Đưa công nghệ hạt nhân thành một động lực kinh tế xã hội

Vừa qua, Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia đã họp bàn về bản dự thảo "Kế hoạch tổng thể của Chính phủ thực hiện chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020" do Bộ Khoa học và Công nghệ biên soạn.

Mục tiêu chung của Kế hoạch tổng thể là phát triển tiềm lực công nghệ hạt nhân đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, từng bước phát triển ngành công nghiệp công nghệ hạt nhân trên cả hai lĩnh vực điện hạt nhân và ứng dụng kỹ thuật hạt nhân để phát triển kinh tế.
Dự kiến việc thực hiện kế hoạch tổng thể này sẽ chia làm 3 giai đoạn. Từ nay đến 2010, sẽ xây dựng Trung tâm quốc gia về y học hạt nhân và xạ trị; hoàn thành việc phê duyệt báo cáo đầu tư dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, hoàn thành cơ bản việc thăm dò, dánh giá trữ lượng tài nguyên uran trong khu vực có triển vọng; phê duyệt và triển khai chương trình đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân quốc gia; quy hoạch hệ thống ngành năng lượng nguyên tử, ban hành Luật Năng lượng nguyên tử và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cơ bản cho hoạt động ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ.
Đến năm 2015, dự kiến sẽ hoàn thành Trung tâm quốc gia về y học hạt nhân, sản xuất và cung cấp 80% nhu cầu về đồng vị, dược chất phóng xạ trên lò phản ứng; triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, các doanh nghiệp trong nước tham gia ít nhất 20% khối lượng đầu tư, vận tải và xây lắp nhà máy; hoàn thành việc phê duyệt báo cáo đầu tư dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ hai.
Bản dự thảo Kế hoạch tổng thể đặt mục tiêu nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam sẽ đi vào hoạt động vào năm 2020. Đến thời điểm này, mạng lưới cơ sở y học hạt nhân và xạ trị trong cả nước gồm Trung tâm quốc gia và 10 trung tâm khu vực sẽ đảm bảo đáp ứng 100% nhu cầu trong nước về chẩn đoán và điều trị bằng kỹ thuật y học hạt nhân và xạ trị. Khi đó sẽ đạt mục tiêu đào tạo 500 cán bộ khoa học và công nghệ hạt nhân, trong đó có 100 chuyên gia có trình độ quốc tế.

Các đề án triển khai
Theo dự thảo Kế hoạch tổng thể, điện hạt nhân sẽ là lĩnh vực do Nhà nước đầu tư và quản lý. Việc xây dựng nhà máy sẽ thực hiện theo phương thức chìa khoá trao tay với đối tác nước ngoài để đảm bảo an toàn. Kinh phí xây dựng nhà máy, sẽ vay vốn tín dụng xuất khẩu của nước cung cấp nhà máy (khoảng 70 – 75% tổng trị giá nhà máy), phần còn lại Nhà nước sẽ huy động vốn trong nước. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân sẽ do nhà nước chịu trách nhiệm, cũng có thể đầu tư từ vốn vay ODA. Nội dung cụ thể đề án “Phát triển điện hạt nhân” sẽ do Bộ Công nghiệp chủ trì.
Khác với đầu tư cho nhà máy điện hạt nhân, việc đầu tư trong lĩnh vực ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ sẽ được xã hội hóa. Nhà nước chỉ ưu tiên đầu tư xây dựng tiềm lực về nghiên cứu và triển khai để chuyển giao công nghệ ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ. Các đề án cụ thể về ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong y tế, địa chất, khoáng sản, công nghệ sinh học, thủy sản, công nghệ phục vụ phát triển kinh tế sẽ do các bộ Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ chủ trì.
Để phát triển nguồn nhân lực thực hiện Kế hoạch tổng thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chủ trì đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho chương trình năng lượng nguyên tử”. Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chủ trì đề án “Đẩy mạnh nghiên cứu  khoa học và phát triển công nghệ về năng lượng nguyên tử, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nghiên cứu triển khai và hỗ trợ kỹ thuật, đảm bảo an toàn, an ninh phục vụ phát triển ứng dụng bức xạ và điện hạt nhân đến năm 2020” và đề án “Hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý và hệ thống pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”.

