Dơi – Chìa khóa ngăn dịch bệnh trong tương lai?

Các nhà nghiên cứu từ các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới đang tìm hiểu về hệ miễn dịch kỳ thú của loài dơi với mong muốn ngăn chặn những đợt bùng dịch trong tương lai.

Một tổ dơi móng ngựa miền Đông (Rhinolophus megaphyllus) trong một hầm mỏ ở Úc. Dơi móng ngựa có khả năng chứa vi rút corona. Nguồn: Bruce Thomson/ Nature Picture Library

Rando Foo đang hút đầy pipet với nước cam từ chiếc bình dán nhãn “CHỈ dành cho dơi”. Ông và đồng nghiệp Rommel Yroy đang ngồi trước tủ an toàn sinh học, mặc áo choàng xanh, đeo trang bị bảo hộ mặt, găng tay, quần ống rộng và bọc giày. Hé nhìn từ bàn tay nắm chặt của Yroy là cặp mắt đen bóng, tròn xoe, đôi tai nhọn và chiếc mõm đầy lông của một con non thuộc loài dơi mật hoa hang động (Eronycteris spelaea). Thỉnh thoảng nó vặn vẹo, kêu lên the thé, thè cái lưỡi dài, phớt hồng để liếm những giọt nước ngọt lịm. Đây là phần thưởng bù đắp sau khi bị di chuyển trong một chiếc túi cotton xanh từ lồng nuôi đến phòng thí nghiệm, tiếp theo nó được kiểm tra nhanh cân nặng và các vết thương dọc theo đôi cánh trải rộng cùng lớp lông dày.

Cá thể dơi nằm trong tay Yroy là một trong 140 cá thể dơi mật hoa hang động từ một đàn nhân giống nghiên cứu ở Singapore – địa điểm đầu tiên tại châu Á. Foo – người quản lý đàn làm việc hợp tác với trường Y Duke-NUS thuộc Đại học Quốc gia Singapore, và Yroy – kỹ thuật viên thú y tại Trung tâm Y học Thực nghiệm SingHealth cũng là người chịu trách nhiệm nuôi dưỡng đàn dơi trong nhiều năm. Ban đầu, đàn dơi có 19 cá thể được thu thập bằng cách sử dụng lưới bướm quanh đường cao tốc Singapore vào năm 2015 và 2016; sau đó vài năm, những con non đầu tiên đã được chào đời.

Đàn dơi được bố trí bởi Lin-fa Wang, nhà vi rút học tại trường Y Duke-NUS, nhằm tạo ra một môi trường được kiểm soát, phù hợp cho các nghiên cứu đặc tính sinh học của dơi, bao gồm cả tương tác bên trong hệ thống miễn dịch.

Đối với Wang, người đã dành nhiều thập kỷ nghiên cứu dơi và bệnh truyền nhiễm, quần thể này tạo nhiều lợi thế nghiên cứu cho phép ông đặt ra những câu hỏi chẳng hạn như tế bào nào đã hình thành hệ thống miễn dịch của dơi, và chúng đã làm cách nào để tránh được lây nhiễm. Hiện tại đàn dơi đã được nhân giống hiệu quả, cho phép nghiên cứu của nhóm được lặp lại dễ dàng. Mô dơi đã được chia sẻ cho khoảng chục nhóm khác trên khắp thế giới.

Nhánh nghiên cứu dơi của Wang đã trở nên nhộn nhịp hơn do nhu cầu khẩn cấp từ đại dịch SARS-CoV-2. Lượng người tham dự các buổi tọa đàm và hội nghị về dơi tăng cao – tại một hội nghị chuyên đề được tổ chức năm ngoái tại Hoa Kỳ, số lượng người tham dự nhiều hơn 30% khi so cùng một sự kiện được tổ chức trước đại dịch – đồng thời các quỹ đầu tư cũng đang rót tiền vào những dự án về dơi và bệnh truyền nhiễm. Đơn cử trong năm 2021, cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều công bố những nguồn tài trợ khổng lồ cho những nghiên cứu cụ thể về dơi và vi rút.

