Đời du mục ở Ấn Độ

Cuộc sống của 80 triệu người dân du cư Ấn Độ đang bị đe dọa khi bản sắc của các tập tục truyền thống ngày càng bị thế giới hiện đại lấn át.

Ở thời quá khứ huy hoàng của mình, người Gadulia Lohar chính là những người rèn vũ khí cho các vị vua Hindu. Ngày nay, những lò rèn chỉ còn thấy ở những ngôi làng nhỏ ở Ấn Độ và chúng được dùng để chế tạo những đồ gia dụng đơn giản từ những phế thải kim loại.
Tôi tới một ngôi làng làm nghề rèn như vậy ở bang Rajasthan, nằm phía Tây Bắc Ấn Độ vào một ngày ấm áp của tháng Hai. Khi tới gần ngôi làng, đàn ông, đàn bà và cả trẻ con ùa ra, vây quanh tôi. Họ túm lấy túi đồ của tôi, xé ra và làm tung cả những bánh xà phòng tôi mang theo xuống các vũng nước bẩn. Những xoáy bọt tròn từ bên dưới nổi lên, vỡ ra rồi dạt vào gờ của các vũng nước. Ít nhất, quang cảnh đó cũng khiến một đứa trẻ lớn tuổi ngừng khóc.

Người Gadulia Lohar (tiếng Hindi gaadi, nghĩa là xe bò và lohar nghĩa là lò rèn) là trong số những nhóm người du cư được biết đến nhiều nhất ở Ấn Độ. Họ đã sống cuộc đời du cư từ hàng trăm năm, thậm chí cả nghìn năm nay. Họ nổi tiếng với những trang phục như đội mũ xếp lớn và đặc biệt rất thân thiện với lạc đà. Một số người trong họ làm nghề săn bắn và hái lượm. Số khác thì lại làm dịch vụ như buôn muối, bói toán, huấn luyện rắn, pháp sư, thầy lang… Có người thì lại làm xiếc, leo dây, nhào lộn, làm đá mài, làm nghề kể chuyện, chữa bệnh cho thú vật, làm nghề xăm mình… Các nhà nhân chủng học đã xác định được khoảng 500 nhóm người du cư ở Ấn Độ, với dân số lên tới 80 triệu người và chiếm khoảng 7% tổng số dân của đất nước hơn tỉ dân này.

Nhóm người bị thua thiệt

Những người du mục luôn là một phần của Ấn Độ. Họ sống rất hòa thuận với những người dân ở ngôi làng nằm dọc đường du cư của họ. Vào thế kỷ 19, thái độ này bắt đầu thay đổi. Giới cầm quyền Anh coi họ như là những kẻ tội phạm lang thang và đặt họ dưới sự kiểm soát của chính quyền thuộc địa. Quá trình hiện đại hóa nhanh chóng của Ấn Độ với sự hình thành các trung tâm dịch vụ (call centers) và những nhãn hiệu cuốn hút giới trẻ đã khiến những người du mục trở thành kẻ thua cuộc. Bị xé lẻ và cách biệt bởi địa vị xã hội, ngôn ngữ và vị trí địa lý, những người dân du mục đã bị các nhà chính trị bỏ quên và ít được hưởng lợi ích từ các hệ thống phúc lợi xã hội.

Chỉ riêng chuyện định nghĩa được khái niệm “du cư” đã là vấn đề đau đầu ở Ấn Độ. Nhiều nhóm du cư phù hợp với các tiêu chí mà định nghĩa đưa ra thì hiện lại đang trong tiến trình, theo các nhà nhân chủng học gọi là “hướng tới định cư” (sedentarization). Ấn Độ hiện vẫn còn là một xã hội phân tầng rõ rệt trong đó khi con người sinh ra thường được coi là gắn liền với số phận. Do đó, dù có sống cuộc đời du mục hay không, nhóm người du cư thường gắn liền với khái niệm đói nghèo và sống bên lề, trong quá khứ và cả hiện nay.
Đối với những người vẫn tiếp tục cuộc sống du mục, phần lớn các giải pháp mà các nhà hoạt động nhân quyền đưa ra là cung cấp cho họ một mái nhà để họ sinh sống, hoặc ít nhất là có một địa chỉ để họ có thể dễ dàng hơn trong việc tiếp cận những phúc lợi xã hội hay cho con đi học. Nhưng những cố gắng đó lại gặp sự phản kháng quyết liệt từ những người dân làng hoặc chính quyền khu vực. Những người luôn coi họ là những kẻ sống bên lề xã hội. Nhưng câu hỏi chính vẫn là: Liệu những người du cư có muốn dừng cuộc sống du mục của họ để tiếp tục tồn tại?