“Ai có thể duyệt những bản vẽ thiết kế của dự án điện hạt nhân?”
Về bản Kế hoạch tổng thể này, GS Phạm Duy Hiển cho rằng phải có cách tiếp cận theo cơ chế thị trường về năng lượng nguyên tử. Nhà nước chỉ nên hoạch định chương trình phát triển năng lượng nguyên tử như những định hướng, không nên làm thay thị trường. Nhà nước chỉ nên nhận lấy trách nhiệm về các mặt đầu tư cho đội ngũ chuyên gia, xây dựng hạ tầng cơ sở luật pháp về an ninh hạt nhân và thực hiện các cam kết quốc tế.
“Việc xây dựng lò phản ứng nghiên cứu mới cũng vậy. Không thể bỏ ra hàng trăm triệu USD mà lại thiếu luận chứng thuyết phục. Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã tiến hành một số đề tài với kinh phí hàng trăm triệu để nghiên cứu vấn đề này, nhưng chưa đề tài nào lý giải tại sao phải có một lò phản ứng mới”.
“Một lò phản ứng mới công suất trên 10MW chắc chắn rất cần, chẳng những cho ngành hạt nhân, mà còn cho nhiều ngành khoa học khác. Nhưng cần đến mức nào, có nhất thiết phải xây hay không là điều còn phải tiếp tục bàn luận”.
“Đào tạo cán bộ và chuyên gia là một thí dụ. Viện Năng lượng nguyên tử liên tục tổ chức hội thảo, mời chuyên gia nước ngoài, triển lãm và tham quan về điện hạt nhân, nhưng số người có trình độ ngày càng vơi đi. Vài hôm nữa, một công ty nước ngoài nào đó mang đến chào hàng một dự án nhà máy điện hạt nhân, ai sẽ duyệt hàng đống bản vẽ thiết kế đó?” – GS Phạm Duy Hiển phát biểu.
GS Nguyễn Viễn Thọ thì cho rằng: “Mục tiêu của dự thảo Kế hoạch tổng thể còn chung chung, chưa rõ ràng. Có hai hướng phát triển điện hạt nhân, một hướng là cố gắng làm chủ công nghệ hạt nhân, hướng kia là nhập khẩu, khai thác  ứng dụng. Nếu theo hướng thứ nhất thì Nhà nước mới nên tập trung nguồn lực quốc gia để đầu tư”. GS Thọ nhận xét thêm: “Bản dự thảo Kế hoạch tổng thể có vẻ dao động giữa hai hướng, song có thiên về nhập khẩu”.

Điện hạt nhân phải nằm trong chiến lược tổng thể về năng lượng
Phần lớn các ý kiến đóng góp cho dự thảo Kế hoạch tổng thể đều cho rằng nên tách các mục tiêu về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân khỏi Kế hoạch tổng thể. GS Nguyễn Văn Hiệu cho rằng: “Tốt nhất bản Kế hoạch tổng thể chỉ nên tập trung vào năng lượng hạt nhân. Trong việc xây dựng cơ sở sản xuất đồng vị phóng xạ trên máy gia tốc, cũng không nên đặt mục tiêu đáp ứng 100% nhu cầu trong nước, mà chỉ nên sản xuất đồng vị phóng xạ ngắn ngày là thứ Việt Nam không thể nhập khẩu được (do phân rã nhanh)”.
GS Đỗ Huy Định đề xuất việc phải xây dựng chiến lược tổng thể quốc gia về năng lượng. Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo, năng lượng sinh học. Nếu xây dựng nhà máy điện hạt nhân thì phải căn cứ theo chiến lược tổng thể về năng lượng này. Tuy nhiên, là người không ủng hộ xây dựng nhà máy điện hạt nhân, GS Đỗ Huy Định cho rằng: “Nếu sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng, Việt Nam không cần xây dựng nhà máy điện hạt nhân”.
Nếu xây dựng nhà máy điện hạt nhân thì nhất thiết phải có đầy đủ thông tin và minh bạch. GS Phạm Duy Hiển kể: “Thời trước, tôi thường đại diện cho Việt Nam dự các hội nghị khối SEV về năng lượng nguyên tử, cuộc nào cũng thấy ca ngợi điện hạt nhân của Liên Xô rất an toàn và ưu việt. Cho nên khi lò phản ứng nổ, chất phóng xạ bay xa đến giữa Đại Tây Dương và Nhật bản, các nước Tây Âu làm ầm lên, mà Gorbachev vẫn không hay biết gì, đám sinh viên Việt Nam vẫn rủ nhau đi tắm trên biển Kiev”. Vì thế phải tránh cách đưa thông tin thiếu chuẩn xác, thiên lệch, dễ tạo nên ngộ nhận cho lãnh đạo. Những thông tin về điện hạt nhân một chiều, sẽ gây ra chủ quan trong nhân dân và lãnh đạo. Không thể “xây dựng chiến lược về điện hạt nhân của một đất nước mà lại trích dẫn ngay trên trang nhất dự báo của một nhóm nghiên cứu ở trường đại học MIT, xem đó là luận cứ”.
“Hoan nghênh quyết tâm của Nhà nước có điện hạt nhân trước năm 2020”, song GS Phạm Duy Hiển cũng nhấn mạnh: “Nhất thiết không bám giữ tiến độ 2020, nếu điều kiện chưa cho phép. Từ nhiều năm nay, một số công ty nước ngoài thi nhau “ve vãn” ta về điện hạt nhân. Không được để cho họ gây sức ép. Phải triệt để chống tham nhũng và hối lộ trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Nếu không, hậu quả sẽ khôn lường, như bài học ở Philippines. Cần đề cao tính minh bạch đối với công chúng, giới chuyên môn và quản lý trong việc phát triển điện hạt nhân. Ngay bản thân tôi cũng không hề được biết bản Dự án tiền khả thi xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên do Bộ Công nghiệp soạn trình Chính phủ, mặc dù trong đó có đoạn nói rằng Bản Dự án đã được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong giới chuyên môn. Tôi cũng được biết rằng rất nhiều chuyên gia lâu năm trong và ngoài ngành hạt nhân cũng không biết gì về nội dung bản Dự án này. Điện hạt nhân là vấn đề rất phức tạp, do đó cố tình không để ý và nghe những ý kiến phản biện là mở đầu cho cả quá trình thiếu minh bạch rất nguy hiểm trong tương lai”.

Chú thích ảnh: Một số công ty nước ngoài thi nhau “ve vãn” ta về điện hạt nhân

Việt Anh

Tác giả