Đối đầu với thử thách

Trên con đường học thuật, các bạn trẻ làm toán hiện nay có rất nhiều cơ hội để tiến thân đồng thời cũng có không ít thách thức. Thách thức dễ thấy nhất là sự cạnh tranh quyết liệt. Nhưng thách thức nghiêm trọng hơn, ít được nhận ra, đó là sa đà vào cái dễ, ngại đối đầu với thử thách.


Dự mít tinh kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga, Minsk,  tháng 11/1977. Từ trái sang: GS. Nguyễn Quốc Thắng, TS. Tạ Hồng Quảng (huy chương Đồng IMO 1974), tác giả, GS. Phạm Đức Chính. Ảnh: NVCC.

Một buổi chiều đầu tháng bảy năm 1989, nhận được tin nhắn của GS. Ngô Huy Cẩn, tôi ra sân bay Schoenefeld của thủ đô Đông Đức lúc bấy giờ để gặp Ngô Bảo Châu đi thi Toán quốc tế – được tổ chức tại thành phố Braunschweig (Tây Đức). Máy bay đến hơi muộn. Hai thầy hướng dẫn đoàn là GS. Đoàn Quỳnh và thầy Phạm Văn Hùng cho tôi biết sẽ có xe Sứ quán ra đón. Sau hơn một giờ, trời bắt đầu nhá nhem, trở lạnh, mà vẫn không có xe. Tôi đành ra cây điện thoại gọi hỏi sứ quán, thì lúc đó họ mới tá hoả lên bảo không hề nhận được thông tin gì. Họ hẹn sẽ bố trí xe và nhắn Đoàn cứ chờ. Nếu vậy, ít nhất các em phải chờ thêm hơn một tiếng nữa. Vì vậy tôi quyết định chiêu đãi gọi ba taxi để đưa Đoàn về. Đó là lần đầu tiên tôi sử dụng taxi, và thấy cũng liều, vì không biết đắt rẻ thế nào. May mà mất chưa đến 30 Mark tiền Đông Đức thời bấy giờ.

Kể lại kỷ niệm trên để nói rằng thời đó đi nước ngoài làm gì có một xu ngoại tệ dính túi. Không chỉ vì nghèo, không có chỗ đổi tiền trong nước, mà nếu ai đó được tặng dăm ba đồng ngoại tệ, cũng không dám đem đi. Vì nếu lén lút đem đi để dự phòng, lên đến sân bay mà bị hải quan phát hiện ra thì thôi rồi, đừng nói đến chuyện xuất ngoại nữa. Đi nước ngoài, không một xu dính túi, nên luôn phải bố trí người đón. Lạ một nỗi, khi đó người Việt lấy đâu ra điện thoại tư (dù là điện thoại bàn), chỉ qua thư từ, mà hầu như đều liên lạc, đón được trơn tru! Đương nhiên thời đó cụ Google chưa ra đời, trục trặc với chuyện đón đưa thì dở khóc, dở cười. Không ít người, trong đó có tôi, đã bị một số lần rơi vào hoàn cảnh đó. Thế mà không hiểu sao vẫn thoát ra được, vẫn đi đến nơi, về đến chốn! Bây giờ mỗi lần nhớ lại vẫn phát hoảng.

Một số người khi làm luận án tiến sĩ có năng lực rất tốt. Thế nhưng sau khi bảo vệ, vẫn cứ gặm nhấm mấy vấn đề tương tự. Số công bố cứ ra đều đều, cá biệt có người mỗi ngày một tăng tốc. Nhưng chất lượng thì cứ giảm. Không phải là xuống dốc không phanh để cho người đó nhận ra, tránh đi, mà nó xuống từ từ. Đến khi biết thì do đã quen với sự dễ dãi, không còn khả năng để làm vấn đề nghiêm túc nữa. Tự bản thân đã trở thành người tầm thường.