Cuộc sống khốn khó


Cuộc sống của người Lohar gắn liền với chiếc xe kéo (mái nhà của họ) và bếp lò rèn (dụng cụ để kiếm sống)

Sau vụ om xòm liên quan đến xà phòng, sự xuất hiện của tôi ở đây không làm mọi người chú ý nhiều nữa. Ngày hôm sau, khu trại của người du mục hoàn toàn im ắng, ngoại trừ những tiếng động thỉnh thoảng vọng đến từ phía lò rèn. Khói tỏa ra từ phía lò rèn bằng đất nung xấu xí. Những người phụ nữ hướng về những ống bễ làm bằng da dê trong khi những người đàn ông và những đứa trẻ nện búa vào những mảnh phế thải kim loại hoặc những chiếc đe nhỏ, biến chúng thành những chiếc thìa làm bếp, những chiếc rìu hai đầu và các vật dụng đơn giản khác.

Người phiên dịch và tôi đếm được 23 người trong các gia đình Lohar, họ có họ hàng huyết thống với nhau. Họ cùng người thân đến đây trong 5 chiếc xe bò, làm từ gỗ keo và gỗ tếch, trang trí bằng những hình chạm khắc hoa sen, tán bằng những đinh đồng thau và các hình chữ vạn Hindu. Tất cả dường như dừng hết công việc lại khi nhận thấy chúng tôi, một số người trong số họ còn có dấu hiệu thù địch. “Khi muốn nói hoặc làm điều gì thì họ viết nó ra”, người phiên dịch giải thích. Nhưng cũng có một số người có vẻ chào đón sự có mặt của chúng tôi. Lallu và Kailashi là một cặp vợ chồng cỡ 40 tuổi-bạn chỉ có thể đoán tuổi của người Lohar qua hình dạng bên ngoài. Họ có 4 con Lallu, mặc một cái khố bằng vải cotton cáu bẩn,  trông có vẻ nhỏ bé và dẻo dai. Ông đeo những chiếc hoa tai bằng vàng có hình quả đậu và một sợi bùa lủng lẳng trên cổ. Kailashi có thân hình mảnh dẻ, mắt hõm, xương ức xăm những hình như huy chương và nước da tai tái hiện ra sau chiếc khăn quàng màu tía. Cả hai đều có răng rất xấu và chốc chốc lại bảo thợ ngừng tay để hút những điếu thuốc lá cuốn bằng tay, rẻ tiền.

Kailashi có vẻ bối rối vì vụ lộn xộn tranh cướp xà phòng. “Tôi nghèo nhưng tôi vẫn còn lương tâm. Những người đó đã mất hết lương tâm rồi”, bà nói.
Đứa con lớn nhất của bà, Kanya với lấy cái võng làm bằng dây thừng và mời tôi ngồi. Tầm khoảng 20 tuổi, Kanya trông rất nhanh nhẹn và xinh xắn với gò má cao và lông mày được nhổ rất cẩn thận. Cô bé cũng có tính cách mạnh mẽ. “Thôi ngay cái kiểu du côn ấy đi”, cô rầy la một đứa em trai khi nó cứ quấy rầy, xin xỏ tôi. Kanya vừa bỏ người chồng, hay ngược đãi và quay lại với gia đình bố mẹ đẻ.

