trước, Homo sapiens đã trải qua một “cuộc cách mạng nhận thức”, qua đó mang lại cho chúng ta ưu thế nổi trội so với các đối thủ khác để có thể từ Đông Phi nhân rộng khắp hành tinh.

Các loài khác cũng có bộ não lớn, nhưng điều khiến Homo sapiens thành công nằm ở chỗ chúng ta là những động vật duy nhất có khả năng phối hợp ở quy mô lớn. Chúng ta biết cách tổ chức thành các quốc gia, công ty, tôn giáo, và điều đó cho chúng ta sức mạnh để hoàn thành những nhiệm vụ phức tạp. Khái niệm của Harari về “cuộc cách mạng nhận thức” nhắc tôi nhớ đến quan điểm của David Christian trong Đại sử về “học tập tập thể”, theo đó năng lực chia sẻ, lưu trữ và tiếp tục xây dựng từ những thông tin có sẵn là điều thực sự đã phân biệt chúng ta trên cương vị loài người và cho phép chúng ta phát triển.

Điểm độc đáo trong quan điểm của Harari là anh tập trung vào sức mạnh gắn kết người với người của những câu chuyện và những điều huyền hoặc. Dĩ nhiên, khỉ đầu chó, chó sói, và các loài động vật khác cũng biết cách vận hành như một nhóm, nhưng các nhóm của chúng lại bị giới hạn trong những mối quan hệ xã hội chặt chẽ, làm hạn chế nhóm ở số lượng nhỏ. Homo sapiens có năng lực đặc biệt là đoàn kết hàng triệu người xa lạ với nhau xung quanh những điều huyền hoặc chung. Những ý tưởng như tự do, nhân quyền, các vị chúa, luật pháp v.v tồn tại trong trí tưởng tượng của chúng ta, nhưng chúng lại có thể gắn kết chúng ta với nhau và khích lệ chúng ta cùng phối hợp thực hiện những nhiệm vụ phức tạp.

Tuy tôi rất thích Sapiens, song cuốn sách vẫn có nhiều điểm cần tranh cãi. Chẳng hạn, Harari muốn chứng minh rằng cuộc cách mạng nông nghiệp là một trong những sai lầm lớn nhất trong lịch sử loài người. Theo anh, cuộc cách mạng này đã giúp các nền văn minh phát triển, song ở cấp độ cá nhân, nếu chúng ta cứ giữ nguyên cuộc sống của những người săn bắt và hái lượm thì sẽ tốt hơn. Trong vai trò nông dân, con người phải làm việc vất vả hơn nhiều và đổi lại, chế độ ăn uống của họ lại kém hơn so với thời kỳ hái lượm. Các xã hội nông nghiệp cũng tạo ra thứ bậc trong xã hội, theo đó đại đa số phải lao động khổ cực và một thiểu số tinh hoa cai trị họ.

Dĩ nhiên, đó là một luận điểm thú vị, nhưng tôi không thấy thuyết phục. Thứ nhất, việc cho rằng chúng ta săn bắt và hái lượm sẽ tốt hơn làm nông nghiệp vô tình mang đến một sự lựa chọn trong khi trên thực tế lại không hề tồn tại sự lựa chọn đó. Chúng ta không thể quay ngược thời gian để bắt đầu lại cuộc sống của những người săn bắt và hái lượm, hay chúng ta cũng không thể thực hiện một thí nghiệm nào để chứng minh cách sống này thì tốt hơn cách sống kia. Thứ hai, tôi nghĩ Harari đã đánh giá thấp những nỗi gian nan trong cuộc sống của người săn bắt và hái lượm. Anh cho rằng tỉ lệ tử vong và bạo lực trong các xã hội săn bắt và hái lượm thấp hơn nhiều so với thời kỳ sau khi diễn ra cuộc cách mạng nông nghiệp. Nhưng nhiều khả năng là tình trạng bạo lực xảy ra khi đó thường xuyên hơn do những cạnh tranh về nguồn lực. Một xã hội nông nghiệp có thể nuôi sống nhiều người trên mỗi đơn vị diện tích đất hơn so với một xã hội săn bắt và hái lượm. Để duy trì mật độ dân số thấp, mâu thuẫn giữa các nhóm săn bắt-hái lượm là điều không thể tránh khỏi. Cuối cùng, khi gọi cuộc chuyển mình sang nông nghiệp là một “sai lầm”, tác giả đã bỏ qua thực tế rằng các xã hội nông nghiệp có khả năng chuyên nghiệp hóa, từ đó dẫn tới sự ra đời của chữ viết, các kỹ thuật mới, và nghệ thuật – những thứ mà chúng ta vẫn trân trọng ngày nay.