Dù sao, chuyện đi lại chỉ diễn ra chốc lát. Chuyện học hành đương nhiên phiêu lưu hơn nhiều. Phần lớn nghiên cứu sinh khi được Nhà nước cho ra nước ngoài học không hề biết tên thầy hướng dẫn của mình là gì. Thầy hướng dẫn là do Đại sứ quán của nước sở tại đàm phán, liên hệ với các trường, đương nhiên thông qua Bộ Đại học ở đó. Còn sau khi đã tốt nghiệp đại học hay nghiên cứu sinh về, việc liên hệ với thầy cô vô cùng khó vì một chiều thư đi, về, nếu không bị thất lạc (chuyện thường tình như thiếu ăn khi đó), thì thường cũng mất 2-3 tháng. Tài liệu đương nhiên là gần như bằng không. Khi thấy một bài báo hay, gửi thư xin tác giả, nếu thư không thất lạc, thì thường 5-6 tháng sau mới nhận được tài liệu đó. Đó là không kể giữa cái sống và chết thời chiến tranh, mọi việc còn khó gấp trăm, gấp nghìn lần.
Giữa vô vàn khó khăn như vậy, nhiều bậc cha chú và anh chị thế hệ trước tôi, cũng như thế hệ tôi đã từng bước đi lên, hòa nhập vào cộng đồng khoa học thế giới. Để rồi không lâu sau đó, thế hệ đàn em (về mặt tuổi thôi) đã nhanh chóng vươn lên trong nhóm đỉnh cao của thế giới. Trong giới toán học, có thể kể đến (theo tuổi) Phạm Hữu Tiệp, Lê Tự Quốc Thắng, Vũ Hà Văn, Ngô Bảo Châu, Đinh Tiến Cường và nhiều người khác nữa.

Ngày nay, các bạn trẻ muốn đi theo con đường học thuật, gặp nhiều thuận lợi. Từ khi lọt lòng, nhiều em đã được bố mẹ lên kế hoạch và tạo mọi điều kiện để bồi dưỡng thành các sao, thậm chí là siêu sao. Việc được học với các thầy cô giỏi nhất của vùng ở mọi cấp học không phải là chuyện khó khăn. Kết thúc từng cấp học, kể từ Trung học cơ sở, muốn đi du học đều có người giới thiệu đến những trường tốt và thầy cô hướng dẫn rất giỏi. Không phải cảnh tù mù như ngày trước. Chuyện tiền nong thì không bao giờ có cảnh như ở đầu bài này. Nếu bố mẹ không đủ tiềm lực tài chính để bao, mà có học lực tốt, thì cũng có rất nhiều cơ hội kiếm được học bổng du học. Thông tin liên lạc thì khỏi phải nói: ngồi tại nhà cũng biết rõ từng góc phố mà mình sẽ tới nơi để học/làm việc, …. Ai đó chưa có điều kiện du học nước ngoài, thời gian học đại học, cao học, thậm chí nghiên cứu sinh trong nước, vẫn có thầy cô hướng dẫn trình độ cao – những người hướng dẫn mà rất nhiều người thế hệ chúng tôi ngay khi học ở nước ngoài cũng không có nổi. Học hoặc làm một thời gian trong nước, được giới thiệu đi nước ngoài tới những trường viện đầu ngành, một số bắt kịp được ngay với đề tài nghiên cứu ở đó. Sau khi bảo vệ tiến sĩ, có nhiều cơ hội xin việc làm ở các trường đại học, viện nghiên cứu khắp thế giới, đương nhiên trong đó có nhiều trường đại học hàng đầu ở Việt Nam luôn luôn chào đón. Cá biệt, có những người nhanh chóng thành đạt, trở thành chuyên gia xuất sắc. 
Điển hình gần đây là anh Phan Thành Nam, quê Phú Yên. Anh học phổ thông tại trường THPT Lương Văn Chánh, Phú Yên. Dù có đạt giải nhì môn Toán trong Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia (năm 2002), nhưng chưa đến mức siêu sao để được tham dự đội tuyển IMO. Anh học đại học tại Đại học Khoa học Tự Nhiên – Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh, và tốt nghiệp lúc 22 tuổi. Có nghĩa là rất chính quy! Tuy nhiên, sau đó một năm, anh nhận học bổng sang Đan Mạch làm tiến sĩ tại Đại học Copenhagen. Ba năm sau, anh bảo vệ luận án tiến sĩ Toán – Lý. Câu chuyện có vẻ không có gì đột biến. Thế nhưng, chỉ ít lâu sau, vào năm 2017, khi mới 32 tuổi, anh được nhận làm giáo sư (hạng W2) – một vị trí rất khó đạt được – tại Đại học Ludwig Maximilian Munich ở CHLB Đức. Đây là một bất ngờ lớn và tên tuổi của anh lập tức được giới Toán học Việt Nam biết đến. Đặc biệt hơn, năm 2020, GS. Phan Thành Nam là một trong 10 nhà toán học nhận được Giải thưởng của Hội Toán học Châu Âu, trao 4 năm một lần cho những nhà toán học tài năng dưới 35 tuổi có quốc tịch châu Âu, hoặc làm việc tại đó. Anh đã thực sự trở thành ngôi sao.