Quá khứ hào hùng

Tôi hỏi Lallu xem anh từ đâu đến, với hy vọng anh ta nói nơi sinh của mình, hoặc ít nhất thị trấn nơi gia đình của anh cắm trại vào mùa hè, khi thời tiết quá nóng để di chuyển. Thay vào đó, anh ta lại nói đến một nơi mà anh chưa bao giờ tới.

“Chittaurgarh”, anh ta nói. Và rồi anh ngẩng đầu lên như một dấu hiệu chào hỏi.

Chittaurgarh là một pháo đài lớn bằng đá nằm tại cao nguyên ở phía Nam Rajasthan. Được xây dựng từ thế kỷ 7, Chittaurgarh là thủ phủ của Mewar, một vương quốc hùng mạnh của những chiến binh Hindu thượng đẳng, thường được gọi là Rajputs. Người Lohar cũng chính là người Rajputs, theo lời truyền miệng của tổ tiên để lại. Họ phục vụ vương quốc với tư cách những người làm vũ khí. Nhưng vào năm 1568, Akbar, vị hoàng đế vĩ đại người Mogul đã chiếm đóng Chittaurgarh và người Lohar đã phải bỏ nơi này để chạy trốn.


Người du mục Nat thì hành nghề bằng các trò biểu diễn xiếc, đi thăng bằng trên dây, nhào lộn…

Xấu hổ, họ bắt đầu cuộc sống lang thang, vô định và ép xác, thề sẽ không bao giờ nghỉ quá một đêm tại bất cứ một ngôi làng nào, không thắp đèn khi đêm xuống và chỉ sử dụng dây thừng để múc nước giếng. Những lời thề đối với họ như lời nguyền rủa (họ cũng thề là không bao giờ nằm trên những giường tiện nghi, di chuyển trên những chiếc võng lật ngược, tất cả để chứng tỏ sự khổ hạnh như lời nguyền từ xa xưa).

Mặc dầu vậy, họ vẫn cần phải kiếm sống. Họ sử dụng các kỹ năng của nghề làm sắt để chế tạo ra các đồ vật cho hoạt động bình thường của người dân. Đồ làm bếp và dụng cụ nông nghiệp mà họ làm ra nổi tiếng là bền, vì vậy vào trước thời kỳ hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập thị trường, đồ của người Lohar được người tiêu dùng ưa chuộng và rất đắt khách.

Thành kiến của xã hội

Ấn Độ đã từng có hàng đoàn nhân công như vậy đi lang bạt khắp nơi. Rất nhiều người trong số đó đã được một công chức người Anh, Denzil Ibbetson miêu tả chi tiết trong một bản báo cáo vào năm 1883, dựa trên các dữ liệu điều tra dân số ở vùng Punjab thời đó. Trong số họ có người Qalandari (dạy thú rất giỏi, thí dụ như gấu, khỉ và một số loài thú xiếc khác), người Nat (chuyên các mánh nhào lộn và bị coi là thuộc tầng lớp dưới), người Gagra (làm nghề thuốc) và người Kanjar (chuyên chữa các bệnh mụn, nhọt). “Họ quả là những người khó chơi, chúng tôi đã cố gắng nhưng rất khó tiếp cận được với họ”, Ibbetson kết luận.


Một bé gái du mục người Lohar

Quan sát của Ibbetson phản ánh các thành kiến ngày nay và cũng là quan niệm phổ biến trong đầu của người Anh – đặc biệt về người da màu Romany mà người ta hay gọi là Gypsies-rằng người du mục là những kẻ trụy lạc. Những quan niệm như vậy nhanh chóng được chuyển về lục địa. Năm 1871, nhà cầm quyền thuộc địa đã thông qua một đạo luật có tên Đạo luật chống Bạo lực du mục, trong đó xác định khoảng vài chục nhóm dân du mục như là những tội phạm nguyên thủy. Các gia đình du mục được yêu cầu phải đăng ký với cảnh sát và hàng nghìn đàn ông, đàn bà và trẻ con đã bị ép dồn vào các trại tập trung, một số trại do quân đội quản lý. Đây là những chi tiết được viết trong cuốn sách Dishonoured by History (Bôi nhọ lịch sử) của nhà xã hội học Meena Radhakrishna người Ấn Độ.