Tuy vậy, tôi vẫn muốn giới thiệu cuốn sách này cho những ai muốn có một cái nhìn vui vẻ, lý thú về lịch sử ban sơ của loài người. Tương tự như Đại sử, cuốn sách mang lại cho tôi một cấu trúc lịch sử tổng quan để từ cơ sở đó tôi có thể tiếp tục xây dựng nên kiến thức của mình. Không những thế, Harari còn kể chuyện lịch sử với một phong cách gần gũi đến mức một khi đã cầm cuốn sách lên, nhất định bạn sẽ khó lòng bỏ nó xuống. Anh sử dụng lối văn phong, các hình ảnh và biểu đồ đầy sống động để minh họa cho các luận điểm của mình. Anh còn là một cây viết sắc sảo, biết khéo léo lồng ghép những câu chuyện lịch sử thú vị, chẳng hạn như tầm quan trọng của món dưa cải muối Đức trong công cuộc khám phá biển, và tại sao những chữ viết cổ xưa nhất được phát hiện, với tuổi đời từ cách đây 5.000 năm, lại không có ảnh hưởng gì đáng kể.

Tôi cho rằng nhiều độc giả sẽ đặc biệt hứng thú với phần cuối của cuốn sách. Sau khi du hành qua hàng chục nghìn năm lịch sử, Harari lại mang dáng vẻ của một triết gia khi anh viết về loài người chúng ta hiện nay và cuộc sống của chúng ta trong tương lai. Anh băn khoăn không biết trí thông minh nhân tạo, biến đổi gene, và các công nghệ khác sẽ thay đổi giống loài chúng ta ra sao.

Anh cũng đặt ra một số câu hỏi cơ bản về hạnh phúc. Trong lịch sử lâu dài của Homo sapiens, khi nào thì chúng ta có cuộc sống mãn nguyện nhất? Khi là những người săn bắt-hái lượm vây đuổi những con voi ma mút? Khi làm nông dân cuốc đất? Hay khi là những người nông dân sợ sệt Chúa trời trong thời kỳ Trung cổ? Nhưng những câu hỏi cốt lõi hơn mà anh đặt ra là: Với tư cách một giống loài, chúng ta là ai? Và chúng ta đang đi về đâu?

Đó là những câu hỏi lớn và cổ xưa như chính lịch sử giống loài chúng ta. Sau khi bạn đọc xong cuốn sách này, tôi cam đoan rằng giống như tôi, bạn cũng sẽ muốn ngồi lại với một vài người bạn Homo sapiens của mình để cùng tìm câu trả lời cho những câu hỏi đó.

Trang Bùi dịch
Nguồn: https://www.gatesnotes.com/Books/Sapiens-A-Brief-History-of-Humankind
—-
1 Nguyên tác: Sapiens: A Brief History of Humankind, được xuất bản tại Việt Nam bởi Nxb Tri thức và Omega qua bản dịch của Nguyễn Thủy Chung và hiệu đính của Võ Minh Tuấn.
2 Big History: một lĩnh vực học thuật mới xuất hiện nhằm nghiên cứu lịch sử từ giai đoạn Big Bang cho đến ngày nay, sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành.

——————————–

Ông nói rằng thiên hướng của chúng ta trong việc tạo ra những khái niệm trừu tượng như tôn giáo, quốc tịch,… là phẩm chất tách biệt sapiens khỏi các tông người khác. Nếu cho rằng đó cũng là nguồn gốc tạo nên những cuộc chiến tranh có thể dẫn đến sự hủy diệt cho chính chúng ta, thì rốt cuộc đây là một điểm yếu hay một điểm mạnh?’

Yuval Noah Harari: Xét về sức mạnh thì rõ ràng khả năng này đã giúp cho Homo sapiens trở thành loài động vật mạnh mẽ nhất thế giới, và giờ đây nó mang lại cho chúng ta quyền kiểm soát toàn bộ Trái đất. Từ góc nhìn đạo đức rằng điều đó tốt hay xấu thì đây là một câu hỏi phức tạp hơn rất nhiều. Vấn đề chính ở đây là vì sức mạnh của chúng ta dựa vào trí tưởng tượng tập thể, chúng ta không giỏi phân biệt giữa tưởng tượng và thực tế. Loài người rất khó phân biệt được đâu là thực tế và đâu là câu chuyện tưởng tượng trong tâm trí họ, và điều này gây ra nhiều thảm họa, chiến tranh, và những rắc rối khác.

Phép thử tốt nhất để biết một thực thể là có thật hay do tưởng tượng là phép thử về sức chịu đựng. Một quốc gia không thể chịu đựng, nó không thể cảm nhận nỗi đau, nó không thể cảm nhận nỗi sợ, nó không có ý thức. Ngay cả khi nó bị thua trong một cuộc chiến, thì đối tượng phải chịu đựng là những người lính, những người dân thường, chứ quốc gia thì không chịu đựng. Tương tự, một doanh nghiệp không biết chịu đựng; khi bị mất giá, đồng tiền cũng không phải chịu đựng. Tất cả những thứ đó đều là tưởng tượng. Nếu loài người lưu ý về sự khác biệt này, họ có thể cải thiện cách cư xử với nhau và với các loài động vật khác. Không có gì hay ho khi gây ra nỗi đau cho những thực thể có thật chỉ để phục vụ cho những câu chuyện tưởng tượng cả.

Nguồn: https://www.theguardian.com/culture/2017/mar/19/yuval-harari-sapiens-readers-questions-lucy-prebble-arianna-huffington-future-of-humanity

 

 

Tác giả

(Visited 20 times, 1 visits today)