GS. Phan Thành Nam và GS. Mathieu Lewin, người đồng hợp tác với anh trong các nghiên cứu về khí Bose, tại Đại hội Vật lý Toán quốc tế ICMP Montreal năm 2018, sau khi GS. Phan Thành Nam nhận giải thưởng Nhà khoa học trẻ của Hội quốc tế về vật lý ứng dụng và lý thuyết (IUPAP). Ảnh: NVCC.

Những trào lưu kể trên không chỉ diễn ra trong giới Toán, mà ở tất cả các ngành nghề. Ai chẳng biết nhạc sĩ Đặng Thái Sơn hay nhà vật lý Đàm Thanh Sơn,… Hơn thế nữa, ngày nay, sau khi tốt nghiệp đại học, thậm chí sau tiến sĩ thuộc loại giỏi, không phải ai cũng muốn tiếp tục con đường hàn lâm. Đó là chuyện thường tình. Với các bạn này, khả năng lựa chọn tiếp theo còn phong phú gấp nhiều lần. Ai cũng có thể tìm ra những tấm gương sáng giá trong số những người không xa mình lắm. Có thể nói một cách ngắn gọn là các bạn trẻ hiện nay có rất nhiều cơ hội để tiến thân.

Nói như vậy, không phải không có thách thức. Ở đây tôi chỉ đề cập đến một vài thách thức đối với những bạn theo đuổi con đường hàn lâm. Thách thức dễ thấy nhất là sự cạnh tranh quyết liệt. Sự thuận lợi với mình cũng là thuận lợi với tất cả người khác trên hành tinh này. Vì vậy, khi phát hiện ra một vấn đề hay mà không tập trung sức lực vào để nghiên cứu, giải quyết, thì rất dễ bị chậm hơn người khác. Và như vậy là mất một miếng mồi ngon! 