Sau khi độc lập vào năm 1947, bộ luật này đã được thay thế bởi các biện pháp bớt hà khắc hơn ghi trong Đạo luật Tội phạm Thông thường (Habitual Offenders Act), nhưng vết nhơ của nó thì vẫn còn đó. “Tôi chẳng bao giờ hình dung được rằng hậu duệ của các cộng đồng nói trên vẫn bị nhìn nhận với các thành kiến như vậy. Không phải họ không muốn trở thành một bộ phận của xã hội mà họ đã không được phép làm như vậy”, Radhakrishna nói.

Những nỗ lực tái định cư

Người phụ nữ chuẩn bị bữa tối. Với chiếc chày và cối, Kailashi giã hạt tiêu để chuẩn bị cho món rau hầm, trong lúc Kanya nấu món chapatis, món mỳ độc đáo của Ấn Độ trên bếp lửa. Đêm đang đến, vì vậy họ phải nhanh tay làm việc hơn bởi buổi tối là lửa bị cấm. Người Lohar đã đến ngôi làng này vài hôm trước và không biết họ sẽ còn ở bao lâu nữa. Điều đó phụ thuộc vào công việc họ có ở làng này. Một trong số họ nói trong khi ngoảnh đầu về phía một con bò mộng đứng gần đó: “Chả có nhiều khác biệt gì về cuộc sống của tôi với con bò kia. Nó cần thức ăn và chúng tôi cũng thế”.


Trong truyền thuyết, người Lohar là những thợ rèn vũ khí cho nhiều đời vua Ấn Độ, còn giờ thì sản phẩm rèn của họ là những vật dụng gia đình thông thường, rẻ tiền nhưng có chất lượng rất tốt

Gắn mảnh đời với chiếc xe bò kéo, tương lai của người Lohar là một câu hỏi chưa có lời giải đáp

Đúng là khó có thể tranh luận với kiểu so sánh như vậy. Người Lohar chẳng bao giờ đến trường. Họ an phận với các đồng cỏ và tối thì ngủ dưới ánh trăng, sao. Vào lúc có gió mùa, họ tập trung các xe bò lại với nhau, buộc các tấm bạt bên ngoài thành bức tường chắn gió. Họ chưa bao giờ nghe thấy nước Mỹ. Khi lần đầu tiên tôi đến, Kanya đoán tôi, mặc dù nước da trắng, là một người từ Jaipur, thành phố thủ phủ của bang nằm cách đó 40 dặm (gần 65 cây số) đến. “Ahhh, ông đến bằng một cheel gaadi”, cô thốt lên khi nghe tôi giải thích về chiếc máy bay. Cheel Gaadi trong tiếng của người Lohar có nghĩa là chiếc xe bò bay.

Cũng như các nhóm du mục khác, người Gadulia Lohar luôn là mục tiêu cho những nỗ lực tái định cư. Năm 1955, Jawaharlal Nehru, vị Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ trong bài phát biểu của mình ở Chittaurgarh đã nhấn mạnh rằng danh dự của những người thợ lò rèn đã được khôi phục với việc Ấn Độ giành được chủ quyền và ông kêu gọi họ chấm dứt cuộc đời lang thang. Hàng ngàn người đã tới pháo đài bằng xe bò và xe lửa để chứng kiến buổi lễ. Sau đó họ được mời đi qua chiếc cầu rắc đầy cánh hoa hồng. Một ngôi trường nội trú đã được thành lập ngay gần đó, dành cho các cậu con trai người Lohar. Những kế hoạch xây dựng nhà ở và tạo công ăn việc làm cũng đã được đưa ra.