Một tổ dơi móng ngựa Địa Trung Hải (Rhinolophus euryale) treo mình trong một hang động ở Catalonia, Tây Ban Nha. Nguồn: Roland Seitre/ Thư viện Hình ảnh Nature

Hệ thống miễn dịch của dơi đang nhận được sự quan tâm hơn bao giờ hết, đặc biệt là khả năng chống chịu các loại vi rút đe dọa tính mạng con người và những động vật có vú khác – ví dụ như Ebola, Nipah và hội chứng hô hấp cấp tính (SARS). Mặc dù hệ thống miễn dịch của dơi vẫn chưa được hiểu rõ nhưng hậu quả trước mắt đã rất rõ ràng: dơi được cho là nguồn gốc của nhiều đợt bùng phát vi rút thảm khốc ở người.

Lĩnh vực nghiên cứu đang đạt đến điểm cong của đồ thị, phần nhiều do đại dịch gây ra. Từ những nhà nghiên cứu lâu năm đã dành nhiều thập kỷ tìm hiểu về lây nhiễm trên dơi đến những thành viên mới đầy nhiệt huyết cùng nhau phát triển và áp dụng những kỹ thuật tiên tiến để trả lời cho câu hỏi: làm cách nào dơi có thể sống chung với những mầm bệnh nguy hiểm như vậy. Một số hy vọng rằng bằng những hiểu biết sâu sắc này, một ngày nào đó, các phương pháp điều trị xử lý lây nhiễm ở người và ngăn chặn vi rút thoát ra từ dơi sẽ được phát triển.

Xoài và dưa

Đàn dơi của Wang là nguồn tài nguyên quý giá, và những nhà nghiên cứu đối đãi với chúng đúng như vậy. Trong nhiều năm, chế độ ăn uống và môi trường sống được điều chỉnh để đàn dơi có thể sống thật khỏe mạnh. Món khoái khẩu của chúng là dưa, xoài, đu đủ được cắt nhỏ, sữa bột và những chất lỏng có mùi ngọt giống như mật hoa.

Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu về bộ gene cũng như sự đa dạng chủng loại vi rút có dơi là vật chủ. Tế bào dơi cũng được sử dụng để phát triển các cơ quan trong khí quản – những cơ quan nhỏ phát triển từ tế bào gốc. Hiện tại, các thí nghiệm tập trung vào phản ứng lây nhiễm, quá trình lão hóa và quá trình trao đổi chất tích cực trong lúc bay của dơi. Đàn dơi quả thực là một nguồn nghiên cứu đầy giá trị.   

Những nhà nghiên cứu thực hiện kiểm tra sức khỏe trên một cá thể dơi con loài dơi mật hoa động. Nguồn: Randy Foo, trường Y Duke-NUS.

Tuy nhiên, nghiên cứu về dơi và vi rút lây nhiễm vướng phải khó khăn liên tục vì những kỹ thuật sẵn có phục vụ nghiên cứu còn khá hạn chế. Hình thành và duy trì đàn rất tốn kém, dơi có thời gian mang bầu lâu và ít con non được sinh ra hơn so với chuột thí nghiệm tiêu chuẩn. Chỉ một số ít trong hơn 1450 loài dơi được nuôi giống trong các quần thể nghiên cứu trên thế giới. Trong số đó bao gồm đàn dơi mật hoa hang động của Wang, đàn dơi quả Jamaican (Artibeus jamaicensis) ở Fort Collins, Colorado, đàn dơi quả Ai Cập (Rousettus aegyptiacus) trên đảo Riems, Đức và đàn dơi nâu lớn (Eptesicus fuscus) tại Hamilton, Canada. Không có bất cứ đàn nào mang đặc tính của loài dơi móng ngựa chủ chốt mang trong mình vi rút corona. (Rhinolophus spp). Aaron Irving, nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Đại học Chiết Giang, Hải Ninh, Trung Quốc, nói: “Tất cả đã thử nghiệm và thất bại trong việc cố gắng nhân giống những loài dơi này, có lẽ vì chúng ta không thực sự hiểu rõ về tập tính làm tổ của chúng.”

Việc bẫy dơi hoang dã đi kèm với những thách thức về an toàn và chuẩn bị hậu cần, đồng thời, tế bào dơi nổi tiếng rất khó nhân giống trong nuôi cấy tế bào.

