Dự án Laptop 100 USD dành cho học sinh các nước thế giới thứ ba

Màn hình có độ phân giải cao, tiêu thụ năng lượng điện rất thấp, có khả năng hòa mạng thuận lợi: cho đến lúc này Laptop 100 USD vẫn đang ở giai đoạn dự án tuy nhiên đầy triển vọng. SPIEGEL ONLINE giới thiệu về loại máy tính học sinh từng gây nhiều tranh cãi này.

Alan Kay (người Mỹ) là “cụ tổ”  về computer, ông là người đầu tiên có ý tưởng sản xuất “Dynabook”,  một loại computer giành cho trẻ em, ngay từ những năm 1970. Mong muốn của ông là loại máy tính này phải đơn giản đến mức đứa trẻ lên sáu cũng có thể xử dụng được và thậm chí còn có thể tự tạo phần mềm. Tuy nhiên ý tưởng này vào thời điểm đó chưa thể thực hiện được.
Dưới sự lãnh đạo của Nicholas Negroponte, người đồng sáng lập MIT-Media-Lab, ý tưởng về một Dynabook đang trở nên hiện thực dưới dạng Laptop 100 USD trong khuôn khổ dự án One-Laptop-Per-Child-Projekts (OLPC).
Theo kế hoạch thông qua OLPC các nước đang phát triển sẽ có hàng triệu Laptop để hiện đại hóa nền giáo dục của mình. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại Laptop 100 USD vẫn còn đang ở giai đoạn tiếp tục phát triển để đi đến hoàn thiện. Giai đoạn sản xuất với số lượng lớn sẽ được thực hiện trong vòng dăm ba tháng nữa. Tham gia dự án này là các nhà công nghệ, các kỹ sư, các nhà lập trình và chuyên gia đồ họa trên khắp thế giới trong đó có kỹ sư phần mềm người Đức là Bert Freudenberg.

Kỹ sư phần mềm Bert Freudenberg giới thiệu về dự án Laptop 100 USD

Kỹ sư Freudenberg rất hồ hởi mỗi khi nói đến Laptop 100 USD: “Khi được tận dụng hết cỡ máy chỉ cần không quá 3 Watt, nghĩa là chỉ tương đương số năng lượng mà một Notebook bình thường cần có ở chế độ nghỉ (Standby)”.
Freudenberg giải thích tại sao loại Laptop này chỉ được có giá không quá 100 USD: “Mỗi học sinh ở các nước đang phát triển mỗi năm chi không quá 20 USD để mua sách giáo khoa. Tuổi thọ của OLPC dự tính là 5 năm. Để người ta chấp nhận mua máy thay thế cho sách giáo khoa thì máy không được có giá cao hơn số tiền mà các bậc cha mẹ bỏ ra để mua sách cho con cái trong vòng 5 năm”.
Cho đến thời điểm này giá thành một máy còn cao hơn nhiều so với chỉ tiêu phấn đấu. Theo tính toán hiện tại giá một computer vẫn  còn cao, khoảng 176 đôla một chiếc. Tuy nhiên khi sản xuất với số lượng lớn thì giá sẽ rẻ hơn. Theo ước tính trước mắt cần có khoảng 5 triệu chiếc. Hiện tại kỹ sư Freudenberg đang tiến hành khảo sát 2000 OLPC ở giai đoạn hai. Nhiều chiếc đã bị hư hỏng khi thử về khả năng chịu va đập và rơi. Freudenberg nói: “Trẻ em thường không cẩn thận vì thế loại laptop mà chúng xử dụng phải thuộc diện “nồi đồng cối đá”.
Từ những kết quả thu được của vòng khảo nghiệm thứ hai người ta tiến hành vòng khảo nghiệm thứ ba. Ở vòng này những chi tiết được sản xuất bằng nhựa, kể cả ăng-ten, tới đây sẽ thay thế bằng cao su để hạn chế vỡ, gẫy khi va đập hoặc rơi.