Nhưng các sáng kiến dường như chẳng thể đi vào thực tế được. Một khu định cư dự kiến là nơi các thợ lò rèn được học cách làm nông nghiệp đã bị huỷ bỏ sau cái chết của hai cô gái vì bệnh tật. Người Lohar cho rằng đây là một lời cảnh báo cho những người vi phạm truyền thống. Những chương trình khác thất bại bởi vì nạn tham nhũng hoặc do việc lập kế hoạch kém.

Năm 2005, Quốc hội Ấn Độ đã thành lập một ủy ban tạm thời để giải quyết tình trạng khó khăn của người Lohar. Chủ tịch ủy ban, ông Balkrishna Renke, thực sự là người duy nhất thích hợp cho công việc: sinh ra trong một nhóm ăn mày người Lohar, ông đã trải qua thời thơ ấu lang thang khắp các làng ở miền Tây Ấn Độ, hát rong để xin cơm, trước khi ông được một tổ chức từ thiện thu nhận và dạy học.

Đối với Renke, mục tiêu rất rõ ràng. “Nếu họ muốn có quyền công dân, được giáo dục và tham gia vào tiến trình hiện đại, họ phải giải quyết vấn đề của chính họ”, ông nói. Renke không phải là con người ảo tưởng về quy mô của các thách thức. Ấn Độ còn yếu kém nhưng việc mở rộng hệ thống an sinh xã hội từ lâu đã được coi là cách để khắc phục sự bất bình đẳng trong các đẳng cấp xã hội. Bởi vì dân du mục vốn tản mát trong nhiều đẳng cấp khác nhau, họ ít được chú ý bởi các nhóm lợi ích. “Không có tổ chức, không có người thức tỉnh, họ là những người không có tiếng nói trong xã hội”, Renke nói.

Bản sắc truyền thống
Sau một tuần sống trong nhóm người Lohar, tôi đã bắt đầu hiểu một lý do: Họ thực sự không phải là những người dễ sống. Ngay từ đầu tôi xác định rõ rằng tôi sẽ không cho họ tiền, tôi đã cố gắng lấy được thiện cảm của họ bằng cách đưa cho họ những món quà nhỏ, thí dụ như các bao đậu lăng, bột mì hoặc chai (gia vị trà) mà tôi thường mua từ một nhà cung cấp gần đó. Nhưng có vẻ điều này không bao giờ đủ. Kartar, anh trai của Lallu, thường xuyên nài nỉ xin tôi kalakand, một loại bánh sữa, và hờn dỗi khi tôi làm điều đó. Vợ ông, Pooni, cũng liên tục van lơn với tôi: “Hãy cho tôi tiền để mua chai!”. Cô nói như thể một lời chào buổi sáng hay vào bất cứ khi nào tôi nhìn thấy cô ấy. Cô còn giật cái áo rách rưới của mình hoặc báo hiệu muốn được hút bidis (một loại thuốc lá của người nghèo Ấn Độ) bằng cách giơ hai ngón tay lên môi cô ấy. Tôi đã học được cách lờ cô ấy đi khi tình cờ gặp mặt.

Tất nhiên, tôi không thể giúp đỡ được họ nhưng tôi vẫn cảm phục người Lohar. Họ là những người thợ có kỹ năng và làm việc chăm chỉ. Họ đáng ra phải được hưởng các thành quả xứng đáng với những điều họ đã làm ra. Vào một buổi chiều xám xịt, có một người phụ nữ với mái tóc màu xám từ ngôi làng gần đó tới để mua một chiếc muỗng. “Tôi phải tính giá cao hơn vài rupee vì đồ của tôi làm ra có chất lượng rất tốt”, Kartar nói. Ngồi dưới bóng râm của một cây neem, ông nung một thanh sắt đến khi nó nóng rực rồi đặt lên cái đe, và Pooni thì cầm búa tạ thì choãi chân nện thật lực vào thanh sắt. Khi thanh sắt dẹt đi và dễ uốn hơn, Kartar dùng một chiếc búa nhỏ hơn để đập và uốn thành hình một chiếc thìa dài, với cái miệng lõm bóng láng. 