Bộ kit sử dụng cho hầu hết động vật thí nghiệm thiếu một vài thành phần khi áp dụng cho dơi như là thiếu các kháng thể đơn bào mà những nhà miễn dịch học dùng để gắn tag cho tế bào miễn dịch và protein. Trong một thời gian dài, không có bất cứ nguồn tin nào về một bộ gene dơi đảm bảo chất lượng.

Peng Zhou, nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại phòng thí nghiệm Quảng Châu, Trung Quốc cho biết: “Việc thiếu hụt các công cụ cần thiết khiến các nhà nghiên cứu vẫn chưa có được bức tranh rõ ràng về “kiến trúc cơ bản” của hệ miễn dịch dơi”.

Tuy nhiên, thành quả trong nhiều năm dày công nghiên cứu của các nhà nghiên cứu kỳ cựu cùng bộ phận lớp trẻ mới đến đang tạo ra những công cụ và phương pháp mới, bao gồm những bộ gene chất lượng cao và mô dơi nuôi cấy từ phòng thí nghiệm. Emma Telling, nhà sinh vật học về dơi tại Đại học Dublin, Ireland phát biểu: “Trong thập kỷ tới, chúng ta sẽ được chứng kiến những khám phá đầy thú vị. Và lý do duy nhất để làm được điều này chính là nhờ thế hệ công nghệ mới.”

Hơn nữa, cũng có nhiều nguồn vốn đầu tư và bài báo nghiên cứu về dơi hơn. Theo cơ sở dữ liệu học thuật Dimensons, đề cập về dơi trong các bài báo miễn dịch học đã tăng gấp ba lần, từ khoảng 400 trong năm 2018 đến 1500 trong năm 2021. Một công ty khởi nghiệp đã huy động được 100 triệu USD tài trợ vốn mạo hiểm, với kỳ vọng sử dụng kiến thức thu được từ các nghiên cứu về dơi để phát triển các liệu pháp cho nhiều tình trạng bệnh, từ ung thư đến viêm nhiễm và cả lão hóa.

Nghiên cứu mới nhất đang bổ sung đầy đủ chi tiết về các cơ chế sinh học hỗ trợ phản ứng miễn dịch của dơi, bao gồm việc xác định tế bào nào mang những tính chất độc đáo tiềm ẩn trong dơi. Các nhà nghiên cứu cũng đang tìm ra nhiều cách khác nhau mà loài dơi có thể chịu đựng được vi rút lây nhiễm. Điều này giúp xác định liệu “có một cơ chế toàn cầu nào áp dụng cho tất cả các loài dơi và tất cả các loài vi rút hay không. Chúng ta vẫn chưa chắc được liệu điều đó có phải là sự thật.” Diane Bimczok, nhà miễn dịch học tại Đại học bang Montana, Bozeman.

Hannah Frank, nhà sinh thái học tiến hóa tại Đại học Tulane, New Orleans, Louisiana, người nhận được tài trợ từ một quỹ do Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) thành lập cho nghiên cứu miễn dịch ở dơi cho biết: “Tôi thực sự phấn khích về vị trí của chúng ta hiện nay trên chặng đường nghiên cứu này. Tuy nhiên, nếu càng nhiều nhà khoa học đào sâu vào phản ứng miễn dịch của dơi giữa muôn loài, ta sẽ càng khó kết luận. Chúng ta đang ngày càng nhận ra câu hỏi này phức tạp đến nhường nào”.

Véc tơ vi rút

Các nhà nghiên cứu tìm thấy nhiều vấn đề hóc búa ở dơi. Zwaka nói dơi là loài động vật “siêu ngầu”. Chúng là loài động vật có vú duy nhất tiến hóa để có thể bay được, và sử dụng sóng âm để định vị vật thể trong bóng tối. Chúng cũng có tuổi thọ đặc biệt dài so với kích thước nhỏ nhắn và tỷ lệ mắc ung thư thấp.