Nhà tài trợ Nicholas Negroponte và cựu tổng thư ký LHQ  Kofi Annan: Loại  Mini-Laptop sẽ giúp trẻ em bị thiệt thòi các nước thế giới thứ ba tiếp cận nhanh hơn với xã hội thông tin

Đối với màn hình của Laptop học sinh ông Freudenberg giải thích: “Người ta đã viết nhiều điều không đúng về Display. Màn hình này cỡ 1200 x 900 Pixeln và có độ phân giải là 200 chấm trên một  Zoll (dpi). Để so sánh: loại Notebook-tiêu chuẩn màn hình có độ phân giải cao ít khi cao hơn 110 đến 120 dpi.
Khác với màn hình máy tính thông thường, loại màn hình máy tính của học sinh, khi ngồi ngoài trời và bị ánh sáng trời chiếu trực tiếp người sử dụng vẫn có thể đọc dễ dàng. 
Vấn đề cung cấp năng lượng phù hợp với  điều kiện các nước đang phát triển cũng đã được giải quyết. Ở những máy thử nghiệm đầu tiên học sinh tự quay một trục quay để nạp điện vào bình ắc-quy, đây là một ý tưởng hay, nhưng trục quay này lại quá nhạy cảm, dễ bị gẫy, vỡ. Kỹ sư Freudenberg kể: “Khi ông Negroponte trình diễn chiếc máy đầu tiên với Tổng thư ký Liên hiệp quốc Kofi Annan, trục quay đã bị gẫy”.
Để khắc phục tình trạng này người ta đã thực hiện một giải pháp khác, thay thế cho quay trục học sinh chỉ cần kéo đi kéo lại  một sợi dây đấu với thiết bị kiểu Jojo và từ đó tạo ra năng lượng điện  để tích vào bình ắc- quy.
Kỹ sư  Freudenberg nói: “Chúng tôi đang phấn đấu để đạt tỷ lệ 1/10, nghĩa là kéo trong một phút thì đủ điện để hoạt động mười phút”. Cạnh đó còn có một trạm điện mặt trời. Trạm này đặt tại trường và mỗi lần có thể nạp điện cho mười Laptop cùng một lúc.
Việc nối mạng cũng được xử lý rất khôn ngoan. Ở loại Laptop thông thường ăng- ten W-Lan nằm gọn trong hộp máy nhưng ở máy tính OLPC ăng ten này có thể kéo ra vì thế ở điều kiện ngoài trời máy đạt tầm xa tới 2 km còn trong điều kiện thông thường, nơi có các công trình xây dựng, tầm xa đạt trên dưới 100 mét. Điều quan trọng là nhờ hệ thống – Mesh các Laptop có thể tự động kết nối với nhau khi chúng gần nhau. Chính nhờ đặc điểm này các học sinh có thể cùng chơi, cùng xử lý ảnh  hoặc cùng làm một bài tập với nhau.
Chính nhờ có Mesh nên các Laptop trong mạng có thể vào mạng Internet. Để làm được điều này chỉ cần nhà trường có một Server online.
Đối với phần mềm dự án này dựa vào Open Source, nghĩa là các chương trình mà bất kỳ ai cũng có thể xử dụng và biến cải được. Thí dụ Webbrowser của Laptop dựa trên cơ sở Firefox và chương trình soạn thảo văn bản Abiword. Các em học sinh cũng sẽ rất hứng thú với chương trình âm nhạc “TamTam”.
Bản thân Freudenberg thì đặc biệt tâm đắc với  Etoys, một phần mềm mà qua đó các em học sinh có thể kết nối các phương tiện khác nhau thành một khối. Nhờ đó các em học sinh thậm chí có thể tự dựng nên những tiểu phẩm hoạt hình ngắn. Xét cho cùng với phần mềm Etoys các em học sinh có thể tự biến cải phần mềm điều mà Alan Kays đã đặt thành yêu cầu đối với  Dynabook của ông.
Freudenberg nhận xét với chương trình này: “Các em học sinh lập trình mà không biết mình đang lập trình”.

Nguyễn Xuân Hoài (Spiegel 6.2007)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)