Hà Nội: Các nguồn nhân sinh đóng góp nhiều vào hạt bụi PM2.5 

Từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau là giai đoạn ô nhiễm không khí ở Hà Nội lên tới đỉnh điểm. Tuy nhiên, hạt bụi PM2.5, yếu tố góp phần làm suy giảm chất lượng không khí, chính xác từ những nguồn gì? Một nghiên cứu của các nhà khoa học ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội và các đồng nghiệp Pháp giúp chúng ta hình dung một phần thông tin quan trọng.

Các nguồn đóng góp vào hạt bụi PM2.5 ở Hà Nội.

Các sol khí trong khí quyển là những phần hỗn hợp phức tạp của các hạt bụi và khí do các nguồn tự nhiên và hoạt động nhân sinh phát thải một cách trực tiếp và gián tiếp vào khí quyển. Trong số các thành phố nhiệt đới, Hà Nội vẫn được coi là một trong những thành phố ô nhiễm không khí bậc nhất. Là một trung tâm chính trị kinh tế văn hóa của đất nước, Hà Nội có những khu công nghiệp tập trung, giao thông vận tải phát triển, tốc độ đô thị hóa cao, mật độ dân số lớn… Đặc biệt, giao thông đường bộ, các nguồn đốt rơm rạ, chất thải, các hoạt động công nghiệp và hoạt động của nhà máy nhiệt điện than đã phát thải một lượng lớn ô nhiễm vào bầu không khí của thành phố. 

Sự kết hợp của vị trí địa lý và chế độ khí hậu gió mùa cận nhiệt đới càng làm khuếch đại những vấn đề về chất lượng không khí của Hà Nội. Rất nhiều nghiên cứu đã cho thấy, giai đoạn mùa đông và mùa xuân thường gắn liền với giai đoạn chất lượng không khí xấu nhất trong năm. Do hạt bụi PM2.5 đã được cảnh báo là có hại cho sức khỏe con người nên ở Việt Nam, nhiều năm qua đã có nhiều nghiên cứu về hạt bụi này. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng vẫn cần những thông tin mới về đặc điểm của hạt bụi để nhận diện các nguồn chính gây ô nhiễm không khí. 

Trong nghiên cứu này, họ đã sử dụng mô hình nhân tố ma trận dương (Positive Matrix Factorization PMF), một mô hình toán học để phân tích dữ liệu là các mẫu bụi thu được từ tháng 9/2019 và tháng 12/2020 rồi đánh giá sự đóng góp của các nguồn phát thải khác nhau. 

Kết quả cho thấy, nồng độ bụi PM2.5 dao động từ 8,3 đến 148 μg m−3, trung bình hằng năm từ 40,2 ± 26,3 μg m−3. Như vậy nồng độ bụi trung bình của PM2.5 cao gấp đôi ngưỡng trung bình quốc gia về chất lượng không khí quốc gia QCVN/02 (2013) và vượt qua mức hướng dẫn của WHO. 

Có chín nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng không khí ở Hà Nội: giao thông trực tiếp, đốt sinh khối, đốt than, sản xuất công nghiệp, tiêu thụ dầu mazut/dầu FO (nhiên liệu đốt lò trong công nghiệp nồi hơi, lò nung, lò đốt dạng bay hơi, dạng ống khói…), vận chuyển đường xa, sản xuất công nghiệp giàu clo đường xa, bụi sinh học và bụi khoáng sơ cấp và thứ cấp. Trong số này, các nguồn nhân sinh đóng góp vào nồng độ hạt bụi nhiều nhất, bao gồm sử dụng dầu FO 25.3 %, đốt sinh khối 20 %, giao thông 7,6 % và sol khí vận chuyển tầm xa 10.6 %). 

Tuy đóng góp trung bình của đốt sinh khối – liên quan đến đốt rơm rạ sau mùa vụ, một cách làm phổ biến ở nhiều vùng nông nghiệp – là 20 % nhưng trong những tháng mùa đông, con số này lên tới 51 %. Trong khi đó, lượng ô nhiễm từ các nhà máy nhiệt điện than (có nhiều nhà máy nhiệt điện than cách Hà Nội 200 km) cũng gia tăng theo mùa, với phát thải cao hơn trong mùa đông và thấp hơn trong mùa hè do liên quan đến nhu cầu năng lượng trong những tháng mùa đông. Phần đóng góp vào ô nhiễm của giao thông tại chỗ cũng ổn định, thông thường có nồng độ cao hơn vào tháng 8 và 9, trong thành phần ô nhiễm chủ yếu là đồng. 

Một trong những phát hiện quan trọng của nghiên cứu này là lần đầu tiên xác định tiềm năng tạo ra chất chống ô xy hóa của hạt bụi (OP). Kết quả chứng tỏ các nguồn liên quan đến OP của hạt bụi đều liên quan đến hoạt động nhân sinh, đó là đốt dầu FO, đốt sinh khối và giao thông tại chỗ.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, tác động của các nguồn nhân sinh đến sự hình thành hạt bụi PM2.5 cho thấy cần có những chiến lược cải thiện chất lượng không khí ở Hà Nội để đem lại những lợi ích sức khỏe dài hạn cho cư dân thông qua giảm thiểu các nguồn đốt nhiên liệu hóa thạch (giao thông), đốt nhiên liệu rắn (nhiệt điện than), đốt sinh khối (đốt rơm rạ, chất thải), đốt dầu FO… 

Kết quả được nêu chi tiết trong bài báo “Disentangling fine particles (PM2.5) composition in Hanoi, Vietnam: Emission sources and oxidative potential”, xuất bản trên tạp chí Science of The Total Environment.

Bài đăng Tia Sáng số 22/2024

Tác giả

(Visited 212 times, 1 visits today)