Tế bào dơi tái lập trình chuyển hóa thành các tế bào gốc gốc đa năng. Nguồn: M. Déjosez et al./Cell

Tuy nhiên, đặc điểm đã đưa dơi vào tầm chú ý trong những thập kỷ gần đây chính là khả năng sở hữu một bộ sưu tập vi rút cực kỳ phong phú. Một số loài nhất định, đặc biệt là dơi móng ngựa, là nơi cư ngụ của một số lượng đa dạng hiếm có nhiều loại vi rút corona, bao gồm cả những loại có quan hệ gần với SARS-CoV-2. Vài loài cũng chứa những vi rút khác như vi rút bệnh dại, Ebola và Marburg. Giải trình gen của dơi rải đầy dấu vết tàn dư của vi rút.

Điều gì ở loài dơi cho phép chúng chịu được vi rút mà không hề có dấu vết gì của nhiễm trùng? Sau nhiều năm, các nhà nghiên cứu đã đề xuất một vài lý luận được làm rõ nhờ những công nghệ mới.

Nghiên cứu cho thấy một số loài dơi được trang bị lá chắn phòng thủ cực kỳ mạnh mẽ, có khả năng chống lại những kẻ xâm phạm. Ngay cả khi không có mối đe dọa nào từ bên ngoài, một số loài vẫn duy trì nồng độ interferons ở mức cao – là các phân tử có vai trò cảnh báo và tăng cường nỗ lực vô hiệu hóa vi rút – cho phép sinh vật dập tắt quá trình nhân bản vi rút nhanh chóng. Dơi cũng sở hữu một chuỗi gen mở rộng giúp mã hóa những protein cản trở việc nhân bản vi rút hoặc ngăn chặn vi rút thoát khỏi tế bào. Tế bào dơi cũng được trang bị một hệ thống xử lý hiệu quả các thành phần tế bào bị thương tổn, gọi là autophagy, quá trình đã được chứng minh giúp loại bỏ vi rút khỏi tế bào con người.

Khi mầm bệnh xâm nhập, dơi không phản ứng quá gay gắt với phản ứng viêm ngoại cỡ, nguyên nhân gây ra nhiều tổn thương do nhiễm trùng. Dơi có nhiều cách để điều tiết phản ứng viêm, chẳng hạn như ức chế hoạt động của các phân tử đa protein hay còn được biết đến là các thể gây viêm (inflammasomes). Irving cho biết: “Thay vì tiêu tốn một lượng năng lượng khổng lồ để loại bỏ hoàn toàn vi rút, chúng chấp nhận sự tồn tại của vi rút ở nồng độ thấp”. Joshua Hayward, nhà vi rút học tại Viện Burnet, Melbourne, Úc cho biết thêm: “Có một hiệp ước hòa bình giữa dơi và những mầm bệnh ký sinh”.

Cả những nhà nghiên cứu kỳ cựu và những người mới trong ngành đều đang bắt đầu xem xét bên ngoài đặc điểm phòng thủ tốc độ và không chọn lọc của dơi – một cơ chế miễn dịch bẩm sinh – mà hướng tới một phản ứng thích nghi có chọn lọc hơn, chậm rãi hơn, giữ lại thông tin về mầm bệnh để nổi dậy khi gặp lại kẻ thù. Miễn dịch thích ứng chỉ giới hạn ở một vài loại tế bào cụ thể, thực sự là vấn đề khó nhằn trong nghiên cứu.

Một số nhà nghiên cứu cũng đang tìm hiểu mối liên hệ giữa phản ứng miễn dịch ở dơi và hệ sinh thái của chúng để hiểu sâu hơn về thời gian, cũng như địa điểm tỏa ra vi rút và nguy cơ lây lan sang các loài động vật khác. Công trình này có thể làm sáng tỏ các yếu tố môi trường gây căng thẳng cho dơi, đồng thời giải đáp xem liệu điều đó có làm tăng nguy cơ lây nhiễm hay không.

Sâu trong hang dơi

Những câu hỏi quẩn quanh trong đầu đã dẫn bước Javier Juste đến một con đập bị bỏ hoang ở Casdiz, Tây Ban Nha, vào một đêm tháng 5/2020. Ông lẻn vào đường hầm bê tông tại một con đập, thu thập hai con dơi móng ngựa từ tổ của chúng.

