Dự báo dân số thế giới sẽ có khoảng 8.8 tỉ người vào năm 2100

Dân số thế giới có thể tiếp tục tăng đến năm 2064 rồi sau đó sẽ chững lại và có sự thay đổi mạnh về cấu trúc dân cư toàn cầu, theo mô hình tính toán của một công bố mới trên tạp chí Lancet.

Richard Horton, tổng biên tập tạp chí The Lancet nói “Sẽ có một cuộc cách mạng trong lịch sử văn minh nhân loại trong thế kỷ 21” để bình luận về một nghiên cứu của các nhà khoa học ở ĐH Washington, Seattle, Mỹ đăng trên Lancet mới đây. Nhóm nghiên cứu đã đưa ra một dự báo mới về sự phát triển của dân số thế giới: đến năm 2100 trên trái đất sẽ có khoảng 8,8 tỷ người. 

Đây là một dự báo đầy bất ngờ bởi lẽ con số này ít hơn gần 2 tỷ người so với dự báo của Liên Hiệp Quốc mới thông báo hồi năm ngoái. Các nhà nghiên cứu ở Viện đo lường và đánh giá Sức khỏe IHME ở ĐH Washington dự đoán, đến khoảng năm 2064 dân số thế giới sẽ lên đến đỉnh điểm, đạt khoảng 9,7 tỷ người, sau đó bắt đầu đi xuống.

Già hóa dân số 

Tuy nhiên điều mà Horton quan tâm nhiều hơn là những xê dịch tương đối mà các nhà nghiên cứu ở ĐH Washington đã dự đoán. Tại 23 quốc gia, chủ yếu ở Châu Âu và Châu Á, dân số sẽ giảm hơn một nửa so với hiện tại. Richard Horton rút ra từ các dữ liệu của bài báo: “Châu Phi và Thế giới Ả Rập sẽ định hình tương lai của chúng ta, trong khi đó tầm ảnh hưởng của Châu Âu và Châu Á sẽ giảm. Đến cuối thế kỷ chúng ta sẽ chứng kiến một thế giới đa cực, trong đó Ấn độ, Nigeria, Trung quốc và Hoa Kỳ sẽ là thống trị”.

Trong nghiên cứu của mình các nhà khoa học tiên đoán tỷ lệ sinh đẻ toàn cầu giảm từ  2,37 trẻ trên một phụ nữ (2017) xuống 1,66 vào cuối thế kỷ. Tại 183 quốc gia tỷ lệ sinh đẻ giảm đến mức ảnh hưởng đến năng lực kinh tế, do đó muốn duy trì được nền kinh tế cần có dân nhập cư. Các nhà nghiên cứu dự báo thậm chí ngay cả ở Trung Quốc dân số cũng sụt giảm mạnh  – từ 1,4 tỷ dân năm 2017 chỉ còn  732 triệu vào năm 2100.

Đồng thời các nhà nghiên cứu còn thấy sẽ có sự thay đổi rõ rệt về cấu trúc nhân khẩu học của nhân loại. Trong năm 2100 thế giới có 2,37 tỷ người trên 65 tuổi và chỉ có 1,7 tỷ dưới tuổi 20. Theo các nhà nghiên cứu sự thay đổi này tác động mạnh mẽ đến trật tự kinh tế toàn cầu.

Theo tính toán của các nhà nghiên cứu thì Đức, Pháp và Anh quốc vẫn ở trong số mười nền kinh tế mạnh nhất thế giới. Còn tình cảnh có vẻ ảm đạm với Italia và Tây Ban Nha: nghiên cứu dự báo đến năm 2100 dân số hai nước này sẽ giảm khoảng một nửa. Điều này đánh tụt bảng xếp hạng về năng lực kinh tế của hai nước này từ thứ hạng 9 và 13 đến cuối thế kỷ này tụt xuống hạng 25 và 28.