Một gia đình du mục với chiếc xe kéo tay

Ông tiếp tục giũa thêm cho cạnh chiếc thìa mịn rồi đưa cho người phụ nữ một cách rất nâng niu và trịnh trọng: “Này bà, hãy cầm lấy”. Đổi lại, ông nhận 30 rupee (khoảng 12.000 đồng).

Những người Lohar nâng niu nghề truyền thống bởi họ muốn giữ gìn bản sắc của chính mình. Những đứa trẻ từ khi còn rất bé đã được nghe câu chuyện về Chittaurgarh và khi chúng khóc, chúng thường được dỗ nín với những câu mệnh lệnh như: “Đừng khóc nữa, hãy xứng đáng là một người Lohar”. Arjun, con trai của Kartar có thể là bằng chứng sống cho một niềm tự hào như vậy. Vào lúc 10 tuổi, cơ thể của cậu đã phổng phao, mạnh khỏe, báo hiệu một nhà vô địch đấu vật trong tương lai. Cậu luôn vui vẻ và dẻo dai khi quai búa, và hầu như không bao giờ mệt mỏi khi cha cậu hét lên: “Mạnh hơn, nhanh hơn nào”.

Đã vài lần, tôi hỏi những người Lohar ở đó rằng bao giờ họ sẽ đi chỗ khác, câu trả lời bao giờ cũng vậy: “Ngày mai”. Cuối cùng thì “ngày mai” đó cũng đã đến. Một buổi sáng, khi tôi có mặt tại địa điểm của khu trại, tôi thấy họ đang sắp xếp những chiếc xe bò. Dụng cụ làm nghề của họ được xếp trong các ngăn hàng, những con bò được đóng vào xe, những bộ phận của giường, lều, các ống thổi bếp đen kịt và các thành viên bé nhất, ốm yếu nhất được huy động ra để đi cạnh chiếc xe bò. Cuối cùng, với những tín hiệu qui ước không thành lời, những chiếc caravan cũ nát tròng trành nối đuôi nhau tiến về phía trước. Tiếng bánh xe sắt nghiến vào mặt đường kêu ken két. Trên đường, những chiếc xe máy hoặc xe jugard (xe cá nhân tự tạo chạy dầu diesel) đang chạy bon bon vội vàng nhường đường khi các xe của người Lohar trờ tới. Họ chậm rãi đi qua những cánh đồng mù tạt và lúa mì vụ đông.

Quang cảnh trông chẳng thơ mộng chút nào. Rõ ràng, đó là hình ảnh di động của một bộ lạc bị quên lãng. Giữa những chiếc xe máy “made in India” và những tòa cao ốc màu vàng trắng trông như những chiếc lò vi ba, người Lohar dường như bị chìm nghỉm và khó có thể nhận biết được họ chính là hậu duệ của các thợ thủ công Rajput lừng danh đã từng chạy trốn khỏi Chittaurgarh cách đây gần nửa thiên niên kỷ. Họ sẽ giữ lại được điều gì trong di sản của cha ông họ để lại từ thời Trung cổ nếu như họ ngừng cuộc sống lang thang vô định của mình và gia nhập vào dòng chảy của xã hội? Có thể họ sẽ đánh mất tất cả về mặt văn hóa và truyền thống.

Có vẻ như đó là cái giá rất đắt mà họ sẽ phải trả. Người Lohar mà tôi gặp ở bất cứ đâu đều giữ chặt bản sắc du mục của họ. Phần lớn những người trong số họ đều nói rằng họ không thể sống ngoài chiếc xe bò của họ, đơn giản bởi họ không hề có sự lựa chọn nào khác.

Mong muốn nhỏ nhoi

“Tôi sẽ là người hạnh phúc nhất thế giới nếu tôi có được ít đất và một ngôi nhà”, một đêm, Lallu đã nói với tôi như vậy. Kanya cũng vậy, cô nức lòng khi nghe về những tiện nghi của ngôi nhà mà cô chưa hề biết đến. Mong mỏi của họ quả là điều dễ hiểu.