Giữa vòng xoáy tâm dịch vi rút corona, các nhà khoa học đã biết rằng vi rút có thể bắt nguồn từ dơi. Các đồng nghiệp của Juste ở Mỹ rất mong được chạm tay vào mô dơi, hy vọng một ngày có thể nuôi cấy tế bào và sử dụng chúng để khám phá cách thức những vi rút chết chóc này nhảy từ dơi sang người.

Dơi có khả năng chứa chấp vi rút corona không phổ biến ở Bắc Mỹ, nhưng lại có mặt khắp châu Âu. Do đó, Juste – công tác tại Trạm Sinh học Doñana ở Seville, Tây Ban Nha, đã đồng ý giăng lưới và gửi dơi từ một tổ gần Cádiz đến thành phố New York – ngay giữa đợt phong tỏa COVID-19 nghiêm ngặt nhất trên thế giới và quy định hạn chế hàng loạt các chuyến bay quốc tế được tiếp đất.

Phóng xe lao đi trên các đại lộ vắng người với hai cá thể dơi, Juste và một đồng nghiệp đã đến sân bay Madrid vào sáng hôm sau. Bên ngoài kho hàng của FedEx, hai nhà nghiên cứu đã kết thúc cuộc sống của con vật trong cốp xe, cắt, ép xương cùng nội tạng vào sáu ống mẫu, lưu trữ các ống trong hộp đông lạnh để giữ cho các tế bào sống sót.

Khoảng 26 giờ đồng hồ sau đó, mẫu vật đã được chuyển đến phòng thí nghiệm của Zwaka. Phòng thí nghiệm gần như vắng bóng sự sống, và gói hàng cũng chẳng khá hơn bao nhiêu khi rất nhiều tế bào đã chết. Zwaka, người chưa từng xử lý tế bào dơi trước đây, đã vội vã lấy tủy từ xương cánh và cắt da từ đôi cánh trong suốt như cao su thành những miếng vuông vức.

Nhóm của ông đã sử dụng các mẫu vật để nuôi cấy tế bào gốc – một công cụ phổ biến trong nghiên cứu sinh học và bệnh tật ở các loài khác nhưng lại gây nhiều khó khăn ở dơi. Những tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPS) đã được miêu tả trong một bài báo trên tờ Cell vào tháng hai, tiết lộ những phát hiện hấp dẫn về mối quan hệ tiến hóa gần gũi giữa dơi và vi rút. Zwaka nói rằng: “Các tế bào đã dẫn nhóm của tôi lạc vào một hang động kỳ diệu về sinh học”.

Cùng Telling và những đồng nghiệp khác, Zwaka đã xác định trình tự RNA được biểu hiện bởi các tế bào này và tìm thấy cơ man các mảnh vi rút, nhiều phần trong đó ban đầu là bộ gen của corona vi rút. Biểu hiện gen vi rút ở tế bào gốc đa năng cao hơn và đa dạng hơn so với ở tế bào da dơi và ở tế bào đa gốc đa năng từ chuột và người. Hơn nữa, các tế bào gốc đa năng của dơi đã thực sự sử dụng các mảnh vi rút để tạo ra các mảnh tương tự vi rút.           

Telling hào hứng: “Kết quả thật phi thường. Khi tế bào dơi được nuôi cấy, toàn bộ “hóa thạch” vi rút trong bộ gen bị đánh thức.” Các tế bào hấp thụ một cách có hệ thống thông tin di truyền của vi rút trong bộ gen của chính nó – “như thể một miếng bọt biển” – sau đó biểu hiện lại mã gen đó. Zwaka cho biết điều này khiến tế bào dơi trở thành môi trường có lợi cho vi rút. Nhưng chính xác thì điều này có ý nghĩa gì trong công cuộc học hỏi để cùng chung sống với vi rút của dơi? Telling cho biết một khả năng có thể xảy ra là thông tin di truyền được ghi chèn vào bằng một cách nào đó bảo vệ dơi khỏi những hậu quả tiêu cực khi nhiễm vi rút, cũng giống như phương thức hoạt động của vắc xin.

