Đứng cạnh những tên tuổi lớn

Việc được bầu vào Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học Mỹ là điều đáng tự hào cho GS. Đàm Thanh Sơn, bởi đây là tổ chức tập hợp những nhà khoa học và trí thức hàng đầu của thế giới, với hơn 250 người từng đoạt giải Nobel, và hơn 60 người từng đoạt giải Pulitzer. 

Đây cũng là một trong những tổ chức học thuật lâu đời nhất của Mỹ, được thành lập vào ngày 4/5/1780 khi quốc gia non trẻ này còn chưa chính thức ra đời. Trong lúc cuộc chiến giành độc lập của Mỹ vẫn đang diễn ra và Hiến pháp Mỹ còn chưa được soạn thảo, các nhà sáng lập, John Adams và James Bowdoin đã nhìn xa vào tương lai, thấy trước sự phát triển của đất nước sẽ cần đến vai trò trọng yếu của tri thức. Bởi vậy, từ khi thành lập đến nay Viện luôn là nơi tập hợp những bộ óc xuất sắc nhất như Albert Einstein, Niels Bohr, Alexander Graham Bell, Stephen Hawking, v.v. Đó là các nhà khoa học làm lý thuyết và cả những người ứng dụng công nghệ để giải quyết những vấn đề trọng yếu đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội và cộng đồng. Tuy nhiên, các thành viên của Viện không chỉ là các nhà khoa học, mà cả những người kiệt xuất trong các lĩnh vực khác, như George Washington, Alexander Hamilton, John Stuart Mill, Woodrow Wilson, Martin Luther King, Jawaharlal Nehru, v.v.

Trong số 204 thành viên mới của Viện năm 2014, GS. Đàm Thanh Sơn đứng cùng những tên tuổi xuất sắc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên như nhà thiên văn Neta A. Bahcall, người kết hợp dữ liệu quan sát được từ những cuộc khảo sát quy mô lớn để xác định cấu trúc của vũ trụ; Jerry F. Franklin, nhà sinh thái và bảo tồn rừng hàng đầu thế giới; Tamás F. Freund, người phát hiện ra kênh liên lạc phân tử mới trong tế bào thần kinh; Dan Shechtman, người đoạt giải Nobel Hóa học 2011; Anthony Zee, nhà lý thuyết lượng tử hàng đầu thế giới; Stephen Quake, người có những nghiên cứu hướng tới cải thiện kỹ thuật đo lường sinh học, v.v. Bên cạnh đó là các nhà khoa học xã hội như George W. Breslauer, cựu hiệu trưởng Đại học Berkeley, nhà nghiên cứu về Soviet và hậu-Soviet; Raj Chetty, nhà kinh tế học trẻ tuổi được trích dẫn nhiều nhất hiện nay; Michael Greenstone, cựu kinh tế trưởng trong Hội đồng Tư vấn Kinh tế của Tổng thống Obama; Deborah Loewenberg Ball, nhà nghiên cứu giáo dục hàng đầu (tập trung vào giáo dục toán học). Trong số các nhà nghiên cứu nhân văn và nghệ sỹ phải kể đến Jules Feiffer và Annie Proulx, những người từng đoạt giải Pulitzer; họa sỹ Chris Burden; triết gia John B. Cobb; nhà thơ Linda Gregerson; diễn viên Al Pacino. Ngoài ra là các nhà báo, chính trị gia, doanh nhân có những đóng góp xuất sắc như William Kling, Sherry Lansing, John W. Rogers, Jr., Jerry I. Speyer, v.v.

Việc GS. Đàm Thanh Sơn tiếp bước GS. Ngô Bảo Châu1 trở thành viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Nghệ thuật và Khoa học Mỹ và sánh vai cùng những tên tuổi trí thức lừng danh của thế giới là một tin vui, tuy nhiên đây không phải là điều bất ngờ, mà là “hệ quả tất yếu cho những thành tựu nghiên cứu” của ông, như nhận xét của TS. Giáp Văn Dương. Trong đó, thành tựu nổi bật nhất mà GS. Đàm Thanh Sơn và các cộng sự (nhóm KSS) đạt được, theo TS. Giáp Văn Dương, là xây dựng “lý thuyết về độ nhớt của các hệ lượng tử tương tác mạnh, chẳng hạn các lỗ đen, các hệ khí Fermi suy biến hoặc chính vũ trụ ở thuở sơ khai”, một công trình đã xâu chuỗi một loạt các lĩnh vực khác nhau của vật lý, như thủy động lực học, thiên văn học, vật lý hạt, vật lý chất rắn và siêu dẫn, lý thuyết dây…, những lĩnh vực tưởng chừng chẳng có chút liên hệ gì với nhau, qua đó mở ra nhiều lĩnh vực nghiên cứu mới có tính liên ngành. “Nếu đặt trong một kỳ vọng lớn hơn của giới vật lý về việc tìm ra một lý thuyết thống nhất các lý thuyết hiện có, thì nghiên cứu này lại càng có ý nghĩa”, TS. Giáp Văn Dương nhận định.

Thanh Xuân tổng hợp

Nguồn tham khảo:
https://www.amacad.org/
http://www.giapvan.info/




1 Năm 2012, GS. Ngô Bảo Châu cũng vinh dự được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học Nghệ thuật và Khoa học Mỹ

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)