Ngay cả ở ngôi làng Rajasthan nhỏ xíu, người ta cũng dễ dàng nhận thấy dấu hiệu chuyển đổi của nền kinh tế Ấn Độ, nơi rất nhiều khách hàng của người Lohar đã sở hữu những chiếc điện thoại di động và những chiếc ăng ten chảo xuất hiện ở những nông trại lớn. Nhưng người Lohar thì chẳng thể có được những thứ này dù trong tiềm thức của mình, họ cũng muốn thừa hưởng một phần của sự thịnh vượng này.

Hơn thế nữa, nhận thức của họ cũng đã được gia tăng. Như nhiều nhóm du mục ở phía Bắc Rajasthan, người Lohar đã được các nhà hoạt động địa phương khích lệ để nộp đơn xin đất và nhà tới các hội đồng quản lý địa phương. Việc cung cấp nhà, đất không chỉ là để tạo chỗ ở cho họ, mà còn giúp các nhà quản lý hành chính có địa chỉ cần thiết cho các cung ứng phúc lợi xã hội, thí dụ như các khoản tài trợ dầu ăn, chăm sóc y tế miễn phí, vốn cực kỳ khó khăn đối với những người du mục.


Chittaurgarh, pháo đài đá lớn của các chiến binh Rajputs, tổ tiên của người Lohar bây giờ

Nhưng cho đến nay, các nỗ lực của họ gần như chẳng thu được kết quả gì cả. Các quan chức nơi người Lohar đã nhiều lần nộp đơn xin đất nói rằng họ không còn đất để cho nữa. Và rằng dù họ có đất, họ cũng chẳng tin là người Lohar sẽ lấy những mảnh đất đó. “Họ là những người không muốn định cư, họ thích sống cuộc đời lang thang trên các nẻo đường”, một viên chức địa phương nói với giọng thô bạo.

Phản ứng tương tự như vậy cũng đã diễn ra ở Thana Ghazi, một địa điểm cách Jaipur gần 100 cây số về phía Bắc. Các viên chức địa phương đã cung cấp những mảnh đất cho hơn một chục hộ người Lohar tại một con đường nhộn nhịp của thị trấn. Những người thợ lò rèn đã ở trong các ngôi nhà một phòng, xe ngựa và lò rèn của họ để trước cửa. Nhưng chỉ 5 năm sau, thị trấn đã bị cắt điện và ngay cả việc xây dựng một nhà vệ sinh chung cũng đã bị từ chối.

Người pradhan (tỉnh trưởng), khẳng định rằng ông ta phản đối việc cung cấp các dịch vụ cho khu định cư vì ông không nghĩ rằng người Lohar được phép định cư ở nơi đó, lại vào một vị trí đắc địa như vậy. Nơi đó rất gần một khu nội trú nữ và một trường trung học, ông giải thích và tốt hơn là họ dời nơi ở xuống một địa điểm ở bên ngoài thị trấn.

Vài ngày sau khi tôi yêu cầu mở điện lại, các công nhân đã tới khu định cư để bắt đầu nối dây điện. Một số người dân của thị trấn đã không hề che dấu sự thù địch của họ. Khi tôi rời khu định cư vào một buổi chiều với một nhân viên từ thiện, ba nam thiếu niên đã hét lên hỗn láo từ mái của trường trung học kề đó” “Ông muốn làm gì cho chúng? Chúng là những kẻ du mục và mãi mãi cũng chỉ là những kẻ du mục”.

Hiểu lầm đáng tiếc

Lúc đó là đầu tháng Ba, vụ xuân đã gần được thu hoạch hết quanh khu vực Lallu và Kailashi cùng gia tộc của họ sống. Những cánh đồng lúa mì vàng rực rỡ dưới ánh nắng ngày càng nóng rực của Mặt trời. Tại khu cắm trại gần một ngôi làng mới, người Lohar tìm các bóng mát làm nơi ẩn nấp cho những chiếc xe bò và chính bản thân họ.