Các nhà nghiên cứu hiện đang lên kế hoạch sử dụng tế bào gốc để nuôi tạo phổi, ruột và mô máu, cũng như lây nhiễm tế bào với các loại vi rút. Zwaka hy vọng sử dụng mô để hiểu hơn về khả năng miễn dịch của dơi, và cuối cùng “để phát triển các chiến lược bảo vệ sức khỏe con người”. Những nhà nghiên cứu khác sử dụng các cơ quan nội tạng của dơi được tạo ra từ tế bào gốc chiết xuất trực tiếp từ dơi nhằm tìm câu trả lời cho những câu hỏi tương tự.     

1000 bộ gene

Tế bào và mô là một, nhưng một trong những nguồn quan trọng nhất cho sinh học tế bào là hệ gen di truyền. Trước năm 2020, có khoảng chừng một chục bộ gen của dơi được giải mã nhưng với chất lượng không đồng đều. Cùng kỳ năm đó, Telling và đồng nghiệp đã công bố giải mã bộ gen chất lượng cao đầu tiên của sáu loài dơi, mỗi loài thuộc về một giống khác nhau và đều có gen mã hóa protein được đánh dấu rõ ràng.

Dự án là một phần trong dự án gen liên doanh toàn cầu Bat1K, đồng sáng lập bởi Telling với mục tiêu tạo ra những bộ gen chất lượng cao cho toàn bộ loài dơi. Sự quan tâm và tài trợ dành cho dự án đã tăng vọt kể từ đại dịch, bao gồm cả những công ty công nghệ sinh học, đem lại thành quả với khoảng 80 bộ gen của dơi đã được giải mã tính đến thời điểm hiện tại.

Sự khả dụng của những bộ gen chất lượng cao đã thay đổi cục diện ngành miễn dịch học ở dơi, tạo điều kiện cho các nghiên cứu phân tử RNA ở quy mô lớn được tiến hành, cung cấp phương pháp phân loại tế bào miễn dịch, đồng thời phần nào khắc phục tình trạng thiếu hụt các kháng thể đơn dòng. “Bộ gen sẽ là nền tảng cho muôn vàn nghiên cứu.” Marcel Müller, nhà vi rút học tại Bệnh viện Đại học Charité, Berlin, kỳ vọng.

Irvinig đang làm việc với dự án Bat1K nhằm mở rộng bộ sưu tập đến loài dơi móng ngựa Trung Quốc (Rhinolophus sinicus), chính là vật chủ có mối liên hệ mật thiết nhất với SARS-CoV-2. Họ đã giải mã được 10 bộ gen mới – bao gồm 4 bộ từ dơi móng ngựa, thuộc họ rhinolophid. Trong một bản thảo chưa qua bình duyệt đăng vào tháng hai, Irving, Telling và đồng nghiệp phát hiện rằng bộ gen của dơi chứa nhiều gen liên quan đến miễn dịch và trao đổi chất qua quá trình chọn lọc tích cực hơn là những loài động vật có vú khác. Một loại gen được chọn để xem xét kỹ hơn, ISG15 – đã biểu hiện protein kháng vi rút, đóng vai trò quan trọng trong hiện tượng viêm nhiễm tăng cường ở các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.

Trong thí nghiệm tế bào, protein thuộc họ rhinolophidhipposiderid được phát hiện thiếu các amino acid thông thường tìm thấy ở những động vật có vú khác. Khác biệt này cản trở protein rời khỏi tế bào, theo đó ngăn chặn kích hoạt phản ứng viêm. Loại protein này nắm giữ những bằng chứng quan trọng cho thấy phương pháp sống sót của dơi cùng vi rút, đồng thời truyền cảm hứng nghiên cứu cho các phương pháp trị liệu ở người.                          

Một trong số các kỹ thuật tiên tiến nhất được ứng dụng nhờ bộ gen chất lượng cao là giải trình tự RNA đơn bào, trong đó các nhà nghiên cứu chọn một tế bào, sau đó phân tích thành phần RNA để khám phá các cấu tử của tế bào và cách thức hoạt động của chúng.

Tháng 11/2022, nhóm của Wang đã công bố kết quả xác định trình tự đơn bào đầu tiên của mình. Các nhà khoa học đã tiến hành lây nhiễm dơi mật hoa hang động với vi rút Pteropine orthoreovirus, một loại vi rút thường tìm thấy ở loài này nhưng không làm chúng nhiễm bệnh. Trong tế bào phổi của dơi, họ xác định dấu vết của rất nhiều tế bào miễn dịch quen thuộc, bao gồm cả tế bào T, cùng cả những tế bào ít quen thuộc khác.

