Đón đọc Tia Sáng số 22 tháng 11/2024

Một số báo đa sắc thái và đa nội dung thông tin đang chờ đón bạn đọc!

Nhìn lại một năm vừa qua, thật hiếm hoi có một số báo nào của chúng tôi vừa đa sắc lại vừa nhẹ nhõm như vậy. Không nghi ngờ gì nữa, những gì chúng tôi nỗ lực chuẩn bị cho một số báo như vậy đã có thành quả. Bởi lẽ, sau rất nhiều những lo âu về biến đổi khí hậu, thiên tai địch họa, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, đổ vỡ ngân hàng, hệ lụy của tự chủ giáo dục, lo ngại về sự thống trị của công nghệ, mất mát di sản…, chúng ta có những khoảng lặng để ngồi lại ngẫm nghĩ và “nhâm nhi” từng chủ đề, nội dung thú vị.

Bởi lẽ “Cấm AI khi nào” mà giáo sư Neal Kobblitz viết riêng cho Tia Sáng đem lại cho chúng ta một cái nhìn khác về AI, sau khi các công cụ được xây dựng dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT đang “làm mưa, làm gió” trên nhiều địa hạt của thế giới và cả Việt Nam. Tại sao chúng ta không nên lạm dụng AI, đặc biệt với các khóa học? “Tôi muốn sinh viên của mình tư duy sâu sắc và suy tính cẩn trọng khi viết lách. Một AI thì không thể sâu sắc và suy tính cẩn trọng”, xuất phát từ mong muốn như vậy nhưng trong quá trình dạy, ông lại phát hiện ra sinh viên đạo văn từ AI, do “ngữ pháp của AI quá hoàn hảo… nhưng AI không thể đưa ra lý giải về lỗi ngụy biện đồ vật hóa”.

Câu chuyện của giáo sư Kobblitz khiến chúng ta nhìn rộng ra về những lĩnh vực chịu ảnh hưởng của việc lạm dụng AI ngoài trường đại học như các chiến dịch tranh cử, truyền thông. Những nhận xét đầy xác đáng và mang tính dự báo của ông khiến chúng ta vừa cười ra nước mắt, vừa cảm thấy vững tin cho tương lai “Niềm tin đó khó mà đạt được nếu các nhà báo chỉ là các AI với các chip máy tính với thiên hướng huyễn hoặc chứ không phải là con người với bộ não”.

“Mọi con người, về bản chất, đều khao khát kiến thức”, nhà triết học Hy Lạp Aristotle từng nói như vậy. Tuy nhiên không phải lúc nào, chúng ta cũng có đầy đủ các điều kiện để học hỏi và nghiên cứu ở môi trường quốc tế. Trong “Trung tâm vật lý lý thuyết quốc tế Abdus Salam: Một cơ hội quý báu cho Việt Nam”, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, một trong hai nhà khoa học giành giải thưởng Tạ Quang Bửu 2024, đưa đến một câu chuyện mà không phải ai cũng biết, đó là nhờ có một môi trường kết nối quốc tế và làm khoa học đỉnh cao như vậy mà nhiều nhà khoa học ở các nước thứ ba như Việt Nam đã có điều kiện theo đuổi con đường nhọc nhằn này. Xen kẽ giữa những khái quát về một trung tâm được hình thành từ nỗ lực của nhà khoa học đoạt giải thưởng Nobel là câu chuyện của chính TS. Kim Thanh, giữa những băn khoăn thường nhật “cơm áo gạo tiền” và việc theo đuổi giấc mơ vật lý Kondo điện tích.

Đây chỉ là hai nội dung, hai câu chuyện nhẹ nhõm mà sâu sắc, tưởng chỉ là suy nghĩ mang tính cá nhân nhưng lại hàm chứa những góc nhìn về nghề nghiệp và cuộc sống một cách thấm thía.

Nhưng thú vị đâu chỉ quy tụ trong đó. Ở từng trang, chúng ta đều có thể tìm thấy những giá trị và những niềm vui mới: “Mô hình kinh doanh sáng tạo trong kinh tế biển: Những niềm hy vọng” (Nguyễn Đặng Tuấn Minh); “Chiplet: Cơ hội từ khúc cua mới của ngành bán dẫn?” (Thu Quỳnh); “PUBPEER: Sáng kiến vị khoa học hay chiến trường ẩn danh?” (Ngô Nguyễn Thảo Vy); “Abdus Salam – Vinh quang và khổ nạn” (Anh Vũ tổng hợp); “Những kỷ niệm về Abdus Salam” (Thanh Nhàn lược dịch); “Biết viết và không biết viết” (Đình Phong dịch); “Đã sống là mắc lỗi” (Tuệ Tâm dịch); “Hiện vật hiếm kể về phụ nữ thời Trung cổ” (Tô Vân tổng hợp); “Lee Chang Dong, sự thống nhất về phong cách hiện thực trong phim” (Lê Đình Tiến); “Culi không bao giờ khóc & tiếng chưa nói lên” (Vũ Ánh Dương); “Fritz Wunderlich: Trong ngôi đền của những huyền thoại” (Duy Quang).

Vậy thì tại sao chúng ta không đọc Tia Sáng số này?

BBT Tia Sáng

———————————————————

Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang

Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:

Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội

TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)