Giáo sư Wolfgang Lutz, giám đốc Trung tâm Wittgenstein về nhân khẩu học và nguồn nhân lực toàn cầu (Centre for Demography and Global Human Capital) ở Vienna nhất trí với dự báo của các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ về phát triển dân số toàn cầu. “Kết quả này về cơ bản trùng hợp với dự báo của cơ quan chúng tôi, chúng tôi cũng đã công bố điều này từ năm 2018”, giáo sư Lutz nói. “Chúng tôi dự báo đỉnh của dân số thế giới sẽ rơi vào trong khoảng thời gian từ năm 2060 đến 2070 với số dân cũng là 9,7 tỷ và giảm xuống chỉ còn  9,2 tỷ vào năm 2100”. Hiện tại chỉ còn dự báo của Liên Hiệp Quốc là vẫn trước sau không thay đổi – không dự báo về một bước ngoặt dân số.

Nhưng tại sao đối với một vấn đề then chốt như vậy mà lại có sự đánh giá khác nhau? Giáo sư Lutz đưa ra lý giải: “Trong tính toán của mình Liên Hợp Quốc chỉ chú ý đến độ tuổi và giới tính. Trong khi chúng tôi phân chia người dân theo năm bậc học vấn khác nhau”.
Các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ cũng đưa yếu tố giáo dục vào nghiên cứu đăng trên Lancet này. “Tuy nhiên họ chỉ coi trình độ học vấn là yếu tố liên quan đến tỷ lệ sinh đẻ và tỷ lệ tử vong“, giáo sư Lutz giải thích. Như vậy có nghĩa là, bằng tính toán mô hình của mình, các nhà nghiên cứu ở ĐH Washington chỉ dự báo về sự phát triển dân số và cấu trúc về tuổi tác, họ không đề cập tới sự phân bổ về giáo dục trong tương lai.

Vai trò của người nhập cư 

Giáo sư Lutz cho rằng “Cấu trúc dân số về tuổi tác cũng như số dân không phải là yếu tố quyết định đối với năng lực kinh tế của một quốc gia, mà chất lượng của dân số”. Ông lấy Nigeria làm ví dụ, nước này cũng được đề cập trong nghiên cứu này. “Nigeria hiện nay đã có dân số nhiều hơn Đức tuy nhiên vai trò của Nigeria trong nền kinh tế thế giới lại nhỏ bé hơn rất nhiều”. Vấn đề không phải là số dân mà mà trình độ học vấn.

Lutz cũng phê phán giả định được nêu trong nghiên cứu của ĐH Washington, về ý kiến cho rằng chỉ những người ở độ tuổi từ 20 đến 65 là có đóng góp tích cực cho xã hội và sau đó là gánh nặng: “Đánh giá chung chung như vậy là không đúng. Ngày nay sức khỏe của con người bền bỉ hơn, năng lực làm việc cũng lâu dài hơn”. Ngay cả khi dân số ít, nhưng những nước như nước Đức có thể khắc phục thách thức về nhân khẩu học, khi trình độ học vấn đạt được một mức độ nhất định. Giáo sư Lutz cho rằng “với số dân ít hơn, nhưng biết phát huy khả năng trí tuệ nhân tạo và xử dụng người máy người ta thậm chí còn có thể tránh được tình trạng thất nhiệp đại trà”.

Các nhà khoa học khác thừa nhận về sự cần thiết đối với vấn đề nhập cư như đã được các tác giả đề cập trong nghiên cứu đăng trên Lancet. Giáo sư Ibrahim Abubakar, ở University College London nhận xét: “Vấn đề này có ý nghĩa quyết định đến sự thịnh vượng. Nhập cư giúp giải quyết việc thiếu hụt dân số trong độ tuổi lao động. Ở đây cần xem xét lại chính sách toàn cầu đối với vấn đề này”.

Giáo sư Lutz cũng không loại trừ những nước như nước Đức sẽ được hưởng lợi do nhập cư trong tương lai. Song ở đây yếu tố học vấn cũng có ý nghĩa quyết định. Những người trình độ học vấn thấp nhiều khi lại trở thành gánh nặng đối với xã hội. Ngược lại một xã hôi mà dân số đang có xu hướng sụt giảm sẽ được hưởng lợi khi được bổ sung lực lượng nhập cư có trình độ chuyên môn cao. Có thể lấy Canada là một ví dụ điển hình – Canada tuyển mộ người nhập cư theo các tiêu chuẩn như trên.

Xuân Hoài lược dịch

Nguồn bài và ảnh: https://www.welt.de/wissenschaft/plus211624261/Weltbevoelkerung-Neue-Prognose-Afrika-und-die-arabische-Welt-werden-Zukunft-praegen.html

 

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)