Hiện nay, hầu hết các nghiên cứu đơn bào ở dơi chỉ đơn giản là danh mục hoạt động của tế bào miễn dịch. Trong một bài báo chưa được công bố, Schountz và đồng nghiệp đã gây nhiễm dơi quả Jamaican với vi rút cúm A H18N11 và quan sát xem tế bào nào sẽ bị nhắm đến. Họ phát hiện ra rằng vi rút đã nhắm đến đại thực bào – tế bào miễn dịch có nhiệm vụ tuần tra khắp cơ thể và ngấu nghiến những mầm bệnh – điều chưa từng được chứng kiến ở vi rút cúm A. Nghiên cứu đơn bào đem đến cho những nhà nghiên cứu một khởi đầu hứa hẹn về những thí nghiệm nuôi cấy tế bào chi tiết hơn. Schountz cho biết: “Ít nhất chúng đem đến cho bạn ý tưởng về nơi mà bạn nên bắt đầu tìm kiếm”.

Những nhà khoa học khác sử dụng chuỗi RNA để so sánh giữa tế bào dơi và tế bào người. Chẳng hạn, Jouvenet Nolwenn, nhà vi rút học tại Viện Pasteur, Paris, một người mới gia nhập vào ngành, đang kết hợp kỹ thuật này với công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR lên các dòng tế bào dơi từ nhiều loài để tìm kiếm sự khác biệt trong phản ứng miễn dịch của dơi và tế bào người. Sau cùng, Jouvenet hy vọng xác định được những gen chịu trách nhiệm kiểm soát việc nhân bản vi rút.

Đôi khi có những câu hỏi chỉ có dơi mới có khả năng giải thích. Schountz muốn thử nghiệm trên đàn của mình, liệu dơi ăn quả, không phải vật chủ tự nhiên của SARS-CoV-2, có thể chịu được vi rút này hay không. Do đó, nhóm của ông đã sử dụng một véc tơ vi rút để biểu thị thụ thể tế bào ACE2 mà SARS-CoV-2 sử dụng để xâm nhập vào tế bào phổi của dơi, sau đó lây nhiễm SARS-CoV-2 cho dơi. Họ phát hiện rằng dơi sản xuất các tế bào T hỗ trợ đặc biệt cho vi rút; những tế bào này đóng vai trò then chốt trong phản ứng miễn dịch đáp ứng có mục tiêu. Kích thích tế bào T tạo ra những protein nhỏ được biết đến với vai trò giảm viêm, giải thích hiện tượng phản ứng viêm ôn hòa ở dơi. Kết quả đã được đăng trên một bài báo vào tháng hai. Schountz đang lên kết hoạch xây dựng một cơ sở nuôi dơi mới sẽ khởi công vào tháng sáu và hoàn thành đến năm 2024, với phòng và nhà bay cho những loài dơi lớn như dơi quạ bay (Pteropus). Những nhóm khác cũng dự định gây dựng đàn, bao gồm một đàn cho dơi quả Jamaican tại Đại học bang Montana.

Trở lại Singapore, dưới ánh nắng giữa trưa gay gắt, kèm thời tiết nóng ẩm, bên trong Vivarium lại mát mẻ hơn đáng kể. Yroy và Foo đang nói chuyện lớn tiếng bên âm thanh ồn ào phát ra từ động cơ một chiếc máy bay bên ngoài.

Những con dơi không hề hoảng hốt, cuộn vào nhau, treo mình lộn ngược trên góc tối của chiếc chuồng, thỉnh thoảng lại phát ra tiếng kêu lách cách. Ông Foo nói: “Chúng đã quen với việc mọi người đến và dạo vòng quanh lồng,” Sáng sớm nay, Yroy đã trải những tấm nhựa mới để dọn phân và treo những bát nước ngọt. Sắp đến giờ ăn rồi. “Tính đến thời điểm hiện tại, đàn dơi khá hạnh phúc với cuộc sống này.”□    

Đoàn Lê Uyên Kha dịch

Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-023-00791-x

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)