Dữ liệu lũ lụt 500 năm trước cho thấy biến đổi khí hậu và sông ngòi ở châu Âu

Mới đây, GS. Günter Blöschl, chuyên gia về lũ ở Đại học Công nghệ Viena (TU Wien), Vienna, Áo đã thực hiện một nghiên cứu lớn với sự tham gia 34 nhóm nghiên cứu quốc tế đã cung cấp bằng chứng rõ ràng, ba thập kỷ vừa qua là một trong những giai đoạn châu Âu gặp nhiều lũ lụt nhất trong vòng 500 năm trở lại đây, và lũ lụt ở giai đoạn này cũng khác so với những giai đoạn khác về quy mô, nhiệt độ không khí và thời gian diễn ra.

Lũ lụt ở thành Vienna năm 1830. Nguồn: TU Wien

Lũ từ các dòng sông có thể gây ra các vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Trên toàn thế giới, thiệt hại hằng năm do các trận lũ sông gây ước tính hơn 100 tỷ USD – và vẫn tiếp tục gia tăng. Cho đến nay, từ góc nhìn dài hạn, người ta vẫn chưa rõ liệu châu Âu có đang trong thời kỳ nhiều lũ lụt hay không. Theo kết quả nghiên cứu đăng trên Nature, so với trước đây, các trận lũ lụt hiện nay thường có quy mô lớn hơn, thời điểm xảy ra lũ thay đổi, đồng thời mối quan hệ giữa các trận lũ và nhiệt độ không khí cũng bị đảo ngược. Trong quá khứ, lũ lụt có xu hướng diễn ra thường xuyên hơn trong những giai đoạn thời tiết lạnh, còn hiện nay, sự nóng lên toàn cầu lại là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng các trận lũ.

“Từ những nghiên cứu trước đây của mình, chúng tôi đã biết biến đổi khí hậu tác động đến các trận lụt ở châu Âu trong 50 năm qua như thế nào”, Alberto Viglione từ Đại học Politecnico di Torino, một trong những tác giả chính của công bố, cho biết. “Tuy nhiên, để đưa ra được dự báo cho các thập kỷ tới thì việc hiểu rằng liệu đây là một tình huống hoàn toàn mới hay chỉ là sự lặp lại của những gì đã diễn ra là yếu tố quan trọng. Cho đến nay, các dữ liệu sẵn có vẫn chưa đủ để xác định đây có phải là trường hợp mới hay không. Bởi vậy, chúng tôi đã kiểm nghiệm câu hỏi này một cách chi tiết và hiện có thể khẳng định: các đặc điểm lũ lụt trong những thập kỷ gần đây không giống với các đặc điểm trong những thế kỷ trước”.

Các nhà khoa học đã phân tích hàng chục ngàn tài liệu lịch sử gồm các báo cáo lũ lụt đương đại từ giai đoạn 1500 đến 2016. Nhóm nghiên cứu TU Wien đã làm việc với các nhà sử học trên toàn châu Âu. “Điều đặc biệt khó khăn trong nghiên cứu này là phải so sánh các văn bản rất khác nhau đến từ các thế kỷ và vùng miền văn hóa khác nhau”, Andrea Kiss của TU Wien, nhà nghiên cứu và nhà sử học, một trong những tác giả chính của công bố, giải thích. “Chúng tôi đã làm được điều này bằng cách đặt tất cả các văn bản vào bối cảnh lịch sử tương ứng của chúng một cách cẩn trọng đến từng chi tiết”.

Các phân tích dữ liệu đã xác định được 9 giai đoạn hay xảy ra lũ cũng như các khu vực có liên quan. Trong số đó, các giai đoạn đáng chú ý nhất bao gồm: năm 1560-1580 (tây và trung Âu), 1760-1800 (hầu hết châu Âu), 1840-1870 (tây và nam Âu) và 1990-2016 (tây và trung Âu). Các nhà nghiên cứu cũng tái hiện nhiệt độ không khí trong quá khứ và so sánh với hiện nay, họ nhận thấy các giai đoạn lũ lụt trong lịch sử nhìn chung mát hơn so với các giai đoạn xen giữa. “Phát hiện này dường như trái ngược với các quan sát ở một số vùng như phía tây bắc châu Âu, khí hậu ấm áp gần đây có liên quan đến các trận lũ lớn”, Günter Blöschl nói. “Nghiên cứu của chúng tôi đã lần đầu tiên cho thấy sự thay đổi của các cơ chế nền tảng: trước đây, các trận lũ lụt diễn ra thường xuyên hơn trong điều kiện thời tiết lạnh, còn bây giờ thì ngược lại. Các điều kiện thủy văn hiện nay rất khác so với các điều kiện trong quá khứ”.

Thời điểm diễn ra lũ lụt trong năm cũng đã thay đổi. Trong quá khứ, 41% các trận lụt Trung Âu diễn ra vào mùa hè, trong khi hiện nay là tỉ lệ này 55%. Sự dịch chuyển trên có liên quan đến sự thay đổi về lượng mưa, sự bốc hơi và tuyết tan, đồng thời là một chỉ số quan trọng để phân biệt vai trò của biến đổi khí hậu với các yếu tố tác động khác như chặt phá rừng hay quản lý sông.

Có được các phát hiện này là nhờ một cơ sở dữ liệu mới do các tác giả nghiên cứu biên soạn, trong đó có thời gian chính xác của hầu hết các sự kiện lũ lụt được báo cáo thông qua các văn bản. Trước đây, người ta thường phải dựa vào các nguồn thông tin khác ít chính xác hơn, ví dụ như trầm tích hồ. Đây là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới đánh giá các giai đoạn lũ trong lịch sử trên toàn bộ lục địa một cách chi tiết như vậy.

Dữ liệu tốt hơn – dự báo tốt hơn

Do sự thay đổi trong cơ chế tạo ra lũ, Günter Blöschl ủng hộ việc sử dụng các công cụ đánh giá nguy cơ lũ lụt để nắm bắt được các quy trình vật lý liên quan, cùng các chiến lược quản lý có thể kết hợp với những thay đổi gần đây về nguy cơ. “Bất kể những nỗ lực cần thiết để giảm thiểu biến đổi khí hậu, chúng ta vẫn sẽ thấy những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong các thập kỷ tới”, Blöschl nói. “Việc quản lý lũ lụt phải thích ứng được với thực tế mới này”.

Mỹ Hạnh dịch

Nguồn: https://phys.org/news/2020-07-years-rivers-climate-europe.html

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)