Mùa xuân thường là thời kỳ tràn đầy hy vọng tại khu làng Rajasthan, nhưng đối với Kanya, đây lại là thời gian của sự khốn khổ, sợ hãi. Cha mẹ cô đã quyết định sau mùa lễ Akha Teej của người Hindu vào tháng Tư, cô phải trở về sống với người chồng và gia đình của anh ta. “Hắn là một thứ súc sinh”, cô nói với tôi. Cô cũng kể rằng anh ta và mẹ anh ta luôn bắt cô làm việc quần quật cả ngày với cái ống thổi và anh ta sẽ đánh cô khi cô không chịu làm. “Tôi chẳng thể làm được gì cả, nếu tôi tiếp tục sống ở đó, tôi sẽ tiếp tục phải chịu đựng. Phải chăng đó là số phận!”, cô than vãn.


Từ năm 1955, Jawaharlal Nehru, vị Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ đã kêu gọi những nhóm người du mục ngừng cuộc sống lang thang, nhưng giờ thì họ vẫn chưa thể định cư được vì nhiều lý do khác nhau

Sự bất lực của Kanya là sự hòa trộn của phái yếu, cộng với thứ hạng thấp kém của người Lohar, vốn thường bị miệt thị và thành kiến ở vùng nông thôn Ấn Độ. Một buổi chiều, tôi đã tới khu cắm trại và biết được rằng ngày hôm trước đó, những người theo nhóm RSS (Rashtriya Swayamsevak Sangh), nhóm theo chủ nghĩa dân tộc chính ở Ấn Độ đã đến thăm những người Lohar. Những người theo phái cực đoan của nhóm đã phát hoảng khi thấy sự có mặt của tôi và cho rằng tôi là một nhà truyền đạo Thiên chúa giáo. Họ dọa sẽ đánh tôi. Những người Lohar sợ quá và đã cầu xin tôi để rời đi chỗ khác.

Khi tôi giải thích rằng mình chỉ là nhà báo chứ không phải nhà truyền giáo, các công nhân thuộc RSS đã xin lỗi và thậm chí còn theo tôi đến gặp người Lohar. Còn những người Lohar thì đã chuyển nơi dựng trại đến hai lần, đến một đồng cỏ hoang ở ngoại ô của một ngôi làng khác. Những người RSS kêu gọi dân Lohar hợp tác nhưng quan hệ giữa tôi và những người thợ rèn đã không thể hồi phục lại như trước.

Họ luôn cảnh giác bởi họ ít thấy những lý do để tha thứ cho tôi sau sự cố với những người thuộc RSS. “Ông cho chúng tôi một ít bột nhưng lại viết rất nhiều, Hãy đi đi, chúng tôi đã ngán ông lắm rồi”, Karta nói.

Một buổi chiều, tôi lái xe ra khỏi Jaipur với một hy vọng hòa giải cuối cùng. Thật không may, Lallu và Kailashi đã không có ở đó để hỗ trợ. Họ đã bắt xe buýt đi thủ phủ Rajasthan để kiếm nơi điều trị bệnh ho và sốt mãn tính của bà. Những người khác thì chẳng thèm nói chuyện với tôi, thậm chí có người còn quay lưng lại khi thấy tôi tiến đến. Tôi đưa ra lời gợi ý và quay lại chiếc xe của mình. “Đừng quay lại nữa”, Kartar hét lên.

Trước khi lái xe đi, tôi ngoảnh lại nhìn những người Lohar lần cuối. Công việc kinh doanh của họ đã khánh kiệt và các lò rèn thì lạnh giá vì không có khách. Có thể ngày mai, hay một ngày sau đó nữa, họ sẽ lên những chiếc xe bò và tiếp tục hành trình, như họ đã làm rất nhiều lần trước đây. Nhưng giờ nhìn họ thật bơ phờ và mệt mỏi. Nhìn họ như những du khách đã đi đến tận cùng của con đường.

Hoàng An dịch từ National Geographic
———————–
* John Lancaster từng là Trưởng văn phòng khu vực Đông Á của tờ Washington Post

Tác giả

(Visited 18 times, 2 visits today)