Nhưng thách thức nghiêm trọng hơn, ít được nhận ra, đó là sa đà vào cái dễ, ngại đối đầu với thử thách. Không đối đầu với thử thách, không thể làm được việc lớn. Chuyện xảy ra khá đại trà, trong nhiều gia đình, là chuyện được bố mẹ “ôm” từ nhỏ. Hơi gặp khó một tý – dù là giải bài tập, hay bị cảnh sát phạt vi phạm luật đi đường – là đã được ông bố hay bà mẹ đứng ra “giúp”, “đỡ”. Đó là những chuyện dài nhiều tập, dông dài, lại toàn chuyện trẻ con. Dưới đây tôi muốn kể vài chuyện nghiêm túc.
Tối hôm đoàn Việt Nam tổ chức chúc mừng GS. Ngô Bảo Châu được trao Giải thưởng Fields danh giá tại Hyderabad, Ấn Độ, thầy hướng dẫn luận án – GS. Laumon – phát biểu, đại ý: biết anh Châu rất giỏi, nên đã giao anh một đề tài rất khó đề làm luận án tiến sĩ. Hơn hai năm – trong thời hạn ba năm làm nghiên cứu sinh – trôi qua, anh Châu vẫn không tìm ra cách giải quyết. Ông rất băn khoăn, vì khi hết hạn, nếu tiếp diễn như vậy, anh Châu sẽ về nước mà không có tấm bằng nào. Trong khi đó, ông thừa biết, giao cho một đề tài khác tuy khó, anh Châu có thể dễ dàng làm xong trong vòng sáu tháng. Đã có lúc lung lay, nhưng cuối cùng ông vẫn kiên quyết giữ nguyên ý định ban đầu. Bởi ông bảo, nếu thối chí, ông sẽ mất một học trò xuất sắc. Thực tế đã chứng minh ông đúng: sáu tháng trước khi hết hạn, anh Châu tìm ra cách giải quyết – và đó là bước khởi đầu làm nên sự nghiệp xuất sắc sau đó của GS. Ngô Bảo Châu.

Tôi biết một số người khi làm luận án tiến sĩ có năng lực rất tốt. Thế nhưng sau khi bảo vệ, vẫn cứ gặm nhấm mấy vấn đề tương tự. Số công bố cứ ra đều đều, cá biệt có người mỗi ngày một tăng tốc. Nhưng chất lượng thì cứ giảm. Không phải là xuống dốc không phanh để cho người đó nhận ra, tránh đi, mà nó xuống từ từ. Đến khi biết thì do đã quen với sự dễ dãi, không còn khả năng để làm vấn đề nghiêm túc nữa. Tự bản thân đã trở thành người tầm thường. Nguy hiểm hơn nữa, nó kéo theo một số sinh viên có năng lực thấy thầy nọ, thầy kia sản xuất ra nhiều bài, hướng dẫn bạn nào bạn đó cũng ra bài ầm ầm, liền cắp sách đến theo. Rồi cũng đăng bài, rồi ảo tưởng. Nhưng làm sao mà có ý tưởng trong những bài như thế? Sau một thời gian ngắn mới nhận ra thực tế phũ phàng chẳng ai coi trọng mình. Đi xin việc thành ra khó khăn. 

Nhận biết được cái dở trong thách thức trên không hề đơn giản. Thậm chí đôi khi ngược lại, có người còn biến thành một cách làm béo bở. Mấy năm gần đây, một số “chuyên gia” sản xuất bài kiểu trên được trả nhiều tiền nhờ việc đăng bài nhưng lấy địa chỉ ở nơi mình không làm việc hay cộng tác – mà có người gọi thẳng là bán bài. Ở đây tôi không bàn đến tính liêm chính trong khoa học, và cũng không hề có ý định khuyên nhủ những “chuyên gia” như vậy thôi làm chuyện đó – một việc hầu như bất khả thi. Điều tôi muốn nói với các bạn trẻ rằng đó không những không phải là con đường làm khoa học, mà cách kiếm sống kiểu dễ dãi đó không kéo dài được đâu. Trót dại lao vào chiều hướng đó là một cách làm thui chột khả năng và cơ hội của mình nhanh nhất.

Không có cơ hội thì không thể thành đạt. Nhưng không có thành công nào mà không trả bằng mồ hôi và nước mắt. Trên đường đi của mỗi người thế nào cũng xuất hiện chướng ngại vật rất lớn. Những thời điểm đó, phải kiên trì, biết dũng cảm vượt qua, thì mới đi đến đích! Tránh thách thức bằng cách đi đường vòng, vô tình đánh mất cơ hội của mình.□

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)